Nam giới cũng mắc ung thư vú, nguyên nhân do đâu?
Ung thư vú – căn bệnh mặc định là của chị em nhưng trên thực tế nam giới vẫn mắc. Nguyên nhân có thể do uống nhiều rượu, béo phì, tinh hoàn lạc chỗ…
Nam giới cũng mắc ung thư vú
Dễ bị bỏ qua
TS.BS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh Quán Sứ, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, ông từng gặp một bệnh nhân gọi điện nhờ tham vấn. Anh này cho biết 25 tuổi, vú bên phải có cục u đau, không cứng, lúc thấy khối u ấy nhỏ đi, nhưng có lúc lại thấy to ra.
Thời gian gần đây ngực bên phải của anh ta to hơn, sờ cũng thấy đau dù khối u dễ di động, có thể dịch chuyển trong vú theo bất kỳ hướng nào theo chiều ngực, không bám da.
Người nhà lo sợ anh mắc ung thư vú. Anh gạt đi cho rằng “bệnh đàn bà”, làm sao con giai như anh mắc được. Chần chừ mãi anh mới quyết định đến viện thì kết luận u xơ tuyến vú (birads 3). Lúc này anh mới lo sợ, hỏi các bác sĩ bệnh viện K: liệu mình có bị ung thư vú không?
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi này, TS.BS Phạm Hồng Khoa cho rằng, ung thư vú có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên chúng ta nói nhiều đến ung thư vú ở nữ hơn. Lý do vì tỷ lệ ung thư vú ở nam giới là rất hiếm, khoảng dưới 1%.
“Vì thế, khi nói đến ung thư vú, chúng ta nghĩ, mặc định ung thư vú ở nữ tuy nhiên, ở nam vẫn có”, TS Phạm Hồng Khoa nhấn mạnh.
Theo thống kê tại Bệnh viện Ung bướu (TPHCM), mỗi năm bệnh viện này ghi nhận từ 4-7 trường hợp ung thư vú ở nam giới. Một nghiên cứu do bệnh viện này thực hiện cũng cho thấy chỉ hơn 5 năm đã có 27 bệnh nhân nam bị ung thư vú được chẩn đoán xác định. Điều đáng lưu ý là 57% nam giới phát hiện bị ung thư vú khi đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4).
Chia sẻ thêm về căn bệnh này, TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết, từng gặp các câu hỏi từ quý ông rằng ung thư vú có gặp ở nam giới hay không? Số liệu 1% tuy không phải lớn nhưng cũng là một sự lo lắng với các quý ông, đặc biệt là những nam giới hút nhiều thuốc.
Tinh hoàn lạc chỗ, béo phì… thủ phạm gây bệnh
Theo các chuyên gia, ung thư vú ở nam giới là tình trạng các tế bào ác tính tăng sinh không kiểm soát hình thành nên các khối u. Một số yếu tố được xác định là nguy cơ bị ung thư vú ở nam giới như: Có chiếu xạ vùng ngực, mang gene BRCA1-2; tinh hoàn lạc chỗ, suy giảm testosterone bẩm sinh…
TS.BS Nguyễn Diệu Linh cho biết, ung thư vú ở nam giới còn có thể do nguyên nhân tăng estrogen hoặc thiếu androgen tương đối. Việc uống nhiều rượu gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan… gây ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp androgen. Ngoài ra, béo phì cũng là nguy cơ gây ung thư vú (ở cả nam và nữ), chuyển thành estrogen thừa.
Yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây ung thư vú ở nam giới là hội chứng Klinefelter, đây là một căn bệnh hiếm gặp khi có thừa một nhiễm sắc thể X. Những người đàn ông này có nguy cơ ung thư vú cao gấp 50 lần so với những người đàn ông mang kiểu gene bình thường.
Đáng lưu ý, đa số nam giới bị ung thư vú ở độ tuổi 50-60, tuy nhiên có trường hợp mắc bệnh khi tuổi còn rất trẻ. Ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM từng tiếp nhận bệnh nhân nam 25 tuổi đã bị mắc ung thư vú, cao tuổi nhất là cụ ông 84 tuổi.
Theo các bác sĩ, khi bị ung thư vú, ban đầu bệnh nhân sờ thấy có một cục u nhỏ, cứng, không đau hoặc chỉ đau nhẹ. Cục u thường xuất hiện ở núm vú hoặc quầng vú. Các dấu hiệu khác gồm tụt đầu vú, co rút núm vú hoặc xuất tiết dịch ở đầu núm vú, loét đầu vú, loét da vú, dính da, cơ, sờ thấy hạch nách. Ngoài ra, ung thư vú còn có biểu hiện tấy đỏ bất thường, lồi – sùi bề mặt da xung quanh khu vực vú.
Đáng ngại, dù có thể nhìn thấy và cảm nhận các triệu chứng này, nhưng nam giới thường hay bỏ qua, chủ quan. Trong khi đó, nếu tình trạng này kéo dài, kèm theo ngứa, đau nên khẩn trương đi khám. Một số bệnh nhân khi đến viện khi khối u cục đã lở loét ngoài da, chảy dịch mủ, thậm chí có máu. Kết quả điều trị ung thư vú hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Nam giới có u cục đau ở ngực có phải mắc ung thư vú?
