Mỹ trừng phạt Nga: Vì sao khó thành công?
Ngay cả khi nắm trong tay “con bài chiến lược” có thể dìm giá dầu xuống mức thấp khiến kinh tế Nga lao đao, Mỹ vẫn không khuất phục được Nga.
Kể từ tháng 3/2014 đến nay, Mỹ và các nước phương Tây đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Nga có liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Về cơ bản, các lệnh trừng phạt đối với Nga chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng, công nghiệp quốc phòng và tài chính, ba trụ cột chính của nền kinh tế Nga với ba mục đích: làm kiệt quệ nền kinh tế Nga, cô lập Nga trên trường thế giới và trong trường hợp có thể là thay đổi chế độ tại nước Nga.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ mới chỉ đạt được mục tiêu đầu tiên và cũng chưa ai dám khẳng định “thắng lợi nhỏ” này có thể kéo dài bởi những hệ lụy của nó đến Mỹ và châu Âu là hết sức khó lường.
Mỹ có thực sự thắng trên mặt trận kinh tế?
Với việc giá dầu thô thế giới đang giao động xung quanh mốc 50USD/thùng và việc đồng ruble chỉ duy trì ở mức 62 ruble/1 USD, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, có thể thấy, kinh tế Nga đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn.
Đồng ruble của Nga đang ở mức thấp kỷ lục (Ảnh BBC)
Điều này là bởi, nền kinh tế Nga vốn rất “mong manh” trước biến động của giá dầu mỏ gần như sẽ không thể tìm được đầu ra cho số lượng dầu mỏ và khí đốt mà nước này sản xuất. Thế mạnh một thời khiến châu Âu phải “chùn tay” khi nghĩ đến việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga do lo ngại phải trải qua “mùa Đông băng giá” khi không nhận được khí đốt từ Nga nay lại trở thành một gánh nặng đối với Nga.
Hơn thế nữa, việc giá dầu giảm khiến dự án hợp tác dầu khí chiến lược giữa trị giá 400 tỷ USD Nga và Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho cả hai khi Nga tiếp cận được thị trường mới đang “rất khát năng lượng” và Trung Quốc lại được mua khí đốt với giá rẻ, gần như bị phá sản bởi Nga phải chấp nhận “lỗ lớn” trong khi Trung Quốc cũng không nhận được “giá hời”.
Hơn thế nữa, việc giá dầu mỏ giảm khiến Nga không còn duy trì được sức ép với các nước phương Tây như trước nữa và vì vậy, các nước phương Tây sẽ không ngần ngại gì trong việc gây thêm những tổn hại đến nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, khi Nga bắt đầu “ngấm đòn” và đang phải xoay xở mọi cách để từng bước vực dậy nền kinh tế của mình thì chính châu Âu và Mỹ lại bắt đầu phải lo lắng.
Công nghệ khai thác dầu từ đá phiến có thể giúp giảm mạnh giá dầu về ngưỡng 50 USD/thùng nhưng ngưỡng này không thể duy trì quá lâu bởi giá vốn để sản xuất được một thùng dầu bằng công nghệ này là 65 USD.
Như vậy, Mỹ đang phải “bù lỗ” cho mỗi thùng dầu là 15 USD và với việc OPEC cũng đang duy trì sản lượng để “giữ giá” và các nước như Trung Quốc đang tranh thủ “hút dầu” để thỏa mãn “cơn khát” của mình khi giá rẻ, khó có thể nói trước được rằng kinh tế Mỹ sẽ “chịu nhiệt” được trong bao lâu và khi giá dầu tăng trở lại, Mỹ sẽ thiệt hại nghiêm trọng như thế nào?
Cô lập Nga hay giúp Nga có thêm đồng minh mới?
Với việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và lôi kéo các nước Đông Âu gia nhập NATO để mở rộng biên giới của khối này đến tận “cửa ngõ” của Nga, Mỹ và phương Tây kỳ vọng Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn trong “không gian hậu Xô Viết”.
Ngoài ra, Mỹ và phương Tây cũng cho rằng, với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của mình, sẽ rất ít nước “dám” công khai hợp tác với Nga nếu không muốn gánh chịu những “đòn trừng phạt” tương tự như Nga.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chưa kịp “xiết chặt” khiến Nga “không thể vùng vẫy được” đã bị Nga hóa giải bằng chính sự năng động của mình.
Lãnh đạo Nga-Trung dự lễ ký kết dự án cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD giữa hai nước (Ảnh Reuters)
Đúng như Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chỉ khiến Nga ngày càng trở nên năng động hơn và các doanh nghiệp của Nga càng biết cách thích nghi với hoàn cảnh khó khăn hơn.
Video đang HOT
Không chỉ chủ động hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khí đốt, Nga còn đẩy mạnh việc bán các loại vũ khí hiện đại cho Trung Quốc nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước cũng như nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Nga cũng nhanh chóng thiết lập liên minh kinh tế Á-Âu với sự tham gia của Nga, Belarus và Kazakhstan. Liên minh này sẽ tiếp nhận thêm Kyrgyzstan vào tháng 5 tới và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm.
Không chỉ tìm đến các đối tác thân cận và những đối tác mới, Nga còn chủ động “gây sốc” khi đề nghị EU nên từ bỏ việc theo đuổi Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ và quay sang tham gia Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga khởi xướng.
Lãnh đạo Nga, Belarus và Kazakhstan thể hiện sự đoàn kết trong liên minh kinh tế Á- Âu (Ảnh BBC)
Dù đây chỉ là tuyên bố mang tính chất đáp trả việc Mỹ và châu Âu liên tục lôi kéo các nước Đông Âu về phía mình, khó có thể phủ nhận rằng chính Mỹ và châu Âu cũng đang phải tự xem xét lại mình.
Tổng thống Putin và Obama, ai đang lung lay hơn?
Dù đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi kinh tế trong nước suy giảm, sức ép từ Mỹ và phương Tây dù đang lỏng dần nhưng vẫn không hề nhỏ, Tổng thống Nga Putin lại chưa một lần dao động.
Liên tiếp trong các phát biểu của mình khi Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt kể từ tháng 3/2014 khi Nga sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Putin luôn khẳng định, các lệnh trừng phạt trên sẽ không khiến Nga phải lo ngại và thậm chí nó còn có thể gây phản tác dụng.
Gần đây nhất, trong thông điệp liên bang ngày 4/12 và trong cuộc họp báo lớn thường niên ngày 19/12, ông Putin cũng bày tỏ thái độ lạc quan khi nhấn mạnh Mỹ và châu Âu “không thể bẻ nanh Gấu Nga” và “kinh tế Nga sẽ phục hồi trong 2 năm tới”.
Tổng thống Nga Putin thể hiện sự lạc quan vào sự phục hồi của nền kinh tế Nga (Ảnh Sputnik News)
Chính bản lĩnh và sự bình tình trong lúc nước sôi lửa bòng và thái độ dám đứng mũi chịu sào của ông Putin đã “tiếp lửa” cho người dân Nga và tạo một niềm tin sắt đá vào chính phủ của Tổng thống Nga Putin mà con số 80% người dân Nga ủng hộ ông là minh chứng rõ rệt nhất.
Trong khi đó, ông Obama chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 40% người dân Mỹ và con số này đang giảm dần khi ông đang ở trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ thứ 2 của mình.
Lý do là bởi, Tổng thống Obama đã thể hiện “bộ mặt yếu ớt” khi chưa thể giải quyết được một loạt các vấn đề then chốt trên thế giới như tình hình khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống IS và ngay cả trong việc thuyết phục thuyết phục châu Âu tiếp tục gây sức ép với Nga.
Nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ như Pháp và Đức cũng đang lên tiếng yêu cầu Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Nga bởi hai nước này đang phải “gồng mình lên quá nhiều” khi làm việc này.
