Năm ‘mất mùa’ của du lịch Lý Sơn
Covid-19 khiến đảo Lý Sơn mất mùa du lịch. Hòn đảo lại xác xơ vì nhiều cây xanh khô héo, homestay hư hỏng sau bão.
Những ngày cuối năm, bên bờ biển đảo Lý Sơn, những tảng đá bám đầy rêu xanh tạo nên khung cảnh thơ mộng, nhưng không có một bóng du khách nào.Biển động khiến đảo du lịch của Quảng Ngãi bị cô lập gần một tháng qua. Tình trạng này dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12, kết thúc một năm “mất mùa” của ngành du lịch địa phương.
Đặng Văn Sâm, chủ một homestay trên đảo Bé, ngán ngẩm trước tình hình kinh doanh năm nay. “Chưa có năm nào mong hết năm, đến Tết như năm nay. Làm hai tháng, chơi 10 tháng”, Sâm tổng kết. Hai tháng có khách là khoảng thời gian giữa hai đợt Covid-19 lây lan trong cộng đồng, nhưng lượng khách không đáng kể vì tâm lý e ngại du lịch trong dịch.
Trước đó, homestay của anh thường xuyên được khách đặt kín phòng từ sau Tết âm lịch đến cuối tháng 9. Thời gian biểu của Sâm từng luôn kín mít từ những cuộc gọi, đón khách tới đảo, dẫn khách đi tham quan, chụp hình ở bãi đá, cầu gỗ… đến đăng bài trải nghiệm trên mạng xã hội. Còn nay, anh chủ kiêm hướng dẫn viên trên đảo Bé về lại đảo Lớn với gia đình, đánh cá giải khuây.
Năm nay, nhóm thảo luận về du lịch đảo Lý Sơn do Sâm lập trên mạng xã hội cũng thưa bài đăng. Một số thành viên chia sẻ nỗi nuối tiếc khi đặt vé đi Lý Sơn nhưng phải hủy do Covid -19; một số khác đồng cảm trước mức thiệt hại của của homestay trong đại dịch. Sâm thống kê, lượng du khách giảm khoảng 60-70% so với năm ngoái, tương đương với hơn 1.000 người. Nếu trung bình mỗi người chi tiêu 300.000 đồng, du lịch đảo Bé đã thất thu 300 triệu đồng.
Không chỉ dịch vụ lưu trú chịu ảnh hưởng, các chủ phương tiện vận tải, hàng quán trên đảo cũng chịu ảnh “ngồi không” suốt 10 tháng. Những lúc nhàn rỗi, họ mang lưới đi đánh cá gần bờ, nhưng cũng không thể đốt hết thời gian.
Nhưng cuối tháng 10, cơn bão Molave lại giáng đòn mạnh vào lòng kiên nhẫn của người dân Lý Sơn. Homestay của Sâm bị hư hại nhẹ do được vây quanh bởi cây cối, nhưng 9 homestay và nhiều quán ăn của người dân ở đảo Bé, quê ngoại anh, bị cuồng phong giật sập. Mỗi hộ kinh doanh thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Đảo Lý Sơn đang đến mùa rêu tuyệt đẹp nhưng lại không có du khách. Ảnh: Chí Tâm
Người địa phương nhận định đây là năm bão lớn nhất và lạ nhất trong hơn 10 năm qua. Bão lớn nhưng không có mưa, sóng cao làm nước biển tạt vào khiến cây rụng lá vì nhiễm mặn.
“Năm nay là năm đói, du lịch cũng không có khách mà làm quê (làm nông) cũng thất thu”, bà Võ Thị Loan, chủ homestay Loan Anh ở đảo Lớn, nói. Là một trong hộ tiên phong làm homestay, gia đình bà Loan xem thu nhập từ du lịch là một trong hai nguồn để chi tiêu, bên cạnh lương hưu của chồng bà.
Bà Loan chịu thiệt hại kép từ du lịch đến làm nông. Sau những tháng ngồi không vì vắng khách, 1,5 sào hành của bà cũng bị ngập úng. Giá tỏi năm nay cũng chỉ đạt 50.000 đồng/kg, bằng một nửa so với năm ngoái vì nhu cầu tiêu dùng giảm.
Một chủ khách sạn ở đảo Lớn cho biết, anh vừa đầu tư năm ngoái. “Nếu lấy tiền đầu tư khách sạn mà bỏ vào ngân hàng thì tôi còn có tiền lãi suất, không thua lỗ như năm nay”, anh tiếc nuối. Theo chủ khách sạn này, nếu không có vì Covid-19, doanh thu chỉ riêng tháng 8 lên đến 400 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn góp vốn vào tàu chở hàng. Anh phân tích, tàu chở hàng không lỗ vì hoạt động chở hàng hóa thiết yếu vẫn duy trì, nhưng nếu tàu chở du khách thì phải bảo trì suốt 10 tháng mà không có khoảng doanh thu nào bù lại.
Theo thống kê của UBND đảo Lý Sơn, năm nay lượng du khách ra đảo chỉ đạt 65.000 lượt, bằng 25% so với năm ngoái. Sau nhiều năm du lịch Lý Sơn tăng trưởng theo “hình thẳng đứng”, lượng du khách năm 2020 chỉ bằng 39% so với năm 2016, năm du lịch Lý Sơn bắt đầu tăng trưởng mạnh. Ước tính thiệt hại ngành du lịch huyện đảo năm 2020 lên đến 200 tỷ đồng.
Riêng bão số 9 Molave làm hàng nghìn cây xanh chết, ngã đổ; 21/59 cơ sở thờ tự, di tích bị thiệt hại; 7 ca nô bị hư hỏng. 34 nhà nghỉ, khách sạn, homestay hư hại, tốc mái. Huyện Lý Sơn đang xin nguồn hỗ trợ để trồng rừng, trồng cây xanh để khôi phục cảnh quan trên đảo, ít nhất 5 – 7 năm nữa mới phục hồi được cảnh quan như cũ.
Chòi gỗ đón khách ở hang Cau, đảo Lớn sập sau bão Molave cuối tháng 10. Ảnh: Thạch Thảo
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nên năm tới huyện sẽ phải triển khai nhiều giải pháp phục hồi. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đồng thời xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt để phục vụ người dân và du khách.
Đặng Văn Sâm cùng nhiều người dân đảo Lý Sơn đang hy vọng Covid-19 được kiểm soát tốt, có vaccine để tình hình kinh doanh du lịch sáng sủa hơn vào năm tới. “Trước Tết tầm một tháng em sẽ sửa lại homestay vì sau Tết thường khách đặt phòng rất đông”, Sâm lạc quan.
Xác xơ "thiên đường" du lịch đảo Lý Sơn
Từng được du khách trong và ngoài nước ví như 'thiên đường' du lịch, đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng.
Thế nhưng, những đợt thiên tai vừa qua đã khiến đảo Lý Sơn xơ xác, hoang tàn. Nhiều địa điểm lưu trú, nghỉ dưỡng cộng đồng bị thiên tai tàn phá nặng nề. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết những thiệt hại vẫn còn nguyên hiện trạng, do thời tiết bất lợi và người dân thiếu kinh phí sửa chữa.
Cây cổ thụ - điểm dừng chân của du khách trên đảo Lý Sơn bị trụi lá trước tác động của thiên tai.
Cây phong ba "cô đơn" bên bờ biển, biểu tượng cho sức chịu đựng sóng gió của con người và thiên nhiên đảo Lý Sơn, là điểm check in ưa thích của du khách và nhiều bạn trẻ đã bị đổ gục trong gió giật cấp 15. Homestay Gió Biển, Lý Sơn Bugalow Hostel hay Bé Ecolodge... những điểm lưu trú, nghỉ dưỡng hoang sơ nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch Việt Nam và quốc tế đã bị thiên tai tàn phá chỉ còn trơ tấm biển thương hiệu một thời lung linh níu chân du khách.
Bà Trương Thị Bông, chủ cơ sở homestay Gió Biển ở đảo Bé, huyện Lý Sơn cho hay: Chưa có năm nào thiên tai dữ dằn như vậy. Bão chồng bão làm cơ sở homestay gia đình tôi bay theo gió. Cái nào gió không lấy được thì sóng biển ập vào cuốn đi. Hàng trăm mét đất bị sạt lở, mấy căn nhà ở ven bờ biển dành cho khách thuê trọ bị "ông trời" với "bà thủy" lấy hết sạch sành sanh. Cả gia đình không biết làm gì để trang trải cuộc sống và trả nợ.
