Mỹ xem xét lại hiệp ước Bầu trời Mở với Nga
Chính quyền Biden đang xem xét lại hiệp ước Bầu trời Mở được ký với Nga sau Chiến tranh Lạnh, sau khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang tham vấn với các đồng minh về hiệp ước Bầu trời Mở, trong bối cảnh Nga sắp chính thức rời khỏi thỏa thuận này.
“Chúng tôi chưa quyết định về tương lai của việc Mỹ tái gia nhập hiệp ước Bầu trời Mở. Chúng tôi đang tích cực xem xét các vấn đề liên quan đến hiệp ước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo ngày 11/5.
Mỹ rời khỏi hiệp ước Bầu trời Mở hồi tháng 11/2020, sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump tuyên bố Nga vi phạm thỏa thuận vốn cho phép hai nước và các đồng minh giám sát không phận của nhau.
Nga hồi tháng 1 tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước do không có tiến bộ nào trong thực hiện thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi. Tổng thống Vladimir Putin đã trình dự luật rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở lên quốc hội.
Phát ngôn viên Price cho hay việc Nga tiếp tục không tuân thủ hiệp ước là một trong những yếu tố chính được Mỹ xem xét lần này. “Khi quá trình này diễn ra, chúng tôi khuyến khích Nga thực hiện các bước để tuân thủ hiệp ước trở lại”, Price nói.
Video đang HOT
Nga chưa bình luận về thông tin này.
Trinh sát cơ OC-135B chuyên thực hiện chuyến bay giám sát theo hiệp ước Bầu trời mở cất cánh từ căn cứ không quân Andrews, Mỹ, tháng 4/2018. Ảnh: Flickr/Timothee Savoure .
Tổng thống Biden khi nhậm chức tuyên bố sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Nga, song cởi mở hơn với các hiệp ước quốc tế sau khi Trump từ bỏ một loạt thỏa thuận đa phương.
Vài ngày sau khi nhậm chức, Biden gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) thêm 5 năm. Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký tháng 4/2010, giới hạn số đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của hai nước.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký năm 1992 và có hiệu lực năm 2002, cho phép gần 30 quốc gia thành viên thực hiện các chuyến bay giám sát được báo trước qua lãnh thổ của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự tiềm năng.
Quốc gia được giám sát sẽ nhận thông báo trước chuyến bay 72 giờ, lộ trình đường bay sẽ được gửi tới trước 24 giờ để nước này đề xuất sửa đổi. Hiệp ước cho phép các thành viên yêu cầu bản sao hình ảnh được chụp trong chuyến bay giám sát do nước khác thực hiện.
Nga và Mỹ từ lâu cáo buộc lẫn nhau vi phạm điều khoản của hiệp ước. Trump được cho cảm thấy tức giận khi trinh sát cơ Nga bay qua sân golf của ông ở New Jersey.
Bầu trời Mở là một trong những hiệp ước lớn mà Mỹ rút khỏi dưới thời Trump. Cựu tổng thống Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, làm leo thang căng thẳng giữa Moskva và Washington, vốn đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Biden muốn gia hạn hiệp ước hạt nhân với Nga
Chính quyền Biden muốn gia hạn hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm, Lầu Năm Góc cho rằng thỏa thuận sẽ bảo đảm an toàn cho người Mỹ.
"Tổng thống đã làm rõ từ lâu rằng Hiệp ước Giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START) phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ. Việc gia hẹn sẽ càng có ý nghĩa khi quan hệ với Nga mang tính đối đầu vào thời điểm này", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo hôm 21/1.
Lầu Năm Góc cũng ra thông cáo khẳng định người dân Mỹ sẽ "an toàn hơn rất nhiều" nếu hiệp ước được duy trì và gia hạn.
Biden họp báo tại Nhà Trắng hôm 21/1. Ảnh: AFP .
Đây là một trong những quyết định lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn hai tuần trước khi New START hết hiệu lực vào ngày 5/2. Washington sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào với Moskva nếu từ bỏ New START.
Hiệp ước mang tính ràng buộc cho phép Mỹ và Nga triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Cựu tổng thống Donald Trump không muốn gia hạn New START vì cho rằng hiệp ước không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn. Nhiều nghị sĩ Mỹ và chuyên gia coi đề xuất này là biện pháp phá hủy New START và chấm dứt giới hạn kiểm soát kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, do Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng trên.
Điện Kremlin hôm 20/1 cho biết vẫn cam kết gia hạn hiệp ước New START và hoan nghênh những nỗ lực được chính quyền Biden hứa hẹn nhằm đạt thỏa thuận.
Tổng thống Biden cũng giao nhiệm vụ cho cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá toàn diện vụ tấn công mạng nhằm vào nhiều cơ quan chính phủ nước này, cũng như những cáo buộc nhằm vào Nga như can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, đầu độc lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và treo thưởng để phiến quân Taliban sát hại lính Mỹ ở Afghanistan.
"Ngay cả khi chúng tôi làm việc với Nga để thúc đẩy lợi ích Mỹ, chúng tôi cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm với những hành động đối đầu và liều lĩnh", Psaki nói thêm.
Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vì các thành viên còn lại của thỏa thuận không cam kết ngừng chia sẻ thông tin với Mỹ. "Do thiếu tiến bộ trong tiến trình tháo gỡ những trở ngại nhằm duy trì hiệp ước trong các điều kiện mới, Bộ Ngoại giao Nga được phép thông báo bắt đầu các thủ...