Nam Định: Nuôi loài ốc siêu đẻ bò quanh quẩn trong ao bèo, U60 thu tiền tỷ
Từ một lão nông suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, đến nay sau nhiều năm mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi ốc nhồi, lão nông Nguyễn Văn Nghị (SN 1967, xóm 10, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định) đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ loài ốc siêu đẻ này.
Ở xã Hải Minh (huyện Hải Hậu, Nam Định) không ai là không biết đến lão nông Nguyễn Văn Nghị. Ông Nghị được mọi người biết đến là một lão nông giàu lên nhờ “gắn bó” với nghề nuôi ốc nhồi làm giống.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình ương ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc bươu đen), ông Nghị phấn khởi cho biết, nghề ương giống ốc nhồi đã giúp gia đình ông thoát nghèo, làm giàu. Từ một gia đình bần nông đến nay ông Nghị đã có của ăn của để.
Hàng ngày, ông Nghị giành phần lớn thời gian sóc đàn ốc nhồi sinh sản.
Rót cốc nước chè đặc quánh, ông Nghị kể cho chúng tôi cơ duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi. Ông cho biết, trước khi đến với nghề nuôi ốc nhồi làm giống ông đã có nhiều năm gắn bó với nghề thợ xây, cho thuê dàn giáo cốp pha, công việc nặng nhọc là vậy nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao.
Ông Nghị kiểm tra tình trạng ’sức khoẻ’ của ốc nhồi giống. Theo ông Nghị, ốc nhồi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Tuy nhiên, để nuôi được ốc nhồi thì phải có ao, hồ môi trường tốt, chưa bị ô nhiễm bởi hoá chất, ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ…
Ý nghĩ làm gì để thoát nghèo luôn đau đáu trong ông. Năm 2019, tình cờ trong một lần đọc báo, nghe đài, ông biết đến nhiều gia đình đổi đời nhờ mô hình nuôi ốc nhồi làm giống, ông đã “khăn gói quả mướp” đi học hỏi mô hình chăn nuôi thuỷ sản này.
Sau thời gian dài học tập kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi, ông Nghị về quê cải tạo lại ao, xây thêm 4 bể xi măng và mua 2 vạn ốc nhồi giống với giá 12 triệu đồng để về nuôi.
Video đang HOT
Thức ăn của ốc chủ yếu là mướp, xơ mít, các loại lá như lá bí ngô, lá sắn, lá đu đủ… Mỗi ngày, ông Nghị cho ốc nhồi ăn 1 lần vào lúc chiều tối.
Thế nhưng trời không chiều lòng người, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, ốc nhồi nuôi bị chết la liệt, có đến 7.000 con ốc nhồi bị chết. Xót của, có những đêm ông Nghị không tài nào chợp mắt được. Thế rồi, ông lại mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi ốc nhồi. Rau nhiều ngày “ăn trực nằm chờ” học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc nhồi ở những trại nuôi lớn, ông đã hiểu được quy luật sinh tồn, tập tính của ốc.
Cũng nhờ phát hiện được những đặc tính nhỏ nhất từ con ốc nhồi, ông Nghị đã thay đổi phương pháp nuôi, tỷ lệ ốc nhồi chết, hao hụt vì bệnh tật dần được cải thiện. Ông đã chủ động nhân giống đàn ốc nhồi rồi dần phát triển mô hình với số lượng lớn.
Mỗi tháng gia đình ông Nghị cung cấp hàng chục vạn ốc nhồi giống ra thị trường.
Đến nay, ông đã nhân giống lên 2.500 cặp ốc nhồi bố mẹ, mỗi tháng cung cấp hàng chục vạn ốc nhồi giống ra thị trường. Theo ông Nghị, giờ đây, mỗi tháng gia đình ông bán ra thị trường 30 vạn ốc nhồi giống, với giá 5 triệu đồng/vạn. Trừ chi phí, mỗi tháng ông thu lãi 100 – 120 triệu đồng.
Sau khi ốc nhồi đẻ, trứng ốc nhồi được thu gom lại cho vào thùng ấp.
Theo ông Nghị, ốc nhồi có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Tuy nhiên, người nuôi phải tinh ý bởi ốc thi thoảng mắc bệnh nghiêng mình, sưng vòi. Trường hợp phát hiện kịp thời sẽ hạn chế được tình trạng hao hụt đàn.
“Chữa bệnh này cho ốc nhồi cũng rất đơn giản, người nuôi chỉ cần vớt ốc bị bệnh ra ngoài, rửa lại bằng nước sạch đã lọc qua than hoạt tính, sau đó ngâm ốc vào nước muối iot đã hòa tan (1 thìa muối/20 lít nước). Khi thấy ốc hồi phục, tự bơi được thì cho vào bể nuôi lúc ban đầu. Ngoài ra, người nuôi phải đặc biệt chú ý đến nguồn nước. Nước nuôi ốc nhồi phải sạch và phải có độ pH từ 7 – 10 thì mới đạt yêu cầu…”, ông Nghị lưu ý.
Theo ông Nghị, ốc nhồi mẹ chủ yếu đẻ trứng rộ từ tháng 4 – 10 âm lịch. Những tháng cuối năm, ốc nhồi ngủ đông, khoảng giữa tháng 3 âm lịch năm sau, ốc nhồi bắt đầu kết thúc kỳ ngủ đông ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn.
Ông Nghị nhân giống ốc nhồi đến đâu lại bán hết hàng đến đó. Mỗi tháng gia đình ông bán ra thị trường 30 vạn ốc giống, với giá 5 triệu đồng/vạn.
Thức ăn cho ốc nhồi rất dễ kiếm, ốc chủ yếu ăn mướp, xơ mít, các loại lá như lá bí ngô, lá sắn, lá đu đủ… Mỗi ngày chỉ cho ốc nhồi ăn 1 lần vào lúc chiều tối.
“Ốc nhồi chịu nóng kém, cần phải áp dụng các biện pháp chống nắng cho ốc. Muốn ốc mẹ đẻ trứng khỏe người nuôi nên tạo bờ đất xung quanh bể nuôi để cho ốc đẻ. Trung bình, ốc mẹ đẻ 3 buồng trứng/tháng, mỗi buồng dao động 50 – 100 con. Ốc chủ yếu sinh đẻ vào ban đêm. Sau khi ốc đẻ trứng, đến 10h sáng hôm sau thu gom trứng lại, cho vào thùng ấp…”, ông Nghị tiết lộ.
Theo ông Nghị, trong thùng đều có các khay chứa trứng. Khi xếp đủ trứng ốc nhồi trên khay thì phủ lớp khăn ẩm lên mặt, ngày xịt nước 1 – 2 lần vào khăn với mục đích giữ ẩm. Khoảng 15 ngày trứng ốc nhồi chuyển từ máu trắng sang màu đen ốc sẽ nở. Tiếp đó, người nuôi sẽ cho ốc nhồi con xuống bể ương. Nuôi thêm 15 ngày ốc nhồi to bằng đầu đũa có thể bán…”.
Chuyện lạ Nam Định: Chán ao, mang tôm nuôi bể xi măng mà đổi đời
Chuyện lạ Nam Định mà phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN được chứng kiến. Đó là chuyển tôm từ ao đầm sang nuôi trong bể xi măng tại gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Hải Đông, Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Không ngờ rằng cách nuôi tôm "có 1 không hai" này lại giúp gia đình anh đổi đời. Mỗi năm anh kiếm lời hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi tôm trong bể xi măng.
Là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng ở huyện Hải Hậu, đến nay mô hình nuôi tôm của anh Cường đã và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Chỉ tay về phía cánh đồng muối mặn mòi mùi nước biển, anh Cường kể cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN nghe cơ duyên khiến anh đến với nghề nuôi tôm...
Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình anh Nguyễn Văn Cường. Điều ấn tượng là ban đầu đưa tôm thẻ chân trắng lên nuôi trong bể xi măng nhiều người không cho là anh Cường sẽ thành công, có người còn kêu anh "khùng, dở hơi".
Anh Cường cho hay, từ xa xưa làng anh đã gắn liền với nghề làm muối. Quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", thế nhưng cuộc sống của nhiều gia đình cũng chẳng khá giả là bao.
Thấy nghề làm muối thu nhập bấp bênh, năm 2005 anh nảy sinh ý tưởng chuyển đổi khu đất làm muối sang nuôi trồng thuỷ sản. Nghĩ là làm, anh thuê máy múc, đào ao, nuôi tôm sú, cua rèm, nuôi cá...Những năm đầu kinh nghiệm nuôi tôm, kinh nghiệm nuôi cá chưa có, nên thu nhập từ ao, đầm cũng chỉ đủ để anh Cường trang trải cuộc sống qua ngày.
