Năm nay, GDP tăng bao nhiêu là phù hợp
Theo kịch bản cơ sở của NCIF thì năm nay GDP dự kiến tăng 4,01%, xuất khẩu tăng 5,39% và CPI tăng 4,5%. Còn theo kịch bản hai, GDP tăng 3,03%; xuất khẩu tăng 4,13% và CPI tăng 5,2%.
Khó khăn nhất của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước vào đầu tuần tới là có điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô hay không, “chốt” ở con số nào để có thể đạt được mục tiêu.
Lần thứ 3 điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Hiện đã có 2 kịch bản tăng trưởng GDP được xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội thảo luận và “chốt” vào cuối Kỳ họp thứ 9. Theo đó, kịch bản một là GDP tăng 4,4-5,2%; còn đối với kịch bản 2, GDP tăng 3,6-4,4%.
“So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được. Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế-xã hội và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi, nợ công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với Quốc hội về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9.
Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác Chính phủ dự kiến điều chỉnh là CPI tăng khoảng 4% (hiện tại là dưới 4%); tăng trưởng xuất khẩu từ 7% xuống còn khoảng 4%; thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 so với dự toán; bội chi tăng thêm 1,31 điểm phần trăm, lên tương đương 4,75% GDP; tỷ lệ nợ công tăng thêm 3,2 điểm phần trăm, tương đương 55,5% GDP.
Video đang HOT
Nếu Quốc hội đồng thuận với đề xuất của Chính phủ thì đây là lần thứ 3 trong hơn 20 năm trở lại đây Việt Nam buộc phải điều chỉnh các mục tiêu đặt ra do nhìn vào thực tế những tháng đầu năm và dự kiến những tháng còn lại không thể đạt được mục tiêu ban đầu.
Cụ thể, năm 1997, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam như cánh diều no gió khi tăng trưởng 8,15%. Đứng trước cơ hội này, năm 1998, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 9%, nhưng cuộc khủng tài chính – tiền tệ châu Á xảy ra ngoài ý muốn buộc Quốc hội phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6-7%.
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới, với tốc độ tăng trưởng đạt 7,13%. Trước một viễn cảnh tươi sáng, năm 2008, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5-9,0%. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra ngoài dự tính nên cuối cùng buộc Quốc hội phải điểu chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP xuống còn 7%.
GDP tăng trưởng bao nhiêu là khả dĩ
Trước khi dịch Covid-19 “đổ bộ” vào Việt Nam (ngày 23/1/2020), NCIF vẫn rất lạc quan về tình hình kinh tế năm nay.
Theo dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 vừa được Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thì chắc chắn năm nay Việt Nam không thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đã đặt ra. Vì vậy việc điều chỉnh mục tiêu sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động điều hành và cân đối lại các cán cân kinh tế vĩ mô cho phù hợp với tình hình thực tế.
NCIF cũng đã xây dựng 2 kịch bản. Theo kịch bản cơ sở thì năm nay GDP dự kiến tăng trưởng 4,01%, xuất khẩu tăng 5,39% và CPI tăng 4,5%. Còn theo kịch bản hai, GDP tăng 3,03%; xuất khẩu tăng 4,13% và CPI tăng 5,2%.
Như vậy, cả 2 kịch bản của NCIF đều có khoảng cách khá xa so với mục tiêu dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh. “Năm nay, GDP chỉ tăng khoảng 4,01% giảm 2,79 điểm phần trăm so với mục tiêu và CPI tăng 4,5%; tăng trưởng các khu vực sản xuất chính bị ảnh hưởng và đạt tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 1,12%; công nghiệp, xây dựng đạt 4,97% và khu vực dịch vụ đạt 4,09%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 7% xuống còn 5,39%”, NCIF nhận định.
Thậm chí, NCIF còn lo ngại nền kinh tế diễn biến theo kịch bản thứ 2 tức là chỉ tăng 3,03% và lạm phát bị đẩy lên 5,2%. Vì dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ và EU (2 trong số đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam) vẫn hết sức phức tạp; căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có dầu hiệu leo thang trở lại cản trở sự hồi phục của thương mại thế giới và đặc biệt Việt Nam dễ bị tác động mạnh bởi cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của Việt Nam. Chưa kể “khó khăn kép” đó là sự bất ổn xã hội nội tại đang xảy ra tại Mỹ và nhiều nước EU.
