Myanmar tránh đưa Biển Đông vào diễn văn, Ngoại trưởng ASEAN nóng ruột
“Những diễn biến hiện nay trên thế giới đang gây lo ngại nghiêm trọng đối với chúng tôi”, Tổng thống Myanmar Thein Sein cho biết.
Tổng thống Myanmar Thein Sein tránh nhắc tới Biển Đông trong diễn văn phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Naypyidaw.
Bưu điện Hoa Nam ngày 9/8 đưa tin, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã đồng ý ngày hôm qua về sự cần thiết phải có được bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông vào thời điểm Trung Quốc đang theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn đối với yêu sách chủ quyền lãnh thổ (vô lý, phi pháp) của họ.
Để tránh gia tăng sự mất lòng tin và giảm thiểu nguy cơ xung đột không mông muốn, cần phải có được sự tiến bộ về nội dung đàm phán COC, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết sau cuộc họp kéo dài một ngày tại thủ đô Myanmar, Naypyidaw. COC sẽ được tạo ra thông qua các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Cuộc họp thường niên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục trên Biển Đông và tăng cao gần đây sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đại biểu Trung Quốc sẽ tham dự các cuộc họp mở rộng bao gồm các cường quốc trên thế giới trong diễn đàn an ninh khu vực diễn ra vào 2 ngày cuối tuần.
Việc Trung Quốc rút giàn khoan 981 được Ngoại trưởng Singapore Shanmugam coi như “một phép lạ” bởi không có sự cố nào nghiêm trọng hơn. Đó là lợi ích của tất cả các bên để đảm bảo rằng ASEAN và Trung Quốc di chuyển theo một hướng mà các bên đều chấp nhận được.
Philippines đặc biệt tỏ ra kiên quyết trong việc kêu gọi ASEAN hãy đứng dậy mạnh mẽ chống lại Trung Quốc khi nước này tiếp tục đòi “chủ quyền” gần như toàn bộ Biển Đông. Đề xuất kế hoạch 3 hành động của Philippines kêu gọi đóng băng ngay lập tức các hành động khiêu khích có thể thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và thực hiện tất cả các biện pháp trung hạn, dài hạn để giải quyết tranh chấp.
Không có sự phản đối đáng chú ý nào với đề xuất này của Manila, nhưng một số bên nói rằng quan trọng hơn là thực hiện có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, trong đó quy định rằng các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình.
Một số quốc gia có nhu cầu viện trợ và ủng hộ mạnh mẽ từ Trung Quốc như Campuchia đã miễn cưỡng thể hiện quan điểm toàn khu vực vì lo ngại có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa họ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
“Những diễn biến hiện nay trên thế giới đang gây lo ngại nghiêm trọng đối với chúng tôi”, Tổng thống Myanmar Thein Sein cho biết ngay từ đầu cuộc họp, tuy nhiên ông tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông mặc dù khẳng định ASEAN cần tăng cường kiến trúc của nó và thúc đẩy các giải pháp hòa bình.
Trong một dự thảo tuyên bố chung dự kiến công bố sau cuộc họp, Ngoại trưởng các nwocs ASEAN bày tỏ sự lo ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông cũng như Hoa Đông. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, kêu gọi các bên kiềm chế những hành động đơn phương sẽ làm gia tăng căng thẳng và thay đổi hiện trạng”, dự thảo cho biết.
Dự thảo tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, bất kỳ hành động nào được thực hiện trong khu vực cần phải phù hợp với những nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Theo Giáo Dục