Bà Bông không phải là người duy nhất kinh doanh du lịch cộng đồng bị thiệt hại thiên tai, mà rất nhiều người trên địa bàn đảo Bé làm dịch vụ du lịch đều bị "tổn thương" tinh thần và tài sản. Các dãy hàng quán phục vụ ăn uống ngã rạp sau bão, người dân ngơ ngác tìm kiếm sinh kế trong mớ hỗn độn và hoang tàn. Sinh sống ở đầu sóng, ngọn gió nhưng chưa bao giờ họ phải chứng kiến bão "càn quét" như vừa qua.
Còng lưng thu dọn đống vật liệu đổ nát, vương vãi trên căn nhà sàn xây dựng bên bờ biển dành cho khách lưu trú, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, chủ cơ sở homestay Biển Ngọc vẫn còn thất thần trước thiệt hại của gia đình. Với bà Thúy và không ít người dân đảo Bé, toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay mượn đầu tư vào du lịch, tạo sinh kế cho gia đình, giờ đã bị mất hết qua những trận cuồng phong. Bà Thúy không hy vọng gia đình còn đủ tiềm lực kinh tế để vực lại homestay, đồng thời tôn tạo cảnh quan vườn nhà phục vụ du khách trong thời gian tới. Bà Thúy mong chờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
"Cả đời tôi nghèo khó, mấy năm nay thấy du lịch ở quê hương mình phát triển, gia đình vay mượn người thân gây dựng nơi trú chân cho du khách, kiếm sống qua ngày. Không ngờ, bão tàn phá như thế này thì gia đình tôi trở nên khốn khổ hơn. Nhiều gia đình ở đây không biết sống như thế nào trong nay mai. Gần tháng nay, bà con mong gặp được cán bộ địa phương để giải bày, đề xuất hỗ trợ để làm lại từ đầu" - Bà Thúy nói.
Lý Sơn từng được du khách khắp nơi biết đến với những tuyệt tác của thiên nhiên tạo nên như: Thắng cảnh Hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò; hay những đình làng, miếu mạo văn hóa tâm linh do người dân xây dựng làm đắm say lòng du khách, thế nhưng nay đã bị thiên tai tàn phá xơ xác. Bão số 9 đã làm hầu hết các điểm thăm quan, nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng xây dựng phục vụ du khách bị thiệt hại nặng nề. Cây xanh, cây di sản trên đảo từng là điểm dừng chân của du khách trong chuyến hành trình đến với đảo tiền tiêu này cũng bị trụi lá, trơ cành vì mưa bão.
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, Lý Sơn là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất trong những trận bão, áp thấp nhiệt đới vừa qua. Đặc biệt, bão số 9 làm cho gần 1.900 nhà dân bị tốc mái và hư hỏng hoàn toàn; hơn 300ha diện tích cây hành vụ Hè thu bị úng nước, thiệt hại lên đến trên 107 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhiều cơ sở du lịch cộng đồng, danh lam, thắng cảnh bị hư hỏng nặng. Người dân gặp rất nhiều khó khăn sau bão. Chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp bà con nhanh chóng khôi phục thiệt hại, trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục đón khách du lịch trong thời gian sớm nhất.
"Có thể cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng du lịch chưa được tốt như vốn có của nó. Nhưng với tấm lòng thân thiện, hiếu khách của người dân đảo sẽ làm khách vui hơn khi đến với Lý Sơn trong thời gian này"- Ông Thành chia sẻ thêm.
Du lịch Lý Sơn phần lớn dựa trên nền tảng cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thống văn hóa và tinh thần bám biển kiên cường của người dân đảo. Thiệt hại của ngành du lịch huyện Lý Sơn trong những cơn bão vừa qua là vô cùng to lớn. Hơn lúc nào hết, nhân dân và chính quyền nơi đây luôn mong chờ sự hỗ trợ của các cấp để tái thiết ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Kinh nghiệm du lịch Lý Sơn Đảo Lý Sơn là viên ngọc đầy sức hút của Quảng Ngãi. Đây là thiên đường biển mà bất kỳ tín đồ xê dịch nào cũng ao ước đặt chân đến một lần trong đời để khám phá. Huyện đảo Lý Sơn cách đất liền 15 hải lý (khoảng 27 km). Dù hòn đảo có diện tích khá nhỏ, song vẫn là điểm...