Mỹ và NATO bất lực trước hành động quân sự của Nga
Hôm 01-03, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi Nga ngừng can thiệp quân sự vào Ukraine. Ông Putin đã thẳng thừng từ chối và tuyên bố: “Nga có quyền bảo vệ công dân tại đó”.
Mỹ xoay xở tìm mọi cách giúp đỡ chính phủ mới ở Ukraine
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gọi việc Nga triển khai quân đội tại Crimea là hành động khiêu khích để dẫn đến một cuộc “xung đột vũ trang”. Còn ông Obama đã có thông điệp thẳng thắn với ông Putin trong cuộc điện đàm 90 phút là Nga nên chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine.
Nhưng yêu cầu của Mỹ có vẻ không được nghe. Điện Kremlin tuyên bố, ông Putin nhấn mạnh với Obama rằng có đe dọa thực sự cho công dân Nga ở Ukraine, và rằng Nga có quyền bảo vệ công dân tại đó.
Quân đội Nga đang kiểm soát Crimea, trong khi quốc hội Nga hôm 01-03 cho phép tổng thống có thể đưa quân vào Ukraine để bảo vệ công dân. Hơn nữa, chính phủ lâm thời ở Crimea cũng đã thỉnh cầu Nga bảo vệ họ trước “những nhóm vũ trang lạ mặt nguy hiểm”.
Ông Putin đã tính toán rằng sự sẵn lòng can thiệp của Obama không thể bằng quyết tâm của Nga khẳng định ảnh hưởng ở một đất nước mà Nga có nhiều duyên nợ. Cộng hòa tự trị Crimea, còn thuộc Nga cho đến năm 1954, là vùng duy nhất tại Ukraine có đa số dân là người Nga. Nga có căn cứ hải quân lớn ở thành phố Sevastopol thuộc Crimea, nơi đặt Hạm đội Biển Đen.
Nhiều chuyên gia quân sự không tin Mỹ có biện pháp để đẩy lùi được Nga
Nhà Trắng hùng hồn tuyên bố: “Hoa Kỳ lên án sự can thiệp quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine” và Nga sẽ phải trả giá về hành động leo thang quân sự của mình. Nhưng giới phân tích cho rằng, ông Obama đang đối diện với thử thách rất lớn là liệu ông có quân cờ nào để buộc Moscow nhượng bộ. Dường như chính quyền Obama không có nhiều lựa chọn để phản kích Nga.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nói chuyện với người đồng cấp của Nga hôm 01-03 nhưng không có kết quả. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, Tổng thống Nga Putin xem khủng hoảng hiện nay như cuộc chiến tranh Lạnh. Ông tuyên bố: “Việc Mỹ có vẻ yếu thế trên thế giới đã khuyến khích ông ta lấn tới”.
Phía Mỹ đã nói Washington và châu Âu, mặc dù đã bác bỏ khả năng dùng quân sự, vẫn có thể gây áp lực lên Moscow bằng cách chứng tỏ Nga có nhiều điều để mất. Nhà Trắng đe dọa Nga có thể chịu “cô lập chính trị và kinh tế”, tuy nhiên, cho đến nay Washington vẫn đang dùng các biện pháp ngoại giao.
Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ đều đang cân nhắc giúp đỡ tài chính cho chính phủ mới ở Kiev, tuy nhiên các động thái của họ hết sức dè dặt và những khoản cam kết cũng hết sức nhỏ giọt. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức họp khẩn cấp hôm Chủ nhật và chỉ ra tuyên bố, phản đối Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế bằng hành động quân sự ở Ukraine.
Trụ sở tổ chức NATO ở Brussels – Bỉ
Video đang HOT
Chuyên gia quân sự Tim Ripley của tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly nói: “Nếu Nga chiếm Crimea, nó sẽ sỉ nhục phương Tây, cho thấy một sự thật phũ phàng rằng NATO chỉ là một con hổ giấy”. Nếu Mỹ và EU không thành công trong áp lực với Nga, nó có thể để lại hậu quả lâu dài. Chỉ riêng việc xử lý lực lượng đặc nhiệm Berkut bị giải thể của Ukraine đã thấy Mỹ, EU và Ukraine đã không lường trước được những tính toán cao tay của Nga.
Kiev sợ lực lượng này đảo chính nên đã giải tán nó và người Nga đã giang tay đón “những người con” có xuất xứ từ lực lượng đặc nhiệm OMON của Liên Xô cũ, với những tấm hộ chiếu Nga mới tinh. Và điều gì phải đến đã đến. Chính lực lượng này đã hợp cùng dân quân người Nga giải giáp quân đội Ukraine và bảo vệ chính phủ mới thân Nga ở Crimea.
