Nam Phi bãi bỏ tình trạng thảm họa trên toàn quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, tối 4/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bãi bỏ tình trạng thảm họa trên toàn quốc kể từ 0h ngày 5/4, sau hơn 2 năm tình trạng này được ban bố và áp dụng nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước Quốc hội nước này tại Cape Town, ngày 10/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp, Tổng thống Ramaphosa cho biết việc ban bố tình trạng thảm họa vào tháng 3/2020 và các quy định phong tỏa, giãn cách xã hội đi kèm là hết sức cần thiết để phòng, chống sự lây lan của đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Ramaphosa cũng nhấn mạnh những quy định này “là tạm thời và có thời hạn” và chỉ nên được duy trì khi cần thiết. Theo ông, việc số ca mắc COVID-19 mới và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây, cùng với việc số giường bệnh có sẵn đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, các cơ sở y tế công của Nam Phi sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường. Ông tuyên bố: “Những điều kiện hiện nay không còn đòi hỏi chúng ta phải ở trong tình trạng thảm họa trên toàn quốc thêm nữa”.
Binh sĩ Nam Phi tuần tra tại một tuyến phố ở Cape Town, Nam Phi khi chính quyền thành phố này áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ứng phó với dịch COVID-19, ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Ramaphosa cũng lưu ý người dân dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nên một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian chuyển tiếp sẽ được duy trì trong 30 ngày trước khi tự động mất hiệu lực.
Sau hơn 2 năm, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 3.667.560 trường hợp mắc COVID-19 và 100.052 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Cho đến nay, ước tính có hơn 33 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng tiêm cho người dân trên toàn quốc.
Nam Phi khai trương cơ sở sản xuất vaccine ngừa COVID-19 thế hệ mới
Ngày 19/1, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và tỷ phú công nghệ y tế gốc Nam Phi Patrick Soon-Shiong, đã khai trương cơ sở sản xuất vaccine thế hệ thứ 2 tại nước này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho người dân tại Durban, Nam Phi, ngày 24/9/2021. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN
Đây được coi là bước tiến trong kế hoạch hỗ trợ chương trình phòng, chống dịch COVID-19 cho toàn bộ châu Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, cơ sở NantSA nằm ở thị trấn Brackenfell thuộc tỉnh Western Cape, cách thành phố Cape Town 30km, sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai. Phát biểu tại lễ khởi động, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh việc khai trương cơ sở này sẽ giúp châu Phi không còn phải xếp vị trí cuối khi tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19.
Ông Ramaphosa cũng cho biết các sáng kiến, trong đó có Nền tảng vật tư y tế châu Phi, được khởi động trước đó đã đi vào hoạt động nhằm đảm bảo tất cả các nước châu Phi có thể đảm bảo nguồn cung và giá cả phải chăng để ứng phó với đại dịch.
Cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa và tỷ phú Soon-Shiong cũng khởi động Liên minh thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nâng cao của châu Phi nhằm thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp trị liệu sáng tạo và đảm bảo châu lục này có được sự chuẩn bị tốt cho các đại dịch trong tương lai.
Liên minh đặt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2025 và phát triển các phương pháp điều trị các bệnh, trong đó có ung thư, COVID-19, lao và AIDS.
Nam Phi cân nhắc khả năng tiêm vaccine bắt buộc trong bối cảnh số ca nhiễm tăng Tối 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định sẽ chưa thắt chặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 vì sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron, nhưng chính phủ nước này đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng bắt buộc tiêm vaccine. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại...