Năm 2020 dành nhiều thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
2020 là năm cuối cùng thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đây cũng là năm mà toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: TTXVN
Nhân dịp Xuân mới Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên TTXVN về những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được năm 2019, những điều còn băn khoăn, trăn trở cũng như những vấn đề được ưu tiên thực hiện trong năm 2020.
Ghi dấu những thành tựu nổi bật
Thưa Bộ trưởng, năm 2019 được coi là năm “bản lề” để chuyển sang một giai đoạn khác trong một lộ trình chiến lược thông thường là 10 năm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thành tựu nổi bật của ngành sau một năm nỗ lực, cố gắng của hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên, cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
2019 là năm bản lề thực hiện chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và cũng là năm “nước rút” của ngành Giáo dục nhằm chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Có thể nói, hoạt động được toàn ngành thực hiện xuyên suốt, đạt hiệu quả cao trong năm qua là chuẩn bị đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất triển khai chương trình mới.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện. Trong đó, Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua là điểm nhấn quan trọng.
Giáo dục Việt Nam năm 2019 tiếp tục ghi dấu ấn tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 100% học sinh tham dự đoạt giải, trong đó chủ yếu là huy chương Vàng và huy chương Bạc. Nối tiếp kết quả đánh giá PISA năm 2015, năm 2018 Việt Nam tham gia vào đợt đánh giá mới. Kết quả PISA 2018 được OECD công bố ngày 3/12/2019 cho thấy, Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể ở cả 3 lĩnh vực Đọc hiểu, Toán học và Khoa học. Đặc biệt, học sinh Việt Nam được đánh giá là có tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Các địa phương đã có nhiều biện pháp quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục mầm non linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Ở bậc đại học, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu châu Á, Việt Nam cũng góp mặt 8 trường.
2019 còn là năm ngành Giáo dục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và dạy học. Lần đầu tiên, cơ sở dữ liệu của các cấp học được thiết lập, dữ liệu về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách một cách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Một kết quả cũng cần được nhắc đến trong năm 2019 của ngành Giáo dục là việc tổ chức thành công kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia. Kết quả của kỳ thi không chỉ là sự nỗ lực của toàn ngành, còn của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương. Kết quả này tạo tiền đề để ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá trong những năm tiếp theo, tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Vậy đâu là những việc còn khiến Bộ trưởng băn khoăn, trăn trở?
Video đang HOT
Thách thức lớn nhất hiện nay là năng lực của một bộ phận đội ngũ từ cán bộ quản lý đến giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; đổi mới đến gần rồi nhưng điều kiện thực hiện vẫn còn khó khăn.
Đội ngũ giáo viên ở một số nơi còn thiếu. Số lượng giáo viên phải bồi dưỡng cho đổi mới rất lớn, trong khi họ vẫn phải đảm đương đứng lớp hàng ngày. Đây là thách thức cho giáo viên cả về thời gian vật chất và năng lực chuyên môn. Đội ngũ quản lý cũng vậy.
Một khó khăn nữa với đội ngũ là nhiệm vụ nặng nề nhưng chế độ đãi ngộ vẫn chưa có nhiều chuyển biến.Thông thường trách nhiệm phải đi liền với quyền lợi, thậm chí quyền lợi phải đi trước. Khi yêu cầu thầy cô phải đổi mới chuyên môn, cường độ làm việc nhiều hơn, chế độ đãi ngộ phải đi kèm.
Bên cạnh đó là thách thức về trường lớp, thiết bị dạy học. Khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương gặp khó khăn, không chỉ miền núi, ngay cả thành phố lớn cũng phải đối mặt với tình trạng sĩ số lớp đông, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới thiếu trường, thiếu lớp.
Ở bậc đại học, khó khăn hiện nay là tốc độ tự chủ không đi liền với khả năng tự chủ dẫn đến không ít trường đại học năng lực kém, không đủ điều kiện, chệch choạc về chất lượng. Thêm nữa, về Hội đồng trường, luật pháp quy định thực quyền nhưng việc thực quyền chưa thể có ngay lập tức – đó là rào cản đối với tự chủ đại học. Đội ngũ giảng viên trình độ còn thấp, tiến sĩ trở lên mới đạt khoảng 27%. Nói gì thì nói, đội ngũ có tốt, chất lượng mới tốt được.
