Nậm Nghẹp – đến và mang về nỗi nhớ
Hòa chung dòng người về “miền quê cổ tích”- xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tham gia các hoạt động của Ngày hội Hoa sơn tra, tôi cũng như bao du khách háo hức tham gia tour trải nghiệm về Nậm Nghẹp ngắm hoa sơn tra.
Cung đường dài hơn 10 km từ trung tâm xã Ngọc Chiến lên bản vùng cao Nậm Nghẹp chủ yếu vẫn là đường đất, quanh co, dốc đứng, bụi mù, nhưng không ngăn nổi những đoàn du khách tấp nập lên trải nghiệm.
Càng ngược dốc, càng đến gần Nậm Nghẹp, chúng tôi càng ấn tượng trước vẻ đẹp của dốc núi, triền đồi sơn tra đang bung nở, mời gọi đầy quyến rũ.
Hoa sơn tra nở trắng khắp bản làng.
Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết Nguyên đán, khi những cây mận, cây đào đón đậu những quả non, là đến mùa hoa sơn tra khoe sắc. Những cây sơn tra thân sù xì, cao lúp xúp nóc nhà phủ trắng hoa, không khác gì những cây bông khổng lồ.
Ở Nậm Nghẹp, những cây sơn tra mọc tập trung, nên khi bung nở đồng loạt, chỗ thì giống như dải lụa trắng mềm mại, có chỗ không khác gì tấm thảm trắng khổng lồ ôm trọn bản, góc núi, sườn đồi.
Sắc trắng hoa sơn tra ở Nậm Nghẹp.
Nhìn từ xa, những cây sơn tra nở trắng giống như hoa mơ, hoa mận, nhưng đến gần, những cánh hoa sơn tra có vẻ đẹp cứng cáp, không mỏng manh như cánh hoa mơ, hoa mận. Có lẽ vì vậy, hoa sơn tra mạnh mẽ sức sống giữa núi đồi, mặc giá rét, sương sa, vẫn chắt chiu mật ngọt nuôi những chùm quả sai trĩu, mang ấm no về cho người dân miền sơn cước.
Tinh khôi hoa sơn tra trong ánh nắng sớm.
Mùa hoa sơn tra nở cũng là thời điểm Nậm Nghẹp đón nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, bản Nậm Nghẹp là nơi có khí hậu mát mẻ nhất của huyện Mường La, trước kia, cây sơn tra mọc tự nhiên, nhưng giờ đây, loài cây này không chỉ mang lại nguồn thu từ quả, mà nét độc đáo của mùa hoa còn mang lại giá trị kinh tế từ phát triển du lịch cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông đã bao đời gắn bó với miền quê này.
Đông đảo nhân dân và du khách tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại bản Nậm Nghẹp.
Trong khuôn khổ Ngày hội Hoa sơn tra huyện Mường La năm 2023, lần đầu tiên được tổ chức tại xã Ngọc Chiến, hoạt động trải nghiệm ngắm hoa sơn tra tại bản Nậm Nghẹp thu hút đông đảo du khách tham gia. Đến Nậm Nghẹp, không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, ngắm những bông hoa sơn tra trắng muốt tinh khôi, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc, như: Đẩy gậy, tu lu, giã bánh dày, chọi dê… đem lại cho du khách những cung bậc cảm xúc đặc biệt.
Video đang HOT
Đông đảo nhân dân và du khách theo dõi thi chọi dê.
Biết đến vẻ đẹp của hoa sơn tra ở Nậm Nghẹp qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Lê Thị Phương, tỉnh Hà Tĩnh cùng bạn bè, quyết định lên khám phá, trải nghiệm và rất ấn tượng với cảnh sắc mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này. Hào hứng chụp hình cùng hoa sơn tra, chị Phương nói: Đến Nậm Nghẹp, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước khung cảnh bình yên thơ mộng bởi sắc trắng của hoa sơn tra, cùng với những người dân thật thà, mến khách. Đặc biệt, chúng tôi còn được xem cách làm và thưởng thức bánh dày do bà con đồng bào dân tộc nơi đây chế biến, rất ngon và lạ miệng!
Du khách thích thú tham gia trải nghiệm làm bánh dày.
Say sưa ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại Nậm Nghẹp, anh Nguyễn Thành Nam, du khách đến từ thành phố Hà Nội, là dân chuyên “săn ảnh đẹp vùng cao” đã “nằm” ở Nậm Nghẹp trong 3 ngày diễn ra Ngày hội. Anh Nam chia sẻ: Cứ đến mùa hoa sơn tra là tôi lại lên Ngọc Chiến, hoa năm nay đẹp quá, lại đúng dịp Ngày hội, nên tôi ở lại luôn và đã ghi lại được nhiều hình ảnh đẹp.
Du khách cắm trại dưới rừng sơn tra.
Được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và nhận thấy sự đổi thay từ du lịch đem lại ở các bản của xã Ngọc Chiến, người dân ở Nậm Nghẹp cũng “khởi nghiệp” làm du lịch, anh Kháng A Lệnh, chủ homestay Ánh Sáng đã đầu tư làm 3 Bungalow và 1 nhà sàn cộng đồng để phục vụ du khách đến trải nghiệm và lưu trú. Du khách đến đây vừa để nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, vừa thưởng ngoạn hoa sơn tra nở khắp núi rừng.
Đồng thời, kết hợp hướng dẫn tour trải nghiệm leo núi, cắm trại trên đỉnh Tả Chí Nhù với độ cao 2.979 m, cắm trại tại khu vực bản Xà Hồ, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Anh Kháng A Lệnh nói: Mùa hoa sơn tra năm nay, khách du lịch lên đông hơn mấy năm trước, gia đình không đủ phòng để phục vụ khách. Chúng tôi rất mong được các cấp, chính quyền quan tâm đầu tư đường lên bản; tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để ngày càng nhiều du khách biết đến vùng cao Nậm Nghẹp.
Sơn tra nở trắng bên hiên nhà.
Hòa chung niềm vui khi rất nhiều du khách đến với Ngày hội, ông Lò Văn Sây, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Ngày hội là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Ngọc Chiến nói chung và bản Nậm Nghẹp nói riêng. Đây là cơ hội để chúng tôi giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư vào địa phương.
Đến “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến mà chưa ghé thăm bản vùng cao Nậm Nghẹp trong mùa hoa sơn tra, thì hình như hành trình trải nghiệm còn chưa thực sự trọn vẹn, bởi giữa đất trời bao la rộng lớn, hòa mình trong rừng hoa sơn tra trắng muốt, hít hà không khí trong lành của vùng cao, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao Nậm Nghẹp tạo cho du khách ấn tượng không thể quên.
Rời Nậm Nghẹp trong cơn mưa bất chợt cuối chiều, tuyến đường đất trơn trượt vẫn không thể cản chân du khách, khi từng đoàn người vẫn lựa chọn thử thách ngược dốc, chinh phục núi cao đến với Nậm Nghẹp để được một lần thỏa sức thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khôi của hoa sơn tra và hòa mình vào không gian thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.
Đỗ mai nở rộ tô điểm sắc xuân cao nguyên Gia Lai
Những ngày đầu năm mới, đỗ mai bắt đầu nở rộ trên khắp các nẻo đường, điểm tô cho sắc xuân cao nguyên Gia Lai.
Gia Lai có những loài hoa đặc trưng nở theo mùa, và mỗi loài hoa đều mang tính biểu tượng. Vào mùa Xuân, không chỉ ngào ngạt hương hoa cà phê, thắm sắc đỏ hoa pơ lang mà còn man mác sắc hồng phai của đỗ mai trên khắp các nẻo đường.
Đỗ mai nở sớm nhất và nhiều nhất trên cung đường vào đập Tân Sơn (thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Nhiều người vào thắng cảnh này không khỏi bâng khuâng trước màu hồng phai của đỗ mai dọc đường đi.
Anh Đoàn Lanh-một người dân địa phương ở đây chia sẻ: "Trước đây người dân thường trồng đỗ mai ở bờ rào, hay phân chia ranh giới đất nương rẫy. Bây giờ hoa được trồng ở khắp nơi, dọc các cung đường để lấy bóng mát và làm cảnh.
Hoa thường khoe sắc vào dịp Tết cổ truyền nên mỗi khi thấy hoa nở tôi cảm nhận rất rõ không khí mùa Xuân đang ùa về. Hoa đỗ mai không rực rỡ như các loài hoa khác, hoa đẹp theo cách riêng, giản dị nhưng khiến cho bức tranh du lịch của Gia Lai thêm sức sống. Rất nhiều bạn trẻ như tôi muốn tìm những khoảnh khắc bình yên với thiên nhiên, với hoa cỏ như vậy".
Đỗ mai nở rộ trên cung đường vào đập Tân Sơn (thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Ảnh Bi Ly
Ảnh: Bi Ly
Ảnh: Bi Ly
"Nhiều bạn trẻ như tôi muốn tìm những khoảnh khắc bình yên với thiên nhiên, với hoa cỏ như vậy"-anh Đoàn Lanh chia sẻ. Ảnh: Bi Ly
Những hàng đỗ mai trồng bên bờ rào âm thầm đem mùa xuân đến trong lòng người. Ảnh: Bi Ly
Du khách dễ dàng bắt gặp từng hàng đỗ mai khoe sắc trên đường vào đập Tân Sơn. Ảnh: Bi Ly
Đỗ mai là loài hoa báo mùa Xuân về. Ảnh: Bi Ly
Một cành hoa Xuân. Ảnh: Bi Ly
Đỗ mai làm duyên trên những nẻo đường, khiến cho khung cảnh thường ngày cũng trở nên bình yên hơn. Ảnh: Bi Ly
Ảnh: Bi Ly
Bước chạy mùa xuân trên cao nguyên Trong tiết trời mùa xuân ấp áp tại cao nguyên Mộc Châu, hơn 4.000 vận động viên đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nô nức tham gia Giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam - Mộc Châu năm 2024. Những cung đường ấn tượng với đồng cỏ, đồi chè, thung lũng hoa mận, những bản làng còn nguyên nét hoang...