Năm 2016: “Sức khỏe” ngân hàng “mong manh” vì nợ xấu và lãi suất
Tại hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015 và chỉ dẫn cảnh báo do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức ngày 14/3, ở Hà Nội, các đại biểu tỏ ra lo ngại về việc nợ xấu có thể phát sinh trong thời gian tới, cũng như việc lãi suất huy động và cho vay đang có chiều hướng tăng lên sẽ khiến cho doanh nghiệp khó có thể mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các đại biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam )
Lo ngại nợ xấu phát sinh
Theo số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, chất lượng tín dụng có sự cải thiện trong năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%). Nợ xấu là 119.660 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,9% (năm 2014 là 3,7%), giá trị tuyệt đối khoảng 120.000 tỷ đồng. Nhưng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) hiện đã là 243.000 tỷ đồng, gấp đôi số nợ xấu hạch toán trên sổ sách của ngân hàng.
Tại hội thảo, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, khu vực ngân hàng tuy cải thiện nhưng chất lượng chưa cao thể hiện ở chất lượng tài sản, đặc biệt là nợ xấu.
“Nợ bán cho VAMC các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro khiến gánh nặng tài chính thêm đè nặng. Chưa kể, chênh lệch lãi suất đầu vào-đầu ra không hề nhỏ, nên nếu trừ đi tất cả các khoản trích lập, chi phí… thì thực chất lợi nhuận của các ngân hàng là rất thấp. Nợ xấu tiếp tục là gánh nặng, nếu không có thêm cách giải quyết ngoài giải pháp hiện tại thì đây vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn của hệ thống ngân hàng trong năm 2016,” người đứng đầu Ủy ban Giám sát băn khoăn.
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Ai cũng nói rằng nợ xấu là một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng. Nhưng tôi lại nghĩ khác nếu là dưới 3% thì sao lại là vấn đề lớn vì kinh doanh ngân hàng thì phải luôn có nợ xấu mà việc đưa nợ xấu về dưới 3% trong thời gian qua là quá tốt. Nhưng chúng ta cũng biết rằng vẫn còn nhiều tổ chức tín dụng đánh giá nợ xấu chưa theo chuẩn mực của thế giới.”
Video đang HOT
Bên cạnh đó, theo ông Thúy, một phần không nhỏ nợ xấu nằm ở VAMC.
Theo quan điểm của nguyên Thống đốc, cần xem lại tư duy cho rằng không được dùng ngân sách nhà nước hay nói cách khác là tiền thuế dân để hỗ trợ, xử lý nợ xấu.
Ông Thúy nêu quan điểm, nếu để ngành ngân hàng sang một bên mà nền kinh tế vẫn phát triển thì không còn phải bàn. Thế nhưng, sức khỏe của nền kinh tế gắn với ngân hàng, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Nên nếu nhìn nhận theo hướng cứ để mặc, kệ nó cho nó tự xử lý là thiếu trách nhiệm.
Lãi suất cho vay có thể tăng lên từ 1-2%
Những lo ngại về mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong năm 2016 một lần nữa được các chuyên gia nêu lên tại hội thảo. Ông Lê Đức Thúy cho rằng, áp lực thanh khoản đang tăng lên. Lãi suất đang tiếp tục tăng và theo tính toán có thể tăng 1-2% so với mặt bằng năm 2015. Như vậy không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh một cách bình thường như năm ngoái được.
Theo ông Thúy, cần có những phân tích về việc mất cân đối giữa huy động vốn nội, ngoại tệ với cho vay hiện nay. Vị chuyên gia này cũng nói, gửi USD vào ngân hàng lãi suất 0% mà vẫn không làm cho người dân chuyển sang VND gửi chứng tỏ chính sách này vẫn chưa giúp huy động được hiệu quả các nguồn vốn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước cũng nêu lên những bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng 31,1%, trong đó có nguyên nhân từ khu vực bất động sản và việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp theo Quyết định 780.