Hiện nay, hàng loạt lính Berkut ở các tỉnh thành khác đã lên tiếng muốn nhận quốc tịch Nga, gây ra những mầm họa không nhỏ ở các địa phương khác của Ukraine, nhất là những tỉnh thành phía đông, vốn chịu ảnh hưởng lớn của Nga. Sự “trở giáo” của họ cũng góp phần tạo nên tâm lý hoang mang, dao động, tạo nên hiệu ứng rã đám hàng loạt trong các lực lượng vũ trang chính phủ, giúp người Nga “bất chiến tự nhiên thành”.
Nga trao quyền công dân cho lực lượng Berkut của Ukraine
Mỹ chẳng có con bài nào để đẩy lùi Nga khỏi Crimea
Hiện nay, Mỹ, NATO và Kiev đều bất lực trong vấn đề đối phó với lực lượng quân sự Nga đang hiện diện ở Crimea và cả khu vực phía đông Ukraine (nếu tình hình gia tăng căng thẳng). Bởi vì, hiện nay Ukraine chưa phải là thành viên NATO, vì vậy Mỹ và châu Âu không có quyền và nghĩa vụ bảo vệ. Washington và EU không thể đưa quân vào Ukraine, vì họ sẽ tự mâu thuẫn với những lên án Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi can thiệp quân sự vào Ukraine.
Hơn nữa, nhiều thành viên trong NATO và EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Mấy mùa đông giá lạnh ở châu Âu vì bị bị Nga cắt khí đốt đã khiến họ không dám mạnh miệng vì phải duy trì quan hệ tốt với Moscow. Hơn nữa, chính các “ông lớn” ở châu Âu như Ý, Pháp, Đức… đã góp vốn xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu “Dòng chảy phương nam” và “Dòng chảy phương bắc” (South Stream và North Stream) nên họ cũng chẳng dại gì tự bắn vào chân mình.
Tổng thống Mỹ Obama đã điện cho hàng loạt người đồng cấp ở các nước châu Âu, vận động họ tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G-8 nhằm gây sức ép đến Nga. Thế nhưng những biện pháp này Nga đã quá quen với ông Putin. Chẳng phải là sau “cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia, Mỹ và đồng minh cũng sử dụng hàng loạt các biện pháp bao vây, cấm vận Nga đó sao? Cuối cùng, họ vẫn bất lực nhìn Nam Ossetia và Abkhazia độc lập.
Một góc trạm bơm gas Sudzha của tập đoàn Gazprom
Một số ý kiến cho rằng bước đi khả dĩ nhất cho Mỹ là gửi một vài tàu chiến vào biển Đen, nhưng điều đến đó để làm gì? Với mục đích “răn đe” Nga thì chỉ vài ba tuần dương hạm, khu trục hạm của Mỹ chẳng làm người Nga bận tâm. Còn điều tàu chiến đến đó để nổ súng vào hạm đội biển Đen của Nga? Tốt nhất là họ nên bỏ cái ý nghĩ đó đi. Mỹ không khờ khạo đến mức vì Ukraine mà đi gây hấn với Nga. Điều này đã được chứng minh ở chính “cuộc chiến tranh 5 ngày”.
Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili tiết lộ, vào thời điểm cuộc chiến nổ ra năm 2008, máy bay chiến đấu Mỹ tại các căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, nhiều chiến hạm của hải quân Mỹ mang tên lửa hành trình đã áp sát Gruzia “sẵn sàng nhả đạn”. Đích thân phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney đã trấn an ông Saakashvili: “Ngài nên biết, thứ mà tàu chiến chúng tôi mang đến không phải là nước uống mà là thứ quan trọng hơn hàng hóa rất nhiều”.
Nga hành động nhanh đến nỗi Mỹ và NATO không kịp trở tay
Tuy vậy, cuối cùng người Mỹ đã không dám tấn công bằng tên lửa hành trình vào quân đội Nga ở Gruzia, đau đớn nhìn quốc gia sắp trở thành đồng minh của mình thảm bại trong vòng có 5 ngày, trước quân đội Nga. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ đối với NATO và các đồng minh khác. Và trong tình thế hiện nay, chỉ cần một người bình thường cũng có thể khẳng định 100% là Mỹ sẽ không dám gây hấn với Nga.
Tuy nhiên, có một vấn đề làm nhiều người thắc mắc là tại sao Nga lại tức tốc tung quân vào Symferopol, không để đến khi một giải pháp trung gian được đưa ra hoặc Kiev tấn công quân sự vào nước cộng hòa tự trị Crimea? Hành động của Nga nhanh đến mức không ai ngờ tới, Mỹ và NATO không kịp trở tay mà lực lượng thân Kiev ở Crimea cũng vô phương chống đỡ.
