Nấm đen chết người gieo thêm khủng hoảng cho Ấn Độ
Một loại nấm đen chết người đang âm thầm tấn công người dân Ấn Độ, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19, khiến cuộc khủng hoảng hiện tại càng thêm tồi tệ.
Một xu hướng đáng lo ngại khác đã xuất hiện giữa lúc hệ thống y tế Ấn Độ vật lộn với đại dịch, khi không ít bệnh nhân tái nhập viện với nhiều triệu chứng khác nhau, gồm viêm xoang, mắt mờ, nước mũi màu đen có máu, hay vùng da xung quanh mũi bị sậm màu. Thủ phạm là một bệnh nấm chết người được gọi là mucormycosis, hay nấm đen, thường tấn công mạnh nhất ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh nhiễm trùng khác.
Bang phía tây Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai, ghi nhận tới 300 trường hợp bị nấm đen. Khoảng 300 trường hợp khác cũng được báo cáo ở 4 thành phố bang Gujarat, trong đó có Ahmedabad. Chính quyền bang đã lệnh cho các bệnh viện công thành lập khu điều trị bệnh nhân bị nhiễm “nấm đen” trong bối cảnh ca nhiễm tiếp tục tăng.
Dù số ca mắc hiện tại tương đối thấp, nguy cơ gây tử vong và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng của loại nấm đen này đang đẩy hệ thống y tế vào tình trạng báo động cao giữa lúc quá tải vì Covid-19. Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, đã báo cáo hơn 23,3 triệu ca nhiễm và hơn 254.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
” Tỷ lệ tử vong do mucormycosis là 50%. Trong khi tỷ lệ tử vong vì Covid chỉ là 2,5% “, Amarinder Singh Malhi, người làm việc tại Viện Khoa học Y tế Ấn Độ, một bệnh viện công ở thủ đô New Delhi, cho biết.
Người nhà đứng bên thi thể nạn nhân Covid-19 tại một nhà hỏa táng ở New Delhi ngày 11/5. Ảnh: AFP.
Malhi cho biết bệnh viện của ông chưa thấy số ca mắc nấm đen gia tăng, nhưng tuần trước, một phụ nữ đã bị mất thị lực một bên mắt và có nguy cơ tương tự với bên mắt còn lại.
“Tôi đã chuyển ca bệnh đó đến phòng cấp cứu”, ông nói vì nghi ngờ người phụ nữ mắc bệnh nấm đen. “Cô ấy khi đó cần thuốc chống nấm ngay lập tức”.
Trừ khi được điều trị sớm, cách duy nhất để ngăn chặn nấm đen đã phát triển mạnh trong cơ thể là phẫu thuật loại bỏ tất cả mô chết và bị nhiễm trùng. Giáo sư Peter Collignon, thành viên ủy ban chuyên gia về kháng kháng sinh và các bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khẳng định mucormycosis “rất nguy hiểm, có khả năng tử vong cao và cần phẫu thuật kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc”.
Akshay Nair, một bác sĩ phẫu thuật mắt ở Mumbai cho biết đã ghi nhận 40 ca nhiễm mucormycosis chỉ trong tháng trước và 11 trường hợp phải cắt bỏ mắt.
” Tôi sẽ phải cắt mắt để cứu sống cô ấy “, Nair nói ngay trước khi phẫu thuật cho một phụ nữ 25 tuổi nhiễm nấm đen, người vừa phục hồi vì mắc Covid-19 ba tuần trước.
Video đang HOT
“Tôi đã gặp 24 ca chỉ trong hai tuần. Thật đáng sợ”, bác sĩ này đăng trên Twitter.
Nair cho biết giữa tháng 12/2020 và tháng 2 năm nay, 6 đồng nghiệp của anh ở 5 thành phố Ấn Độ đã báo cáo 58 trường hợp, phần lớn bị nhiễm trong khoảng thời gian từ 12-15 ngày sau khi khỏi Covid-19.
P Suresh, trưởng khoa nhãn khoa tại Bệnh viện Fortis ở Mulund, gần thành phố Mumbai, nói bệnh viện của ông đã điều trị ít nhất 10 bệnh nhân mắc nấm đen trong hai tuần qua, gấp đôi so với năm trước đại dịch. Tất cả đều bị nhiễm Covid-19 trước đó và đều bị tiểu đường hoặc từng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, như steroid.
” Các trường hợp nhiễm mucormycosis ở bệnh nhân Covid-19 sau khi hồi phục gần gấp 4 đến 5 lần so với trước đại dịch “, Atul Patel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, cho hay.
