Mỹ vỡ mộng sau hơn 6 tháng can dự vào cuộc xung đột Nga-Ukraine
Hơn 6 tháng kể từ khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, sự xuất hiện của 3 thực tế liên quan đến cuộc chiến đang buộc Washington phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn.
Trước hết, sự kết hợp giữa chiến lược của Ukraine và những loại vũ khí do Mỹ cung cấp cho quốc gia này đã phần nào ngăn chặn bước tiến của Nga trên chiến trường. Sự hỗ trợ của Mỹ về các thiết bị phòng không đã làm giảm ưu thế trên không của Nga, khiến Moscow không thể kiểm soát toàn bộ bầu trời và gặp khó khăn khi yểm trợ cho các lực lượng mặt đất.
Các quân nhân Ukraine ngồi trên xe chiến đấu bộ binh ở vùng Donetsk. Ảnh: AFP.
Vũ khí chống tăng và thông tin tình báo do Mỹ cung cấp cho Kiev cũng ngăn cản thiết giáp Nga tiến sâu vào các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát. Sự phòng ngự của Ukraine đã khiến Điện Kremlin phải giảm bớt tham vọng, phụ thuộc chủ yếu vào các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa để phá hủy tuyến phòng thủ của Ukraine tại khu vực Donbass.
Dù tăng cường đáng kể năng lực quân sự nhưng Ukraine vẫn không thể thay đổi cục diện chiến trường và buộc quân đội Nga rút lui. Việc chuyển giao các hệ thống pháo binh, tên lửa và tên lửa tiên tiến của Mỹ đã giúp Kiev tấn công các tuyến đường tiếp tế, kho chứa vũ khí của Nga ở phía sau chiến tuyến, nhưng họ không thể tập hợp đủ lực lượng bộ binh để chiếm lấy các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Tổng thống Zelensky khẳng định, cuộc phản công đã được lên kế hoạch từ lâu của Ukraine tại Kherson sẽ thay đổi bức tranh này. Song giới phân tích cho rằng một chiến thắng nhanh chóng của Ukraine trong cuộc chiến là điều khó có thể xảy ra.
Video đang HOT
Thứ 2, các nỗ lực của Mỹ nhằm buộc Tổng thống Putin phải chấm dứt chiến dịch quan sự bằng cách làm tê liệt nền kinh tế Nga thông qua áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt và cô lập Nga trên trường quốc tế đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng. Không thể phủ nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga sẽ giảm 6% trong năm nay và lĩnh vực công nghệ của nước này sẽ đối mặt với tương lai u ám. Nhưng hậu quả mà Nga phải gánh chịu không lớn bằng Ukraine – với nguy cơ sụt giảm kinh tế hơn 40% do xung đột.
Trong khi đó, đồng rúp của Nga ngày càng vững mạnh hơn so với thời điểm trước chiến tranh, bất chấp cam kết của Tổng thống Biden biến đồng nội tệ nước Nga thành “đống đổ nát”. Doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng đã gia tăng, một phần nhờ giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao, một phần do nhiều quốc gia từ chối tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây, muốn thế chân châu Âu trở thành khách hàng chủ chốt của Nga.
Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Thứ 3, Mỹ và châu Âu đang phải gánh chịu một loạt hậu quả kinh tế do tác động ngược của các bện pháp trừng phạt. Nước Mỹ đang trải qua giai đoạn kinh tế đầy khó khăn, khi các hộ gia đình đều đang cảm nhận được sức ép ngày càng tăng của lạm phát. Số liệu mới nhất cho thấy chi phí sinh hoạt đã tăng nhiều mặt, trong đó đáng kể nhất là các chỉ số về nhà ở, xăng dầu và thực phẩm.
Trong khi đó, châu Âu không chỉ đối mặt với viễn cảnh một mùa Đông lạnh giá mà còn lo ngại về tình trạng gián đoạn hoạt động trong các ngành công nghiệp chủ chốt do thiếu khí đốt tự nhiên và các mặt hàng nhập khẩu của Nga vốn rất quan trọng đối với ngành xây dựng, luyện kim và ngành công nghiệp ô tô. Đức – quốc gia châu Âu phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng Nga đang có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất ổn kinh tế nếu xu hướng hiện tại tiếp tục kéo dài.
Thời gian là “đồng minh” của ông Putin
3 thực tế nói trên đã định hình lại chiến lược của Tổng thống Putin. Nhận thức được lợi thế của Mỹ về công nghệ vũ khí, Nga dường như đã áp dụng chiến lược “tiến chậm nhưng chắc”, nhằm chuyển cuộc xung đột thành một cuộc thi gan về sức chịu đựng để phát huy thế mạnh của nước này.
