Nấm gây độc đâu phải bởi người trồng
Dư luận râm ran về những vụ ngộ độc có nguyên nhân từ nấm, cùng với lời đồn thổi về xuất xứ, phương pháp nuôi trồng khiến nhiều người tẩy chay nấm, đẩy những người trồng nấm vốn đã lận đận vào cảnh lao đao.
Dính tai tiếng
Vừa qua, một số trang mạng cá nhân cảnh báo về việc các loại nấm ở Trung Quốc được trồng bằng vải vụn bỏ đi của công ty may. Các loại vải này có chứa thuốc nhuộm, dung môi độc hại khiến nấm có mùi lạ, gây ung thư. Nấm Việt Nam cũng bị đồn được trồng bằng bông gòn thải ra từ bệnh viện!
Đóng gói mạt cưa.
Ông Bảy Yết, chủ trại nấm Bảy Yết ở Hóc Môn, TP.HCM phân trần: “Trước đây tui có sử dụng bông vải tự nhiên để trồng nấm, mọi người cứ sợ là lấy từ bệnh viện nên phải bỏ. Tui cũng đã thử dùng nguyên liệu khác như xác mía, xác càphê, giấy carton nhưng cho năng suất kém”.
Nấm làm dược liệu như linh chi cũng không thoát khỏi tiếng xấu. Người tiêu dùng quen đánh giá chất lượng sản phẩm theo tiêu chí “tiền nào của nấy”. Theo đó, nấm linh chi Hàn Quốc có chất lượng tốt nhất, bởi giá trên 1 triệu đồng/kg. Nấm linh chi Việt Nam có giá vài trăm ngàn/kg. Giá thấp nhất là nấm linh chi Trung Quốc chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Từ đây, nghi vấn phát sinh: rẻ vậy vì đó là nấm đã chiết xuất hết tinh chất, chỉ còn lại xác, những lỗ nhỏ li ti trên tai nấm là dấu vết kim đâm vào để rút tinh chất!
Video đang HOT
Có sạch thì nấm mới ra
Qua khảo sát của chúng tôi tại một số trại nấm, đa số đều dùng mạt cưa của cây cao su làm nguyên liệu trồng nấm. Các chủ trại nấm cho biết, mạt cưa cao su dễ tìm, giá rẻ, lại dễ hút nước, dễ ra nấm, sản lượng nhiều. Mạt cưa đóng gói sau khi hấp được gọi là cơ chất, nếu cơ chất không sạch khuẩn, nhiễm hoá chất độc hại thì nấm không phát triển được.
Nấm linh chi.
Theo ông Lê Duy Thắng, giảng viên khoa sinh đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đồng thời là chủ công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh ở Củ Chi: “Nguyên liệu phải sạch, không có chất dầu, chất hoá học hoặc nhiễm trùng thì nấm mới ra được, nên không có chuyện sử dụng nguyên liệu nhiễm thuốc nhuộm, bông gòn bẩn để trồng nấm”. Ông cũng cho biết các lỗ nhỏ li ti trên tai nấm linh chi là thụ tầng, nơi sản sinh bào tử nấm, không phải vết kim đâm như lời đồn.
Do nguyên liệu trồng nấm là chất xơ không đủ nguồn dinh dưỡng nên cần bổ sung đạm, đường, khoáng để đạt năng suất cao. Có thể bổ sung đạm hữu cơ có nguồn gốc thực vật hoặc động vật như cám bắp, bột đậu nành, bột cá lạt, bột lông vũ… Tuy nhiên, khi sử dụng phải cần số lượng lớn, giá cao và dễ nhiễm khuẩn, côn trùng phá hoại nên hiện nay, người trồng chuộng cách dùng đạm vô cơ như urê, DAP, SA… do lượng dùng thấp, ít nhiễm tạp. Các loại đạm này đều được cho phép sử dụng trong nông nghiệp. Các nước phát triển còn sử dụng đạm hữu cơ để trồng nấm, như Pháp dùng phân ngựa trồng nấm mỡ, Đài Loan sử dụng phân gà, phân bò… Theo ông Thắng, người trồng nấm ở ta có thể dùng phân trùn quế làm từ phân bò, vừa rẻ tiền, không hôi, vừa hạn chế mầm bệnh tấn công.
Ăn nấm sao cho an toàn?
Đạm ở nấm không bằng động vật, nhưng nấm chứa đầy đủ các axít amin cần thiết cho cơ thể, ăn nấm không sợ thiếu đạm. Nấm chứa hầu hết các vitamin và gần 60 nguyên tố khoáng nên ăn nấm thường xuyên giúp cơ thể đề kháng bệnh tật. Nhật Bản cũng phát hiện cấu tạo vách tế bào nấm là glucan, chất này kết hợp với protein thành PSK (polysaccharid krestin) hay PSP (polysaccharid peptid) giúp chống ung thư rất mạnh.
