Năm 2022 ghi nhận số vụ cháy rừng cao kỷ lục ở Tây Nam châu Âu
Cơ quan Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/8 cho biết hàng chục nghìn ha rừng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bị thiêu rụi trong năm 2022.
Đây là năm có nhiều vụ cháy rừng nhất ở Tây Nam châu Âu.
Trực thăng cứu hỏa phun nước dập đám cháy rừng tại Verin, Tây Bắc Tây Ban Nha ngày 4/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo CAMS, ô nhiễm carbon tại Pháp do cháy rừng trong 3 tháng qua đã lên mức kỷ lục, kể từ khi cơ quan này theo dõi số liệu trên vào năm 2003. Tháng trước, Tây Ban Nha ghi nhận mức phát thải carbon do cháy rừng cao nhất từ trước đến nay.
CAMS nêu rõ tổng mức bức xạ của cháy rừng mỗi ngày – thước đo cường độ của các đám cháy rừng – ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong tháng 7 và tháng 8 “cao hơn đáng kể” so với mức trung bình. Cơ quan này cảnh báo phần lớn khu vực Tây Âu hiện đang trong tình trạng “cực kỳ nguy hiểm”. Dự báo cường độ và mức độ cháy rừng ở nhiều khu vực Nam Âu có thể tăng.
Video đang HOT
CAMS đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám khói khổng lồ ở Tây Nam nước Pháp kéo dài hàng trăm km trên Đại Tây Dương. Nhiều nước láng giềng đã hỗ trợ Pháp khống chế vụ cháy mới nhất, rộng 40 km (25 dặm) và buộc khoảng 10.000 người phải sơ tán.
Trên toàn cầu, năm 2022 là năm có lượng carbon do cháy rừng cao thứ 4. Các nhà khoa học cảnh báo các đợt nắng nóng như vừa qua ở Tây Âu có khả năng xảy ra nhiều hơn do biến đổi khí hậu.
60% diện tích châu Âu đang bị hạn hán
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn dữ liệu của Đài quan sát Hạn hán châu Âu vừa mới công bố cho biết 60% diện tích châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán.
Lòng hồ khô nứt do hạn hán tại Edgworth, tây bắc nước Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Các phát hiện dựa trên dữ liệu từ khoảng thời gian 10 ngày gần cuối tháng 7, cho thấy 45% lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) trong tình trạng cảnh báo hạn hán vào giữa tháng 7. Ngoài ra, 15% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, nghĩa là thiếu nước trầm trọng.
Ngày 8/8, Cơ quan giám sát khí hậu EU (Copernicus) cũng báo cáo rằng châu Âu tiếp tục oi bức, với nhiệt độ lên tới 40 độ C trong ít nhất một ngày ở Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh.
Vương quốc Anh ghi nhận nhiệt độ cao nhất theo ngày trên toàn quốc là 40,3 độ C, tức lần đầu tiên nước này vượt mức nhiệt 40 độ C.
Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận ở nước này với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua.
Tại Pháp, ngày 5/8, Thủ tướng Élisabeth Borne đã công bố các quy định hạn chế sử dụng nước chưa từng có, như cấm người dân tưới cỏ, rửa xe và ngăn nông dân tưới cây. Nước Pháp đã ghi nhận tháng 7 là tháng khô hạn nhất trong hơn 60 năm qua, với lượng mưa chỉ 9,7 mm. Theo đó, hơn 100 xã và thị trấn của Pháp phải đợi xe tải cung cấp nước.
Theo một dự báo được công bố cách đây 2 tuần của Trung tâm Nghiên cứu chung thuộc EU, nắng nóng và hạn hán có thể khiến sản lượng ngũ cốc, hoa hướng dương và đậu tương ở châu Âu giảm từ 8 đến 9%.
Giao thông đường sông cũng bị ảnh hưởng do mực nước tiếp tục giảm trên toàn khối. Điểm đo tại Kaub trên sông Rhine, hiện là tuyến đường vận tải thủy quan trọng nhất ở châu Âu, đã giảm xuống 49 cm vào ngày 7/8. Nếu mực nước giảm thêm 9cm là toàn tuyến đường thủy này sẽ không hoạt động được.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết khô hạn cũng dẫn đến các vụ cháy rừng gia tăng, với diện tích rừng bị cháy lớn chưa từng có, đặc biệt là ở Địa Trung Hải. Một khu vực có diện tích gấp đôi thủ đô Rome của Italy đã bị lửa thiêu rụi chỉ trong tháng 7 vừa qua.
Hệ thống thông tin về cháy rừng của EU (EFFIS) ghi nhận, trong 7 tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị cháy tại EU là 587.868 ha, bỏ xa mức trung bình 158.000 ha trong giai đoạn tham chiếu 2006 - 2021.
Châu Âu căng thẳng chống cháy rừng, 70 thành phố ở Bồ Đào Nha đối mặt rủi ro lớn Theo Viện Hải dương và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA), hiện nay ở nước này có 70 thành phố có nguy cơ cháy rừng ở mức "tối đa", mức cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng. Không chỉ ở Bồ Đào Nha, lực lượng cứu hỏa ở nhiều nước châu Âu vẫn đang phải chống chọi với những đám cháy rừng...