Nam Định: Nuôi thập cẩm các thứ cá trong 1 cái ao, toàn con to bự, ông nông dân này thành tỷ phú
Nuôi thập cẩm đủ thứ cá trong 1 cái ao, ông Trần Văn Quyên, xóm Nội, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) mỗi năm thu hơn nửa tỷ đồng.
Cái ao rộng của ông Quyên nuôi cá lóc, cá koi, cá trắm đen, cá trắm cỏ…Mỗi khi nhà ông Quyên kéo lưới bắt cá nhiều người đến xem cho đã con mắt…
Những ngày giữa tháng 9, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN có dịp ghé thăm trang trại nuôi các loại cá của gia đình ông Trần Văn Quyên xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).
Muốn giàu nuôi cá
Trang trại nuôi cá của gia đình ông Quyên nổi tiếng trong vùng bởi ở đây nuôi được những con cá trắm đen, cá trắm cỏ to bự. Và đặc biệt, ông Quyên có cách thả cá khá đặc biệt, ông thả nuôi thập cẩm các loài cá, trong đó có cả cá koi Nhật Bản. Chính điều này khiến mỗi lần gia đình ông dùng lưới kéo bắt cá khiến nhiều người tò mò đến xem.
Trong khuôn viên trang trại nuôi cá rộng hơn 2 ha, được ông chia làm 9 ao to nhỏ khác nhau. Ao nào cũng được kè bờ kiên cố, lối đi được đổ bê tông phẳng phiu, dưới ao lao xao cá quẫy, xung quanh được trồng cây thế, cây cảnh, cây ăn quả, rau xanh mát mắt…
Ông Trần Văn Quyên ở xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vui mừng vì vụ cá năm nay thắng lớn…Cá nuôi trong ao khoẻ mạnh, nhanh lớn…
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN tới trang trại nuôi cá thập cẩm đúng lúc ông Quyên đang giở tay với công việc.
Vừa làm ông Quyên vừa bảo: ” Anh chị thông cảm đợi tôi một tý, tôi đang phải xử lý nguồn nước ao nuôi cá. Nếu không làm ngay thì sẽ ảnh hướng tới sức khoẻ của đàn cá. Nuôi con cá giống như nuôi con mọn, sễnh ra không để ý là dở hơi ngay, nhiều khi khách tới chơi mà phải bắt đợi cả tiếng”.
Trong cuộc trò chuyện phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN mới biết ông Quyên trước đây làm nghề thợ xây. Gắn bó với công việc này một thời gian dài, thấy vất vả mà đồng công lại thấp nên ông tính chuyển sang làm nghề khác.
Đầu năm 2003, khi UBND xã Mỹ Hà (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, ông Quyên đã bàn bạc với gia đình đấu thầu hơn 2ha đất để xây dựng mô hình kinh tế mới.
Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng gia đình ông quá “liều” khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm.
“Tôi sinh ra là con nhà bắt cá, nuôi cá vì các cụ nhà tôi ngày xưa sống bằng nghề nuôi cá. Sau đó do gia đình không có ao để chăn nuôi tôi mới đi làm nghề thợ xây. Ngay sau khi biết, xã có chủ trương cho chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang làm trang trại, tôi mạnh dạn thuê ruộng rồi chuyển đôi sang trang trại nuôi cá”, ông Quyên nhớ lại.
Video đang HOT
Nuôi đủ loại cá, mỗi năm gia đình ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định bỏ túi từ 600-700 triệu đồng/năm.
Ban đầu ông Trần Văn Quyên nuôi theo mô hình lúa-cá, nhưng càng về sau ông thấy cách làm này không hiệu quả và tốn nhân công nên đã chuyển đổi hẳn sang nuôi cá chuyên canh, nuôi cá thâm canh. Đầu năm 2007, ông chọn nuôi con cá trắm đen, vì đây là loài cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao.
Cả chục năm gắn bó với con cá trắm đen, năm nào ông cũng xuất bán được vài chục tấn cá trắm đen đặc sản. Cá trắm đen của ông Quyên xuất bán đều to bự, đều hơn 10 kg trở lên.
