Nagasaki tổ chức tưởng niệm 75 năm thảm họa bom nguyên tử
Ngày 9-8, thành phố Nagasaki ( Nhật Bản) tổ chức lễ tưởng niệm 75 năm ngày Mỹ thả trái bom nguyên tử cuối cùng được sử dụng trong chiến tranh xuống đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dâng hoa tưởng niệm các nạn nhân thảm họa bom nguyên tử tại Nagasaki – Ảnh: AFP
Những người sống sót, người thân của họ và một số quan chức nước ngoài đã có mặt tại buổi lễ tưởng niệm, cùng lên tiếng kêu gọi hòa bình thế giới.
Những người tham gia cầu nguyện trong im lặng vào đúng 11h02 sáng ngày 9-8, theo giờ địa phương. Đây là thời gian trái bom nguyên tử thứ 2 và cuối cùng sử dụng trong thời chiến được thả xuống thành phố này, theo hãng tin AFP.
Số lượng người tham gia lễ tưởng niệm năm nay chỉ còn 1/10 so với những năm trước vì dịch bệnh COVID-19. Toàn bộ buổi lễ được trực tiếp bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh.
Tượng đài tưởng niệm nạn nhân thảm họa bom nguyên tử Nagasaki – Ảnh: AFP
Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue, tuyên bố “sự kinh hoàng thật sự của vũ khí hạt nhân vẫn chưa được truyền tải đủ đến toàn thế giới”, mặc cho nỗ lực của những người sống sót trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bức thư gửi đến buổi lễ kỷ niệm, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (UN) Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng “viễn cảnh vũ khí hạt nhân được sử dụng có chủ đích, kể cả do vô tình hoặc do tính toán sai lầm, đều rất nguy hiểm”.
“Tiến bộ lịch sử trong giải trừ vũ khí hạt nhân đang gặp nguy hiểm… Xu hướng đáng báo động này phải được đảo ngược”, ông Guterres cảnh báo.
Các học sinh trình diễn trước đài tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử của Nagasaki – Ảnh: AFP
Vào thời điểm Nagasaki bị đánh bom, ông Terumi Tanaka, nay 88 tuổi, chỉ mới 13 tuổi và đang ở nhà. Ông hồi tưởng lại thời khắc mọi thứ trở nên sáng lóa và rồi cảnh tượng sau đó.
“Tôi thấy nhiều người bị thương và bị bỏng nặng khủng khiếp chạy đi sơ tán”, ông Tanaka kể lại. Cụ ông này khẳng định tất cả những người sống sót mong muốn thể giới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vì “chúng ta không bao giờ muốn thế hệ trẻ trải qua điều tương tự”.
Người tham gia dâng nước để tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử của Nagasaki – Ảnh: AFP
Buổi tưởng niệm diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang hiển hiện và căng thẳng Mỹ – Trung ngày một leo thang trên trường quốc tế.
“Tôi quyết tâm tiếp tục kêu gọi thế giới để Nagasaki là thành phố cuối cùng hứng chịu bom hạt nhân. Tôi hi vọng thế hệ trẻ sẽ nhận lấy biểu tượng hòa bình này và tiếp tục tiến lên”, ông Shigemi Fukahori, 88 tuổi, người sống sót sau vụ đánh bom, phát biểu tại buổi tưởng niệm.
Người đại diện trao tay cuốn sổ ghi lại tên toàn bộ nạn nhân trong thảm họa bom nguyên tử Nagasaki – Ảnh: AFP
Trái bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6-8-1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người. Số người chết đã bao gồm cả những người sống sót sau vụ nổ nhưng sau đó qua đời vì nhiễm phóng xạ.
Ba ngày sau, Mỹ thả trái bom thứ 2 xuống Nagasaki, khiến 74.000 người thiệt mạng.
Sau 2 sự kiện trên, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Chiến tranh Thế giới thứ hai vào ngày 15-8-1945.
Người tham gia lễ tưởng niệm tại Nagasaki ngày 9-8 – Ảnh: AFP
Mỹ chưa từng chấp nhận lời yêu cầu xin lỗi của Nhật Bản về sinh mạng của những người vô tội mất đi trong 2 vụ đánh bom.
