Năm 2020, các loại bảo hiểm dùng chung một thẻ điện tử
Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, hưu trí… sẽ được tích hợp đủ trong một thẻ điện tử duy nhất. Việc này đang được tích cực chuẩn bị để chính thức vận hành, thực hiện từ năm 2020, đồng thời với việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là một nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Thúc đẩy việc triển khai thi hành luật Bảo hiểm xã hội 2014″ do UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày hôm qua, 23/7.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu chuẩn bị để vận hành, thay thế sử dụng sổ BHXH bằng thẻ điện tử vào năm 2020.
Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, Ngành BHXH đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, đồng thời, những sửa đổi, bổ sung trong Luật lần này đã tăng thêm điều kiện, cơ chế để ngành BHXH thực hiện tốt vai trò, chức trách của mình, đặc biệt là công tác thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, tổ chức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử quản lý BHXH, thay thế việc sử dụng sổ BHXH bằng thẻ BHXH điện tử vào năm 2020.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng là cơ quan cung ứng dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Do vậy, bà Mai nhấn mạnh, BHXH phải hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, xem người tham gia BHXH là khách hàng, đối tác của mình trong quá trình phát triển của Ngành.
Đây là định hướng lớn mà BHXH Việt Nam cần phấn đấu thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nói.
Về phía BHXH Việt Nam, chia sẻ về yêu cầu đổi mới quản lý BHXH trước những yêu cầu mới Luật BHXH (sửa đổi) đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết, BHXH Việt Nam đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đang tích cực triển khai các nhóm nhiệm vụ của mình,
Trước hết, ngành đã tích cực chuẩn bị cơ sở pháp lý triển khai Luật. Hướng quản lý BHXH được xác định là phải dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. BHXH Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đối tượng mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra. Ngành cũng đã lo nguồn nhân lực đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định mới của Luật.
Không giải quyết trường hợp nào, vẫn cần 1.000 người vận hành quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Về việc quản lý, bảo toàn và phát triển quỹ BHXH, TS Phạm Trường Giang – Hiệu trưởng Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức – Bộ LĐ,TB&XH khẳng định các hình thức đầu tư quỹ đã được quy định một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn.
Video đang HOT
Các số liệu thống kê cho thấy, khoản đầu tư chủ yếu của quỹ là cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu và cho các Ngân hàng thương mại nhà nước vay. Cơ cấu phân bổ các hình thức cho vay có sự thay đổi, điều chỉnh dần.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại hội thảo.
Ông Giang dẫn chứng, năm 2011, nguồn vốn quỹ cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay rất lớn, tới gần 70.000 tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 39%) tổng nguồn vốn nhưng đến năm 2012, tỷ lệ cho vay qua kênh này đã giảm xuống 25%, đến 2013 còn hơn 19% và năm 2014 chỉ còn gần 12%.
Nguồn vốn dành cho ngân sách nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng lên cả về số tiền và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn của quỹ. Nếu năm 2011, số tiền từ quỹ cho nhà nước vay và đầu tư mua trái phiếu là 69.000 tỷ đồng (tương ứng 38%) thì đến 2012 đã tăng lên 129.000 tỷ đồng, tương ứng 55% và năm 2014, con số này là 274.000 tỷ đồng, tương ứng 74%.
Đánh giá về hiệu quả đầu tư, TS Phạm Trường Giang cho biết, tính đến 2011, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư quỹ là 14.728 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm đạt 9,84%. Cho rằng tiềm năng đầu tư phát triển quỹ còn lớn hơn, ông Giang phân tích, mọi hoạt động đầu tư hiện vẫn theo khung kế hoạch hàng năm, do Hội đồng quản lý quyết định chứ BHXH Việt Nam không được chủ động thực hiện, làm hạn chế tính linh hoạt và quỹ luôn trong trạng thái bị động.
