Mỹ tranh cãi nảy lửa về mũi tiêm tăng cường
Chính quyền Biden thông báo triển khai kế hoạch tiêm tăng cường từ ngày 20/9, nhưng vấn đề này vẫn gây tranh luận quyết liệt trong giới chuyên gia.
Giới chức Mỹ đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm liều tăng cường, trong bối cảnh có nhiều nghiên cứu chỉ ra khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian và số ca nhập viện, tử vong tăng mạnh do biến chủng Delta.
Tuy nhiên, họ còn hy vọng kế hoạch tiêm tăng cường giúp ngăn chặn cả ca bệnh nhẹ. Về lý thuyết, mũi tiêm tăng cường có thể giúp giảm khả năng lây nhiễm, dù mục tiêu này ít được giới chức đề cập tới, và đẩy nhanh khả năng phục hồi của Mỹ.
“Nó không phải lý do chính để tiêm liều tăng cường, nhưng thực sự có thể là một yếu tố tích cực”, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ kiêm cố vấn Covid-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nói.
Tiến sĩ Fauci cho biết mục tiêu chính của kế hoạch tiêm liều tăng cường là đảo ngược xu hướng gia tăng ca nhiễm đột phá, hiện tượng nhiễm nCoV dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, vấn đề nhiều chuyên gia đang tranh cãi.
Một người phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố New York, Mỹ hôm 18/8. Ảnh: Reuters .
Dữ liệu hiện tại chỉ ra rằng hầu hết ca nhiễm đột phá có triệu chứng nặng chủ yếu xảy ra ở những người trên 65 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch. Đây là hai nhóm được khuyến cáo tiêm liều vaccine thứ ba.
Tiến sĩ Larry Corey, nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seatlle, người đang giám sát các thử nghiệm vaccine Covid-19 do chính phủ Mỹ hậu thuẫn, là người đề xuất tiêm liều tăng cường để tăng kháng thể ngăn nguy cơ nhiễm virus.
“Nếu bạn không bị nhiễm, bạn sẽ không lây cho người khác và chúng tôi sẽ ngăn chặn đại dịch hiệu quả hơn. Điều này cũng mang lại những lợi ích về kinh tế”, Corey nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy tiêm liều tăng cường sẽ giúp ngăn nguy cơ nhiễm và lây truyền.
Một số nghiên cứu của chính phủ đã chỉ ra rằng khi bị nhiễm chủng Delta, người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể lây truyền virus, hầu hết cho người chưa tiêm chủng. “Nếu bạn nhìn vào dữ liệu ở Mỹ, rõ ràng khả năng của vaccine đang giảm dần trong việc ngăn nguy cơ nhiễm và các triệu chứng bệnh từ nhẹ tới trung bình”, Fauci nói.
Điều này đang được ghi nhận trong nhiều cộng đồng ở Mỹ. Trong khi 63% dân số đủ điều kiện ở Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19, biến chủng Delta đang gây ra đợt bùng phát nghiêm trọng ở nhóm chưa tiêm. Hai loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất ở Mỹ hiện nay là Pfizer và Moderna, được phát triển theo công nghệ mRNA, đều giảm hiệu quả trước chủng Delta. Số ca nhiễm cũng đang tăng ở nhóm đã tiêm chủng, một số trường hợp phải nhập viện và tử vong.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ công bố dữ liệu về mũi tiêm tăng cường trước cuộc họp của hội đồng cố vấn vaccine vào ngày 17/9. Dữ liệu dự kiến bao gồm thông báo về tác động của mũi tiêm tăng cường ở Israel, nơi chính phủ theo dõi chặt chẽ những người đã tiêm vaccine Pfizer.
Trong cuộc họp về Covid-19 hàng tuần của Nhà Trắng, tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), điều phối viên Covid-19 Nhà Trắng Jeffrey Zients và tiến sĩ Fauci bày tỏ lo ngại về việc suy giảm khả năng miễn dịch đối với các triệu chứng Covid-19 nhẹ và trung bình có thể dẫn tới giảm khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Tranh luận về tiêm liều tăng cường ở Mỹ đã trở thành chủ đề tranh cãi quyết liệt giữa những nhà virus học, nhiều người không cho rằng vaccine đang mất dần khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và nhập viện.
Một bài viết tuần này trên tạp chí Lancet của hai cựu chuyên gia vaccine FDA và các nhà khoa học cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phản bác các lập luận về tiêm liều tăng cường, nói rằng cần có thêm nhiều bằng chứng để đánh giá và hầu hết ca nhiễm hiện nay đều là nhóm chưa tiêm chủng.
Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania và là thành viên hội đồng cố vấn vaccine của FDA, cũng cho rằng tiêm liều tăng cường là không cần thiết.
“Câu hỏi được đặt ra là mục tiêu của tiêm liều tăng cường là gì? Nếu để tăng khả năng bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đây là vấn đề”, Offit nói. “Nếu mục tiêu là tăng mức độ kháng thể trung hòa nhằm giảm ca nhiễm nhẹ hoặc không triệu chứng, chúng ta cần xem xét dữ liệu đó”.
Corey cho rằng tiêu chí chứng minh vaccine có khả năng ngăn virus lây truyền là rất cao. “Hiện tại chúng ta có bằng chứng về khả năng ngăn nguy cơ lây nhiễm của vaccine không? Câu trả lời là không, nhưng có nhiều lý do để tin vào điều đó, và nó có thể mang lại nhiều lợi ích”, ông nói.
Fauci cho hay dữ liệu của Israel cho thấy kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm tăng cường, quốc gia này đã kéo giảm được hệ số R, tỷ lệ lây nhiễm của virus. Một cộng đồng có khả năng miễn dịch càng cao thì hệ số R càng thấp.
Fauci cảm thấy khó hiểu trước những lập luận của chuyên gia vaccine về tiêm liều tăng cường, trong đó họ cho rằng chỉ cần tiêm mũi thứ ba khi vaccine không còn ngăn chặn được nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
“Có điều gì huyền bí về tỷ lệ nhập viện vậy? Tôi không hiểu. Họ cho rằng chúng ta không quan tâm bất kỳ điều gì khác ngoài ngăn mọi người nhập viện sao? Chắc họ đang đùa”, Fauci nói.
Mỹ tung tiền lôi kéo dân tiêm vaccine
Hàng triệu người ở Mỹ chưa tiêm vaccine có thể sớm có lý do mới để xắn tay áo lên: họ được bỏ túi 100 USD.
Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi các bang và chính quyền địa phương nhập cuộc cùng những bang đã tặng tiền cho người tiêm vaccine. New York, thành phố lớn nhất đất nước, bắt đầu tặng 100 USD cho mỗi người tiêm vaccine vào cuối tuần trước.
Tổng thống, các quan chức y tế và lãnh đạo bang đang đặt cược rằng động cơ tài chính sẽ thúc đẩy những người do dự tiêm vaccine, khi biến thể Delta đang hoành hành tại nhiều vùng của đất nước, đặc biệt là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Số lượng mũi tiêm hàng ngày ở Mỹ đã giảm mạnh so với mức cao điểm hồi tháng 4.
Jay Vojno tiêm vaccine Johnson & Johnson tại New York ngày 30/7. Ảnh: AP .
Jay Vojno, người tiêm vaccine hôm 30/7 ở New York, nói rằng anh biết thế nào ý tưởng tặng tiền cũng sẽ được triển khai, vì vậy anh đã trì hoãn tiêm chủng cho đến khi nó thành hiện thực. "Tôi biết họ sẽ làm điều đó, vì vậy tôi cứ chờ đợi", anh giải thích.
Bradley Sharp, sinh viên sắp nhập học, tiêm vaccine cuối tuần trước tại Quảng trường Thời đại. Sharp đã trì hoãn tiêm vaccine, nhưng anh biết rằng mình phải làm vậy vì đây là yêu cầu bắt buộc của trường anh sẽ theo học. "Tôi đến đây, tiêm luôn hôm nay và nhận 100 USD vì dù sao tôi cũng sẽ phải tiêm", Sharp nói.
Các bang khác cũng đang bắt đầu chương trình tặng tiền. New Mexico đã đi tiên phong, triển khai tặng tiền mặt vào tháng 6 và cũng bắt đầu phát 100 USD cho người tiêm vaccine từ hôm 2/8. Ohio đang tặng 100 USD cho các nhân viên bang chịu tiêm chủng.
Minnesota bắt đầu tặng 100 USD từ 30/7, mặc dù một số người tiêm vaccine Johnson & Johnson tại sân bay quốc tế Minneapolis-St. Paul không biết rằng họ sẽ được tặng tiền.
Vidiya Sami, nhân viên văn phòng từ vùng ngoại ô Richfield, đến sân bay vì đây là địa điểm duy nhất cung cấp vaccine một liều Johnson & Johnson. "Đó là lý do tôi chọn nó, một lần là xong", Sami nói.
Sami đã trì hoãn tiêm vì cô lo sợ, đặc biệt là khi đọc những điều người khác viết về tác dụng phụ của vaccine. "Tôi càng khiến bản thân lo lắng hơn bằng cách tham gia các nhóm Facebook và đọc triệu chứng của mọi người sau khi tiêm", cô nói. "Nhưng càng nghiên cứu thì tôi càng nhận ra ưu điểm lớn hơn nhiều so với hạn chế".
Các ưu đãi vật chất này không phải là mới: Một số bang đã thử tặng quà theo hình thức bốc thăm trúng thưởng, tặng bia miễn phí, thẻ quà tặng và những thứ khác. Tuy nhiên, Harald Schmidt, giáo sư Đại học Pennsylvania, cho biết không rõ chúng có khiến nhiều người tiêm vaccine hơn hay không.
California đã trao cho những người tiêm vaccine tổng cộng 116,5 triệu USD bằng thẻ quà tặng và giải thưởng, đây là khoản chi khuyến khích tiêm vaccine lớn nhất nước Mỹ. Họ đã đặt mục tiêu tiêm cho 70% số người đủ điều kiện trước ngày 15/6. Tuy nhiên, tính đến 29/7, chỉ 62,5% người dân California từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Colorado, Thống đốc Jared Polis treo một loạt giải thưởng, bao gồm 5 giải thưởng trị giá một triệu USD và 25 học bổng đại học trị giá 50.000 USD. Ông nhấn mạnh rằng sáng kiến này rất quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng. Cơ quan y tế bang gửi tin nhắn đến những cư dân chưa tiêm chủng sống gần các điểm tiêm vaccine để thông báo cho họ về ưu đãi thẻ quà tặng Walmart trị giá 100 USD. Bang cho biết các điểm tiêm đã ghi nhận số lượt người đến tăng 40% kể từ khi chương trình được công bố vào ngày 21/7.
Chính quyền Biden dự đoán các biện pháp khuyến khích bằng tiền mặt sẽ phát huy hiệu quả. Nhà Trắng tuần trước nêu dẫn chứng một chuỗi cửa hàng tạp hóa đã tặng 100 USD cho người lao động tiêm vaccine và sau đó chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng tăng cao. Nhà Trắng cho biết chính quyền bang và địa phương có thể sử dụng ngân sách từ gói Kế hoạch Cứu trợ liên bang Mỹ để triển khai chương trình tặng 100 USD.
Việc phải sử dụng các biện pháp như vậy cho thấy chính quyền các bang đang gặp rất nhiều khó khăn khi kêu gọi hàng chục triệu người chần chừ tiêm chủng đi tiêm vaccine, Schmidt nói.
"Việc lo lắng về tỷ lệ tiêm vaccine thấp và cố gắng tìm phương pháp để thúc đẩy chương trình là đúng", ông nói, giải thích rằng ông hiểu động lực khiến các bang phải tặng tiền mặt. Nhưng ông cũng đặt câu hỏi tại sao người Mỹ lại cần những khoản tiền như vậy mới chịu đi tiêm chủng.
"Nếu chỉ đơn giản là tung tiền để tiêm vào cánh tay người dân, chúng ta không thực sự đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong giải quyết vấn đề lớn hơn, đó là người Mỹ đang thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế hoặc chính phủ", ông nói.
Liều vaccine COVID-19 thứ ba có cần thiết trong cuộc chiến chống biến thể Delta? Thông tin về việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ ba đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhà sản xuất Pfizer-BioNTech bất ngờ thông báo rằng, họ kế hoạch xin cấp phép cho mũi tiêm nhắc lại ở Mỹ. Điều này làm dấy lên lo ngại trong công chúng về hiệu quả của vaccine COVID-19 đối với biến thể Delta dễ lây lan....