Ấn Độ chưa công bố dữ liệu về số ca mắc nấm đen trên toàn quốc, nhưng các quan chức nói quốc gia này chưa ghi nhận đợt bùng phát lớn. “Nó chưa đến mức phải hoảng sợ, nhưng bạn nên biết khi nào nên tìm kiếm những lời tư vấn”, Aparna Mukherjee, một nhà khoa học tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, nói.
Các bác sĩ cho biết các bào tử nấm đen có thể tìm thấy trong đất, phân hoặc không khí nhưng thường không ảnh hưởng tới người khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với người bị suy giảm miễn dịch, nó có thể gây tử vong.
“Chúng là họ nấm thường xâm nhập vào xoang và tích tụ ở đó. Chúng cũng có thể xâm nhập vào các không gian khác trong đầu bạn”, Collignon nói. “Khi hệ miễn dịch của bạn không thể kiểm soát chúng, chúng sẽ tấn công não. Khi đó nó thực sự trở thành vấn đề và rất nghiêm trọng”.
“Trước khi Covid-19 xuất hiện, loại nấm này thường chỉ xuất hiện ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân tiểu đường nặng, bị bệnh bạch cầu, u lympho và các bệnh lý suy giảm miễn dịch khác”, Malhi nói.
Ông cho rằng các ca mắc nấm đen gia tăng gần đây là do việc lạm dụng steroid để ngăn chặn đại dịch. “Chúng ta đang thấy số ca nhiễm tăng 100-200% ở một số bang. Chúng tôi chưa từng thấy điều này trong đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Nhưng trong đợt thứ hai, chúng tôi đã thấy vì đang sử dụng steroid nhiều hơn. Steroid chính là con dao hai lưỡi”, ông nói.
Giáo sư Peter Collignon của WHO cũng đồng tình với nhận định này. Ông nói cuộc khủng hoảng Covid-19 đang tạo điều kiện lý tưởng cho nấm đen lây lan.
“Hiện tại chúng tôi đang sử dụng steroid liều cao cho những bệnh nhân Covid-19 nếu họ phải chăm sóc đặc biệt, bởi steroid giúp điều trị tình trạng viêm. Nhưng đồng thời, steroid cũng ức chế hệ thống miễn dịch của bạn”, ông nói. “Chúng ta đang cố làm giảm nhiễm trùng bằng steroid nhưng điều đó đồng nghĩa khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường như nấm cũng bị suy giảm”.
Hệ thống y tế quá tải ở Ấn Độ, cùng môi trường đông đúc và chật chội càng khiến nấm đen có nhiều cơ hội để phát triển và gây bệnh.
Phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Moradabad, bang Uttar Pradesh tuần trước. Ảnh: AFP.
Prince Surana, bác sĩ và giám đốc điều hành một hệ thống bệnh viện tư ở Mumbai, nói các báo cáo về số ca nhiễm nấm đen tại một số bệnh viện địa phương đã khiến các cơ sở của ông phải thắt chặt quy định sử dụng thuốc steroid, nhằm ngăn nguy cơ bùng phát của mucormycosis.
“Chúng tôi không sử dụng steroid cho tất cả bệnh nhân Covid-19, đặc biệt nếu bệnh nhân đó dễ bị lây nhiễm chéo hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường”, ông cho hay.
Surana thêm rằng các bác sĩ cần lưu ý với bệnh nhân Covid-19 nên theo dõi các triệu chứng nhiễm nấm đen, như viêm xoang, sưng tê hoặc mất thị lực, sau khi xuất viện.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc xử lý số ca Covid-19 quá lớn ở Ấn Độ hiện tại cũng khiến nhiều bệnh viện khó theo dõi sát sao các bệnh nhân đã xuất viện, đồng thời việc khử trùng bệnh viện hiện tại cũng rất phức tạp.
“Trong lúc bình thường, chúng tôi sẽ khử trùng phòng chăm sóc đặc biệt sau mỗi 14 ngày. Nhưng giờ, trong giai đoạn Covid-19 tấn công, việc khử trùng hoàn toàn là không thể”, Surana nói.
Thế giới ráo riết gửi thuốc, oxy giải cứu Ấn Độ
Mỹ, châu Âu và một số quốc gia gấp rút hỗ trợ ứng phó khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ, nhưng các động thái của họ được cho là một phần mang tính toán ngoại giao.
Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla ngày 29/4 cho biết đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ hơn 40 nước. Quốc gia giữ vai trò then chốt trong an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thiếu hụt nghiêm trọng oxy y tế và thuốc điều trị Covid-19 vì các biến chủng nCoV lây lan với tốc độ chóng mặt.