Việc đầu tư khoản tiền bảo hiểm thu được cũng không có mục tiêu, chiến lược dài hạn nên hiện ngoài khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cho các công trình trọng điểm quốc gia vay thì quỹ BHXH chưa có khoản đầu tư nào thực sự mang tính chất dài hạn. Các khoản tiền gửi, cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng chỉ có kỳ hạn không quá 1 năm nên các đơn vị này cũng không thể sử dụng để cho vay các dự án dài hạn mà chỉ dùng để cho vay lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau, khó kiểm soát.
Ông Giang đề nghị xây dựng một cơ quan giám sát độc lập hoạt động đầu tư quỹ, đảm bảo nguồn vốn đầu tư được sử dụng theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho khoản tiền an sinh quan trọng nhất của xã hội, khoản trông chờ khi đau ốm, mất việc, mất sức lao động, khi về già… của hàng triệu người lao động.
“Gật đầu” với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh nguyên tắc an toàn, “ăn chắc mặc bền”, tránh rủi ro cho quỹ.
Nói thêm về việc chi phí quản lý quỹ, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, sau khi luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2016), cần nhanh chóng tiến tới việc hạch toán lương thưởng của ngành BHXH như với một đơn vị sự nghiệp có thu, tính trên doanh thu cũng như hiệu quả đầu tư của quỹ.
Ông Lợi dẫn ví dụ một điểm bất cập hiện nay, hệ thống cơ quan BHXH cả nước cần 1.000 cán bộ để quản lý, vận hành quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Với con số “cứng” như vậy, tiền lương chi trả, chi phí hoạt động như với công chức, viên chức, nếu cả năm quỹ không phải giải quyết bất cứ trường hợp người lao động bị thất nghiệp nào thì cũng vẫn tốn chừng đó cho bộ máy 1.000 con người vận hành.
P.Thảo
Theo Dantri
"Lương hưu "ăn theo" lương Bộ trưởng như tôi là không hợp lý"
Dẫn chứng từ chính ví dụ của bản thân, đóng bảo hiểm cả đời làm việc qua nhiều mức khác nhau nhưng lương hưu sẽ được hưởng theo mức trung bình 10 năm cuối cùng "ăn lương" Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội của QH Trương Thị Mai nhận định, điều bất hợp lý đó là nguyên nhân đe doạ vỡ quỹ lương hưu.
Ngày 23/5, tại Vĩnh Phúc, UB Các vấn đề Xã hội tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc về thúc đẩy việc triển khai Luật Bảo hiểm xã hội và hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đóng bảo hiểm thấp, nhận mức lương hưu cao
Giới thiệu về nhiều điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết, luật đã xác lập sàn lương hưu tối thiểu áp dụng cho những người đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo thu nhập khi hết tuổi làm việc của người lao động không bị rơi xuống dưới sàn lương tối thiểu này. Theo đó, đây là một công cụ quan trọng để xử lý vấn đề như của những cô giáo mầm non mà thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở.
Được biết, hiện tại cả nước có rất nhiều giáo viên mầm non về hưu mức lương hàng tháng hưởng chỉ từ 280.000 đồng - 900.000 đồng/tháng.
Về vấn đề đảm bảo an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, bà Mai nhấn mạnh, thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý, sẽ điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm của người lao động.
Thông tin được được Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cung cấp là hiện tại, quỹ lương hưu không cân đối được vì mỗi người lao động đóng bảo hiểm cả đời theo nhiều mức lương khác nhau nhưng khi hết tuổi lao động lại hưởng lương tính theo mức lương trung bình 5 năm làm việc sau cùng (thường là đạt mức cao nhất).
Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cảnh báo, quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ thực sự "vỡ" vào 2034 nhưng với các chính sách mở rộng hơn đối tượng đóng bảo hiểm, hệ quả này có thể kéo lùi một thời gian nữa. Ngoài ra, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp khác như kéo dài tuổi lao động để tăng thêm thời gian đóng bảo hiểm, mức đóng bảo hiểm của người lao động.