Mấy năm đầu cá trắm đen có giá cao nên chuyện ông Quyên bỏ túi vài trăm triệu mỗi năm là khá bình thường. Nhưng đến năm 2017, giá cá trắm đen xuống thấp nên hiệu quả không cao nên ông quyết định nuôi thêm một số loại cá khác, nuôi xen canh cùng với con trắm đen.
Tỷ phú nuôi cá năng động, sáng tạo
Đối với các ao, ông Quyên vẫn nuôi cá trắm đen như trước đây nhưng thả mật độ thưa hơn để thả xen canh thêm các loại cá khác như: cá trắm cỏ, cá chép và đặc biệt là ông thả cả cá chép koi Nhật Bản. Gọi là thả xen canh, nhưng trong đó con cá trắm đen vẫn là loài cá mang lại nguồn thu chủ lực, thả thêm các loại cá khác để gia tăng thêm thu nhập.
Mỗi năm gia đình ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) đánh bắt, xuất bán gân 50 tấn cá có giá bán cao, trong đó chủ yếu vẫn là cá trắm đen đặc sản cho doanh thu hàng tỷ đồng.
“Trung bình mỗi năm tôi bán khoảng hàng chục tấn cá các loại, trong đó cá chép koi Nhật Bản là có giá bán cao nhất, mỗi kg cá chép koi có giá 180.000 đồng, tiếp đến là cá trắm đen là có giá bán là 80.000 đồng/kg. Các loại cá khác như cá chép, cá trắm cỏ có giá bán trên dưới 50 ngàn đồng/kg”, ông Quyên vui vẻ nói.
Để chủ động nguồn cá giống, ông Quyên dành 3 ao để chuyên ươm cá giống tự phục vụ nhu cầu của gia đình mình. Nhờ vậy mà ông tiết kiệm được kha khá chi phí tiền mua cá giống và đặc biệt có nguồn cá giống chất lượng và tránh được hoa hụt khi vận chuyển.
Ông Trần Văn Quyên tiết lộ, trong các loại cá mà ông nuôi thì con cá chép koi là một loại cá có giá bán cao nhất. Cá chéo koi loại trên dưới 2 kg/con có giá bán 180 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm ông xuất bán ra thị trường cá cảnh khoảng gần 5 tấn cá chép koi. Cá chép koi ông Quyền có đủ loại màu sắc và kích cỡ khác nhau, thỏa mái cho khách hàng lựa chọn.
Kể từ khi chuyển sang nuôi cá, gia đình ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định có thu nhập cao, giàu lên trông thấy.
Ngoài ao cá nuôi thập cẩm các thứ cá ra, ông Quyên dành riêng một ao rộng 2.000m2 để thả nuôi gần 5 vạn con cá lóc đầu nhím. Năm nào ông Quyên cũng thu về được trên dưới 25 tấn cá lóc thịt thương phẩm, doanh thu cả tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá đã giúp gia đình ông Trần Văn Quyên có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Và mô hình nuôi cá thập cẩm của ông Quyên được nhiều người chú ý.
Ông Quyên cho hay, nuôi cá lóc đầu nhím cũng hay, nuôi được mật độ dày, cho ăn thức ăn công nghiệp, giá bán phải chăng nên người tiêu dùng dễ mua…
“Tính bình quân, mỗi năm tôi xuất bán gần 50 tấn cá khác nhau, trong đó cá trắm đen khoảng 12 tấn, cá lóc đầu nhím hơn 25 tấn, cá chép koi là gần 5 tấn, một số loại cá khác khoảng trên 5 tấn. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm tôi lãi khoảng 600-700 triệu đồng”, ông Quyên tiết lộ.
Theo ông Quyên, trong quá trình nuôi cá cần chú ý tới khâu xử lý nước định kỳ. Vì nguồn nước là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất cá và hiệu quả của cả một năm chăn nuôi. Ông thường xuyên sử dụng men vi sinh sục khí do ông tự ủ để xử lý nước ao nuôi.
