Nam Định: Trên nuôi chim tiền tỷ nhả “vàng”, dưới trồng la liệt “sâm người nghèo”, 8X Hải Hậu làm giàu nhàn tênh
Nhờ nuôi loài chim yến mà thiên hạ ví như chim tiền tỷ làm ra thứ tổ yến bán đắt như vàng, anh Đinh Văn Thuận (sinh năm 1984) ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định ăn nên làm ra.
Trên nuôi chim tiền tỷ, dưới trồng đinh lăng là mô hình mới vừa làm vừa chơi ở vùng thuần nông của huyện Hải Hậu.
Chim yến là loài sinh sống chủ yếu ở phía Nam, và một số ít ở các tỉnh miền Trung. Loài chim tiền tỷ này chỉ sống được ở những vùng có khí hậu ấm áp, không khí trong lành, độ ẩm ổn định…
Vì thế, việc thấy loài yến xuất hiện, thậm chí số lượng lên đến hàng nghìn con từ một nhà yến ở vùng ven biển tỉnh Nam Định là điều thú vị, nếu không muốn nói là hiếm thấy.
Đến thời điểm hiện tại, mỗi tháng anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thu được trên dưới 2 kg tổ yến, với giá bán tổ yến từ 22- 25 triệu đồng/kg.
Căn nhà yến đặc biệt đó chỉ cách con đê biển ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) chừng hơn 300m2, đoạn chạy qua xã Hải Đông, nằm cách nhà thờ đổ khoảng chừng hơn 800m về phía Đông. Chỉ cần di chuyển trên đê biển đoạn chạy qua đây là có thể dễ dàng nhìn thấy căn nhà yến này.
Được tận mắt chứng kiến đàn chim yến bay lượn dày đặc, số lượng lên tới vài nghìn con khiến bất kì ai đi qua đây cũng không thể rời mắt.
Thấy chúng tôi mải mê ngắm chim quá anh chủ nhà vui vẻ bảo: “Kia là giống chim yến mà cho thứ tổ có giá trị dinh dưỡng cao mà trước giờ miền Nam hay nuôi đó. Nay thì ngoài Bắc cũng nuôi được rồi, chim yến về nhiều cũng chẳng kém gì trong Nam. Đếm sơ sơ thì cũng phải đến cả nghìn con đang bay lượn quanh nhà, chim này ở nhà yến của gia đình tôi hết đó”.
Mãi ngắm đàn chim yến quá mà chủ nhà phải mấy lần mời, chúng tôi mới chịu vào uống nước. Bên chén trà nóng, anh Thuận tâm sự, trước anh cũng hay đi thăm quan nhiều mô hình nông nghiệp, thấy nhiều người nuôi chim yến khá thành công ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng… Anh về tìm hiểu thì ở tỉnh Nam Định chưa có ai nuôi và điều kiện tự nhiên cũng rất phù hợp cho nuôi chim yến.
Nhờ xây nhà cho chim tiền tỷ ở, mỗi tháng anh Thuận có thu nhập vài chục triệu đồng từ nghề khai thác tổ yến được ví như vàng. Bên dưới nhà yến, anh Thuận trồng la liệt cây đinh lăng được ví như sâm người nghèo, càng để càng có giá.
Sau khi nắm vững được quy trình nuôi chim yến và kỹ thuật nuôi chim yến, đầu năm 2019, anh quyết định xây dựng nhà nuôi chim yến.
Ngôi nhà cao 3 tầng, mỗi sàn rộng hơn 80m2 và bên trong được đầu tư đồng bộ với đủ các trang thiết bị thiết yếu dành cho nhà nuôi chim yến.
Video đang HOT
Sau hơn một năm mở máy đi vào hoạt động, đến nay anh Thuận đã dụ được hàng nghìn con chim yến về sinh sống và làm tổ. Lượng chim đến sinh sống trong ngôi nhà của anh ngày càng đông và cho sản lượng tổ ngày càng ổn định hơn.
“Tuy mới mở cửa nhà yến được 13 tháng, nhưng lượng chim ở ổn định cũng phải trên 3.000 con. iện đang vào mùa chim yến nên cũng dụ được rất nhiều chim mới đến ở. Nhà yến đi vào hoạt động khoảng 6 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Những tháng đầu thu mỗi lần khoảng 600g/tháng và tăng đều theo các tháng sau đó. Đến thời điểm hiện tại tôi có thể thu được trên dưới 2kg tổ yến mỗi tháng”, anh Thuận tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Cũng theo anh Thuận, hiện đàn chim yến đang tăng đàn nhanh chóng, tăng nhanh gấp nhiều lần các tháng trước đó. Khoảng vài tháng nữa số lượng chim yến đến ở và làm tổ có thể tăng thêm vài ngàn con, lúc đó kinh tế mang lại sẽ rất cao.
Gía của tổ yến thô dao động từ 22 đến 25 triệu đồng tùy loại, yến nhặt sạch có gía từ 32 đến 35 triệu đồng, anh Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho hay.
“Trong thời gian tới mà lượng chim tăng nhanh như hiện tại thì chắc chắn sang năm tới tôi sẽ mở rộng thêm. Ngoài ra, tôi sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho bà con nếu có nhu cầu”, 8X Đinh Văn Thuận vui vẻ nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Tổ yến được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, là một trong tám món ăn bổ dưỡng, có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe con người.
Anh Đinh Văn Thuận chia sẻ, mùa đông là yếu tố cản trở sự phát triển của nghề nuôi chim yến ở phía bắc, nhưng may mắn thời gian gần đây mùa đông đỡ khắc nghiệt hơn trước, thời gian lạnh sâu không kéo dài.
Đây là những điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi chim yến phát triển ở xứ lạnh, điều mà trước kia không thể nuôi chim yến được.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi loài chim yến, anh Thuận cho biết, tuy không mất công chăm sóc hay cho ăn như các loại vật nuôi khác, nhưng nuôi loại chim yến cũng khá công phu. Nhà nuôi chim yến phải được đầu tư bài bản, lâu dài, không được làm tạm bợ, chắp vá.
Nhà nuôi chim yến phải làm sao đáp ứng được các yếu tố nhiệt độ như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ….và phải ngăn không cho các loài thiên địch gây hại vào trong nhà như: chuột, rắn, chim cú mèo…
Mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Đinh Văn Thuận là mô hình mới của huyện Hải Hậu và của tỉnh Nam Định. Tuy mới đi vào hoạt động được 1 năm, nhưng thành công bước đầu đã khẳng định hướng đầu tư đúng và khẳng định mô hình nuôi chim yến có thể phát triển ở Nam Định, đồng thời cũng mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở miền Bắc.
TP HCM: "Thắng" phèn chua, nước đen, dân ở đây làm giàu trên vùng đất khó
So với 4 huyện làm nông thôn mới của TP HCM, huyện Bình Chánh bất lợi khá nhiều vì có diện tích đất nông nghiệp, nếu không bị nước đen ô nhiễm thì phèn chua.
Tuy nhiên, với tính cần cù, sáng tạo, nhiều nông dân vẫn làm giàu trên chính mảnh đất khó này.
Dân xã nghèo "thắng" phèn chua, nước đen
Lê Minh Xuân là xã nghèo của huyện Bình Chánh với thổ nhưỡng chủ yếu là nhóm đất nhiễm phèn nặng. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu nhanh chóng.
Trồng rau VietGAP tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Cao Thăng
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trên địa bàn thành phố đã và đang xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, như mô hình sản xuất rau sạch có doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm; cá biệt mô hình sản xuất rau xà lách thủy canh đạt tới 8 tỷ đồng/ha/năm.
Từ một vùng trũng thấp, hoang hóa, chỉ có cây lác và cỏ dại, giờ nơi đây đã hình thành nên nông trại trồng dừa của ông Tô Văn Thắng (ấp 4).
Trước đây, hộ ông Thắng trồng mía nhưng do giá mía không ổn định và thường bị thương lái ép giá không có lãi nên ông muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Sau nhiều lần được Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay các mô hình sản xuất nông nghiệp, năm 2016, ông Thắng đã vay 1,2 tỷ đồng để chuyển sang trồng hơn 1.000 gốc dừa với diện tích hơn 6.000m2, gồm 2 giống: Xiêm xanh và đỏ. Hiện, vườn dừa này đang cho thu hoạch.
Ông Thắng cho biết, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 6.000 đồng/trái, vào dịp tết lên đến 8.000 - 9.000 đồng/trái. Trừ các khoản chi phí, ông còn lời khoảng 125 triệu đồng/năm.
Ông Thắng đã hiến gần 1.000m2 đất (giá trị ước gần 800 triệu đồng) để chính quyền làm đường nông thôn mới. Con đường Kênh 11 hoàn thành giúp cho việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân khá thuận lợi. Thương lái có thể cho xe lớn vào tận nơi thu mua, giảm chi phí vận chuyển nông sản của nông dân.