Điều này rất khác với hành động của Nga năm 2008, khi họ bình tĩnh đợi Gruzia khai hỏa trước mới lấy cớ đó để can thiệp quân sự. Điều này rất dễ hiểu, vì Nam Ossetia và Abkhazia khác hẳn so với Crimea, Nga chỉ muốn giúp 2 nước cộng hòa thuộc Gruzia được độc lập nhưng đối với Crimea, Moscow muốn vùng lãnh thổ nguyên là đất đai của họ sáp nhập trở lại Nga.
Năm 2008, chiến hạm Mỹ đã áp sát Gruzia nhưng không dám tấn công quân Nga
Trước đây, Crimea nguyên thuộc lãnh thổ của Nga, được lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine năm 1954. Vì vậy, việc Nga tức tốc tung quân vào Crimea là chơi đòn “Tiên hạ thủ vi cường”, trước khi Kiev kịp trở tay. Sự hiện diện quân sự của Nga ở đây khiến mọi ý đồ sử dụng vũ lực đối với Crimea bị phá sản. Moscow sẽ không phải tốn xương máu để giải phóng như cuộc chiến năm 2008 mà vẫn đạt được mục đích thu hồi Crimea.
Qua phân tích tình hình ở Crimea mấy ngày gần đây, có thể khẳng định, gần như chắc chắn là nước cộng hòa này sẽ trở về Nga. Suốt cả dải phía đông thân Nga của Ukraine cũng tiềm ẩn rất nhiều yếu tố li khai. Lần này, “chú Gấu” đã mạnh hơn và cao tay hơn so với cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia rất nhiều, liệu Washington có buộc được Moscow phải thoái lui?
Điều này chỉ e là không thể.
Theo ANTD
Một ảo tưởng mang tên châu Âu
Thời điểm hiện tại dường như không thích hợp để EU chào đón một Ukraine bất ổn, kiệt quệ và có thể mất lãnh thổ, trong khi bản thân EU cũng thiếu đoàn kết, nghèo đi vì khủng hoảng.
Người biểu tình ủng hộ Nga tuần hành gần tượng Lenin ở Simferopol, thủ phủ Crimea ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhật báo lớn thứ ba của Italy "La Stampa" mới đây đăng bài viết của cây bút bình luận chính trị Roberto Toscano nhận định: Sau những diễn biến nhanh chóng đang xảy ra ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine, gần đây nhất là việc quân đội Nga đã xuất hiện ở bán đảo này và nguy cơ chia rẽ Ukraine càng tăng lên, giờ là lúc những người đã phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych để lập một chính phủ lâm thời ở Kiev phải hành động để đối phó với mọi nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.
Ông Toscano đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để chuyển quyền lực từ quảng trường Độc lập sang một cơ chế quyền lực bình thường của nhà nước? Làm thế nào để bình thường hóa đất nước dựa trên những nhân vật chính trị như bà Yulia Tymoschenko, người vừa ra khỏi tù sau nhiều năm bị ông Yanukovych trừng phạt nhưng lại thuộc về một hệ thống cũ mà chính những người tham gia đấu tranh ở quảng trường Độc lập không thể chấp nhận được? Làm thế nào để kiểm soát những kẻ quá khích, trong đó có những phần tử dân tộc - xã hội cực đoan? Làm thế nào để vực dậy một đất nước đang đứng bên bờ vực sụp đổ về kinh tế?.
Theo nhà bình luận Toscano, vấn đề chính mà Ukraine đang phải đối mặt là nguy cơ xung đột vũ trang có khả năng làm chia rẽ đất nước. Từ chỗ người ta mới chỉ nhắc đến sự chia rẽ giữa một bên là khu vực miền tây muốn hội nhập với châu Âu và một bên là khu vực miền đông nói tiếng Nga và hướng về nước Nga, giờ đây, vấn đề nghiêm trọng là nguy cơ chính phủ mới ở Kiev sẽ mất vùng Crimea. Bán đảo Crimea, năm 1954 được chuyển giao từ Nga sang Ukraine, lúc đó là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Về mặt dân số và ngôn ngữ cũng như ảnh hưởng, đa phần người dân ở đây vẫn coi mình là người Nga. Và bây giờ, sau những sự kiện ở Kiev, họ lo sợ những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi của Ukraine sẽ tàn phá cuộc sống của họ, lôi họ ra khỏi vòng tay của nước mẹ Nga.
Chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đã đe dọa rằng mọi hành động quân sự của Nga ở Crimea sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên căng thẳng, rằng chiến tranh có thể nổ ra và Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng Nga đã phớt lờ tất cả: Quân đội của họ đã có mặt ở Crimea. Hạm đội Biển Đen của họ đã đi tuần trên vùng biển thuộc lãnh hải Ukraine.
