Myanmar sẽ triển khai chiến dịch trấn áp phiến quân ở bang Rakhine
Theo AFP, ngày 7/1, người phát ngôn của Chính phủ Myanmar Zaw Htay cho biết, nước này kêu gọi quân đội “triển khai chiến dịch” tiêu diệt các phiến quân tại bang Rakhine, những kẻ thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhằm vào 4 đồn cảnh sát hồi tuần trước, trong bối cảnh làn sóng bạo lực lại trỗi dậy tại bang miền Tây Myanmar này.
Lực lượng cảnh sát có vũ trang Myanmar tuần tra tại Sittwe, thủ phủ bang Rakhine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Naypyidaw, ông Zaw Htay nêu rõ: “Văn phòng Tổng thống ra chỉ thị quân đội Myanmar triển khai chiến dịch trấn áp các nhóm phiến quân.”
Trước đó, theo nguồn tin quân đội Myanmar, các vụ tấn công xảy ra sáng 4/1 khi hàng trăm tay súng của nhóm tự xưng Quân đội Arakan (AA) đã ồ ạt tập kích 4 đồn cảnh sát tại khu vực Buthidaung của bang Rakhine.
Giao tranh dữ dội khiến lực lượng an ninh phải rút khỏi hai đồn cảnh sát và làm 9 nhân viên an ninh bị thương.
Quân đội Myanmar hiện đang đẩy mạnh truy quét tại khu vực trên. Vụ tấn công này xảy ra vào đúng dịp Myanmar kỷ niệm Ngày Quốc khánh.
Hồi tháng trước, quân đội Myanmar đã thông báo tạm ngừng mọi hành động quân sự chống lại các nhóm vũ trang hoạt động tại 5 khu vực trong vòng 4 tháng đến ngày 30/4/2019./.
Tổng Thư ký LHQ quan ngại về khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về tình hình Myanmar vào chiều 28/8 (giờ địa phương), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutettes khẳng định tình hình ở Myanmar đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, trong bối cảnh làn sóng người tị nạn Rohingya chạy khỏi bang Rakhine đã lên tới mức đáng báo động.
Người Rohingya tại trại tị nạn ở biên giới Myanmar-Bangladesh, gần thị trấn Maungsaw, bang Rakhine ngày 12/11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Gutettes kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an phối hợp với ông để hối thúc giới chức trách Myanmar hợp tác với Liên hợp quốc và đảm bảo các cơ quan và đối tác của Liên hợp quốc có thể tiếp cận người tị nạn ngay lập tức, không bị hạn chế và hiệu quả.
Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an tiếp tục hối thúc giới chức nước này trả tự do cho những nhà báo bị bắt giam vì đưa tin về thảm họa nhân đạo tại bang Rakhine.
Hiện có khoảng 130.000 người Rohingya vẫn đang tạm trú tại trại tị nạn trong hoàn cảnh bị hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại, tiếp cận y tế giáo dục, các dịch vụ thiết yếu khác và kế sinh nhai.
Tổng thư ký Gutettes khẳng định cần phải nhanh chóng tìm giải pháp để giúp người tị nạn trở về quê hương một cách an toàn, được tôn trọng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và nhân quyền.
Ông khẳng định Liên hợp quốc vẫn tiếp tục sẵn sàng giúp triển khai kế hoạch trợ giúp người tị nạn.
Theo vietnamplus
Đã đến lúc ASEAN không thể khoanh tay ngồi nhìn cuộc khủng hoảng Rohingya Trong hoàn cảnh phải đối mặt với thảm họa về nhân đạo cũng như sức ép từ dư luận quốc tế, ASEAN cần xem xét bằng cách nào tổ chức này có thể giúp Myanmar. Tháng 11/2017, Chính phủ Myanmar và Chính phủ Bangladesh đã ký một thỏa thuận song phương cho "Sự trở về của những người phải rời bỏ nhà cửa...