Tuy nhiên, việc thay đổi công thức tính lương hưu sẽ được thực hiện theo lộ trình với 2 lần "giảm sóc", kéo giãn từ mức tính theo trung bình 5 năm cuối làm việc lên trung bình 10 năm rồi trung bình 15 năm. Vậy nên, những người đầu tiên bước vào khu vực lao động từ năm 2018 thì đến năm 2036 mới thực hiện nguyên tắc đóng bao nhiêu hưởng bằng đó (lương hưu tính trên mức trung bình lương cả đời làm việc).
"Ngay cả tôi khi nghỉ hưu cũng sẽ được hưởng lương hưu theo mức 10 năm cuối cùng "ăn" lương Bộ trưởng. Như vậy chưa phải là hợp lý nhưng đó là một phần của lịch sử chính sách tiền lương của chúng ta để lại" - bà Mai dẫn chứng.
700.000 người "rơi nước mắt" vì chế độ... về một cục
Về việc khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, theo bà Mai, luật hướng đến 2 mục tiêu mở rộng diện đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm và nâng cao chất lượng bảo hiểm. Theo đó, luật đưa vào quy định bắt buộc đóng bảo hiểm với người lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng.
Bà Mai cho biết, theo báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, rất nhiều chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng 1-3 tháng để tránh đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng với quy định mở rộng diện đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc, luật mới đã giúp "quét" luôn nhóm lao động yếu thế này.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội. Với vai trò chủ đạo của nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, quỹ Bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia với hơn 11,6 triệu người tham gia tính đến hết năm 2014.
Tuy nhiên, đáng chú ý, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức (lao động không có hợp đồng lao động), nông dân chưa tham gia bảo hiểm.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm hiện cũng còn thấp, mới chiếm khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động. "Điều này có nghĩa, trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với việc hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu. Gánh nặng này sẽ thuộc về nhà nước khi phải trợ cấp cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ" - bà Mai dẫn chứng, năm 2014 có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp xã hội, dù mức trợ cấp chỉ 180.000 đồng/tháng nhưng ngân sách nhà nước phải chi cho việc này hơn 3.000 tỷ đồng.
Đề cập thêm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội - TS.Bùi Sỹ Lợi nhắc tới Nghị quyết 93 Quốc hội mới ban hành vừa qua khi có phản ứng của dư luận về Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014 hạn chế điều kiện nhận bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động. Nghị quyết 93, theo phân tích của ông Lợi, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động có điều kiện việc làm, thu nhập chưa ổn định, thu nhập chưa ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn có nguyện vọng được hưởng bảo hiểm 1 lần.
Với Nghị quyết 93, người lao động có quyền được lựa chọn việc thực hiện quy định như Điều 60 (được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm sau 1 năm nghỉ việc để khi có điều kiện tiếp tục đóng cho đến khi đủ 20 năm để về già được hưởng lương hưu) hoặc nhận bảo hiểm 1 lần để lo cuộc sống trước mắt.
Ông Lợi trao đổi: "Một số người đặt vấn đề phải sửa Điều 60 vì thương người lao động nhưng đó là xuất phát từ đặc thù của một bộ phận người lao động phía Nam mà chưa nhìn thấy cảnh khổ của hơn 700.000 người lao động phía Bắc đã trải qua chế độ "về một cục" theo Quyết định 176 trước đây. Giờ có rất nhiều người rơi nước mắt muốn trả lại khoản tiền "một cục" đã nhận để đóng bảo hiểm bổ sung cho đủ điều kiện được hưởng, dù chỉ mấy đồng, lương hưu hàng tháng, để không phải sống nhờ vào con cháu, không phải trông chờ vào khoản trợ cấp xã hội mà không có cơ chế nào cho phép quay lại như thế".
P. Thảo
Theo Dantri
"Phiếu thuận" cho đề xuất để người lao động được lĩnh tiền "hưu non" Ủy ban Các vấn đề xã hội đồng ý trước mắt cho phép người lao động được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm khi có nguyện vọng nhưng cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện áp dụng việc này để giảm dần số người không có lương hưu khi về già... Báo cáo Quốc hội sáng 21/5 về...