Điều gì ẩn phía sau những hành động chuyển quân ấy? Đó là một lời cảnh báo đối với chính phủ lâm thời Ukraine: Không được sử dụng vũ lực chống lại người nói tiếng Nga ở Crimea hay bất cứ đâu trên đất Ukraine, không ai được phép nghi ngờ tính hợp pháp của Hạm đội Nga tại Crimea và tất cả đều phải nhớ rằng mùa hè năm 2008, chỉ một tuần sau khi bị Gruzia khiêu khích, quân đội Nga đã đánh bại họ, sáp nhập hai vùng lãnh thổ tự trị thuộc Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia vào phần lãnh thổ rộng mênh mông do Nga kiểm soát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đặt cược rất nhiều vào cuộc chơi ở Ukraine. Những diễn biến nhanh chóng của cuộc khủng
Thời điểm hiện tại dường như không thích hợp để EU chào đón một Ukraine bất ổn, kiệt quệ và có thể mất lãnh thổ, trong khi bản thân EU cũng thiếu đoàn kết, nghèo đi vì khủng hoảng.
hoảng đã đặt ra những câu hỏi như: Liệu sự can thiệp quân sự của Nga vào Crimea có đạt được hiệu quả như Nga kì vọng? Hành động này sẽ cho thế giới thấy vai trò quan trọng của Nga trong ổn định khu vực này hay sẽ đẩy Ukraine tiến sâu hơn vào quỹ đạo của EU và NATO - điều mà Tổng thống Nga không hề mong đợi?
Nga đã hơn một lần lên tiếng cảnh báo khả năng cắt khoản cho vay trị giá 15 tỉ USD mà họ dành cho Ukraine, nhưng chưa hề đề cập đến một thứ vũ khí mạnh mẽ mà họ đang có thể "chơi" với cả châu Âu và Ukraine, đó là khí đốt. Sự xuất hiện của quân đội Nga ở Crimea không chỉ được coi là một lời đe dọa về nguy cơ Ukraine mất đứt bán đảo này vào tay Nga, mà còn là một lời cảnh báo rõ ràng rằng Nga có nhiều "đồ chơi" để đem ra thi thố với phương Tây.
Theo ông Toscano, những người Ukraine - đặc biệt là giới trẻ, những người đã thực hiện cuộc cách mạng ở quảng trường Độc lập và tìm cách đẩy Ukraine xích lại với phương Tây - trên thực tế là những người quá ảo tưởng. Điều mà phương Tây cần phải làm là không tạo ra thêm nhiều ảo tưởng nữa cho Ukraine. Trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine đã rơi vào tình trạng kiệt quệ như hiện tại, hội nhập Liên minh châu Âu (EU) không thể diễn ra vào ngày mai, ngày kia, thậm chí là năm sau mà còn rất lâu nữa. Ukraine đã đề nghị phương Tây cấp cho họ ít nhất 35 tỉ USD trong vòng hai năm, khoản tiền mà không phải ai và tổ chức tiền tệ quốc tế nào cũng sẵn sàng, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới đang khủng hoảng nghiêm trọng. Vốn đang đối mặt nhiều vấn đề lớn, từ khủng hoảng kinh tế đến trào lưu chống châu Âu đang lan rộng, EU cũng không dễ tìm ra một khoản tài chính nào để sẵn sàng cung cấp cho một quốc gia nổi tiếng là tham nhũng và từng khiến phương Tây thất vọng sau thất bại của cuộc Cách mạng Cam cách đây 10 năm.
Về phần mình, Ukraine cũng không thể tự thoát khỏi các mối ràng buộc với Nga về mặt tài chính, thương mại và đặc biệt là nguồn cung cấp khí đốt. Khi nhắc đến khả năng can thiệp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cứu trợ Ukraine, cũng không thể loại trừ việc tổ chức này đưa ra các điều kiện buộc Ukraine phải gạt bỏ các ảnh hưởng của "chính trị năng lượng" mà Nga đã áp đặt lên họ.
Điều đó có nghĩa, Ukraine đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc lái con tàu của họ về phía châu Âu với rất nhiều ảo tưởng.
Theo TTK
Baotintuc.vn
Crimea trưng cầu dân ý: Kịch bản đáng sợ của "Cuộc chiến tranh 5 ngày" Ngày 27-2, "Đoàn Chủ tịch Nghị viện Crimea" đã gửi thông điệp với nội dung trưng cầu dân ý toàn vùng về vấn đề hoàn thiện quy chế tự trị và mở rộng quyền hạn của địa phương. Trưng cầu dân ý có thể là ngòi nổ xung đột Ngày 26-2, tại thủ phủ Simferopol - Crimea, đã xảy ra đụng độ giữa...