Mỹ – Trung sát ngưỡng Chiến tranh Lạnh
Hàng loạt căng thẳng nảy sinh liên tiếp đang khiến quan hệ Mỹ – Trung rơi xuống mức thấp chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.
Chỉ trong vài tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt trừng phạt với Trung Quốc vì những chính sách liên quan đến Hong Kong và Tân Cương. Mỹ thực hiện các biện pháp mới để bóp nghẹt tham vọng đổi mới của Trung Quốc bằng cách ngăn chặn họ tiếp cận công nghệ Mỹ và thúc giục đồng minh làm theo.
Hôm 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên website tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo bác hầu hết yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, mở đường cho những đối đầu gay gắt hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi năm ngoái. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Trump ngày 14/7 thông báo đã ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hong Kong và thông qua đạo luật cho phép trừng phạt các ngân hàng tại đặc khu nhằm đáp trả việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong.
“Khoảng cách về sức mạnh đang thu hẹp lại, nhưng khoảng cách về ý thức hệ lại ngày càng nới rộng”, Rush Doshi, giám đốc chương trình Sáng kiến Chiến lược Trung Quốc tại Viện Brookings ở Washington, nhận định và thêm rằng Mỹ và Trung Quốc đang bước vào thời kỳ “lao dốc về ý thức hệ”.
“Đâu sẽ là đáy?”, ông đặt câu hỏi.
Suốt những năm qua, các quan chức và nhà sử học ở cả hai bên đều bác bỏ ý tưởng về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang hình thanh giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi bối cảnh hiện nay không thể so sánh với hàng thập kỷ Mỹ và Liên Xô đối đầu tranh giành quyền lực trong quá khứ. Thế giới ngày nay được cho là liên kết chặt chẽ đến mức khó có thể bị phân chia thành các khối ý thức hệ.
Tuy nhiên, các lằn ranh đang được vẽ ra và những mối quan hệ đang rơi tự do, đặt nền tảng cho một cuộc đối đầu nguy hiểm với rất nhiều đặc điểm của Chiến tranh Lạnh. Khi hai siêu cường cạnh tranh về công nghệ, lãnh thổ và quyền lực, họ sẽ đối mặt với nguy cơ những tranh chấp nhỏ leo thang thành xung đột quân sự, chuyên gia nhận định.
Ngờ vực và thù địch đang bao trùm lên mối quan hệ Mỹ – Trung, khi lợi ích của họ va chạm ở hàng loạt lĩnh vực và vấn đề như không gian mạng, hàng không vũ trụ, eo biển Đài Loan, Biển Đông hay thậm chí cả Vịnh Ba Tư.
Covid-19, cùng với những hành động quyết liệt gần đây của Trung Quốc với các nước láng giềng, đã biến các khe nứt đang có thành vực thẳm khó có thể vượt qua, bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 ra sao.
Những tháng qua, Trump không ít lần đổ lỗi cho Trung Quốc giữa lúc tình hình dịch bệnh tại Mỹ diễn biến nghiêm trọng, cho rằng Bắc Kinh phải “chịu trách nhiệm” vì sự bùng phát dữ dội của đại dịch.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ là bên khiến mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, như lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hồi tuần trước.
Video đang HOT
“Chính sách Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc dựa trên những tính toán chiến lược sai lầm và thiếu hiểu biết, mang tính cảm xúc và thất thường, mang hơi hướm chủ nghĩa McCathy”, Ngoại trưởng Vương tuyên bố, đề cập đến Joseph McCathy, quan chức diều hâu Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Dường như họ nghĩ mọi khoản đầu tư của Trung Quốc đều có động cơ chính trị, mọi sinh viên, học sinh Trung Quốc đều là gián điệp và mọi sáng kiến hợp tác đều là một chương trình nghị sự ẩn chứa âm mưu”, ông cho biết thêm.
“Hiện tại còn mối hợp tác nào nữa giữa Trung Quốc và Mỹ không ư? Tôi không nhìn thấy bất kỳ mối hợp tác đáng kể nào”, Zheng Yongnian, giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá.
Cả hai bên đều đang thúc ép những quốc gia khác phải chọn phe dù nhiều nước từ chối làm điều này. Chính quyền Trump đã thuyết phục các đồng minh cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Australia và mới nhất là Anh đã đứng về phía Mỹ. Trung Quốc, đối mặt với những chỉ trích về chính sách ở Tân Cương và Hong Kong, đã thuyết phục hàng loạt nước công khai ủng hộ họ.
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, 53 quốc gia, từ Belarus đến Zimbabwe, đã ký một tuyên bố ủng hộ luật an ninh mới của Trung Quốc ở Hong Kong. Chỉ 27 nước chỉ trích luật này, chủ yếu là các quốc gia châu Âu, bên cạnh Nhật Bản, Australia và New Zealand. Việc hình thành các khối đối lập như vậy là một trong các đặc điểm nổi bật của Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh kinh tế to lớn của mình như một công cụ gây sức ép chính trị, chặn nhập khẩu thịt bò và lúa mạch từ Australia vì Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Hôm 14/7, Bắc Kinh nói sẽ trừng phạt nhà sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ Lockheed Martin về hợp đồng vũ khí mới đây với Đài Loan.
Giữa lúc thế giới bị phân tâm vì đại dịch, Trung Quốc lại quyết liệt thị uy bằng sức mạnh quân sự như cách họ thử sức nóng trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5, dẫn tới cuộc đụng độ chết người đầu tiên giữa hai nước ở khu vực Ladakh thuộc vùng Kashmir kể từ năm 1975 đến nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông là “đe dọa tới ổn định và hòa bình tại khu vực”, nhấn mạnh Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn.
Nhưng các láng giềng không nghĩ vậy. Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc đang tìm cách “thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông”. Họ gọi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng hơn cả vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Stanford, cho rằng những động thái gần đây của Trung Quốc có vẻ “quá mức và đi quá xa”.
Theo giới quan sát, những phản ứng chống lại Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng. Căng thẳng đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ, nhất là những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo hay vi mạch.
Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng điện thoại của Trung Quốc, trong đó có TikTok. Tuần trước, TikTok cũng bị đóng ở Hong Kong vì luật an ninh quốc gia mới. Những ông lớn công nghệ như Facebook, Google và Twitter cho biết họ sẽ ngừng xem xét các yêu cầu cung cấp dữ liệu từ chính quyền đặc khu Hong Kong trong lúc đánh giá những giới hạn của luật an ninh mới do Trung Quốc ban hành.
“Trung Quốc là nước lớn. Họ sẽ thành công. Họ sẽ phát triển được công nghệ của riêng mình nhưng họ vẫn sẽ có những giới hạn nhất định”, James A. Lewis, cựu quan chức Mỹ chuyên viết các bài về an ninh mạng và gián điệp cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở ở Washington, bình luận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi Mỹ lùi lại và tìm kiếm những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau. Dù vậy, tâm lý bi quan về mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn lan rộng.
“Mối quan hệ Mỹ – Trung đang trải qua giai đoạn nghiêm trọng nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, Zhao Kejin, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, đánh giá. “Quan hệ Mỹ – Trung sẽ không bước vào một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh mới’ mà thực tế đang trượt vào ‘cuộc chiến quyền lực mềm’”
Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, chiến tranh lạnh 2.0 bùng nổ?
Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã bắt đầu, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ như trước đây.
Khi Trung Quốc diễn tập đổ bộ tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tháng này, hải quân Mỹ lập tức điều hai nhóm tàu sân bay tấn công đến khu vực để tập trận, nhằm "ủng hộ một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Hiện vẫn chưa rõ các tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần nhau đến mức nào. Song, đó là một trong những minh họa đáng chú ý nhất gần đây về cách mối quan hệ song phương đang chuyển biến thành Chiến tranh Lạnh 2.0 như một số chuyên gia cảnh báo trước đây.
Diễn biến tiêu cực
Một bước ngoặt khác xảy đến hôm 14/7. Đầu tiên, Chính phủ Anh đảo ngược một quyết định trước đây và tuyên bố rằng, các thiết bị do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei sản xuất sẽ bị cấm sử dụng trong các mạng 5G của xứ sở sương mù. Đây là một đòn giáng mạnh vào một trong những công ty hàng đầu đại lục.
Theo giới quan sát, quyết định "cấm cửa" Huawei của Anh một phần bắt nguồn từ các lệnh cấm vận công bố hồi tháng 6 của Washington nhằm vào công ty này, dẫn tới việc giới hạn khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ. Với hành động mạnh tay của Mỹ, các chuyên gia dự báo Huawei có thể không còn khả năng tiếp tục là nhà cung cấp giải pháp, trang thiết bị 5G trọng yếu trên thế giới.
Paul Scharre, chuyên gia về quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ cho biết thêm, quyết định của Anh được đưa ra sau khi Bắc Kinh thông báo xé bỏ các thỏa thuận với London liên quan đến tranh cãi về Hong Kong; vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực tranh chấp biên giới khiến hàng chục lính Ấn Độ thiệt mạng và sau khi Bắc Kinh tìm cách thúc ép các nước khác sử dụng sản phẩm Huawei.
Cũng trong ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua luật và phê chuẩn một sắc lệnh trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia mới có hiệu lực tại đặc khu.
Tiếp đó, hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành một trong các hoạt động "tự do hàng hải" định kỳ gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam: Cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường vào vùng biển Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có chủ quyền. Đây là sứ mệnh đầu tiên như vậy kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố, các yêu sách của Bắc Kinh với hầu khắp Biển Đông "hoàn toàn bất hợp pháp", cáo buộc Trung Quốc đang thực thi "chiến dịch bắt nạt".
Trước đó, Trung Quốc đã công bố lệnh trừng phạt một số quan chức và nghị sĩ Mỹ nhằm trả đũa động thái tương tự trước đó của Washington.
Tuần trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ, gọi gián điệp Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất đối với thông tin, quyền sở hữu trí tuệ cũng như sức sống kinh tế của Mỹ".
Tất cả diễn ra sau một cuộc khẩu chiến kéo dài hàng nhiều tháng về virus corona chủng mới, trong đó Mỹ và Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc Covid-19 cũng như cách ứng phó với dịch bệnh.
Leo thang đối đầu
Theo NBC, suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nhìn chung cho rằng, nếu phương Tây giao thương và gắn kết với Trung Quốc, đại lục sẽ dần dần cải cách và hạn chế các hành vi bị tố đi ngược lại luật pháp quốc tế, từ các yêu sách hàng hải thái quá đến bảo hộ thương mại và vấn nạn ăn cắp tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, quan điểm đó đã thay đổi khi Trung Quốc những năm gần đây thực thi các chính sách ngày càng quyết đoán hơn.
Hiện nay, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, cả Tổng thống Trump và đối thủ Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nỗ lực quảng bá xem ai cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trong Quốc hội Mỹ, Bắc Kinh hiện cũng không có mấy đồng minh, dù đó là các chính khách Dân chủ hay Cộng hòa.
Dmitri Alperovitch, Chủ tịch Viện nghiên cứu Thúc đẩy chính sách Silverado, một trong những chuyên gia an ninh mạng đầu tiên công khai tố cáo các chiến dịch tấn công của tin tặc Trung Quốc, lưu ý trong chính trường chia rẽ đảng phái sâu sắc như ở Mỹ, các đảng đối lập vẫn thống nhất quan điểm rằng "Trung Quốc không phải là bạn".
Cách đánh giá như trên có thể tồn tại ở cả hai phía. Trong phát biểu trước một viện chính sách ở Bắc Kinh hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, quan hệ Bắc Kinh - Washington đang "đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao". Theo ông, chính sách Trung Quốc của Mỹ "dựa trên tính toán chiến lược sai lầm, thiếu hiểu biết và đầy rẫy những cảm xúc, ý thích bất chợt cũng như sự cố chấp".
James Lewis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đến Trung Quốc với tư cách chuyên gia an ninh mạng và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận thấy tình hình ngày càng tồi tệ. Ông Lewis và các chuyên gia khác tin rằng, xung đột giữa hai cường quốc hiện nay không giống với Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây do Mỹ dẫn đầu và phương Đông do Liên Xô lãnh đạo, với các hệ thống kinh tế - chính trị cạnh tranh độc lập và tách biệt.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc giao kết sâu rộng với nền kinh tế Mỹ và Tây Âu thông qua thương mại và đầu tư. Các khách du lịch Trung Quốc tỏa đi khắp thế giới và hàng trăm ngàn sinh viên đại lục đang du học tại các trường đại học ở Mỹ và châu Âu mỗi năm.
Tuy nhiên, sau hai thập kỷ cố gắng nhẹ nhàng thuyết phục Trung Quốc tuân theo các quy tắc mà những quốc gia phát triển đặt ra sau Thế chiến hai, các nhà hoạch định chính sách Mỹ rốt cuộc kết luận rằng, cách này không hiệu quả.
Phiên bản Chiến tranh Lạnh mới
Giới phân tích nhận định, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục các biện pháp nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì những gì phương Tây coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ không ngừng chế tạo tên lửa và các hệ thống khác để đối phó với sức mạnh Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mỹ tất nhiên sẽ theo đuổi công nghệ chống lại những vũ khí này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng được tin có thể chọc giận Mỹ bằng cách không thực thi cấm vận Triều Tiên.
Trước thực trạng thiếu hụt thiết bị y tế do dịch Covid-19 gây ra, các nhà lập pháp Mỹ đã suy xét lại về sự phụ thuộc quá lớn của Mỹ vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả các thành phần dược phẩm. Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đang nhất trí thúc đẩy đầu tư của Chính phủ Mỹ vào những lĩnh vực cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Hồi tháng 6, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ đã bắt tay cùng Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một trong những chính trị gia bảo thủ nhất của phe Cộng hòa, soạn thảo một dự luật ủng hộ việc sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Điều này cho thấy, mục tiêu cạnh tranh với đại lục đã giúp hai nghị sĩ "hiếm khi có điểm chung" hợp tác với nhau.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại, khi Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu, nếu một bên tính lầm, tất cả có thể biến thành một "cuộc chiến nóng". Lúc đó, không chỉ hai cường quốc bị tổn hại, mà phần còn lại của thế giới cũng có thể phải hứng chịu các hệ lụy khôn lường.
Từ chối liên minh với Mỹ, Ấn Độ không muốn "đặt hết trứng vào 1 giỏ"? Mặc dù có cùng mục tiêu đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong và ngoài khu vực nhưng vì sao Ấn Độ vẫn ngần ngại liên minh với Mỹ? Giữa bối cảnh mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc lao dốc sau cuộc xung đột đẫm máu ở biên giới 2 nước trên dãy Himalaya cũng như căng...