Trong khi Pháp ở vào thế “mất mặt” khi không chịu bàn giao tàu Mistral cho Nga theo đúng hợp đồng thì Đức cũng đang phải lao đao tìm nguồn cung khí đốt lâu dài cho mình bởi nền kinh tế Đức từ lâu đã quá phụ thuộc vào nguồn cung từ phía Nga. Chính vì vậy, thay vì khiến Nga bị cô lập thì chính mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu cũng đã “sứt mẻ” ít nhiều.
Tình hình trong nước cũng không mấy khả quan hơn khi ông Obama không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa người da màu và người da trắng vốn vẫn âm ỉ trong lòng nước Mỹ đã bùng lên sau các vụ cảnh sát da trắng giết hại người da màu mà không bị xét xử.
Ngoài ra, việc mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay Đảng Cộng hòa kể từ năm 2015 cũng khiến ông Obama sẽ phải “lao tâm khổ tứ” hơn rất nhiều khi phải đối đầu với lưỡng viện Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa nắm. Dù đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết của mình, nhưng rõ ràng vị thế của ông Obama và Đảng Dân chủ đang yếu đi trông thấy.
Tổng thống Mỹ Obama đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước và quốc tế (Ảnh AP)
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Obama có tuyên bố ông Putin không hơn gì mình và Tổng thống Nga đang phải vật lộn giải quyết nền kinh tế trì trệ trong nước.
Tuy nhiên, việc luôn phải “so kè” với đối thủ như vậy đã cho thấy ông Putin đang là “nỗi ám ảnh khó nuốt trôi” của ông Obama và cũng là một cách gián tiếp thừa nhận vị thế yếu hơn của Tổng thống Mỹ bởi việc nhắc quá nhiều đến đối thủ chính là sự khẳng định sự thiếu tự tin của mình./.
Trần Khánh
Theo VOV
Tổng thống Putin bị... "bắt bài"
Ba "chiêu" của Tổng thống Nga Putin là thái độ cứng rắn, tài nguyên dầu khí và chủ nghĩa dân tộc đang bị đánh giá thấp.
Kể từ khi lên lãnh đạo nước Nga vào năm 2000 đến nay, Tổng thống Putin đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Các tạp chí uy tín hàng đầu liên tục bầu chọn ông là nhân vật của năm, trong khi tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước không ngừng gia tăng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Chưa vội đề cập tới tài năng, bản lĩnh và phẩm chất lãnh đạo của Putin, hiện giới phân tích đang đặt ra những câu hỏi đằng sau sự "thăng tiến" vượt bậc của ông trong những năm qua. Theo đó, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng ngoài yếu tố may mắn, Putin đã biết sử dụng nghệ thuật của một nhà lãnh đạo phù hợp với điều kiện của nước Nga, trong đó nổi bật là việc thể hiện thái độ cứng rắn, tài nguyên dầu khí và chủ nghĩa dân tộc.
Trở thành "anh hùng"
Ngày 18/3/2014, Crimea được sáp nhập vào Nga. Ngày 20/3/2014, số liệu thăm dò dư luận của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Putin đã tăng thêm 15,1%, đạt 75,7%, cao nhất trong 5 năm qua.
Trên 60% số người được hỏi cho rằng hành động đáng được công nhận nhất trong thời gian gần đây của Putin là biện pháp xử lý đối với vấn đề Ukraine. Trong mắt của rất nhiều người Nga, Putin không chỉ là nhà lãnh đạo cứng rắn, mà còn là anh hùng dân tộc. Người ta bắt đầu mơ về thời hoàng kim của nước Nga.
Những binh sĩ được cho là đặc nhiệm Nga tại Crimea
Sau khi tiếp nhận Crimea, Tổng thống Putin đã chứng minh sự khác nhau về thực lực kinh tế giữa Nga và Ukraine bằng cách tăng tiền lương hưu của khu vực Crimea lên gấp hai lần.
Kể từ khi lên cầm quyền năm 2000 đến nay, được lợi từ giá dầu tăng cao, đến năm 2008, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm của kinh tế Nga đạt 7%, trở thành một trong 5 nước BRICS nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.
