Nam Định: Từng là “gà mờ”, không ngờ nay có vườn lan rừng khủng, có lan đột biến bán 4 triệu/cm
Từng là dân cơ khí nên công việc chẳng bao giờ liên quan đến “ hoa lá cành”, nhất là trồng lan rừng, chơi lan rừng, nhưng đến nay, anh Phạm Văn Hiếu, tổ 12, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định) đã có trong tay một vườn lan rừng “khủng” và trở thành tay chơi lan rừng có tiếng.
Anh Phạm Văn Hiếu cho biết, hiện vườn lan của anh đang có hàng chục loại hoa lan rừng khác nhau, với hàng nghìn chậu to nhỏ. Trong số các chậu lan này phải kể đến những giò lan đột biến như phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, giả hạc đột biến 5 cánh trắng H0, hồng Yên Thủy, hồng Minh Châu…Theo anh Hiếu, giá trị của những giò lan đột biến quý hiếm thường ở mức cực cao và được tính bằng cm.
Một chậu lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ của anh Hiếu có giá trị khoảng 120 triệu đồng.
“Giá trị của mỗi giò lan rừng phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa, nhất là những giò lan rừng đột biến có giá trị rất “khủng” và chỉ những người chơi lan, hiểu lan mới biết được giá trị thật của nó. Nhiều giò lan đột biến có mức giá mà người bình thường cho là “điên rồ, không thể tin nổi”. Loại lan đột biến đắt nhất vườn nhà tôi có giá tới gần 4 triệu/cm, đây là một loại lan cực hiếm, mặt hoa lại đẹp hiếm thấy”, anh Hiếu tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Cũng theo anh Hiếu, hiện nay lan đột biến đắt như vàng và xu thế chơi lan đột biến lại phát triển rất mạnh. Nhưng không vì thế mà các dòng lan rừng phổ biến, hàng bình dân bán chậm lại. Nhưng thời gian sắp tới anh Hiếu có ý định rút gọn hàng thường lại, đẩy mạnh phát triển loại lan đột biến để có đủ giống chia sẻ cho người chơi .
Các loại lan rừng đan đua nhau khoe sắc, tỏa mùi thơm ngào ngạt khắp vườn lan rừng của anh Hiếu.
“Lan đột biến tuy có giá trị đắt như thế nhưng lại rất dễ bán, chỉ cần biết mình có ki giống của loại lan hiếm, lan đột biến là người ta đến tận vườn mua ngay. Nhiều loại chỉ dài có vài cm nhưng có giá cả chục triệu đồng, còn đối với loại rẻ nhất cũng có giá vài trăm ngàn/cm. Mỗi chậu lan đột biến sau một năm chăm sóc có giá trên 100 triệu là chuyện bình thường”, anh Hiếu nói thêm khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Video đang HOT
Vừa trồng lan rừng, anh Hiếu vừa rút kinh nghiệm nên càng về sau vườn lan rừng phát triển ngày càng tốt và các giống lan rừng được anh nhân, cấy luôn tại chỗ. Ai có nhu cầu mua loại nào là anh đều có thể đáp ứng được hết. Hiện vườn lan rừng của anh Hiếu trở thành địa chỉ quen thuộc, chuyên cung cấp các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh Nam Định và trở thành một trong những địa chỉ thú vị của nhiều người chơi lan rừng tới thăm quan, giao lưu, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề…
Săn cá ngát giữa sông, bắt được 1 con phải 2-3 người
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Phạm Văn Hiếu tâm sự, trước khi bén duyên với nghề trồng lan rừng anh từng gắn bó với nghề cơ khí gần 20 năm.
Càng về sau công việc gia công chơ khí càng kém đi, thu nhập không còn đảm bảo khiến anh phải nghĩ tìm cách mưu sinh khác. Tình cờ, trong một lần đi thi công sân vườn trồng lan rừng cho một gia đình, anh được ngắm một chậu lan rừng đang nở rực hoa và tỏa hương thơm ngào ngạt.
Từ việc trồng chơi, đến nay anh Phạm Văn HÍếu đã có trong tay vườn lan rừng khủng với hàng ngàn giò lan rừng các loại.
Kể từ đó anh Hiếu say mê lan rừng từ lúc nào không hay và dành tâm huyết, thời gian, công sức cho loại hoa này.
Ngày đầu tập tành chơi lan, có bao nhiêu tiền dành dụm được từ những tháng năm làm nghề cơ khí, anh chi tiêu hết vào các chuyến đi sưu tầm các loại lan rừng. Trước là anh sưu tầm về trồng chơi ở vườn nhà cho thỏa trí đam mê. Nhưng sau đó, những chậu lan rừng mà anh trồng được nhiều người đến hỏi mua và trả giá khá cao.
Anh Hiếu thầm nghĩ, nếu mà trồng hoa lan rừng hết cả vườn nhà thì chắc chắn có thể làm giàu được.
Từ suy nghĩ đó, đầu năm 2014, anh Hiếu dừng hết công việc liên quan đến cơ khí để chuyển sang trồng lan rừng.
