Myanmar bác nghị quyết cấm vận của LHQ
Bộ Ngoại giao Myanmar vừa bác nghị quyết cấm vận vũ khí và lên án đảo chính của Liên Hợp Quốc, cho rằng nó dựa trên cáo buộc “phiến diện”.
Bộ Ngoại giao Myanmar mô tả nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), được thông qua ngày 18/6 và không có ràng buộc pháp lý, là “dựa trên những cáo buộc phiến diện và những giả định sai lầm”. Tuyên bố từ thủ đô Naypyidaw nói rằng cơ quan này đã gửi thư phản đối tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid.
“Dù Myanmar tiếp thu những lời đóng góp mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế để giải quyết những thách thức đang phải đối mặt, bất kỳ nỗ lực nào xâm phạm chủ quyền đất nước và can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar đều không được chấp nhận”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 19/6 cho hay.
Nghị quyết của LHQ kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của nước này, lên án “bạo lực quá mức và gây chết người” hậu đảo chính và kêu gọi tất cả các nước “ngăn chặn nguồn vũ khí vào Myanmar”.
Nghị quyết cũng kêu gọi lực lượng vũ trang Myanmar trả tự do vô điều kiện ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều quan chức, chính trị gia bị bắt khác, cũng như tất cả những người bị bắt giam và buộc tội “một cách tùy tiện”.
Video đang HOT
Người dân Myanmar kêu gọi cứu bà Aung San Suu Kyi trong cuộc biểu tình ở Yangon. Ảnh: AFP.
Nghị quyết được thông qua với 119 phiếu đồng thuận, một phiếu phản đối của Belarus, nước cung cấp vũ khí lớn của Myanmar, cùng 36 phiếu trắng, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.
Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun, người hồi tháng hai lên án đảo chính, đã bỏ phiếu đồng thuận và kêu gọi cộng đồng quốc tế có “hành động mạnh mẽ nhất có thể” để chấm dứt ngay lập tức đảo chính. Bộ Ngoại giao Myanmar nói đối với họ Kyaw Moe Tun đã bị cách chức và bị buộc tội phản quốc.
“Do đó, tuyên bố, sự tham gia và hành động của ông ấy trong cuộc họp là không hợp lệ và không thể chấp nhận. Myanmar mạnh mẽ bác bỏ sự tham gia và các tuyên bố của ông ấy”, cơ quan này nói.
Hội đồng Bảo an LHQ, cơ quan có thể đưa ra những nghị quyết ràng buộc pháp lý, đã thông qua một số tuyên bố về Myanmar, gồm lên án sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình ôn hòa, kêu gọi quân đội khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ và “kiềm chế đối đa” bạo lực ở tất cả các bên. Tuy nhiên, cơ quan này chưa bao giờ có thể lên án đảo chính hay cho phép cấm vận vũ khí hoặc các biện pháp khác, bởi gần như chắc chắn vấp phủ quyết của Trung Quốc và có thể thêm Nga.
Myanmar chuyển bà Suu Kyi tới nơi quản thúc mới
Chính quyền quân sự Myanmar được cho là đã chuyển bà Suu Kyi và cựu tổng thống Win Myint tới địa điểm mới trong quá trình quản thúc.
"Chúng tôi nghe từ các nguồn đáng tin cậy rằng Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã được chuyển từ nhà riêng đến một địa điểm chưa rõ", Chính quyền Thống nhất Quốc gia (NUG), do các nghị sĩ dân chủ bị lật đổ thành lập, ra tuyên bố hôm 1/6.
Khin Maung Zaw, trưởng nhóm luật sư bào chữa cho ông Myint và bà Suu Kyi, cũng xác nhận bà đã thông báo với các luật sư về việc bị "đưa tới một địa điểm xa lạ" một đêm trước khi trình diện tòa hôm 24/5.
"Sau phiên tòa, luật sư không thể liên lạc với bà ấy. Bà Suu Kyi là một lãnh đạo được yêu mến của chúng tôi, nên chúng tôi cực kỳ quan tâm tới sự an toàn của bà từ ngày đảo chính 1/2 và bây giờ vẫn vậy", Khin Maung Zaw nói.
Tổng thống Win Myint (trái) và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi năm 2016. Ảnh: AFP.
Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing hôm 22/5 cho biết bà Suu Kyi "đang ở nhà và vẫn khỏe mạnh". Cố vấn Nhà nước Myanmar vài ngày sau trực tiếp ra tòa và tuyên bố đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà sẽ trường tồn cùng nhân dân.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 tiến hành đảo chính, bắt bà Suu Kyi, Tổng thống Myint và quản thúc họ tại gia. Biểu tình phản đối nổ ra ở nhiều nơi khiến lực lượng an ninh Myanmar phải dùng vũ lực để trấn áp.
Cuộc khủng hoảng hậu đảo chính chưa chấm dứt, khi nhiều vụ đánh bom xảy ra hàng ngày, các lực lượng dân quân địa phương được thành lập và đối đầu với quân chính phủ, trong lúc biểu tình và đình công ở nhiều địa phương làm tê liệt nền kinh tế Myanmar.
Người Việt thấp thỏm ở Myanmar Người Việt ở Myanmar bất an vì công việc đình trệ, lúc làm lúc nghỉ, thậm chí mất việc, trong khi "luôn nghe thấy tiếng súng nổ bên tai" hậu đảo chính. Hơn một tháng sau cuộc đảo chính chóng vánh ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar vẫn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chính trị. Làn sóng biểu tình phản đối chính quyền...