Trong khi đó, tại ấp 1 (xã Tân Nhựt) - khu vực đang bị uy hiếp bởi nước ô nhiễm xả ra từ các nhà máy, dù làm đến 6ha đất lúa ông Ba Nghĩa (Nguyễn Văn Nghĩa) vẫn nhất quyết chuyển sang trồng rau màu. Giải thích cho việc chuyển đổi cây trồng này, ông Ba Nghĩa cho biết bởi lãi 1.000m2 rau màu bằng 5 lần trồng 1ha lúa.
Hiện ông Ba Nghĩa trồng rau màu theo hướng hữu cơ trên diện tích 2.500m2 với 8 loại rau ăn lá như x lách xanh, xà lách tím, rau muống, dền, cải ngọt, cải thìa, cải ngồng... Rau được doanh nghiệp bao tiêu thu mua. "Số lượng rau màu này, doanh nghiệp không đưa vào hệ thống siêu thị mà bán ở các khu dân cư cao cấp như Phú Mỹ Hưng (quận 7) vì giá rau khá cao" - ông Ba Nghĩa cho biết.
Ngoài bán rau màu cho các doanh nghiệp này, ông Nghĩa còn trồng rau theo hướng công nghệ cao bán cho HTX Nông nghiệp Phước An.
Cẩn trọng nước đen
Lâu nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại huyện Bình Chánh rất báo động, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của một bộ phận lớn người dân mà còn gây thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng của bà con nông dân.
Nhờ phủ lưới điện rộng khắp nên nông dân Bình Chánh đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Hải
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Thái Thành Tâm, trong nhiều buổi họp HĐND huyện gần đây, ông đã đề cập đến việc nguồn nước ô nhiễm của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân ảnh hưởng đến việc trồng trọt của bà con nông dân.
"Huyện đã khuyến cáo bà con không tổ chức chăn nuôi, trồng trọt trong vùng ô nhiễm. Khu vực nào còn trồng trọt được thì bà con nên cẩn thận khi lấy nước tưới cây để tránh thiệt hại do nguồn nước ô nhiễm" - ông Tâm chia sẻ.
Một cán bộ Hội Nông dân huyện Bình Chánh cũng cho biết, Hội Nông dân các xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng bị ô nhiễm không sản xuất hoặc phải chuyển đổi nghề. "Một số bà con nông dân đã chuyển đổi nghề từ chăn nuôi sang các dịch vụ khác như cho thuê nhà trọ..." - vị này thông tin.
Mặc dù đứng trước tình hình sản xuất khó khăn, nhưng theo ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bình Chánh, hòa chung tiến trình huyện đang xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều bà con nông dân trên địa bàn vẫn vượt khó, vươn lên làm giàu bằng những mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao.
Đã đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới
Được biết, đến cuối năm 2019, huyện Bình Chánh đã có 12/14 xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đối với 9 tiêu chí huyện nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Bình Chánh đã đạt 8, chỉ còn tiêu chí thứ 7 là môi trường, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao: Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015 (năm 2015 là hơn 40 triệu đồng/người/năm) và 3,9 lần so với lúc khởi điểm xây dựng đề án NTM năm 2010 (17,39 triệu đồng/người/năm).
Song song đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cơ bản, như đưa vào sử dụng 426 công trình giao thông, 107 công trình thủy lợi, 79 công trình trường học, 109 công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao cho người dân... bảo đảm và tạo sự thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ và phát triển sản xuất, đời sống tinh thần của người dân.
Ngoài ra, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Bình Chánh đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 20.860 lượt người, trong đó có 15.837 người được giải quyết việc làm sau học nghề; đã tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm cho 52.133 lao động. Cùng với đó, hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền vận động được 7.630 hộ dân hiến 1.438.612 m2 đất mở rộng các tuyến đường và đóng góp ngày công lao động vào các công trình phục vụ xây dựng NTM với tổng kinh phí 863 tỷ 689 triệu đồng...
Đây là những tiền đề quan trọng để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện được kéo giảm, năm 2019 hộ nghèo chỉ còn 123 hộ, chiếm tỷ lệ 0,06% so với năm 2010 là 11.938 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,5%.
Triển khai mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng: Giải quyết "nạn đói tiềm ẩn" Trong 2 năm 2019-2020, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) và các địa phương triển khai dự án điểm về sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng. Đây là những mô hình khởi đầu, qua đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và tài liệu...