Năm 2020, kênh đầu tư nào sẽ hút vốn?
Năm 2019, những tài sản an toàn như trái phiếu hay vàng đã trở thành nơi trú ẩn của dòng tiền đầu tư, do đó đã hút tiền khá mạnh và cũng mang lại không ít lợi nhuận cho nhiều người. Vậy năm 2020, kênh đầu tư nào sẽ hút vốn mạnh?
Trong năm 2020, các nhà đầu tư có thể lựa chọn cơ hội mạo hiểm hơn ở những tài sản rủi ro hơn.
Báo cáo gần đây của JPMorgan Chase – một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới – đã khuyến nghị, trong năm 2020, các nhà đầu tư có thể lựa chọn cơ hội mạo hiểm hơn ở những tài sản rủi ro như cổ phiếu, đồng thời nên giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, và không nên rót vốn vào vàng. Cơ sở của khuyến nghị này là nền kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng vững lên sau những tháng gần đây yếu đi.
Có vẻ như khuyến nghị của JPMorgan Chase đi ngược lại với khá nhiều dự báo thời gian qua, vốn cho rằng nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ giảm tốc và có thể rơi vào khủng hoảng. Theo đó, những tài sản an toàn như vàng hay trái phiếu có thể tiếp tục được lợi.
Cũng cần biết, vào tháng 12/2018, các nhà kinh tế của JPMorgan Chase khuyến nghị tăng nắm giữ cổ phiếu và giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu trong 2019, vì cho rằng lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ tiếp tục tốt hơn kỳ vọng. Và, thực tế dù giá trái phiếu năm 2019 đã tăng khá mạnh, nhưng vẫn thua sút so với mức tăng MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới.
Khuyến nghị của JPMorgan Chase không phải không có lý. Ngoài nguyên nhân tăng trưởng kinh tế có thể hồi phục trở lại sau chính sách hỗ trợ của các ngân hàng trung ương khắp thế giới, thì rõ ràng việc nới lỏng tiền tệ, bơm tiền nhiều hơn có thể thúc đẩy giá các tài sản rủi ro như chứng khoán tiếp tục tăng.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể hạ nhiệt nếu hai bên có thể sớm ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 vào đầu năm sau cũng sẽ là chất xúc tác quan trọng cho các thị trường chứng khoán (TTCK).
Video đang HOT
Đối với Việt Nam, năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 20 năm thành lập TTCK. Cột mốc quan trọng trên cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực thay đổi, cải tiến thị trường của cơ quan quản lý, mà mới nhất là Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được thông qua vào tháng 11, cũng như cơ hội được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng.
Dù TTCK thời gian qua diễn biến không mấy tích cực, khối ngoại bán ròng liên tiếp, nhưng dự báo năm 2020 nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn trước những kỳ vọng thay đổi. JPMorgan Chase gần đây đưa ra đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam với dự phóng VN-Index có thể cán mốc 1.200 điểm trong năm 2020, nếu thị trường được nâng hạng.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau một năm phát triển nóng và liên tiếp bị cảnh báo, thì không loại trừ khả năng sẽ nguội lại trong năm 2020 sau khi các nhà đầu tư e ngại hơn. Với việc mặt bằng lãi suất thời gian qua đã giảm đáng kể, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng dễ chịu hơn, các doanh nghiệp có thể ưu tiên vay vốn nhiều hơn, thay vì phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao.
Kênh tiền gửi ngân hàng dĩ nhiên cũng chịu nhiều tác động sau hàng loạt chính sách giảm lãi suất vào mấy tháng cuối năm 2019. Với lãi suất huy động vốn thấp hơn, lạm phát lại có dấu hiệu gia tăng kéo lãi suất thực bị thu hẹp, rõ ràng người gửi tiền ít nhiều mất động lực tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư này. Trong khi đó, các chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao thời gian qua cũng đã bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” cảnh báo về cuộc chạy đua lãi suất, nên cơ hội kiếm lợi nhuận cao ở lĩnh vực này không mấy khả quan.
Thị trường vàng và tỷ giá dù có thể đối mặt với những thời điểm biến động mạnh trong năm sau, khi có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra như bầu cử Tổng thống Mỹ, nhưng việc đầu tư vào hai lĩnh vực này chủ yếu mang tính đầu cơ lướt sóng theo thời điểm nhiều hơn, trong khi suất sinh lời cũng không đáng kể và đặc biệt vẫn có tiềm ẩn rủi ro khi các cơ quan quản lý luôn có định hướng thắt chặt các hoạt động lướt sóng, mua bán trái phép ngoại tệ, do đó làm giảm sức hấp dẫn của thị trường này.
Thị trường bất động sản là một trong những kênh đầu tư được quan tâm nhiều nhất, và cũng thường mang lại suất sinh lời khá cao cho nhiều nhà đầu tư, dù vậy cũng không ít người đã phải ngậm ngùi chôn vốn suốt thời gian dài vì lỡ nhảy vào ngay đỉnh. Trong năm 2020, thị trường bất động sản cũng được đánh giá là không gặp nhiều thuận lợi, do nhiều chính sách quản lý chặt chẽ, trong khi dòng vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế rót vào đây.
Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn
Dòng tiền đang đổ vào kênh đầu tư nào?
Trái phiếu đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn được kỳ vọng sẽ hút nhiều nhà đầu tư.
Trong nửa đầu năm 2019, thanh khoản toàn thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở ghi nhận sự sụt giảm mạnh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 220 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với giá trị bình quân đạt 4.500 tỷ đồng, giảm khoảng 27% về khối lượng và 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sôi động đặc biệt. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP).
Dòng tiền đang đổ vào đâu?
Thị trường trái phiếu chính phủ tính đến ngày 21/6/2019 đã huy động được 102.373 tỷ đồng, bằng 33,4% kế hoạch năm. Về kỳ hạn phát hành, 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 92% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ có sự cải thiện khi tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53%, tăng 0,8% so với thời điểm cuối năm 2018.
Theo các chuyên gia, các bất ổn về thương mại quốc tế, lo ngại tăng trưởng chậm dẫn đến việc rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu đã chi phối hầu hết các thị trường toàn cầu.
Không chỉ Việt Nam mà ngay cả thị trường chứng khoán Mỹ, nơi các chỉ số chính vừa xác lập những kỷ lục mới cũng ghi nhận mức thanh khoản giảm so với cùng kỳ.
Về tình hình trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước siết tăng trưởng tín dụng và giám sát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao là bất động sản, chứng khoán khiến cho nhiều người lo ngại rủi ro với thị trường này. Có lẽ bài học về ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ tới thị trường chứng khoán những năm 2008 - 2010 đã khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn.
Bên cạnh đó cũng đã có nhiều lý do được đem ra giải thích như "nhà đầu tư rút tiền để mua vàng, gửi tiết kiệm do lãi suất ngân hàng đang cao...". Tuy nhiên, chuyện nhà đầu tư rút tiền mua vàng, gửi tiết kiệm có thể là có nhưng tới mức tác động đến dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng của thị trường chứng khoá có lẽ là hơi bất hợp lý, bởi có quá nhiều khác biệt.
Trước sự ảm đạm của thị trường cổ phiếu cùng với sự sôi động của các thị trường tài chính khác, đã có ý kiến cho rằng thị trường cổ phiếu đã hết hấp dẫn; thay vì mạo hiểm, các nhà đầu tư hướng đến những kênh có khả năng sinh lời tốt hơn như phái sinh, trái phiếu... và mới đây là các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW).
Cũng có ý kiến cho rằng dòng tiền hiện tại không thiếu nhưng đang "bí" mã để đầu tư, bởi những cổ phiếu tiềm năng đã và đang ở vùng đỉnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu đang được gọi là có tiềm năng tăng trưởng như dệt may, thủy sản, xuất khẩu... lại đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Sự lựa chọn kênh đầu tư khác chỉ mang tính chất thời điểm, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhất, các nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội phù hợp để tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết đang chủ động thoái ra khỏi thị trường để chờ đợi những thông tin của kinh tế thế giới từ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tháng 7, đặc biệt là kết quả cuộc đàm phán của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc.
MINH SƠN
Theo vtc,vn
2019 - khả quan 16,7 tỷ USD kiều hối Những năm gần đây, sự biến động của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến dòng kiều hối vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với những thế mạnh riêng, lượng kiều hối hàng năm vào Việt Nam vẫn gia tăng mạnh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội....