Myanmar bắt đầu tìm tổng thống mới
Quốc hội Myanmar do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi kiểm soát (chiếm 390/664 ghế) nhóm họp ngày đầu tiên hôm 1-2 sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong 25 năm.
Nghị sĩ Win Myint, một trong những người thân cận với bà Suu Kyi, được bầu làm chủ tịch hạ viện . Tuy nhiên, theo Bloomberg, việc ai sẽ giữ chức tổng thống và những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới vẫn còn là bí mật.
Dù giành được ghế quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2015 nhưng theo hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống do có chồng và con là người nước ngoài. Người phụ nữ 70 tuổi này từng tuyên bố sẽ “ở vị trí trên tổng thống” . Theo truyền thông Myanmar, một số ứng cử viên sáng giá cho chức tổng thống gồm ông Tin Oo (đồng sáng lập NLD), ông Tin Myo Win (bác sĩ riêng của bà Suu Kyi) và cựu Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann.
Bà Aung San Suu Kyi (giữa) tham dự phiên họp đầu tiên của quốc hội. Ảnh: EPA
Các thành viên NLD cho biết tiến trình đề cử ứng viên tổng thống có thể diễn ra trong tháng này. Theo Reuters, thượng viện và hạ viện Myanmar chọn ra 2 ứng viên trong khi quân đội , chiếm 25% ghế quốc hội, đề cử 1 ứng viên. Tiếp đó, quốc hội sẽ bỏ phiếu; người chiến thắng trở thành tổng thống và 2 người còn lại làm phó tổng thống. Chính phủ mới dự kiến hoạt động vào tháng 4.
Video đang HOT
Theo hiến pháp, quân đội vẫn nắm kiểm soát các bộ chủ chốt là Nội vụ, Biên giới và Quốc phòng. Ngoài ra, việc nắm 25% ghế quốc hội cho phép họ phủ quyết bất kỳ ý định điều chỉnh hiến pháp nào của chính phủ mới.
Xuân Mai
TheoNgười lao động
Theo_Giáo dục thời đại
Tại sao chính phủ mới của Myanmar vẫn chưa 'lộ diện'?
Đảng của bà Aung San Suu Kyi đã giành quyền kiểm soát quốc hội Myanmar, chấm dứt hơn nửa thế kỷ quân đội nắm quyền, tuy nhiên ai sẽ là người đứng đầu chính phủ và những ưu tiên trong chính sách vẫn còn là điều bí mật.
Điều duy nhất biết được cho đến bây giờ, đó là Quốc hội được bầu cử tự do lần đầu sau cuộc đảo chính năm 1962 sẽ dành cho đa số đại diện từ Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi. Dù không được làm Tổng thống nhưng bà Suu Kyi cũng chưa đưa ra nhiều gợi ý về ứng viên mà bà đã chọn cho những vị trí chủ chốt trong nội các Myanmar.
Joshua Kurlantzick, cố vấn cao cấp về Đông Nam Á tại Hội đồng quan hệ quốc tế ở Washington, nhận định: "Tôi không nghĩ rằng mọi vị trí đã được quyết định. Có thể do đảng của bà Suu Kyi chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này và đây lại là lần đầu tiên nên họ cần cân nhắc kỹ lưỡng những cái tên thích hợp".
Đối với sự thay đổi dân chủ ở Myanmar, có thể phần lớn các chính sách vẫn không biến chuyển, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư e dè. Quân đội vẫn có một quyền lực nhất định theo như hiến pháp quy định, gồm cả các ghế trong quốc hội, có quyền can thiệp vào thay đổi chính sách và kiểm soát các vị trí bộ trưởng chủ chốt. Những quy định đó cũng khiến bà Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống.
