Mỹ vắt óc đối phó Trung Quốc tấn công
Các giải pháp được đề ra đều nhằm ngăn chặn Trung Quốc tấn công đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc ngang ngược trong khu vực
Theo tạp chí Foreign Affairs, chiến lược “xoay trục” sang châu Á và đầu tư ngày càng tăng các nguồn lực cho máy bay ném bom tầm xa mới và tàu ngầm năng lượng hạt nhân được thiết kế để hoạt động trong các môi trường có mức độ đe dọa cao chính là nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc.
Tạp chí này một lần nữa “vạch tội” Trung Quốc khi liệt kê hàng loạt hành động hung hăng của Bắc Kinh liên quan tới tranh chấp quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, tuyên bố chủ phần lớn trong 1,7 triệu km2 biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hai tháng sau, Trung Quốc đã di chuyển một giàn khoan dầu vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đụng độ với các tàu đánh cá của Việt Nam.Ở Biển Đông, vào tháng 3/2014, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp cận tiền đồn của nước này ở khu vực Trường Sa.
Tàu cá Trung Quốc (xanh) bị Nhật Bản bắt giữ hồi tháng 9/2010
Các động thái này đã lặp lại các sự cố trước đó ở biển Hoa Đông. Vào tháng 9/2010, nhằm đáp trả việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá của Trung Quốc, người đã lái tàu đâm vào hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Trung Quốc đã tạm thời dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Đến tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) bao trùm cả quần đảo Senkaku, cảnh báo sẽ có hành động quân sự nhằm vào các máy bay từ chối tuân thủ.
Tư tưởng “bành trướng” của Trung Quốc được thể hiện rất rõ qua tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì hồi năm 2010: “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”.
Đối đầu Mỹ
Trung Quốc đang đầu tư vào một số năng lực mới như chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) với mục tiêu đặc biệt là biến Tây Thái Bình Dương thành một khu vực cấm ra vào đối với quân đội Mỹ. Mục tiêu đó bao gồm cả việc phát triển các phương tiện nhằm vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Lầu Năm Góc, vốn phụ thuộc nặng nề vào các vệ tinh và mạng Internet để phối hợp hoạt động tác chiến và hậu cần.
Video đang HOT
PLA đã có tiến bộ đáng kể trên mặt trận này trong những năm gần đây, thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh, sử dụng tia laser để “làm mù” các vệ tinh của Mỹ, và tiến hành các cuộc tấn công mạng tinh vi vào các mạng lưới phòng thủ của Mỹ.
Tàu hải quân Trung Quốc tập trận gần Nhật Bản
Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng của mình để nhằm vào các phương tiện quân sự quan trọng của Mỹ và hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ hoạt động ở các vùng biển quốc tế.
PLA đã có các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thông thường có thể tấn công các cơ sở lớn của Mỹ ở khu vực này, chẳng hạn như căn cứ không quân Kadena, ở Okinawa, Nhật Bản, và đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng tấn công nhiều mục tiêu nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất. (Theo giới phân tích, chuỗi đảo này có 4 điểm quan trọng: “Đầu chuỗi đảo” là Hàn Quốc, “đuôi chuỗi đảo” là Philippines, “khóa chuỗi đảo” là Đài Loan, “trọng tâm” là Nhật Bản).
Để phát hiện và nhắm tới các tàu hải quân ở khoảng cách xa hơn, PLA đã triển khai các hệ thống radar và vệ tinh do thám mạnh mẽ, cùng với các phương tiện bay không người lái (UAV) có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám tầm xa.
Để đuổi theo các tàu sân bay của Mỹ, cũng như các tàu bảo vệ mặt nước, Hải quân Trung Quốc đang mua các tàu ngầm được trang bị ngư lôi tối tân và tên lửa hành trình tốc độ cao được thiết kế để tấn công các tàu ở khoảng cách xa.
Tạp chí Foreign Affairs cho rằng các hành động của Bắc Kinh không thể được biện minh như một hành động đáp trả trước sự tăng cường vũ trang của Mỹ. Trong thập kỷ qua, Washington đã tập trung năng lượng và các nguồn lực của mình chủ yếu vào việc hỗ trợ các lực lượng trên bộ của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.