Về các vụ ngộ độc do ăn nấm, ông Thắng lý giải “thường xảy ra sau thu hoạch như thu hái không kỹ, chế biến không đúng, bảo quản không hợp lý, sử dụng hoá chất bảo quản…, cũng có thể do sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng thực vật”. Ở điều kiện bình thường, nấm rơm, nấm bào ngư chỉ có thể dùng trong ngày, các nấm khác như: đông cô, kim châm được bảo quản lâu hơn nếu để trong ngăn mát tủ lạnh. “Nấm giống như các loại rau, khi đã đổi màu, nhầy nhớt hoặc trở mùi, gắt dầu… là đang trong quá trình phân huỷ, ăn vào sẽ gây khó chịu, nôn mửa. Đặc biệt nấm rơm khi nở (bung dù) sẽ sinh độc tố volvatoxin A1 và A2 (thuộc nhóm cardiotoxin) có tác động kích tim, gây choáng hoặc mỏi khớp, vì vậy khi ăn nấm nở nên nấu thật kỹ để giảm độc chất”, ông Thắng lưu ý.
Theo VNE
Thuốc ho thông thường cũng có thể gây độc
Một trong những thành phần giảm ho trong thuốc ho bán không theo đơn là dextromethorphan. Nó ức chế hành não, làm giảm ho tương đương với codein, không làm giảm đau, an thần không làm long đờm.
Được dùng giảm ho nhất thời do kích thích nhẹ ở phế quản và họng (như hít phải chất lạ, bị lạnh) đặc biệt có hiệu quả trong ho mạn không có đờm. Hầu như không độc ở liều điều trị, chỉ với liều cao gấp nhiều lần mới gây ức chế thần kinh trung ương. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một vài tác dụng không mong muốn như làm nhịp tim nhanh, mệt mỏi, đỏ bừng mặt, chóng mặt, buồn nôn (tỷ lệ khoảng 1%) hoặc nổi mày đay, ngoại ban (tỷ lệ (0,1%). Chính vì vậy mà có thể dùng cho mọi lứa tuổi.
Dùng thuốc ho dạng phối hợp cho trẻ em cần thận trọng.
Thuốc ho chứa dextromethorphan thường có một trong các thành phần phối hợp nhằm làm giảm nhanh các triệu chứng phụ. Chính các thành phần này gây độc:
Pseudoephedrin: làm cường giao cảm, gây co mạch, giảm sung huyết, làm giãn phế quản, nên dễ thở, dễ chịu nhưng làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, đánh trống ngực, đau thắt ngực, choáng váng. Người có bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh cường giáp, đái tháo đường không nên dùng.
Phenylpropanolamin: làm co mạch, giảm sung huyết ở niêm mạc mũi nên đỡ nghẹt mũi, dễ chịu, nhưng lại gây kích thích (làm khó ngủ), gây chán ăn (trước dùng làm thuốc giảm béo, nay bị cấm), nghiêm trọng hơn gây tai biến mạch máu não (chảy máu não, màng não).
Guaifenesin: làm dịu (giảm các cơn kích thích dễ ngủ), long đờm (dễ khạc) nhưng có thể làm trầm suy, nếu dùng liều cao lại uống rượu.
Chlopheniramin, bromphenilamin, promethazin: là các chất chống dị ứng giúp giảm ho (do các tác nhân kích thích), gây ngủ (có lợi nếu dùng về đêm) nhưng gây buồn ngủ (không lợi nếu dùng ban ngày), đặc biệt gây nguy hại với người vận hành máy móc, tham gia giao thông. Trẻ nhỏ dùng kéo dài, thần kinh trung ương bị ức chế, làm chậm phát triển trí tuệ. Riêng promethazin làm trẻ suy hô hấp, ngừng thở lúc ngủ dẫn đến chết đột ngột, gây nguy hiểm cho trẻ bị mất nước đau yếu (đặc biệt lúc có hội chứng Reye).
Một trong những thành phần của thuốc ho có thể gây ngộ độc
Tại Mỹ có nhiều loại thuốc trong đó có thuốc ho chứa các thành phần này nhưng từ tháng 10/2007, theo khuyến cáo của FDA, các hãng sản xuất tại Mỹ đã ngừng sản xuất các loại thuốc ho chứa các thành phần trên vì xảy ra nhiều tai biến cho trẻ em do dùng quá liều, đặc biệt là cho trẻ em dưới 2 tuổi. Với thuốc chứa phenylpropanolamin, Trung Quốc cấm lưu hành (năm 2000), Pháp buộc phải bán theo đơn (năm 2001). Ở nước ta vẫn cho bán không theo đơn nếu giảm độc (hàm lượng bằng hoặc dưới 30mg). Với thuốc chứa phenergan không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Để tránh ngộ độc nên dùng các thuốc ho chỉ chứa dextromethorphan (nội hay ngoại). Nếu thật cần thiết mới dùng loại có các thành phần phối hợp. Khi dùng cần xem kỹ thành phần, dùng đúng liều chỉ dẫn, thận trọng dùng cho trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, tốt hơn là nên tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ cho dù là thuốc không bắt buộc phải kê đơn.
Theo DS. Bùi Văn Uy (Sức khỏe & Đời sống)
Thực phẩm bị nấm mốc nguy hiểm đến mức nào? Sau khi nghiên cứu về bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, Bộ Y tế đã thông báo về nguyên nhân gây bệnh cho nhiều trường hợp tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó có nguyên nhân do người dân đã ăn loại gạo bị nấm mốc chứa aflatoxin, một độc tố vi nấm đã được...