Trong loại men vi sinh này có nhiều vi sinh có lợi giúp cải thiện môi trường nước ao nuôi, từ đó giúp con cá sinh trưởng tốt hơn. Theo ông Quyên, nếu không ủ được men vi sinh, người nuôi cá có thể đi mua sẵn ngoài thị trường. Cứ một tuần dùng men vi sinh một lần xử lý nước ao thì đảm bảo đàn cá luôn khoẻ mạnh.
“Làm nông dân, nuôi con gì có hiệu quả kinh tế cao thì nuôi. Nhu cầu thị trường thay đổi thì nông dân cũng nên phải nghĩ ra cách thích ứng. Hãy nắm bắt quy luật thị trường để tìm loại vật nuôi cho hợp lý. Trong quá trình nuôi cá cần tục cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, cách làm mới, diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời…”, ông Quyên chia sẻ.
Thu nước trên núi Bút Sơn, làm "sông trong ao" nuôi cá, đàn cá nhung nhúc lớn như thổi, bán đắt hàng
Nuôi cá theo công nghệ cao "Sông trong ao" và sản xuất các sản phẩm chế biến (cá kho niêu, chả cá, ruốc cá) đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng (Hà Nam) đã giải quyết được nỗi lo "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
NUÔI CÁ CÔNG NGHỆ CAO DƯỚI CHÂN NÚI
Tháng 7/2019, mô hình nuôi cá "Sông trong ao" của HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng dưới chân núi Bút Sơn ở thôn Bút Sơn (xã Thanh Sơn, Kim Bảng) hoàn thành xây dựng và tiến hành thả, nuôi cá theo ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của huyện Kim Bảng.
Mô hình có 3 bể nuôi cá rô đơn tính Thái Lan và cá trắm cỏ, được xây đúng quy cách, cá nuôi đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao.
Bể nuôi cá theo mô hình "Sông trong ao" tại HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng.
Xung quanh núi Bút Sơn trước đây, các hồ, ao cũng được thả cá, nhưng có khi đến hằng năm mới đánh bắt một lần, giá trị thu được không cao. Khi được giới thiệu về nuôi cá theo công nghệ cao "Sông trong ao", anh Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng đã tìm hiểu và đầu tư nuôi ngay.
Đầu năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để tiến hành cải tạo ao dưới chân núi Bút Sơn đắp bờ ngăn, làm kênh thu nước từ trên núi chảy xuống, bảo đảm nguồn nước ổn định trong ao để nuôi cá. Sau những tháng ngày hồi hộp lo âu, được sự giúp sức của cán bộ, chuyên gia ngành nông nghiệp và đơn vị chuyển giao kỹ thuật, lứa cá đầu tiên đã cho thu hoạch.
Anh Hiếu cho biết: Năng suất, hiệu quả kinh tế nuôi cá "Sông trong ao" tăng gấp từ 3-5 lần so với nuôi cá truyền thống. Thịt cá chắc, thơm, không tanh.
Ông Nguyễn Hồng Đức - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn nói: Bước đầu mô hình nuôi cá "Sông trong ao" của HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng cho năng suất, hiệu quả cao. Đây là HTX kiểu mới với cách làm rất phù hợp, góp phần nâng cao tiêu chí sản xuất, thu nhập theo hướng xã có vùng sản xuất tập trung với sản phẩm chủ lực, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kinh doanh có hiệu quả.
Năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/QĐ-UBND về việc thực hiện Đề án Xây dựng mô hình điểm nuôi cá ứng dụng công nghệ "Sông trong ao", sản xuất theo chuỗi liên kết để tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, hoàn thiện quy trình trước khi nhân rộng, nhằm phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.
Từ hiệu quả mô hình ban đầu, HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm 2 mô hình nuôi mới. Quy mô mỗi mô hình gồm 2 bể nuôi, được thiết kế xây dựng, thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm hệ thống vận hành tốt, hoạt động hiệu quả. Hiện mô hình ao nuôi phía trong đã hoàn thành chuẩn bị đi vào sản xuất.