Ngân sách quốc phòng của Mỹ, mà cho đến gần đây chiếm hơn 4% GDP, được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối thập kỷ này.
Tạp chí Mỹ đánh giá Lầu Năm Góc đang đánh rơi các khả năng quân sự trong khi PLA đang tích lũy chúng.
Phong tỏa Trung Quốc
Với chiến lược hiện nay, Trung Quốc muốn thực hiện các tham vọng của mình bằng cách đặt các bên vào thế đã rồi. Để ngăn chặn Trung Quốc, theo Foreign Affairs, Mỹ phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc kiểm soát vùng trời và vùng biển xung quanh chuỗi đảo thứ nhất.
Mỹ cũng phải hợp nhất các mạng lưới tác chiến của đồng minh và củng cố các năng lực của đồng minh – cả hai điều này sẽ giúp bù lại các nỗ lực của PLA nhằm gây bất ổn cán cân quân sự của khu vực. Ngoài ra còn có các lực lượng mặt đất, các lực lượng này sẽ không thay thế các lực lượng không quân và hải quân hiện nay mà sẽ bổ sung cho họ.
Tàu chiến Mỹ (có tàu sân bay George Washington) cùng tàu Nhật Bản tập trận tại Hoa Đông
Về phòng không, các nước nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất có thể ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận không phận bằng cách sử dụng các đơn vị quân đội được trang bị tên lửa đánh chặn tầm ngắn có tính cơ động cao và tương đối đơn giản (chẳng hạn như tên lửa Sea Sparrow cải tiến, được hỗ trợ bởi các hệ thống radar GIRAFFE nhằm phát hiện mục tiêu).
Trong khi đó, quân đội Mỹ, cùng với các đồng minh như Nhật Bản, có thể vận hành các hệ thống tinh vi hơn, tầm xa hơn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tiêu diệt máy bay tiên tiến của Trung Quốc.
Quân đội của Nhật Bản đã thực hiện chính xác như vậy, bố trí các đơn vị tên lửa hành trình chống tàu trên một số hòn đảo của quần đảo Ryukyu trong các cuộc diễn tập quân sự.Để ngăn chặn PLA kiểm soát vùng biển để gia tăng hoạt động tấn công nhằm vào các hòn đảo, Mỹ nên khôi phục một lực lượng pháo binh để phòng thủ bờ biển. Theo Foreign Affairs, ý tưởng này đơn giản và có sức thuyết phục. Thay vì mạo hiểm đưa các tàu chiến vào trong phạm vi phòng thủ của PLA hoặc chuyển hướng các tàu ngầm sang các nhiệm vụ ưu tiên hơn, Mỹ và các đồng minh có thể dựa vào các lực lượng mặt đất, được bố trí dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và được trang bị các bệ phóng cơ động và các tên lửa hành trình chống tàu, để thực hiện các hoạt động tương tự.
Liêu Ninh – Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc
Một nhiệm vụ khác mà các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể đóng góp đó là chiến tranh thủy lôi. Được trang bị khả năng đặt thủy lôi từ các căn cứ trên đất liền sử dụng các tên lửa tầm ngắn, máy bay trực thăng, hoặc xuồng lớn, các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể khiến các vùng biển rộng lớn trở thành bất khả xâm phạm đối với Hải quân Trung Quốc.
Các bãi mìn ở các điểm chủ chốt dọc chuỗi đảo thứ nhất sẽ làm cho một cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc trở nên vô cùng phức tạp và làm cản trở khả năng Trung Quốc quấy rối các lực lượng hải quân của đồng minh. Trong khi đó, các khẩu đội pháo chống tàu ven biển gần đó, có thể khiến các hoạt động rà phá thủy lôi của các tàu của PLA trở nên rất nguy hiểm.