Dự trữ ngoại hối của Nga không ngừng tăng lên, năm 2006 đã vượt lên đứng thứ 3 thế giới. Tính đến ngày 1/1/2014, tổng mức dự trữ ngoại hối của Nga là 509,595 tỷ USD, tuy có phần giảm bớt so với năm 2013, nhưng so với mức thấp nhất là 10,7 tỷ USD của năm 1999, quả thực đã sung túc hơn rất nhiều.
Già néo đứt dây
Theo giới phân tích Tổng thống Nga một mặt cứng rắn đối với Mỹ và châu Âu, xây dựng mình thành nhà lãnh đạo đối kháng với phương Tây, một mặt lợi dụng lợi nhuận từ tài nguyên dầu khí để nâng cao phúc lợi xã hội, giành lấy sự ủng hộ của dân chúng, xây dựng hình tượng nhà bảo vệ dân tộc Nga.
Thế nhưng, những khó khăn của kinh tế Nga hiện nay đang làm bộc lộ những điểm yếu từ chính các "chiêu" mà Putin sử dụng.
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga tăng tần suất "tuần tra"
Thứ nhất, thái độ cứng rắng đối với phương Tây không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả. Trên cơ sở kinh tế đang phục hồi, Putin ngày càng cứng rắn đối với phương Tây, điều này đã có phần được thể hiện nhiều năm trước, rõ ràng nhất là cuộc xung đột với Gruzia.
Tháng 8/2008, nhân dịp diễn ra thế vận hội Bắc Kinh, Gruzia bất ngờ phát động tấn công nhằm vào Nam Ossetia, không ngờ bị Nga nhanh chóng phát động phản công. Quân đội Gruzia tổn thất nặng nề. Nga được đánh giá là giành chiến thắng hoàn toàn, tỷ lệ ủng hộ quốc tế của Putin tăng lên.
Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, biểu hiện của Nga rất giống trong xung đột với Gruzia. Moskva một mặt tỏ ra cứng rắn, một mặt phản ứng nhanh chóng, đặc biệt là hành động bất ngờ sáp nhập Crimea.
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, giới phân tích đã chỉ ra điểm yếu chết người của nước Nga và Putin. Nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ Thomas L.Friedman cho rằng không cần phải dùng vũ lực để đối kháng với Nga. Chỉ cần bị trừng phạt kinh tế, Nga chắc chắn sẽ không thể trụ nổi.
Dù có những hoài nghi ban đầu về hiệu quả thực sự của các đòn trừng phạt này, song tình hình hiện nay cho thấy chúng đang phát huy tác dụng và khiến cho Nga khốn đốn.
Hết thời dầu khí?
Những dự đoán về khó khăn của Nga được đưa ra trên cơ sở phân tích triển vọng năng lượng. Theo đó, việc sử dụng năng lượng hóa thạch sẽ ngày càng bị hạn chế. Thay vào đó là cuộc cách mạng năng lượng mới, cách mạng dầu khí đá phiến. Sự tiến bộ của công nghệ sản xuất, giá cả của năng lượng tái sinh sẽ không ngừng giảm xuống, xu thế năng lượng tái sinh sạch hơn, hiệu quả cao hơn thay thế dầu mỏ đã rất rõ ràng.
Có nhiều lý do khác nhau, song giới phân tích có chung nhận định rằng đợt lao dốc của giá dầu lần này một phần là do các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia muốn cạnh tranh giá dầu đá phiến của các doanh nghiệp Mỹ. Thông qua việc đánh tụt giá dầu sẽ gây khó khăn, dẫn đến việc đánh bật họ ra khỏi thị trường năng lượng.
Giá dầu giảm đang "phủ bóng đen" lên kinh tế Nga
Giá dầu nhiều khả năng sẽ không thể duy trì ở mức thấp như hiện nay trong thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ cần có vậy, Nga đã bộc lộ điểm yếu nội tại của mình. Xuất khẩu của Nga có khoảng 70% là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, và chiếm tới 50% toàn bộ thu nhập tài chính của Nga. Việc đặt hiện tại và tương lai của Nga vào nhiên liệu hóa thạch được coi là sự thách thức của Putin đối với cuộc cách mạng năng lượng.
Trò chơi mạo hiểm
Ngày 18/12/2014, kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Hãng thông tấn Associated Press (AP) và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề dư luận NORC cùng công bố cho thấy khoảng 80% người Nga vẫn ủng hộ Putin.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, Tổng thống Putin vẫn khẳng định ngân sách của Bộ Quốc phòng Nga sẽ tăng vào năm 2015, đạt 50 tỷ USD. Do tài chính Nga dựa vào thu nhập dầu mỏ, và giá dầu lại đang giảm thấp, Chính phủ Nga rất có thể sẽ phải giảm bớt chi tiêu dành cho phúc lợi xã hội như giáo dục, nhà ở, y tế... Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng đối với tương lai và sự tín nhiệm của dân chúng đối với Putin.
Có ý kiến cho rằng bài đối phó với khó khăn kinh tế của Putin là khơi dậy chủ nghĩa dân tộc Nga theo mô hình thời đại Sa Hoàng. Khi đó, người dân Nga sẽ chuyển sự chú ý từ tình hình kinh tế không ngừng xấu đi sang những mục tiêu cao hơn.
Tuy vậy, đây có thể sẽ là trò chơi nguy hiểm bởi khi người dân qua cơn phấn khích, họ sẽ trở lại với những vấn đề sát sườn "cơm ăn áo mặc". Hậu quả khi đó sẽ ra sao nếu tình hình không được cải thiện.
Đời sống của người dân Nga không khỏi ảnh hưởng khi kinh tế suy yếu
Trong năm qua, giá dầu giảm gần 50%, đồng ruble cũng sụt giảm 50%. Bị phương Tây bồi thêm bằng các đòn trừng phạt, lượng lớn nguồn vốn của Nga chảy ra nước ngoài.
Theo đánh giá của Ngân hàng trung ương Nga, lượng vốn chảy ra nước ngoài của Nga trong năm 2014 có thể lên đến 134 tỷ USD, còn số liệu do Ngân hàng thế giới đưa ra là 150 tỷ USD.
Do lượng lớn nguồn vốn chảy ra nước ngoài, khiến cho nhu cầu đầu tư và tiêu thụ của Nga giảm xuống, nên Ngân hàng trung ương Nga dự báo tỷ lệ tăng trưởng GDP của Nga trong năm 2014 chỉ đạt 0,6 %. Số liệu này trong năm 2013 vẫn là 1,6%. Và nếu giá dầu vẫn thấp như hiện nay, một số tổ chức quốc tế dự đoán GDP của Nga trong 2015 có thể sẽ giảm thêm 5%.
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp của Nga là 502 tỷ USD, tương đương 1/4 GDP, trong đó khoảng 130 tỷ USD nợ nước ngoài phải trả vào năm 2015. Nếu buộc phải cứu trợ những doanh nghiệp này, thì Nga sẽ dùng hết lượng dự trữ ngoại hối, khó có thể đối phó được với những rủi ro trong tương lai. Nhưng nếu không cứu trợ những doanh nghiệp này, thì việc các doanh nghiệp không thể trả nợ theo đúng kỳ hạn là điều không thể tránh khỏi, một số doanh nghiệp có thể bị phá sản.
Nước Nga đang gặp khó khăn, và Putin cũng vậy. Phải chăng phương Tây đang "ra tay quá mức" như lời của chính Tổng thống Putin trong bài phát biểu nhân sự kiện tiếp nhận Crimea?
Theo NTD
Trung Quốc giúp Nga vượt khó: Bằng cách nào và để làm gì? Tại thời điểm nước Nga đối mặt với thách thức kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, Moskva đã nhận được một cam kết quan trọng từ Bắc Kinh. Phát biểu ngày 22/12/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng trợ giúp Nga vượt qua những khó khăn...