Trong khu vườn lan của gia đình, anh Hiếu đã sưu tầm, nhân giống các loại lan rừng quý như: phi điệp, đai châu, lan đuôi chồn, lan đuôi cáo, lan giáng hương tam bảo sắc……
Mỗi năm gia đình anh Hiếu bán ra thị trường hàng nghìn chậu lan to nhỏ, mang về một nguồn thu lớn.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm quan mô hình trồng lan rừng của gia đình mình, anh Hiếu cho hay, hiện vườn lan rừng của gia đình anh đã đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt, nhất là xu thế dân đang giàu lên và tốc độ đô thị hoá ngày càng mạnh mẽ. Thêm vào đó, đời sống kinh tế tăng lên nên thú chơi hoa lan, trồng phong lan đã đến được với ngày càng nhiều người.
“Trung bình mỗi năm, tôi bán ra thị trường hơn 1.000 chậu lan rừng các loại, mỗi chậu có giá trung bình khoảng 300 ngàn đồng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm tôi có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. So với cấy lúa, trồng rau thì trồng lan rừng thu nhập cao hơn, lại thỏa được niềm đam mê của mình”, anh Hiếu chia sẻ.
"Sơn nữ" trồng lan rừng ai cũng mê, có Phi điệp 5 cánh trắng quý hiếm
"Nhìn hoa lan rừng nở dù có muộn phiền gì cũng đều tan biến" - đó là tâm sự của chị Hoàng Thị Loan, hội viên hội phụ nữ khối Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) khi nói về mô hình trồng hoa lan rừng của gia đình.
Chị Hoàng Thị Loan sinh năm 1984, quê gốc ở Cao Bằng, lấy chồng và lập nghiệp tại Lạng Sơn. Chị bắt đầu trồng lan từ năm 2014. Nhân một chuyến về quê, chị đã mua một xe lan rừng khoảng 50 chậu về trồng...
Chị Loan chăm sóc vườn lan rừng của gia đình.
Ban đầu, chị Loan trồng lan vì yêu thích vẻ đẹp và mùi hương của hoa lan rừng, dần dần nuôi dưỡng đam mê, chị quyết tâm lai ghép nhân giống lan rừng để kinh doanh.
Thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc lan, trồng nhưng không ra hoa, rễ ngập úng do tưới quá nhiều nước... nên vườn lan chưa đem lại giá trị kinh tế.
Không nản lòng, chị Loan đã chủ động học hỏi kiến thức trên mạng xã hội cũng như trực tiếp đến các nhà vườn trồng lan rừng để học tập để phát triển vườn hoa lan. Đến nay, vườn lan của chị rộng khoảng 300 m2 với hơn 200 chậu lan các loại từ những loại lan rừng phổ biến đến lan rừng quý hiếm như: Địa Lan Trần Mộng Thu; lan Mắt Đỏ Cánh Bầu Đại, lan rừng Phi Điệp 5 cánh, lan rừng Hoàng Thảo Chuỗi Ngọc...
Chị Hoàng Thị Loan chia sẻ: Phong lan, nhất là phong lan rừng là cây trồng rất "kỹ tính" nhưng cũng khá dễ nếu đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với trồng các loại lan rừng nói chung là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng và cách phòng trừ sâu bệnh. Phải để lan rừng ở nơi thoáng mát, mùa hanh khô phải tưới nước đều đặn, mùa mưa không được để lan ngập nước, gây úng rễ.
Nhằm nâng cao chất lượng hoa lan rừng, năm 2018, chị Loan vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Lạng Sơn thông qua ủy thác của Hội Phụ nữ phường Chi Lăng để đầu tư thêm hệ thống giàn, lưới, mở rộng diện tích khu vườn lan rừng cũng như sưu tầm những giống lan rừng bản địa, quý hiếm để bảo tồn và nhân giống.
Vườn lan rừng được chị sắp xếp khoa học, chia khu theo từng độ tuổi của lan để dễ dàng chăm sóc. Ngoài ra, chị còn sáng tạo đặt tên cho các loại lan rừng mình sưu tầm được như: lan rừng Tuyết Mẫu Sơn, là loại hoa lan rừng Phi Điệp 5 cánh trắng quý hiếm.
Nhằm đưa lan rừng đến với nhiều khách hàng trên cả nước, chị đã tận dụng mạng xã hội Facebook để đăng bài, phát trực tiếp để bán hoa lan, do vậy, nhiều người biết đã tìm đến mua lan của chị.
Các loại lan có giá dao động từ 200 nghìn đồng - 50 triệu đồng/chậu, trung bình mỗi tháng, doanh thu từ bán lan đạt 50 đến 70 triệu đồng. Từ đó, chị có thêm vốn để mở rộng vườn, cuộc sống gia đình sung túc hơn. Vào thời vụ, chị còn tạo việc làm cấy ghép lan cho 3 lao động địa phương.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Loan còn tích cực tham gia hoạt động hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan cho chị em hội viên phụ nữ. Bản thân chị thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn" do các cấp hội phụ nữ triển khai, gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Nhận xét về chị Loan, Bà Hoàng Kim Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chị Hoàng Thị Loan dù là một hội viên trẻ nhưng rất năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các hoạt động hội. Mô hình trồng lan của chị đáng để các hội viên phụ nữ học tập và noi theo.
Xóm trồng lan rừng quý hiếm, có giò lan đột biến giá vài chục triệu Nhờ trồng hoa lan, đặc biệt là lan rừng quý hiếm, nhiều hộ đồng bào Khơme ở ấp 4, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã có thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm ruộng. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 30 hộ "nhờ lan rừng mà sống khá hơn". Những vườn lan rừng...