Năm 2007 nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập cao, anh Nguyễn Văn Cường đã "khăn gói quả mướp" đi học tập kỹ thuật nuôi tôm ở nhiều nơi. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, anh trở về địa phương đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng rồi trời không chiều lòng người, những vụ tôm đầu tiên dù bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng ao tôm của anh vẫn bị dịch bệnh. Tôm chết nhiều, khiến anh Cường lao đao.
Công việc cho tôm ăn hàng ngày được anh chăm sóc tỉ mỉ. Anh Cường thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, nuôi tôm trong bể xi măng khi cho tôm ăn vừa là lao động, nhưng đồng thời cũng là thú vui, giải trí khi được ngắm từng đàn tôm trong bể...
Bại nhưng không nản, những ngày rảnh rỗi anh lại chạy khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Cường cho hay: "Tôm giống ươm trong bể xi măng phát triển rất tốt, nhưng khi chuyển xuống ao nuôi lại bị dịch bệnh, chết rất nhiều, có đợt tôm chết như ngả rạ, trở tay không kịp. Nhiều đêm trăn trở vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi lại đặt ra câu hỏi nuôi tôm trong bể xi măng tốt như vậy, tại sao mình lại không thử???".
Nghĩ ra ý tưởng nuôi tôm trong bể xi măng là anh Cường bắt tay vào thử nghiệm ngay. Mỗi vụ, anh Cường lại bớt lại một ít tôm giống nuôi ở trong bể xi măng xem sao. Lúc thu hoạch phát hiện cùng lứa tôm thả xuống ao, tôm nuôi ở trong bể xi măng lại ít dịch bệnh, phát triển mạnh hơn. Nắm bắt được ưu, nhược điểm này, anh áp dụng nuôi liền 4 vụ tôm trong bể xi măng, 4 năm nay, nuôi vụ tôm nào cũng đều cho thu hoạch cao...
Năm 2016, anh Cường quyết định chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ nuôi trong ao, đầm sang nuôi tôm trong bể xi măng. Trong vòng 2 năm 2016- 2017, anh đã san lấp ao xây dựng 80 bể xi măng, mỗi bể rộng 25m2, với hệ thống mái , hệ thống sục bọt tạo oxy hoàn chỉnh...
Những con tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng ít bị bệnh tật hơn so với khi nuôi ở môi trường ao, đầm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVET.VN, anh Cường lưu ý , người nuôi tôm trong bể xi măng phải chú ý việc xử lý nguồn nước. Theo đó, sau khi lấy nước từ biển về hồ chứa, người nuôi tôm phải xử lý kỹ thuật lọc sạch các chất hữu cơ. Nước biển nuôi tôm phải được thay thường xuyên để đảm bảo nước luôn sạch, không mang mầm bệnh.
Mặt khác, nguồn thức ăn cho tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng cũng phải lấy ở những doanh nghiệp sản xuất tên tuổi, uy tín, đảm bảo chất lượng. Anh Cường cũng không bao giờ cho tôm ăn những chất kích thích tăng trưởng nên tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng của anh thơm, ngon và dai hơn so với tôm nuôi ở dưới ao...
Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Cường, hiện nay với 80 bể xi măng, 1 năm anh nuôi 3 vụ tôm, mỗi bể cho khoảng 2,1 tạ tôm thịt thương phẩm. Tính theo giá thị trường mỗi bể cho anh thu khoảng 15 triệu đồng/năm, như vậy mỗi năm doanh thu nuôi tôm thẻ trong bể xi măng lên đến cả tỷ đồng...
Thành Nam
Nam Định: Tình hình sức khoẻ cặp vợ chồng nghi nhiễm Covid-19 trở về từ Nhật Theo đại diện trung tâm y tế huyện Hải Hậu, Nam Định, cặp vợ chồng nghi nhiễm Covid-19 trở về từ Nhật Bản chưa có kết quả xét nghiệm, hiện sức khoẻ tiến triển tốt. Liên quan đến trường hợp hai vợ chồng quê Hải Hậu trở về từ Nhật Bản bị sốt 3 ngày liên miên, ngày 29/2, bà Bùi Thị Minh...