Nhiều nhà lịch sử phương Tây tin rằng 2 vụ đánh bom là việc làm cần thiết để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Nhiều người khác xem đây là hành động không cần thiết, thậm chí là tàn bạo.
Quan chức chính phủ Nhật tham gia lễ tưởng niệm ngày 9-8 – Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cúi đầu chào tưởng niệm các nạn nhân – Ảnh: AFP
Lebanon - quốc gia đã 'ngã quỵ' vì khủng hoảng chồng chất
Chết chóc và đổ nát, Lebanon vừa trải qua vụ nổ như "bom nguyên tử ở Nhật Bản", giữa lúc quốc gia này điêu đứng vì khủng hoảng triền miên.
"Vụ nổ tương tự những gì đã xảy ra ở Nhật Bản, ở Hiroshima và Nagasaki. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự tàn phá lớn như thế. Đây là một thảm hoạ quốc gia, một thảm hoạ với Lebanon", Thống đốc Beirut Marwan Abboud bật khóc khi mô tả vụ nổ tàn phá thủ đô của Lebanon hôm 4/8.
Xe cứu thương rú còi inh ỏi cố lao nhanh qua các giao lộ kẹt cứng, trong khi nhiều người cuống cuồng tìm cách thoát ra khỏi căn nhà nay chỉ còn là đống đổ nát. Khung cảnh hoang tàn bao trùm bến cảng và nhiều khu vực lân cận ở thủ đô Beirut sau vụ nổ mạnh ngang 240 tấn TNT.
"Cảng Beirut bị phá hủy hoàn toàn", nhân chứng Bachar Ghattas nói, mô tả cảnh tượng giống "ngày tận thế".
Người đàn ông ôm đầu khi chứng kiến cảnh tượng sau vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8. Ảnh: AFP.
Vụ nổ khủng khiếp xảy ra giữa lúc Lebanon đang "tê liệt" vì khủng hoảng liên tiếp, từ đại dịch Covid-19, biểu tình đến nền kinh tế kiệt quệ. Quốc gia này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực.
Lebanon đã báo cáo hơn 5.000 ca nhiễm và 65 trường hợp tử vong vì Covid-19, đại dịch khiến gần 18,7 triệu người nhiễm và gần 703.000 người chết tại 213 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dù con số của Lebanon tương đối thấp so với nhiều nước khác, giới chức địa phương cho biết số ca nhiễm đang gia tăng gần đây và lan sang nhiều khu vực mới của đất nước.
Lệnh phong tỏa của chính phủ kéo dài 5 ngày vừa kết thúc, nhưng các bác sĩ cảnh báo hệ thống y tế mong manh của quốc gia này "đang vượt quá giới hạn".
"Phòng hồi sức tích cực ở Bệnh viện Đại học Rafik Hariri đã kín chỗ và nếu tình hình vẫn duy trì trong vài ngày tới, bệnh viện sẽ không thể tiếp nhận thêm các ca cần chăm sóc đặc biệt", Osman Itani, bác sĩ chuyên khoa tim phổi và hồi sức cấp cứu, nói với Arab News hôm 2/8.
"Số ca hiện tại đang vượt mức 100 mỗi ngày và đây là vấn đề lớn mà hệ thống y tế của chúng tôi không thể giải quyết được bởi đã quá tải", bác sĩ Itani nói thêm.
Bộ Y tế Lebanon cho rằng số ca nhiễm mới tăng nhanh là do người dân phớt lờ biện pháp phong tỏa, tiếp tục tham gia các bữa tiệc, đám cưới, cầu nguyện và tụ tập nơi công cộng.
Đại dịch tấn công Lebanon giữa lúc tình hình chính trị của quốc gia này cũng có nhiều bất ổn. Tháng 10 năm ngoái, người dân ở ít nhất 70 thành phố trên khắp đất nước biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính phủ, các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cơ sở hạ tầng thiếu thốn, như nước máy không đảm bảo và thường xuyên mất điện.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã làm tê liệt quốc gia này và khiến thủ tướng Saad Hariri phải từ chức. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện, khi tình trạng mất điện trở nên nghiêm trọng hơn, kinh tế chìm sâu trong khủng hoảng và giá thực phẩm tăng vọt 80%.