Ngày 1/5, Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ, dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới một ngày. Hồi đầu tháng ba, con số này là hơn 15.000 trường hợp. Cùng ngày, Ấn Độ còn ghi nhận hơn 3.500 ca tử vong vì Covid-19. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, hết giường và thiếu hụt oxy điều trị. Hệ thống y tế quốc gia bị đẩy đến bờ vực sụp đổ.
Mỹ cuối tuần qua thông báo sẽ hỗ trợ 100 triệu USD vật tư y tế cho Ấn Độ. Cam kết viện trợ từ Mỹ gồm 1.100 bình oxy, khoảng 20.000 liều thuốc kháng virus remdesivir và nguyên liệu thô đủ để điều chế khoảng 20 triệu liều vaccine Covid-19.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện New Delhi, Ấn Độ chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV vào ngày 29/4. Ảnh: Reuters.
Từ châu Âu, chính phủ Đức cũng đề xuất gửi máy trợ thở và khẩu trang y tế sang giải cứu. Pháp lên kế hoạch chuyển thêm oxy lỏng, còn Anh dự kiến gửi máy điều chế oxy y tế. Nhật Bản cũng khởi động kế hoạch cung cấp máy trợ thở và máy điều chế oxy y tế.
Không chỉ thiếu hụt oxy điều trị người nhiễm nCoV, quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới còn đang cạn kiệt vaccine phục vụ nhu cầu trong nước. Chính phủ Ấn Độ vẫn lên kế hoạch chủng ngừa mọi công dân trên 18 tuổi từ ngày 1/5, trong khi nhiều thành phố đã báo không đủ vaccine.
Moyuru Baba, ký giả của Nikkei , đánh giá những lời đề nghị viện trợ từ một số nước dường như có động cơ ngoại giao. Ngày 28/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm khẩn cấp về những biện pháp ứng phó đại dịch. Lãnh đạo hai nước tái khẳng định Ấn Độ sớm khởi động sản xuất Sputnik V do Nga phát triển, vốn đã được chính phủ Ấn Độ cấp phép sử dụng từ giữa tháng 4. Hai nước đồng ý thiết lập kênh đối thoại 2 2 giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng.
Bằng cách thắt chặp quan hệ hợp tác cùng New Delhi, Moskva gián tiếp tạo sức ảnh hưởng lên mức đoàn kết giữa Ấn Độ với ba thành viên còn lại trong Đối thoại An ninh Bộ tứ là Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Nga gửi trang thiết bị hỗ trợ ứng phó Covid-19 ở Ấn Độ vào ngày 29/4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh chiến lược ngoại giao tại Nam Á giữa giai đoạn Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 27/4 đã hội đàm trực tuyến với ngoại trưởng một loạt quốc gia trong khu vực gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Nội dung hội đàm tập trung vào biện pháp ứng phó đại dịch. Bắc Kinh cũng gửi lời mời tham gia cho New Delhi, nhưng Ngoại trưởng Shringla đã không góp mặt.
Trong cuộc hội đàm, ông Vương Nghị mở lời hỗ trợ vaccine và kinh tế những nước trong khu vực, đồng thời cam kết Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh Sánh kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ngoại trưởng Trung Quốc còn tuyên bố sẽ hỗ trợ và hợp tác với Ấn Độ giữa giai đoạn cấp bách hiện nay.
Bắc Kinh đưa ra lời hứa giúp đỡ giữa giai đoạn tranh chấp biên giới hai nước vẫn còn căng thẳng. New Delhi trong thời gian qua cũng hết sức dè chừng chiến lược "ngoại giao vaccine" được Bắc Kinh áp dụng cho nhiều nước láng giềng.
Các lãnh đạo Bộ tứ vào giữa tháng ba công bố kế hoạch cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới trước cuối năm 2022. Ấn Độ là mảnh ghép quan trọng với năng lực sản xuất vaccine vượt trội. Cục diện đã bất ngờ thay đổi khi nhiều biến chủng nCoV bùng phát lây nhiễm ở Ấn Độ, đẩy chính phủ của Thủ tướng Modi vào khủng hoảng và khiến tham vọng xuất khẩu vaccine trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.
Ấn Độ trả giá vì niềm tin miễn dịch cộng đồng Nhiều người Ấn Độ từng tin rằng họ đã thoát bão Covid-19 nhờ đạt miễn dịch cộng đồng, cho tới khi làn sóng thứ hai nhấn chìm quốc gia này. Khi Ấn Độ áp lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 3 năm ngoái, nỗi sợ về nguy cơ Covid-19 càn quét khắp đất nước hơn 1,3 tỷ dân thực sự hiện hữu....