Mỹ tuyên bố quốc tế sẽ không công nhận Taliban tiếp quản Afghanistan
Ngày 28/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng cảnh báo Afghanistan sẽ trở thành một quốc gia không được thừa nhận nếu phiến quân Taliban giành quyền kiểm soát đất nước Tây Nam Á này bằng vũ lực và không tôn trọng quyền của người dân.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới tại Ấn Độ, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ: “Một đất nước Afghanistan không tôn trọng quyền của người dân, một Afghanistan thực hiện hành vi tàn bạo đối với người dân của mình sẽ trở thành một quốc gia bị tẩy chay”. Ông chỉ trích những “hành vi tàn bạo” mà Taliban thực hiện trong những tuần gần đây khi phát động các cuộc tấn công trên khắp đất nước là đặc biệt nguy hiểm và gây quan ngại, không cho thấy ý định tốt đẹp của Taliban đối với đất nước.
Ngoại trưởng Blinken đồng thời khẳng định Mỹ “vẫn can dự rất nhiều vào Afghanistan” và trợ giúp chính nước này thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm cả lực lượng an ninh lẫn ngoại giao, trong nỗ lực đưa các bên xích lại gần nhau và thúc đẩy “giải quyết xung đột một cách hòa bình”.
Video đang HOT
Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, Taliban đã bày tỏ mong muốn được cộng đồng quốc tế công nhận cũng như hy vọng quốc tế ủng hộ Afghanistan. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc tiếp quản đất nước bằng vũ lực và phớt lờ quyền chính đáng của người dân “không phải là con đường để đạt được mục tiêu đó”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định chỉ có duy nhất một giải pháp là đàm phán để giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ấn định thời hạn chót vào ngày 31/8 rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Bạo lực đã gia tăng mạnh kể từ khi kế hoạch rút quân được thông báo trong tháng 4. Lực lượng Taliban đã phát động các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công.
Trang mạng Stratfor, chuyên phân tích thông tin tình báo, địa chính trị toàn cầu, nhận định việc Mỹ và các nước phương Tây nhanh chóng rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan cộng với tình hình phiến quân Taliban đã giành được thêm một số phần lãnh thổ sẽ khiến Taliban và Chính phủ Afghanistan rơi vào cuộc chiến tranh giành quyền lực có thể dẫn tới nội chiến, đồng thời đẩy tình hình an ninh tại khu vực này xuống mức tồi tệ thêm.
Hiện Giới chức Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nước láng giềng Afghanistan để hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Afghanistan. Các nước Nam và Trung Á khác cũng có các cuộc tiếp xúc để thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Taliban 'kiểm soát 90% biên giới Afghanistan'
Phát ngôn viên Taliban nói với truyền thông Nga lực lượng này kiểm soát 90% biên giới Afghanistan, sau các cuộc tấn công khi lực lượng nước ngoài rút đi.
"Biên giới của Afghanistan với Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan và Iran, tương đương khoảng 90% biên giới, nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi", Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti hôm nay.
Afghanistan hiện chưa bình luận về thông tin này.
Dân quân Afghanistan canh gác tại một tiền đồn chống phiến quân Taliban tại huyện Charkint, tỉnh Balkh hôm 15/7. Ảnh: AFP .
Chiến sự tại Afghanistan leo thang khiến tình trạng mất an ninh ngày càng tăng, sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu hoàn thành phần lớn tiến trình rút quân khỏi nước này. Ngay khi Mỹ rút quân, Taliban tổ chức các cuộc tiến công quy mô lớn, đánh chiếm nhiều huyện và cửa khẩu biên giới từ tay quân đội chính phủ Afghanistan.
Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm 21/7 thừa nhận cán cân chiến lược đang nghiêng về phía Taliban. Bất chấp việc chưa kiểm soát hoàn toàn thủ phủ tỉnh nào ở Afghanistan, Taliban đang vây ép các khu vực ngoại ô của một nửa số đó.
Chính phủ Afghanistan cáo buộc Taliban phá hủy hàng trăm tòa nhà chính quyền tại 29 trong số 34 tỉnh, song nhóm phiến quân phủ nhận điều này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden chốt thời gian kết thúc chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan vào ngày 31/8, chấm dứt cuộc chiến 20 năm được phát động sau vụ khủng bố 11/9/2000 của al-Qaeda. Phần lớn lực lượng Mỹ, trừ các binh sĩ bảo vệ đại sứ quán và sân bay ở thủ đô Kabul, đã rút khỏi Afghanistan.
Nga lo ngại chiến sự tại Afghanistan có thể đẩy người tị nạn về khu vực Trung Á và làm mất ổn định khu vực sườn phía nam nước Nga. Quân đội Nga hôm 19/7 thông báo sẽ tổ chức diễn tập chung với Tajikistan và Uzbekistan tại vị trí cách biên giới Tajikistan - Afghanistan khoảng 20 km. Một ngày sau, Nga công bố kế hoạch diễn tập chung với Uzbekistan gần biên giới giáp Afghanistan từ ngày 30/7-10/8, với khoảng 1.500 quân nhân cùng 200 phương tiện cơ giới và máy bay.
Mỹ lo Taliban tràn ngập Afghanistan Quan chức Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tốc độ tiến quân của Taliban, kêu gọi quân đội Afghanistan tăng cường đối phó. "Chúng tôi lo ngại sâu sắc khi theo dõi tình hình an ninh xấu đi nhanh chóng và bạo lực quá cao, cũng như đà tiến quân mà Taliban đang có hiện nay", phát ngôn viên...