Khủng hoảng kinh tế kéo dài không chỉ khiến người dân phẫn nộ và biểu tình phản đối chính phủ, nó còn khiến nhiều người rời bỏ quê hương, đi tha phương cầu thực khắp nơi.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số Lebanon sống dưới mức nghèo đói và 35% thất nghiệp.
Hồi tháng 3, lần đầu tiên trong lịch sử, quốc gia này tuyên bố không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tổng nợ chính phủ của Lebanon hiện là 92 tỷ USD, gần 170% GDP và là một trong số mức nợ cao nhất thế giới.
Beirut hồi tháng 5 tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đảm bảo gói trợ cấp quan trọng theo kế hoạch giải cứu nền kinh tế mà chính phủ thông qua. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.
Theo bài viết trên Guardian tháng trước, nhiều người ở Lebanon đang đối mặt với tương lai ảm đạm.
"Từ tháng 3, giá của hầu hết hàng hóa đã tăng gần ba lần, trong khi giá trị của đồng nội tệ lao dốc 80% và phần lớn hoạt động của quốc gia đã đình trệ. Những người đi làm đang cố gắng sống sót qua từng tháng. Các trung tâm thương mại trống rỗng. Nghèo đói tăng vọt, tội phạm tăng và tình trạng bạo loạn xuất hiện trên các đường phố", bài viết có đoạn.
Lebanon cũng phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung lương thực. Tobias Schneider, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách công Toàn cầu ở Berlin, Đức, cho biết Beirut phải nhập khẩu tới 90% lượng lúa mì mà quốc gia này tiêu thụ.
Vụ nổ tại thủ đô Beirut hôm 4/8. Video: CTGN.
Không chỉ trong nước bất ổn, Lebanon cũng thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực. Cuộc nội chiến đẫm máu và phức tạp giữa các phe chính trị và giáo phái nổ ra từ năm 1975 đến 1990 đã giết chết 120.000 và khiến một triệu người lưu vong, trước khi nhiều khu vực của Lebanon bị chiếm đóng bởi Syria và Israel, hai quốc gia có chung đường biên giới Beirut, gần hai thập kỷ. Năm 2005, binh lính nước ngoài mới rút khỏi đất nước này.
Phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã có cuộc chiến với Israel hồi năm 2006, nổi lên như một phong trào chống lại chiếm đóng của Tel Aviv ở Lebanon.
Năm 2013, Hezbollah thông báo sát cánh cùng Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến bối cảnh chính trị ở Lebanon càng thêm chia rẽ và dẫn tới nhiều lệnh trừng phạt, giảm lượng tiền tệ từ Vùng Vịnh chảy vào quốc gia này, thông qua du lịch và tiền gửi.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng tác động lớn đến tiền gửi, nguồn thu nhập quan trọng đối với Lebanon, khi số dân nước này sống ở nước ngoài nhiều hơn trong nước, cũng như các khoản viện trợ.
Cuộc xung đột Syria cũng dẫn tới nhiều cuộc tấn công làm rung chuyển Beirut và nhiều khu vực khác. Nhưng tác động rõ ràng nhất của chiến tranh Syria ở Lebanon, quốc gia 4,5 triệu dân, là dòng người di cư ước tính 1,5 triệu người. Beirut cùng nhiều tổ chức quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về gánh nặng kinh tế - xã hội mà dòng người tị nạn Syria đem tới cho quốc gia nghèo đói này.
Khi khó khăn chồng chất khó khăn, vụ nổ xé toạc cảng Beirut hôm 4/8 có thể trở thành tai họa mới khiến Lebanon, quốc gia đang bị khủng hoảng bủa vây, phải đầu hàng.
Vụ nổ Beirut có thể được cảnh báo từ trước 5 tháng Cơ quan an ninh Lebanon từng mở cuộc điều tra và cảnh báo nguy cơ cháy nổ ở kho amoni nitrat, nhưng thảm họa vẫn xảy ra 5 tháng sau. Kênh truyền hình Lebanon OTV hôm nay dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Lebanon (NSS) hồi tháng 3 mở cuộc điều tra sau khi phát hiện...