Năm 2019 thu thập đủ thông tin của trên 90 triệu dân
Thượng tá Trần Hồng Phú – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát ( Bộ Công an) khẳng định, cuối năm 2018, đầu năm 2019 Bộ Công an sẽ hoàn tất thu thập thông tin của trên 90 triệu dân và cung cấp cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.
Thượng tá Trần Hồng Phú trao đổi với PV Dân trí (Ảnh: Thế Kha).
Trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Trần Hồng Phú – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
“Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, giảm giấy tờ công dân”- ông Phú nói.
-Đến nay việc thu thập thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Bộ Công an thực hiện tới đâu rồi, thưa ông?
-Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã chỉ đạo công an các địa phương thu thập 15 thông tin của công dân, trong đó quan trọng nhất là cấp cho mỗi người một số định danh duy nhất dùng chung. Sau này cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ ngành quản lý sẽ tra cứu thông tin thông qua mã số công dân này nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và hạn chế việc công dân phải đi lại nhiều lần.
Về công tác chuẩn bị, Bộ Công an và công an các địa phương đã tương đối hoàn chỉnh rồi, hiện vướng mắc là nguồn vốn triển khai dự án. Trước đây, Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) ứng vốn để thực hiện dự án nhưng bây giờ theo quy định mới của Luật đầu tư công cũng như Luật ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp không được ứng vốn khi chưa có kế hoạch vốn. Chính vì thế, Bộ Công an đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng cho đề xuất bổ sung dự án vào vốn đầu tư trung hạn 2016-2020. Vừa rồi Thủ tướng đã đồng ý với chủ trương đó của Bộ Công an và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép bổ sung dự án này để tổ chức thực hiện.
Trước tình huống cấp bách như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép Bộ Công an ứng trước một phần tiền của Bộ đã được cấp để tổ chức một số phần việc năm 2017 để đảm bảo tiến độ triển khai dự án như tổ chức tập huấn, in ấn biểu mẫu, đào tạo báo cáo viên, thu thập thông tin dân cư của 90 triệu dân cư.
Sau khi được Quốc hội chấp thuận thì Tổng cục Cảnh sát sẽ ký hợp đồng với Viettel để triển khai tiếp tục dự án. Dự kiến từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành trong khoảng 2 năm. Theo đó, dự kiến đến phải cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 mới hoàn thành thu thập thông tin của trên 90 triệu dân, cấp số định danh cá nhân, triển khai hạ tầng từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn.
Bộ Công an chủ trì phối hợp với bộ ngành địa phương khai thác thông tin, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cấp giấy tờ cho công dân tiết kiệm, việc đi lại.
- Hiện nay mới có 16 địa phương cấp Căn cước công dân – 12 số trên Căn cước công dân cũng chính là số định danh cá nhân. Việc thu thập thông tin để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có phụ thuộc vào tiến độ cấp Căn cước công dân hay không?
-Hiện nay việc thu thập thông tin của công dân đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm; nguồn thu thập thông tin có nhiều nguồn như từ cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp (khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn), của bảo hiểm xã hội và một số địa phương cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý dân cư của họ rồi.
Video đang HOT
Bộ Công an sẽ lấy cơ sở dữ liệu có sẵn đó và qua hồ sơ quản lý cư trú từ cấp quận, huyện tới xã phường. Trường hợp chưa có dữ liệu thì sẽ phát phiếu thu thập 15 thông tin cơ bản thì mới đảm bảo về tiến độ thời gian. Còn cứ chờ việc triển khai cấp căn cước công dân, cơ sở dữ liệu hộ tịch thì không đủ thời gian, không thu được thông tin của trên 90 triệu dân theo kế hoạch.
Sau này chúng tôi sẽ thông qua đăng ký cơ trú tại công an các xã phường để cập nhật đầy đủ thông tin.
Người dân làm thủ tục cấp đổi Căn cước công dân tại Công an Hà Nội.
-Vậy đến khi nào có thể xoá được sổ hộ khẩu – câu chuyện gây nhiều tranh cãi thời gian qua?
-Việc bao giờ bỏ sổ hộ khẩu cần có lộ trình để có đánh giá cho đầy đủ hơn. Ở Việt Nam, công tác quản lý, chính sách an sinh xã hội đang gắn theo hộ gia đình.
Chúng ta thực hiện chính sách theo hộ gia đình nên để bỏ được sổ hộ khẩu cần có lộ trình điều chỉnh quy định xã hội khác để tiến tới khi thực hiện chính sách quản lý nhà nước, an sinh xã hội hướng tới từng cá nhân một thì sẽ bỏ được hộ khẩu. Khi các ngành không cần thông tin trong cái sổ đó nữa thì cái sổ sẽ tự mất giá trị.
-Việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các bộ ngành với Bộ Công an do các đơn vị khác nhau thực hiện, khi kết nối có đảm bảo trơn tru, dễ dàng?
-Đây cũng là một vấn đề được Chính phủ và bộ ngành quan tâm vì ngành nào cũng lập dự án thu thập thông tin, khi cần thông tin thì lại không kết nối với nhau, do vậy Nhà nước phải đầu tư Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này. Từ nay về sau những nơi xây dựng cơ sở dữ liệu mới sẽ không được thu thập thông tin mà Bộ Công an đã làm; còn những cơ sở dữ liệu đã làm rồi thì chúng tôi đã hướng dẫn về quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ việc kết nối. Với công nghệ hiện nay thì những cái có sẵn cho phép kết nối với nhau dễ dàng.
Bản thân Bộ Công an đã có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, hộ chiếu, cấp giấy phép lái xe thì sẽ kết nối với nhau khi xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư. Sẽ có chuẩn kết nối được với nhau để tránh sự đầu tư trùng dẫm.
Khi có cơ sở dữ liệu rồi, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Trong đó, mã số định danh được coi là chìa khóa, để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính.
-Thời điểm nào công dân chỉ cần đưa ra 3 thông tin đó có thể giải quyết được thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả?
-Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra lộ trình rồi, nhưng quan trọng nhất là chờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoạt động, kết nối với nhau đồng bộ.
Muốn tra cứu thông tin thì dễ nhưng phải đầu tư hạ tầng, cơ sở thông tin để khai thác, xem được luôn việc giải quyết thủ tục.
Riêng Bộ Công an thì đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thể cung cấp thông tin cho các ngành để giải quyết thủ tục hành chính. Còn các ngành phải sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mình để kết nối với thông tin này nhằm giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả.
-Xin cảm ơn ông !
Việc cấp thẻ căn cước công dân đang được Bộ Công an triển khai ở 16 địa phương trên cả nước, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình.
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
Bộ Công an công bố 21 thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước công dân
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký quyết định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực cấp, quản lý thẻ căn cước công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.
Phôi thẻ căn cước công dân. (Ảnh: T.K)
Theo đó, 21 thủ tục hành chính mới sẽ được thực hiện ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện với 7 nội dung cụ thể như sau:
1. Cấp thẻ căn cước công dân khi đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
2. Cấp thẻ căn cước công dân khi chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
3. Đổi thẻ căn cước công dân
4. Cấp lại thẻ căn cước công dân
5. Xác nhận số chứng minh nhân dân khi cấp thẻ căn cước công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
6. Xác nhận số chứng minh nhân dân khi cấp thẻ căn cước công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
7. Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân.
Nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính mới ban hành được Bộ Công an hướng dẫn rất chi tiết về trình tự thực hiện; cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời gian giải quyết; đối tượng thực hiện; cơ quan thực hiện; kết quả thực hiện; lệ phí; tên mẫu đơn, mẫu tờ khai; yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính và căn cứ pháp lý.
Về thủ tục cấp lại thẻ, cán bộ tiêp nhân hồ sơ sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp lại thẻ. Trường hợp công dân thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi.
Trong trương hơp đủ điều kiện nhưng thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì hướng dẫn công dân bổ sung hoặc kê khai lại.
Theo quy định của Bộ Tài chính, lệ phí cấp lại thẻ căn cước công dân là 70.000 đồng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Ngoài ra còn có các đối tượng cụ thể được miễn lệ phí cấp lại thẻ căn cước công dân.
Theo quy định của Luật Căn cước công dân, việc cấp lại thẻ không quá 15 ngày làm việc.
Quy định về việc đổi thẻ căn cước công dân cũng được tiến hành tương tự, nhưng theo quy định của Bộ Tài chính thì mức phí là 50.000 đồng.
Bộ Công an cũng hướng dẫn thủ tục về cấp thẻ căn cước công dân khi đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, cán bộ tiêp nhân kiểm tra hồ sơ kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ.
Trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp theo quy định.
Nếu công dân mất chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy số chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.
Nơi trả kết quả tại cơ quan công an đã tiếp nhận hồ sơ hoặc trả qua đường bưu điện. Theo quy định của Luật Căn cước công dân là không quá 7 ngày làm việc.
Theo Thế Kha (Dân Trí)
Bộ Công an thông tin chi tiết vụ hai tử tù khoét tường vượt ngục Trong nhiều tháng liền, Thọ "sứt" và Tình đã dùng một vật sắc nhọn cạo các mạch vữa. Mỗi lần làm xong như vậy chúng lấy cơm nguội và kem đánh răng bít vào và bôi bẩn cho giống màu vữa tường để tránh sự phát hiện của giám thị. Sau đó chúng mở cùm cho nhau và vượt ngục. Đại tá Phạm...