Đảng của bà Suu Kyi vẫn chưa đưa ra ứng viên cho vị trí lãnh đạo đất nước. Nguồn: Bloomberg
Bà Suu Kyi, 70 tuổi, từng cam kết sẽ lãnh đạo chính phủ, rất cẩn trọng trong việc không kích động các lãnh đạo quân đội, thậm chí còn yêu cầu những người ủng hộ bà không ăn mừng chiến thắng của NLD. Bà cũng đã tổ chức gặp mặt cựu Tổng thống Thein Sein cũng như người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing để có thể tiến hành chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
NLD dường như vẫn còn mơ hồ về kế hoạch của mình. Mặc dù bản tuyên ngôn tranh cử của đảng trải rộng từ vấn đề kinh tế tới giáo dục và các mối quan hệ sắc tộc nhưng tài liệu này lại không đưa ra những chi tiết chắc chắn. Ví dụ, về cải cách kinh tế, NLD cam kết những việc như mở rộng hệ thống thuế và tăng cường đầu tư nước ngoài nhưng không nói là làm như thế nào.
"Tôi nghĩ đã đến lúc NLD tuyên bố những lĩnh vực và vấn đề mà họ tập trung. Cho đến nay, chúng tôi chưa biết cái gì chính xác cả", Kyaw Lin Oo, một nhà phân tích chính trị ở Yangon nói.
Nhiệm kỳ của ông Thein Sein sẽ kết thúc và cuối tháng 3 tới vì vậy NLD còn có chút thời gian trước khi phải đưa ra ứng viên Tổng thống để quốc hội bỏ phiếu. Các ứng viên tiềm năng được đề cập trên truyền thông địa phương đó là người đồng sáng lập NLD Tin Oo, cựu lãnh đạo đảng những năm 1980 cho tới bác sĩ riêng của bà Suu Kyi, Tin Myo Win.
Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vaatj chất, giảm tệ quan liêu, chiến đấu chống tham nhũng và nâng cao chất lượng giáo dục. NLD cần đảm bảo không xảy ra các xung đột sắc tộc và cho cộng đồng quốc tế thấy được rằng đảng này nghiêm túc trong việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người thiểu số. NLD cũng cần phải cải cách luật pháp trong vấn đề đầu tư, khai thác, sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ, những vấn đề còn tồn tại của bộ luật trước đó.
Sau nhiều thập kỷ là một quốc gia cô lập nhất ở châu Á, chính phủ của ông Thein Sein bắt đầu mở cửa sau khi giành chiến thắng năm 2010. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được rót vào, tăng trưởng kinh tế đã khởi sắc. Ngân hàng phát triển châu Á dự đoán nền kinh tế Myanmar đã tăng trưởng 8,3% trong năm ngoái và vẫn giữ được phong độ như vậy trong năm nay. Đầu tư nước ngoài đạt mức 8 tỷ USD trong năm tài khóa 2015, gấp 20 lần so với năm 2010.
Herve Lemahieu, nhà nghiên cứu của Viện Quốc tế về nghiên cứu chiến lược ở London, phân tích: "Chính phủ của NLD sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa kinh tế và tiếp cận với các nguồn lực quốc tế cũng như đầu tư nước ngoài. Nhưng việc đưa ra những quyết định hợp lý, cân bằng lợi ích giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và phương Tây ở quốc gia đang thay đổi mạnh mẽ này sẽ không phải là điều dễ dàng".
Theo ông Herve Lemahieu, có thể NLD sẽ được tự do thay đổi luật pháp để hình thành tương lai của đất nước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, việc này chỉ thực hiện được nếu hợp tác với các lực lượng vũ trang. Chỉ có thời gian mới cho thấy biện pháp này có hiệu quả hay không bởi chưa có một truyền thống nào cho việc chia sẻ quyền lực ở Myanmar.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.
Theo Infonet
Bầu cử ở Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi chiến thắng chỉ là 'hình thức'? Dù đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lịch sử hôm 8/11, quân đội Myanmar vẫn nắm giữ không ít vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị nước này. Tính tới hôm nay (11/11), 3 ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar, kết quả cuối cùng vẫn chưa được...