Hai lựa chọn ưu tiên trong năm 2020
2020 được xác định là một năm “bận rộn” của ngành Giáo dục, Bộ trưởng sẽ chọn ưu tiên gì cho năm quan trọng này?
Năm 2020, có hai việc tôi phải quan tâm. Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những điều kiện để áp dụng: giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị và sách giáo khoa.
Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình, sách giáo khoa cũng đã được công bố nhưng quan trọng là tổ chức triển khai như thế nào và quyết định vấn đề này thuộc về địa phương. Năm 2020, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho các địa phương để cùng với họ tổ chức thực hiện, nhất là với những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.
Khi thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, những vấn đề dư luận băn khoăn như thi cử, bệnh thành tích, dạy thêm, học thêm sẽ được khắc phục. Thực hiện chương trình phổ thông mới là gốc, nếu thực hiện tốt theo bản thiết kế đó từng bước một, rất nhiều vấn đề còn tồn tại của giáo dục phổ thông hiện nay sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp mất đi.
Thứ hai, triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tới đây, tự chủ đại học cần phải triển khai rất gấp rút nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những rối loạn, đổ vỡ. Trong tự chủ đại học, tôi quan tâm sâu tới Hội đồng trường để Hội đồng phải thực quyền, quá trình chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền là vô cùng khó khăn.
Tôi cũng rất quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực. Nói thế nào chăng nữa, một đất nước gần 100 triệu dân nhưng tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên mới đạt 5% vẫn là thấp nên vấn đề của đại học không phải co lại về số lượng đào tạo mà là nâng cao về chất lượng. Chú trọng kiểm định chương trình, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa tất cả các quy chế đào tạo đại học theo hướng siết chất lượng, tạo điều kiện cho các trường nhưng phải đảm bảo chất lượng chứ không theo hướng “cầm tay chỉ việc” hoặc “xin cho”, tăng tự chủ nhưng phải tăng chất lượng giải trình, siết chặt các hình thức, loại hình đào tạo.
Quy hoạch đại học là việc đã được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua nhưng dường như vẫn chưa nhìn thấy rõ những chuyển động. Năm 2020 này sẽ có chuyển động nào không, thưa Bộ trưởng?
Rà soát, quy hoạch là nhiệm vụ thường xuyên phải làm, không chỉ với giáo dục còn với các ngành khác, nhất là khi Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch. Tất cả các bài toán đầu tư phải bắt đầu từ quy hoạch.
Để chuẩn bị cho nhiệm vụ quy hoạch giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ 2 Đề án là Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm. Đây chưa phải là quy hoạch mà mới là rà soát bước đầu.
Theo đó, những trường nào gần nhau về ngành nghề đào tạo, những trường yếu phải tính đến sáp nhập hay giải thể, còn có sáp nhập, giải thể hay không phải căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn chứ không phải căn cứ về mặt hành chính. Nhưng nhìn chung, hệ thống giáo dục đại học phải được sắp xếp một cách hợp lý, tránh tình trạng dàn trải, không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Bài toán quy hoạch phải được nhìn tổng thể, cơ cấu về không gian, về ngành nghề, có nghiên cứu, tính toán tốt và có tầm nhìn dài. Với đại học, quy hoạch theo hướng tự chủ, tự chủ ở đây không phải muốn làm gì thì làm mà căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu của người học (tinh hoa và đại chúng), đặc biệt là điều kiện đảm bảo chất lượng để đáp ứng các chuẩn đầu ra theo yêu cầu.
Trên cơ sở hai Đề án, Bộ đề xuất Chính phủ những quy tắc, định hướng, chuẩn quy hoạch và những chính sách để theo đó, các trường đại học, các địa phương có lộ trình sắp xếp, sau một thời gian, nhất định hệ thống giáo dục đại học sẽ được hình thành một cách hợp lý.
Năm 2020, quy hoạch giáo dục đại học chắc chắn sẽ có những chuyển động tích cực. Hai Đề án như tôi nói ở trên mới là sắp xếp, chưa phải quy hoạch, nhưng thuận lợi là sắp xếp và quy hoạch đều do Bộ thực hiện nên các tiêu chuẩn, tầm nhìn của sắp xếp được nằm trong quy hoạch. Do vậy, bước tiếp theo sẽ rất thuận lợi.
Sắp xếp là giải bài toán vừa trước mắt, vừa lâu dài để 10 năm sau chúng ta sẽ có được hệ thống giáo dục đại học tốt, hình thành nên các khu đại học, các trường đại học lớn, có tầm vóc, theo đó khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.
Chỉ còn vài tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai trên toàn quốc. Việc triển khai có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giáo viên. Trước thềm năm mới, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục?
Năm 2020, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục cùng các địa phương chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới. Đây là nhiệm vụ lớn, cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực để thực hiện.
Tôi mong rằng, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu mới, nhất là các thầy cô giáo đang giảng dạy ở lớp 1. Bởi thành công đối với lớp 1 sẽ là cơ sở quan trọng để toàn ngành triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới ở các lớp học, cấp học tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Việt Hà
Theo TTXVN
Vĩnh Phúc: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Tiểu học
Chiều 3-1-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học. Theo đó, từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình hiện hành đang áp dụng theo SGK năm 2006.
Áp dụng chương trình mới
Lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Vĩnh Phúc, thực hiện theo Nghị quyết 51 của Quốc hội. Cụ thể, năm học 2020 - 2021 triển khai ở lớp 1; năm học 2021-2022 ở lớp 2; năm học 2022-2023 ở lớp 3; năm học 2023-2024 ở lớp 4; năm học 2024-2025 ở lớp 5.
Về nội dung, chương trình giáo dục theo SGK năm 2018 bao gồm quy định chương trình tổng thể, quy định chương trình môn học và hoạt động giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Trong đó, đối với cấp Tiểu học có một số nội dung cốt lõi sau: Theo chương trình mới, số môn học bắt buộc có 10 môn, và 1 hoạt động, gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3;4;5); Tự nhiên xã hội (lớp 1;2;3); Lịch sử và Địa lí (lớp 4;5) Khoa học (lớp 4;5); Tin học và Công nghệ (lớp 3;45); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật); và Hoạt động trải nghiệm (tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).
Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học tự chọn, dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng. Tiếng dân tộc thiểu số (dạy từ lớp 1 đến lớp 5); Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1; 2).
Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông ở cấp Tiểu học sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình cũ đang áp dụng theo SGK năm 2006.
So với chương trình hiện hành, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Tiểu học có một số thay đổi: ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới và bổ sung thêm 2 môn học mới là môn Ngoại ngữ ở lớp 1 và môn Tin học và công nghệ. Chương trình mới áp dụng học 2 buổi/ngày (ở cấp Tiểu học bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút), do vậy tổng số tiết học trong năm là 4830 so với chương trình cũ là 4305 tiết học/năm, như vậy tăng 525 tiết học/năm so với chương trình hiện hành.
Giáo dục toàn diện cho học sinh
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cáo chất lượng giáo dục tiểu học.
Định hướng chung của đổi mới chương trình là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác trao đổi theo nhóm hay lớp. Trong đó học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.
Tăng cường "tương tác" giữa học sinh - giáo viên; học sinh - học sinh; học sinh - thiết bị dạy học; học sinh - môi trường nơi các em sinh sống... Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Dạy học hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của từng cá nhân học sinh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyến - quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh phúc khẳng định, đây là cơ hội để cán bộ quản lý các cấp học tiếp cận thông tin và có cái nhìn bao quát, toàn diện về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cấp Tiểu học - một cấp học được coi là nền tảng của GDPT.
Vì vậy, chính quyền các địa phương và cán bộ quản lý giáo dục phải thống nhất trong nhận thức và hành động, làm tốt công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT năm 2018; rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình GDPT năm 2018 đối với cấp Tiểu học đạt kết quả tốt nhất.
Sỹ Hào
Theo PLXH
Giáo dục Lào Cai: Tinh giản trên 700 biên chế Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai với Đoàn Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh Lào Cai đã chú trọng mọi nguồn lực để phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Tới nay sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả...