Mỹ xúc tiến tích hợp hệ thống phòng thủ Vòm Sắt ở đảo Guam
Lục quân Mỹ vào tháng 11 sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không Vòm Sắt tại Guam, nhằm thẩm định mức độ tương thích của tổ hợp tên lửa đánh chặn do Israel sản xuất trong việc nâng cao năng lực phòng thủ tại đây.
Tên lửa đánh chặn khai hỏa từ hệ thống Vòm Sắt ở bang New Mexico. Ảnh LỤC QUÂN MỸ
Báo Stars and Stripes hôm 22.10 dẫn lời đại úy Nicholas Chopp, người phát ngôn Lực lượng chỉ huy phòng không và phòng thủ tên lửa số 94 của Lục quân Mỹ, cho biết một tổ hợp tên lửa Vòm Sắt đã được đưa đến Guam. Quá trình thử nghiệm kéo dài đến hết tháng 11.
“(Chúng tôi tiếp nhận) tổ hợp hoàn chỉnh, gồm hệ thống radar, trung tâm điều khiển và bệ phóng”, đại úy Chopp trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ trụ sở ở căn cứ hỗn hợp Pearl Harbor-Hickam, bang Hawaii.
Các thành viên của Tiểu đoàn Pháo binh Phòng không 2-43 từ căn cứ Fort Bliss (bang Texas) đã đến Guam cách đây vài tuần và sẽ là những người vận hành hệ thống.
Tạm thời các cuộc thử nghiệm sẽ không bao gồm nội dung bắn đạn thật. Việc triển khai sẽ được thực hiện tại nhiều địa điểm trên hòn đảo, bao gồm cảng Apra, căn cứ Blaz của lính thủy đánh bộ và căn cứ không quân Andersen.
Video đang HOT
Khẩu đội Vòm Sắt tại Guam là một trong hai hệ thống được Lục quân Mỹ mua từ năm ngoái với giá 373 triệu USD, theo Bloomberg.
Quốc hội Mỹ thông qua thương vụ trên như là một biện pháp tạm thời nhằm tăng cường năng lực phòng thủ tại đảo Guam, cụ thể là bảo vệ hệ thống đánh chặn THAAD, cho đến khi Lục quân Mỹ nghĩ ra giải pháp dài hạn về vấn đề này.
Cú đâm khiến Mỹ suýt mất tàu ngầm hạt nhân năm 2005
Tàu ngầm USS San Francisco đâm trúng núi đá ngầm ngoài khơi Guam năm 2005, khiến phần mũi vỡ nát và hàng loạt thủy thủ bị hất văng.
Ngày 8/1/2005, tàu ngầm hạt nhân USS San Francisco thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thời bình trong lòng biển ở khu vực cách đảo Guam 675 km về phía đông nam. Con tàu đang di chuyển ở độ sâu 160 m với tốc độ tối đa hơn 56 km/h thì bất ngờ khựng lại vì đâm phải một ngọn núi ngầm dưới lòng biển, dẫn tới sự cố suýt làm hải quân Mỹ mất tàu ngầm trị giá gần 1,6 tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
Cú đâm rất mạnh khiến nhiều thành viên thủy thủ đoàn văng nhiều mét trong nhà ăn. "Tôi thấy mọi người nằm la liệt. Kính và bát đĩa vỡ vụn, trong khi các đồng đội la hét và rên rỉ vì đau đớn", Brian Barnes, một hạ sĩ quan trên USS San Francisco khi đó, nhớ lại.
USS San Francisco với phần mũi hư hại trong xưởng cạn ở Guam ngày 27/1/2005. Ảnh: US Navy .
Phần mũi tàu ngầm bị vỡ nát, khiến nhiều khoang tàu lộ ra lòng biển. Nước nhanh chóng tràn vào, buộc thủy thủ đoàn hành động nhanh chóng để cứu tàu trước khi quá muộn.
98 trong số 127 thành viên thủy thủ đoàn bị thương, nhiều người trong số đó không thể thực hiện nhiệm vụ của mình trong tình huống khẩn cấp. Dù bị thương sau va chạm, một thủy thủ kịp kích hoạt hệ thống van khí để xả nước khỏi các bể dằn và thực hiện quy trình nổi khẩn cấp để cứu tàu.
Danny Hager, người giám sát đồng hồ độ sâu của USS San Francisco, vẫn nhớ như in về những giây phút chờ đợi sau khi xả nước khỏi bể dằn. "Tôi lúc đó thông báo độ sâu 160 m, tàu vẫn chưa nổi lên. Tôi chờ 5 giây, 10 giây, không biết bao lâu nhưng con số vẫn là 160 m và chưa nổi. Phòng điều khiển hoàn toàn tĩnh lặng vì tất cả đều chờ đợi tôi thông báo tàu đang bắt đầu nổi lên", Hager kể lại.
Các bể dằn ở mũi tàu đã bị thủng sau vụ va chạm, khiến khí nén xả thẳng ra biển. Độ sâu của USS San Francisco vẫn không thay đổi trong 60 giây đầu tiên sau khi kích hoạt quy trình nổi khẩn cấp. Phần đuôi tàu sau đó bắt đầu nổi lên khi không khí được bơm vào bể dằn phía đuôi. "Có thể thấy rõ sự nhẹ nhõm khi tôi thông báo độ sâu 150 m và đang nổi lên", Hager nói thêm.
Con tàu nổi trở lại mặt biển an toàn, nhưng mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Hư hại ở mũi khiến tàu không thể di chuyển với tốc độ cao và phải lết về Guam với tốc độ 15 km/h. Thợ máy Joseph Allen Ashely bị thương nặng ở đầu trong cú va chạm và tử vong do không thể sơ tán khỏi tàu.
USS San Francisco cập cảng Guam sau 52 tiếng di chuyển dưới sự hộ tống của tàu tuần duyên USCGC Galveston Island, tàu vận tải USNS GySgt Fred W. Stockham, trực thăng MH-60S và máy bay tuần thám biển P-3C Orion.
Đợt kiểm tra trong xưởng cạn cho thấy toàn bộ cụm cảm biến thủy âm (sonar) và bể dằn nước ở mũi tàu đã bị hỏng nặng, nhưng thân chịu lực không bị thủng và lò phản ứng hạt nhân vẫn an toàn.
Cuộc điều tra của hải quân Mỹ cho thấy USS San Francisco đã sử dụng hải đồ cũ, vốn không cập nhật vị trí dãy núi ngầm dưới biển. Thủy thủ đoàn cũng không sử dụng những hải đồ mới hơn, được cập nhật cảnh báo về khu vực này. "Hàng loạt quy trình vạch lộ trình di chuyển quan trọng đã bị bỏ qua", báo cáo điều tra có đoạn viết.
Vòm thép được lắp ở mũi hồi tháng 5/2005 để USS San Francisco có thể trở về Mỹ. Ảnh: US Navy .
Hạm trưởng Kevin Mooney bị khiển trách, tước quyền chỉ huy và điều tới một đơn vị trên bờ. 6 thành viên thủy thủ đoàn cũng bị hạ cấp bậc và khiển trách vì gây uy hiếp an toàn cho tàu ngầm và lơ là trách nhiệm, trong khi 20 sĩ quan và thủy thủ được trao thưởng nhiều loại bằng khen và huy chương vì hành động cứu tàu.
USS San Francisco khi đó mới được thay nhiên liệu hạt nhân và dự kiến phục vụ tới năm 2017, nên hải quân Mỹ quyết định sửa chữa tàu để duy trì hoạt động. Nó được sửa chữa tạm thời nhằm bảo đảm độ kín nước cho thân tàu và độ nổi phần mũi, trước khi rời Guam trở về nhà máy Puget Sound ở bang Washington để sửa chữa toàn diện. Con tàu cập cảng ngày 26/8/2005, gần 8 tháng sau tai nạn.
Tháng 6/2005, hải quân Mỹ thông báo sẽ sử dụng phần mũi tàu ngầm USS Honolulu sắp loại biên để lắp cho USS San Francisco. Phương án này tốn khoảng 79 triệu USD, thay vì 170 triệu USD để nạp lại nhiên liệu hạt nhân và đại tu lò phản ứng cho USS Honolulu.
Quá trình sửa chữa được hoàn thành sau hai năm, con tàu rời nhà máy ngày 10/8/2008 và chạy thử trên biển cho đến tháng 4/2009. USS San Francisco thực hiện thêm 6 chuyến làm nhiệm vụ trước khi được loại biên năm 2017.
Hình mẫu tiêm chủng của đảo Guam quay cuồng trước làn sóng COVID-19 mới Từng được ca ngợi là một câu chuyện thành công về tiêm chủng, đảo Guam (Mỹ) đang phải chật vật đối phó với làn sóng COVID-19 mới. Song các chuyên gia cho rằng tỉ lệ mắc bệnh sẽ còn cao hơn nếu không có vaccine bao phủ. Dù có tỷ lệ tiêm chủng cao,đảo Guam vẫn ghi nhận số ca COVID-19 tăng đột...