Theo anh Hiếu, khi đi vào hoạt động ổn định, dự kiến một năm HTX sản xuất được trên 200 tấn cá các loại.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nuôi cá ứng dụng công nghệ cao "Sông trong ao" có ưu điểm nổi bật là năng suất cao, chất lượng sản phẩm ngon, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Quá trình nuôi, HTX Hải Đăng đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước ao nuôi, nguồn thức ăn, thực hiện ghi chép sổ nhật ký để theo dõi sinh trưởng, phát triển của cá.
Anh Hiếu cho biết thêm: Các điều kiện bảo đảm chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap được HTX tuân thủ rất nghiêm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất vi lượng thiết yếu cho sức khỏe con người.
HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN QUY TRÌNH SẢN XUẤT THEO CHUỖI
Khác với các HTX, mô hình sản xuất cá "Sông trong ao" cả trước đây và hiện nay đang làm, ngay khi thu hoạch lứa cá đầu tiên, HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng đã nghĩ ngay đến việc nâng cao giá trị của con cá cũng như giá trị sản xuất và thu nhập cho người nuôi cá bằng việc chế biến các sản phẩm từ cá.
Hiện HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng đang có các sản phẩm làm từ cá là: cá kho niêu, chả cá và ruốc cá. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2020, cả ba sản phẩm: cá kho niêu, chả cá và ruốc cá được huyện Kim Bảng chọn đăng ký là sản phẩm OCOP, làm phong phú thêm sản phẩm thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Theo anh Hiếu, từng bước phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn, bước đầu HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng chế biến 3 sản phẩm là cá kho niêu, chả cá và ruốc cá. Hiện mỗi tháng Hải Đăng chế biến khoảng 1 tấn cá nguyên liệu.
Sản phẩm đang được bán tại một số cửa hàng trên địa bàn thành phố Phủ Lý, thị trấn Quế (Kim Bảng) và bán hàng online. HTX đang xúc tiến thị trường tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh trong khu vực.
Sản phẩm tuy chưa nhiều nhưng Hải Đăng đã tìm hiểu khá kỹ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng để làm hài lòng tất cả thực khách. Chẳng hạn như đối với sản phẩm cá kho niêu, để chiều lòng khách, cá được kho với các gia vị tự nhiên đồng quê, sau đó được đóng túi hút chân không, trọng lượng từ 0,5kg/túi để tiện vận chuyển và dùng bữa hàng ngày.
"Sản phẩm đa dạng giúp khách hàng lựa chọn đủ dùng không phải bảo quản lâu trong tủ lạnh, tránh làm giảm chất lượng của món ăn. Thời gian tới, HTX sẽ phục vụ thị trường thêm sản phẩm mới là cá phi lê" - anh Hiếu nói.
Được biết, để vận hành theo chuỗi hiệu quả từ sản xuất đến bàn ăn, HTX Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng đã tạo mối liên kết với HTX Dịch vụ thương mại (tỉnh Hải Dương) chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chế biến và giúp tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến tới đây, Hải Đăng sẽ xây dựng nhà máy chế biến cá có công nghệ tiên tiến, làm đầu mối tiêu thụ cá thương phẩm từ các mô hình nuôi cá "Sông trong ao" của các hộ, HTX trong tỉnh và hướng tới chế biến sâu các sản phẩm từ con cá.
Lào Cai: Nuôi cá trên non cao nước biếc, nông dân thu trăm triệu Anh Tuấn, xã Bản Qua, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cho biết, nhờ nguồn vốn vay của Quỹ HTND huyện mà mô hình nuôi cá của gia đình được mở rộng, mang lại thu nhập cao hơn những năm trước. Sau 1 năm, hơn 2.000m2 ao cá của gia đình anh đã cho thu hơn 100 triệu đồng. Tổng kết phong trào...