Về dài hạn, các lực lượng mặt đất cũng có thể trợ giúp các hoạt động tác chiến chống lại lực lượng tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của PLA. Một chiếc tàu ngầm chủ yếu dựa vào khả năng tàng hình của nó để phòng thủ; một khi bị phát hiện, nó phải tránh liên lạc hoặc có nguy cơ cao bị tiêu diệt. Bằng cách bố trí các thiết bị cảm biến tần số thấp và cảm biến âm thanh dưới nước xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, các lực lượng của Mỹ và đồng minh có thể gia tăng khả năng phát hiện tàu ngầm của PLA. Các đơn vị pháo binh ven biển khi đó có thể sử dụng ngư lôi phóng từ tàu ngầm để khiến các tàu ngầm đang tiến đến phải từ bỏ nhiệm vụ và rút lui.
Tạp chí Mỹ cũng hoàn toàn tỏ ra tự tin về hiệu quả với những trợ giúp về vũ khí và binh sĩ Mỹ, dù là một số lượng nhỏ, trong trường hợp Trung Quốc tấn công một một đồng minh hoặc một đối tác của Mỹ.
Lợi thế của Trung Quốc
Hiện nay, các vũ khí của Mỹ có thể phát động một cuộc tấn công trả đũa chính xác được đặt tại các căn cứ không quân và tàu sân bay tiền tuyến ngày càng dễ bị tổn thương. Lầu Năm Góc dự định sẽ giải quyết vấn đề này một phần bằng cách chế tạo các tàu ngầm và máy bay ném bom tàng hình tầm xa mới, nhưng chi phí cho các khí tài hạng nặng như vậy là rất cao.
Nếu so sánh, các lực lượng mặt đất, có thể mất một mức chi phí rẻ hơn để cung cấp thêm hỏa lực. Không giống như các lực lượng không quân và hải quân, các lực lượng mặt đất có thể không cần quay trở lại các căn cứ xa xôi để tái vũ trang. Họ có thể dự trữ nhiều đạn dược hơn rất nhiều so với ngay cả chiếc máy bay ném bom hay tàu chiến lớn nhất, và họ có thể cất trữ chúng trong các boongke kiên cố có thể chống chịu được các đợt tấn công tốt hơn.
Trung Quốc được cho là đã sở hữu tên lửa diệt tàu sân bay
Trong trường hợp có xung đột, PLA sẽ được hưởng lợi nhờ một lợi thế đặc biệt không cân xứng: số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung trên đất liền của nước này.
Mỹ, với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (IRNF), không thể triển khai các hệ thống này. Tuy nhiên, bằng cách trang bị cho các lực lượng mặt đất những tên lửa tương đối rẻ tiền tuân thủ các hạn chế về tầm bắn của hiệp ước này, và bằng cách bố trí các tên lửa này dọc chuỗi đảo thứ nhất để giảm bớt chi phí liên quan đến việc phóng tên lửa tầm xa, Washington và các đồng minh có thể tiến xa trong việc “sửa chữa” sự mất cân bằng này với một chi phí tương đối thấp.
Điểm yếu nhất của chuỗi đảo thứ nhất là mạng lưới tác chiến của Mỹ – các hệ thống quan trọng có thể xử lý tất cả vấn đề từ chỉ đạo và theo dõi quân đội và tiếp tế cho đến điều khiển vũ khí. Mạng lưới này hiện nay chủ yếu dựa vào các vệ tinh và phương tiện bay không người lái (UAV) không tàng hình, cả hai đều có thể bị PLA nhắm làm mục tiêu.
Cách tốt nhất để giảm bớt rủi ro sẽ là thiết lập một mạng lưới thông tin liên lạc bằng cáp quang được chôn dưới mặt đất và đáy biển dọc chuỗi đảo này, cho phép các lực lượng khác nhau tiếp nhận và truyền tải dữ liệu một cách an toàn từ các trung tâm chỉ huy kiên cố trên đất liền. Các lực lượng phòng không và phong tỏa biển được đặt trên đảo, cũng như là các bãi mìn chống tàu, có thể bảo vệ các đường dây cáp chạy giữa các hòn đảo.
Cao Tiến (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt