Mỹ-Trung cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên trong hòa bình
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington và Bắc Kinh cùng cam kết giúp Triều Tiên từ bỏ năng lực hạt nhân bằng các biện pháp hòa bình.
Mỹ đang muốn hối thúc Trung Quốc “kiềm chế” Triều Tiên
Trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã có cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh tình hình căng thẳng đang ngày một leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Quan chức Đặc trách Chính sách Đối ngoại của Bắc Kinh Dương Khiết Trì, ông John Kerry khẳng định cả Mỹ và Trung Quốc đều cam kết giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình.
“Chúng tôi, Mỹ và Trung Quốc, đều khẳng định cam kết chung trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình”, ông Kerry phát biểu với các phóng viên trong lúc ngồi cạnh ông Dương.
Đáp lại tuyên bố này, ông Dương Khiết Trì đã khẳng định quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên là rất rõ ràng, đồng thời kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vốn đã đổ vỡ 4 năm trước.
“Trung Quốc cam kết mạnh mẽ đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi bảo lưu quan điểm vấn đề này phải được xử lý và giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại”.
Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cả hai bên đều không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về các biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu trên. Dù vậy ông Kerry khẳng định với các phóng viên rằng những cam kết được đưa ra “không hề là tuyên bố suông mà đó là chính sách thực sự”.
Vị Ngoại trưởng Mỹ cũng dự báo ông sẽ còn thực hiện “nhiều chuyến công du” tới Bắc Kinh. Ông tỏ ra rất hài lòng với kết quả các cuộc hội đàm khi miêu tả đã có một ngày “cực kỳ tích cực và có tính xây dựng…vượt cả những gì tôi dự đoán trong nhiều khía cạnh” và rằng “tôi không hề có nghi ngờ gì việc Trung Quốc rất nghiêm túc trong vấn đề phi hạt nhân hóa”.
Sau đó ông Kerry cũng khẳng định với báo giới rằng Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng này cùng với các quan chức tình báo.
Trung Quốc hiện là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và cung cấp khoảng 90% năng lượng, 80 % hàng hóa tiêu dùng và 45% lượng thực phẩm nhập khẩu của quốc gia này. Thống kê của Hội đồng quan hệ đối ngoại có trụ sở tại Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ khó lòng gây sức ép quá lớn lên Triều Tiên do lo ngại chính quyền nước này có thể sụp đổ, tạo ra làn sóng người tị nạn tràn vào Trung Quốc và sẽ dẫn tới sự tái thống nhất với Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ.
Trong ngày hôm nay ông Kerry sẽ sang Nhật, nơi các tên lửa Patriot vừa được triển khai tại Tokyo để phòng ngừa khả năng Triều Tiên phóng tên lửa.
Theo Dantri
Video đang HOT
Các 'lá chắn khủng' đang chờ hạ tên lửa Triều Tiên
Triều Tiên đang có những động thái được cho là thử tên lửa tầm trung tại bờ biển phía đông.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot
Tuy nhiên, với các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ và các quốc gia đồng minh bố trí ngay khi căng thẳng leo thang, vụ phóng tên lửa này của Bình Nhưỡng khiến nhiều người nghi ngờ về một kết quả thành công.
Lầu Năm Góc cho biết hàng rào phòng thủ có khả năng bắn hạ tên lửa ngay bên trong và bên ngoài khí quyển trái đất sẽ được sẵn sàng chỉ trong vài tuần nữa.
Không chỉ có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có hàng rào tên lửa trên lãnh thổ của họ.
Nhật Bản có hệ thống phòng thủ Patriot Tối tân còn gọi là PAC-3, các chiến hạm trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis.
Hàn Quốc có hệ thống phòng thủ PAC-2, các chiến hạm trang bị Aegis cũng đã được triển khai.
Tại Guam, Mỹ sẽ lắp đặt hệ thống đánh chặn theo khu vực trên tầm cao THAAD.
Vùng biển trong khu vực Thái Bình Dương, Mỹ bố trí các tàu khu trục có trang bị hệ thống Aegis như tàu USS John McCain và USS Decatur.
Hệ thống Aegis
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có tàu khu trục trang bị Aegis
Những lời đe dọa của Triều Tiên đã khiến cho các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc phòng thủ tên lửa. Các hàng rào như vậy được bố trí trên biển và cả trên mặt đất - chẳng hạn như các chiến hạm trang bị Aegis cùng với rađa và các thiết bị đánh chặn có khả năng xử lý các tên lửa đạn đạo tương tự như các rađa trên mặt đất và các hệ thống tên lửa như Patriot và THAAD.
Ngoài mục đích hàng đầu hiện nay là nhằm đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên, Washington rõ ràng là hy vọng về lâu dài, việc củng cố các hàng rào tên lửa này trong khu vực sẽ có thể khuyến khích Trung Quốc gây thêm sức ép với Triều Tiên.
Các hệ thống này bây giờ không hề nhằm vào Trung Quốc, nhưng có thể thấy là việc mở rộng quy mô này có thể sẽ tác động lên chiến lược phòng thủ của Bắc Kinh.
Hệ thống Aegis cho phép các chiến hạm bắn hạ các tên lửa đạn đạo của đối phương khi các tên lửa này vẫn đang trên không trung.
Các tên lửa đánh chặn được khai hỏa để nhắm trúng vào các tên lửa đối phương trước khi chúng kịp trở lại khí quyển, ngăn chặn trước khi chúng kịp gây ra bất kỳ tổn thất nào.
Hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản đều có các tàu khu trục trong khu vực trang bị Aegis.
Hệ thống đánh chặn theo khu vực tầm cao THAAD
THAAD là hệ thống có khả năng triển khai nhanh chóng, phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn ngay trong giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của hành trình tên lửa đối phương.
Hệ thống này có thể tiêu diệt tên lửa đối phương trong khoảng 200km và ở độ cao trên 150km, nhằm bảo vệ các khu vực có giá trị chiến lược cao hoặc chiến thuật chẳng hạn như sân bay hoặc trung tâm dân cư.
Cơ chế đánh chặn của THAAD
1. Đối phương phóng tên lửa
2. Rađa của THAAD phát hiện vụ phóng, chuyển tín hiệu tới trạm chỉ huy và kiểm soát
3. Trạm chỉ huy và kiểm soát chỉ dẫn về vụ phóng tên lửa đánh chặn
4. Tên lửa đánh chặn được khai hỏa và nhằm vào tên lửa đối phương
5. Tên lửa đối phương bị tiêu diệt trong chặng bay cuối
Các xe tải đóng vai trò làm bệ phóng di động có thể mang theo trên tám tên lửa đánh chặn.
Hệ thống Patriot
Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không tối tân có khả năng tiêu diệt máy bay, chiến cơ và tên lửa đạn đạo.
Đây là lớp thứ ba trong lá chắn phòng thủ và thường được dùng để ngăn chặn vũ khí đối phương trong khoảng cách gần.
Các yếu tố chính của hệ thống gồm rađa, trung tâm điều khiển và các bệ phóng trên xe tải.
Mỗi bệ phóng có bốn tên lửa - hoặc 16 tên lửa trong phiên bản "PAC-3" mới nhất.
Patriot có thể được triển khai chỉ trong vòng 1 giờ. Hàn Quốc và Nhật Bản đều có hệ thống Patriot này.
Cơ chế đánh chặn của Patriot
1. Rađa quét lên trời để tìm các mối đe dọa. Nếu như phát hiện có vật thể đang bay tới, rađa giúp xác định đó là tên lửa hay máy bay chiến đấu, hay là tên lửa hạt nhân tầm thấp, hoặc là một thiết bị bay điều khiển từ xa.
2. Tổng đài điều khiển liên lạc với các lực lượng khác, giám sát các mối đe dọa, và ưu tiên các mục tiêu, nhưng hệ thống có thể làm việc tự động.
3. Bệ phóng nhắm và bắn tên lửa được chứa trong các hộp dài. Tên lửa có thể được phóng chỉ trong chưa đầy 9 giây. Bệ phóng có thể được đặt cách xa rađa.
4. Rađa theo sát hành trình tên lửa và hướng dẫn tới mục tiêu với sự trợ giúp từ máy tính của trạm điều khiển và cảm biến của nó.
5. Tên lửa PAC-3 hủy diệt mục tiêu bằng cách đâm thẳng vào chúng.
6. Tên lửa trang bị dẫn đường (GEM )
Đầu đạn nổ khi tới gần mục tiêu, mỗi máy phóng có 4 tên lửa. Các tên lửa có thêm kíp nổ và có dẫn đường.
Theo Dantri
Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh, hối thúc Trung Quốc "kiềm" Triều Tiên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay đã tới Bắc Kinh và kêu gọi giới lãnh đạo Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình "kiềm tỏa" Triều Tiên, nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Kerry trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/4 tại Bắc Kinh. Sau khi tới Bắc Kinh vào hôm...