Bên cạnh đó, cơ cấu vốn, vấn đề thanh khoản của các ngân hàng cũng là yếu tố đáng bàn.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Ngoạn, lâu nay các nhà băng vẫn sống dựa vào nguồn vốn ngắn hạn. Tỷ lệ huy động vốn của các nhà băng trong các bản báo cáo thường là 60-70%, nhưng chủ yếu là kỳ hạn dưới 1 năm, kỳ hạn huy động dài 24 tháng, hoặc 36 là “cực kỳ hiếm.”
Ông Ngoạn nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Nguyên nhân chủ yếu do tín dụng trung dài hạn tăng trưởng trên 50%, trong khi vốn huy động trung dài hạn chỉ 10%. Đáng nói, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên tới 31,8%, trong khi năm 2014 chỉ là 20,2%.
“Nếu nhà điều hành không có giải pháp điều chỉnh kịp thời thì các ngân hàng sẽ lâm vào khó khăn thanh khoản, sức khoẻ tiếp tục “mỏng manh” và không thể được coi là trụ cột, bệ đỡ bền vững của nền kinh tế được,” ông Ngoạn cảnh báo.
Trên thực tế từ sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên tục dâng cao do các nhà băng tăng cường huy động vốn. Hiện cuộc đua lãi suất huy động trên 13 tháng đã vượt lên trên 8%/năm./.
Theo Vietnam
Lãi suất có thể tăng trong năm 2016
Sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng trong năm 2015 khiến một số ngân hàng thương mại bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn, với mức tăng 0,2 - 0,5%/năm.
Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái.
Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2015 có thể đạt 18%.
Chính sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn, với mức tăng 0,2 - 0,5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Lãi suất huy động USD bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định là 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư.
Trong năm nay, huy động vốn của nhiều ngân hàng tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) huy động vốn tính đến cuối tháng 9/2015 lần lượt tăng 4%; 12,8%; 9,5%; 10,5% so với đầu năm 2015. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của các nhà băng này lại tăng khá cao, lần lượt tăng 13%, 13,8%, 12,8% và 13,5%. Điều này đã tạo sức ép lên huy động tiết kiệm của ngân hàng để đảm bảo thanh khoản.
Báo cáo thị trường nợ mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đã tăng ở các kỳ hạn qua đêm đến 1 tháng trong 2 tuần cuối tháng 11/2015, do nhu cầu nguồn cầu vốn ngắn hạn tăng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã bơm thanh khoản mạnh mẽ vào hệ thống. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn dồi dào thể hiện qua mức lãi suất kỳ hạn qua đêm được duy trì ở mức hợp lý.
Tuy lạm phát ở mức thấp và người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, áp lực tỷ giá tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25% thì khả năng lãi suất cũng sẽ khó tránh biến động nhẹ.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất không chỉ tác động đến vàng, mà còn đến các loại hàng hóa khác và với cả lãi suất tiết kiệm VND.
Xu hướng dịch chuyển tiết kiệm qua các kênh đầu tư khác, trong đó có ngoại tệ, bất động sản... là khó tránh. Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD đã được Ngân hàng Nhà nước đưa về mức bằng 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng cho cá nhân, song tiết kiệm ngoại tệ vẫn tăng trong 11 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, vốn huy động bằng nội tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM theo báo cáo của UBND TP.HCM đến cuối tháng 11/2015 đạt 1.270.000 tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 12,18% so với cuối 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 235.100 tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so với cuối 2014.
Mặc dù cho biết, lãi suất sẽ tiếp tục ổn định, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, lãi suất chưa thể giảm tiếp. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng khẳng định, cơ quan điều hành chưa có kế hoạch giảm trần lãi suất cho vay. Trước đó, mặt bằng cho vay ngắn hạn giảm về mức 7 - 9%, trung và dài hạn vẫn trên 10% và một số doanh nghiệp nhỏ vẫn phải vay với mức 11 - 12%. Vì vậy, lãi suất tái tăng sẽ là nỗi lo không nhỏ cho những người có nhu cầu vay vốn.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Ba mục tiêu và nỗ lực của hệ thống ngân hàng Nỗ lực thực hiện nhiều mục tiêu, ngân hàng Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước giai đoạn từ năm...