Ấn định tốc độ tăng trưởng GDP năm nay bao nhiêu là quyền của Quốc hội sau khi các đại biểu thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có đạt được mục tiêu điều chỉnh hay không không quan trọng bằng phải nỗ lực, cố gắng hết sức để đạt được kết quả cao nhất có thể và đưa ra các giải pháp thực hiện kế hoạch cho năm sau và kế hoạch phát triển kinh tế cho giai đoạn tới.
Vì trên thực tế, năm 1998 cũng không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được điều chỉnh, chỉ tăng 5,76% (mục tiêu điều chỉnh là 6-7%) và năm 2008 cũng tương tự, chỉ tăng 5,66%, thấp hơn so với mục tiêu điều chỉnh là tăng 7%. Quan trọng nhất là không để kịch bản xảy ra như 2 lần điều chỉnh trước là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau còn thấp hơn năm xảy ra khủng hoảng và cũng không đạt mục tiêu đặt ra như năm 1999, GDP chỉ còn tăng có 4,77% (mục tiêu đề ra là 5-6%) và năm 2009 tăng 5,4% trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 6,5%.
Chính phủ Nhật Bản đánh giá tiêu cực nhất về nền kinh tế kể từ 2009
Đây là tháng thứ hai liên tiếp Văn phòng Nội các Nhật Bản hạ đánh giá về nền kinh tế và lần đầu tiên kể từ tháng 5/2009, thời điểm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong báo cáo kinh tế tháng Tư này, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng tình hình kinh tế nước này đang nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19, một đánh giá bi quan nhất trong hơn một thập kỷ
Đây là tháng thứ hai liên tiếp Văn phòng Nội các Nhật Bản hạ đánh giá về nền kinh tế và lần đầu tiên kể từ tháng 5/2009, thời điểm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính phủ nước này sử dụng cụm từ "tồi tệ hơn" hay "đang tồi tệ hơn" trong báo cáo kinh tế hàng tháng để đánh giá về tình hình nền kinh tế.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, khi nền kinh tế đang trong một tình thế khó khăn, đánh giá trên vẫn còn khiêm tốn và từ "cực kỳ" không được đề cập, cho thấy mức độ giảm tốc tăng trưởng có thể còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới.
Trong báo cáo tháng Tư này, đánh giá về sản lượng công nghiệp, chi tiêu tiêu dùng và bốn trong số 11 lĩnh vực quan trọng khác đã được điều chỉnh.
Lần đầu tiên trong 4 tháng, Chính phủ Nhật Bản hạ đánh giá về sản lượng công nghiệp, cho rằng "đang giảm" thay vì "vẫn đang trong tình trạng yếu" như trong báo cáo tháng Ba vừa qua.
Khi nhiều người dân vẫn không ra ngoài trừ phi có việc cần thiết sau khi chính phủ yêu cầu ở nhà, chi tiêu tiêu dùng được cho là "đang giảm nhanh," khác với đánh giá "đang cho thấy sự yếu kém gần đây" như trong báo cáo tháng trước.
Về triển vọng ngắn hạn, kinh tế Nhật Bản được cho là sẽ vẫn đối mặt với những tác động từ đại dịch và những rủi ro từ sự biến động của các thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi dịch bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Trong khi đó, báo cáo tháng Ba vừa qua đánh giá kinh tế Nhật Bản đang trong một tình huống nghiêm trọng, cực kỳ yếu kém do đại dịch và không còn sử dụng từ "đang phục hồi" lần đầu tiên kể từ tháng 7/2013.
Trong tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,2% trong năm nay, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi chưa có những dấu hiệu cho thấy sự gián đoạn trên toàn cầu do đại dịch sẽ sớm kết thúc./.
Lê Minh
HSBC: NHNN có thểm giảm 50 điểm lãi suất điều hành nếu tài chính toàn cầu xấu đi HSBC vừa có báo cáo nhận định về động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài việc tăng trưởng chậm lại, kỳ vọng lạm phát giảm cũng là nguyên nhân NHNN giảm lãi suất điều hành. Theo HSBC, sự sụt giảm gần đây của giá dầu toàn cầu và kiểm soát thuế điện có thể sẽ...