Tổng thống Putin dường như đang tính toán rằng, ngay cả khi có sự hỗ trợ lâu dài của phương Tây, Ukraine vẫn không thể bắt kịp với Nga về nguồn nhân lực, vũ khí và khả năng phục hồi kinh tế trong một cuộc chiến tiêu hao. Nga không thể kiểm soát hoàn toàn Ukraine nhưng chắc chắn sẽ khiến quốc gia này từ bỏ ý định gia nhập NATO và ngăn chặn được một mối đe dọa ngay sát sườn. Chưa kể, Moscow đã phối hợp với các đồng minh và đối tác để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới phân tích cho rằng, nỗ lực của phương Tây nhằm thắt chặt thòng lọng kinh tế với Nga đến nay hầu như không có tác dụng. Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ, châu Âu áp đặt đã vô tình mang lại lợi ích kinh tế cho Trung Quốc và Ấn Độ – hai quốc gia đang ráo riết mua dầu mỏ của Nga với giá rẻ và sau đó bán lại cho châu Âu.
Quyết định của Mỹ tăng cường chi viện vũ khí cho Ukraine để giúp nước này theo đuổi chiến thắng đến cùng sẽ là một canh bạc lớn. Phe cứng rắn tại Washington khẳng định “Mỹ cần cung cấp cho Ukraine tất cả các phương tiện cần thiết để chiếm ưu thế trong cuộc chiến”. Nhưng điều đó đòi hỏi nhiều hơn so với việc chỉ cung cấp các hệ thống tên lửa và pháo tầm xa. Ukraine cần sự giúp đỡ đáng kể trong việc vận hành, bảo trì các hệ thống này, cũng như huấn luyện, đào tạo và mở rộng lực lượng mặt đất.
Tất cả nhiệm vụ này yêu cầu Washington phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và có thể phải can dự sâu hơn vào cuộc chiến. Những người ủng hộ việc hỗ trợ quân sự triệt để cho Ukraine cho rằng, Nga nhiều khả năng sẽ chấp nhận thất bại thay vì mạo hiểm dấn thân vào một cuộc đụng độ trực tiếp với Mỹ, thậm chí là với NATO. Nhưng nếu đánh giá này được chứng minh là sai lầm thì hậu quả có thể rất thảm khốc./.
Đệ nhất phu nhân Ukraine phát biểu trước quốc hội Mỹ
Phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ hôm 20/7, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska cảm ơn Washington vì các khoản viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.
Dù vậy, theo phu nhân Tổng thống Volodymyr Zelensky, Kyiv cần nhiều hơn. Bà đề cập cụ thể đến các hệ thống phòng không có khả năng ngăn chặn tên lửa của Nga.
"Tôi đang đề nghị cung cấp vũ khí - các loại vũ khí này sẽ không được sử dụng để phát động chiến tranh trên lãnh thổ nước khác, mà được dùng để bảo vệ quê nhà và quyền được thức dậy tại đó", bà Zelenska nói, theo Politico.
Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ hôm 20/7. Ảnh: AFP.
Bà Zelenska cũng đề cập đến tình hình an ninh, kinh tế và nhân đạo đang xấu đi tại Ukraine. "Tôi muốn gửi lời đến các ngài không phải trên tư cách đệ nhất phu nhân, mà là một người con và một người mẹ", bà chia sẻ.
Khoảng 100 nghị sĩ Mỹ đến từ cả hai viện trong quốc hội nước này - bao gồm cả các lãnh đạo hàng đầu - tới lắng nghe bài phát biểu của bà Zelenska. Trước và sau khi phát biểu, vị đệ nhất phu nhân Ukraine đã được các nghị sĩ Mỹ hoan hô nhiệt liệt.
Chỉ vài giờ trước bài phát biểu của bà Zelenska, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Washington sẽ gửi thêm cho Kyiv bốn hệ thống pháo phản lực HIMARS cho Ukraine. Loại vũ khí này "đã tạo ra khác biệt trên chiến trường", ông Austin cho biết.
"Chúng tôi hiểu rõ sự cấp bách và đang nỗ lực hết sức để duy trì và đẩy mạnh đà quyên góp", ông Austin nói. "Các quốc gia trên khắp thế giới đang tiếp tục gửi đến các hệ thống và đạn dược cần thiết".
Điện Kremlin: Không có cơ sở tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Ukraine Chính phủ Nga ngày 8/8 ra tuyên bố bác bỏ đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, trong đó nhấn mạnh hiện tại không có cơ sở nào để lãnh đạo hai nước gặp mặt trực tiếp giải quyết những bất đồng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh:...