Năm nay em 25 tuổi, là nam giới, vú bên phải có cục u đau, không cứng, có thời gian nhỏ đi, có thời gian lại to ra. Ngực phải của em to hơn, đau và nhạy cảm.
Khối u này dễ di động, hoàn toàn có thể dịch chuyển cục trong vú theo bất kỳ hướng nào theo chiều ngực, không bám da. Em đi khám thì kết luận u xơ tuyến vú (birads 3). Bác sĩ cho em hỏi, em có bị ung thư vú không? (Hùng Phong)
TS.BS Phạm Hồng Khoa và TS.BS Nguyễn Diệu Linh.
TS.BS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh Quán Sứ, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Ung thư vú có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên chúng ta nói nhiều đến ung thư vú ở nữ hơn. Lý do vì tỷ lệ ung thư vú ở nam giới là rất hiếm, khoảng dưới 1%. Vì thế, khi nói đến ung thư vú, chúng ta nghĩ, mặc định ung thư vú ở nữ tuy nhiên, ở nam vẫn có.
Với tổn thương bạn mô tả, chúng tôi nghĩ là các bác sĩ chuyên khoa đã khám cho bạn, và cũng nghĩ đến tổn thương là u xơ. Tính chất bạn mô tả như vậy u tròn, di động, không dính, có thể thay đổi chút chút..., thường với những tổn thương như vậy chúng tôi nghĩ đến lành tính.
Ở nữ giới bầu ngực to hơn nên ngoài siêu âm, chúng tôi có thể tiến hành chụp vú, tuy nhiên ở nam giới khó thực hiện được phương pháp này. Vì thế, với nam giới chúng tôi có thể tiến hành siêu âm, nếu khó khăn nữa, cần thiết chẩn đoán chuyên sâu, chúng tôi có các phương tiện cao cấp hơn như chụp cộng hưởng từ, thậm chí có thể làm sinh thiết kim để chẩn đoán xem tổn thương của bạn là tổn thương gì. Về mặt lâm sàng, thì tổn thương của bạn là u đặc birads 3.
Vậy birads 3 là gì? Trước hết, chúng ta cần hiểu khái niệm birads, đây là thang điểm của các hiệp hội chẩn đoán hình ảnh Mỹ đưa ra và được ứng dụng trong đánh giá các tổn thương các cơ quan. Ví dụ ở vú gọi là birads, ở tuyến giáp gọi là tirads, phân chia các thang điểm tương tự như vậy để bác sĩ lâm sàng như chúng tôi dễ hình dung ra birads 3 là thế nào, birads 5 là thế nào. Chúng tôi có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan hơn và cần làm thêm gì nữa.
Tổn thương birads 3 là những tổn thương dạng đặc, tròn, bờ rõ ràng..., tỷ lệ thiên về lành tính rất nhiều, không nghĩ đến tổn thương là ung thư. Tuy nhiên có một vài trường hợp còn rất khó để đánh giá tổn thương birads 3 là có bị ung thư hay không, vẫn có một vài tỷ lệ như vậy. Tuy nhiên, hầu hết tổn thương birads 3 như vậy chúng tôi đều nghĩ đến lâm sàng là u xơ, trên nền một bệnh nhân trẻ tuổi, không có tiền sử gì đặc biệt... Ngoài căn cứ vào chẩn đoán hình ảnh, chúng tôi kết hợp với lâm sàng, khai thác thêm tiền sử thì chúng tôi có thông tin như vậy.
Nếu như bạn muốn biết được chính xác hơn nữa, thì chúng tôi còn phương pháp tiếp cận tốt hơn, ngoài chụp cộng hưởng từ, có thể sinh thiết kim để biết được bản chất rõ ràng mô bệnh học của u này là u gì. Nếu cẩn thận nữa, bạn có thể đến một cơ sở y tế có chuyên khoa vú như Bệnh viện K thì có lẽ tôi sẽ trả lời cho bạn một cách chính xác hơn.
TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Tôi cũng từng gặp các câu hỏi từ quý ông rằng ung thư vú có gặp ở nam giới hay không? Số liệu 1% tuy không phải lớn nhưng cũng là một sự lo lắng với các quý ông, đặc biệt là những nam giới hút thuốc rất nhiều. Chúng ta biết có một hội chứng gọi là phì đại tuyến vú là hậu quả của bệnh u phổi. Người ta phát hiện vấn đề đi khám không phải là khối u ở phổi mà là một khối sưng và đau tại vú.
Giống như TS Khoa đã chia sẻ, chẩn đoán quyết định cuối cùng với bạn phải là sinh thiết. Bạn có thể thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được loại trừ các dấu hiệu của một bệnh lý phì đại tuyến vú nam lành tính do nội tiết hay u phổi gây hội chứng phì đại tuyến vú bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như cộng hưởng từ, CT lồng ngực. Tôi rất mong khối u của bạn chỉ là khối u lành tính và sẽ được xử lý kịp thời.
19 tuổi thấy ngực gồ lên, đau có phải mắc ung thư vú? Năm nay em 19 tuổi, gần đây em thấy ngực có gồ gồ và đau. Bác sĩ cho em hỏi nguy cơ mắc ung thư vú ở người trẻ tuổi có cao không vì em đọc báo thấy nói thường xuất hiện ở ngoài 40 tuổi. Em có dấu hiệu như vậy thì có nên đi khám, tầm soát ung thư vú không...