Mỹ trừng phạt một số quan chức Guatemala
Ngày 26/4, Mỹ thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một thành viên của Quốc hội Guatemala và một cựu Chánh Văn phòng tổng thống nước này với cáo buộc tham nhũng.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa ông Felipe Alejos Lorenzana, nghị sĩ Quốc hội Guatemala và ông Gustavo Adolfo Alejos Cambara, Chánh văn phòng dưới thời cựu Tổng thống Alvaro Colom vào danh sách đen bị trừng phạt. Theo lệnh trừng phạt, Washington sẽ đóng tất cả các tài khoản của các cá nhân trên ở Mỹ cũng như cấm các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giao dịch với những nhân vật này. Năm ngoái, Mỹ cũng đã cấm hai cá nhân trên tới quốc gia này với cáo buộc tham nhũng.
Thông báo trên được đưa ra vài giờ trước khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei nhằm thảo luận về dòng người di cư đang gia tăng từ các nước Trung Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét thành lập một lực lượng đặc nhiệm gồm quan chức từ các Bộ Tư pháp và Ngoại giao cùng các cơ quan khác để trợ giúp các công tố viên địa phương ở Guatemala, El Salvador và Honduras chống tham nhũng.
Cuộc so găng về chiến dịch thông tin giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc
Trong buổi điều trần trước Quốc hội gần đây, các lãnh đạo quân đội Mỹ đã đưa ra đánh giá rằng Bắc Kinh và Moskva đang sử dụng chiến dịch thông tin và tuyên truyền để thu lợi thế kinh tế, tình báo và quân sự.
Một quân nhân Mỹ chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng đặc nhiệm Guatemala trong một cuộc tập trận. Ảnh: Business Insider
Đô đốc Craig Faller tại Bộ Chỉ huy miền Nam của Mỹ đã ghi nhận rủi ro và tiết lộ những bước đi để xử lý tình hình này, trong đó có vai trò của đơn vị đặc nhiệm Mỹ.
Theo Business Insider (Mỹ), những quốc gia mang tham vọng tạo được ảnh hưởng toàn cầu thường hướng tới mảng văn hóa hoặc kinh tế, hình thành mối quan hệ mà họ có lợi ích với các nước khác. Một ví dụ là Viện Goethe thường dạy tiếng Đức và văn hóa Đức cho hàng trăm, hàng nghìn người ở nhiều quốc gia. Mục đích là khiến nhiều người nước ngoài quan tâm đến Đức và từ đây nhận lợi thế về du lịch, kinh doanh, nhập khẩu lao động.
Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc cũng đang áp dụng chiến lược này nhưng qua kênh cơ sở hạ tầng hoặc kinh doanh. Một ví dụ là tại Ecuador, Trung Quốc đã xuất khẩu sang quốc gia này công nghệ "thành phố an toàn" để theo dõi hoạt động của công dân qua hàng chục nghìn camera và trí thông minh nhân tạo.
Nhưng nhiều nghị sĩ Ecuador trong tháng 3 đã đề nghị chấm dứt công nghệ thông tin của Trung Quốc được cho có mục đích chống tội phạm nhưng lại lắp đặt ở những khu vực an ninh cao như quanh đại sứ quán Mỹ.
Đối với các chiến dịch thông tin, có một đơn vị đặc nhiệm của quân đội Mỹ có khả năng chuyên biệt để xử lý. Đó là Nhóm Chiến dịch Tâm lý chuyên về tạo ảnh hưởng đến dư luận nước ngoài. Đơn vị này trực thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch đặc biệt Lục quân Mỹ.
Chiến dịch tâm lý thường tìm biện pháp truyền đạt những thông tin được chọn lựa cho dư luận nước ngoài nhằm mục đích tác động đến cảm xúc, mục tiêu và hành vi của họ. Theo đó, Nhóm Chiến dịch Tâm lý chủ chương "xúc tác" tạo cảm hứng hoặc củng cố thái độ ưu tiên lợi ích của Mỹ.
Những đơn vị khác cũng có thể đóng góp tạo ảnh hưởng đến đối tác qua hình thức gián tiếp là tập trận chung, cố vấn hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng. Những đơn vị này đặc biệt có hiệu quả trong khuyến khích tăng cường đối tác với quân đội Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tổng thống Mỹ hoãn kế hoạch tiếp nhận lượng lớn người di cư Ngày 16/4, một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trì hoãn kế hoạch tiếp nhận một lượng lớn người xin tị nạn tại Mỹ như đã cam kết, thay vào đó sẽ duy trì mức tiếp nhận tối đa là 15.000 người mỗi năm mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đặt ra. Người di cư...