Mỹ trải qua tháng chết chóc nhất vì Covid-19
Mỹ tháng qua ghi nhận hơn 79.000 ca tử vong vì Covid-19, trở thành tháng chết chóc nhất kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay.
Con số mới nhất đã vượt mức kỷ lục được ghi nhận hồi tháng 12/2020 hơn 1.000 ca, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Nhà chức trách các bang đang yêu cầu chính quyền liên bang tăng lượng vaccine phân phối để có thể đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Jeff Zients, điều phối viên Covid-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 26/1 nói với các thống đốc bang rằng lượng vaccine phân bổ sẽ được tăng thêm 16% bắt đầu từ tuần tới.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở thành phố New York, Mỹ, hồi tháng ba năm ngoái. Ảnh: AP.
“Sự thật phũ phàng là sẽ còn mất nhiều tháng nữa chúng ta mới có thể tiêm chủng cho hầu hết người dân Mỹ. Trong vài tháng tới, khẩu trang, chứ không phải vaccine, mới là phương pháp tốt nhất chống lại Covid-19″, Tổng thống Biden nhấn mạnh trong lúc thông báo về việc chính quyền liên bang sẽ mua và phân phối thêm vaccine từ Moderna và Pfizer.
Với các liều vaccine bổ sung này, ông chủ Nhà Trắng tự tin rằng nhà chức trách sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 300 triệu người dân, tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ, vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay.
Chán nản sau một năm căng thẳng vì đại dịch, các bang của Mỹ đang muốn nhanh chóng tiêm chủng để trở lại cuộc sống bình thường.
“Chúng ta phải đánh bại nó bởi người dân Mississippi chịu đựng đủ rồi. Chúng tôi đã chịu quá đủ việc phải chôn người thân yêu qua đời vì dịch bệnh. Chúng tôi đã chịu đựng đủ tình trạng bệnh viện quá tải. Chúng tôi đã chịu đựng đủ những cuộc thảo luận đáng sợ về phong tỏa và đóng cửa. Chúng tôi sẵn sàng hòa nhập cộng đồng một lần nữa”, Thống đốc Mississippi Tate Reeves tuyên bố.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh bang Maine cho biết ông “rất hoan nghênh” cách triển khai chiến dịch tiêm chủng của chính quyền tân Tổng thống Biden nhưng bang này hiện vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu vaccine. “Số lượng người muốn tiêm chủng đã áp đảo nguồn cung vaccine”, tiến sĩ Nirav Shah nói.
Video đang HOT
Theo Thống đốc New York Andrew Cuomo, ngay cả khi lượng vaccine phân phối được tăng thêm 16%, chúng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. “Chúng tôi về cơ bản đã hết sạch. Chúng tôi sẽ nhận một lô mới trong vài ngày nữa”, ông nói.
Góp phần làm gia tăng nỗi sợ hãi trong công chúng là sự lây lan của các biến chủng nCoV mới.
Thống đốc Kentucky Andy Beshear ngày 26/1 thông báo hai trường hợp nhiễm biến chủng nCoV xuất hiện đầu tiên ở Anh đã được phát hiện tại bang này. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn.
Một báo cáo của Anh công bố hồi tuần trước lưu ý biến chủng mới còn có tỷ lệ gây tử vong cao hơn những biến chủng khác.
Vì sao Mỹ hụt hơi trong nỗ lực tiêm vaccine Covid-19?
Thiếu phối hợp giữa chính quyền liên bang và địa phương, lúng túng trong tổ chức hậu cần là những nguyên nhân chính khiến Mỹ chưa đạt được các mục tiêu tiêm chủng.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ đẩy mạnh việc phân phối vaccine Covid-19 trên khắp nước Mỹ và chỉ trích tốc độ tiêm chủng của chính quyền tiền nhiệm. "Đó là một thất bại tồi tệ", ông nói, đồng thời cam kết sẽ cung cấp 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu nhậm chức của mình. Vậy việc triển khai vaccine của Mỹ đã chậm trễ ra sao?
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 tại một điểm tiêm chủng ở thành phố New York, Mỹ, ngày 10/1. Ảnh: Reuters .
Theo số liệu thống kê, tính đến 20/1, ngày Biden tuyên thệ nhậm chức, khoảng 16,5 triệu liều vaccine đã được phân phối tại Mỹ, xếp thứ 4 trong số các nước đã tiến hành tiêm chủng, sau Israel, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Anh.
Tuy nhiên, kết quả này không đáp ứng được mục tiêu mà chính quyền Trump đưa ra là đến cuối năm 2020 phải tiêm chủng cho 20 triệu người.
Tính đến 31/12/2020, chưa đầy 3 triệu người dân Mỹ mới được tiêm liều vaccine đầu tiên.
Moncef Slaoui, người dẫn đầu kế hoạch triển khai vaccine của chính quyền Trump lúc bấy giờ trấn an: "Chúng tôi biết mình nên làm tốt hơn và chúng tôi đang nỗ lực để làm tốt hơn". Không lâu sau, Slaoui phải nộp đơn từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Biden.
Tốc độ tiêm chủng đã tăng đáng kể từ đầu năm, tăng hơn hai lần trong tuần qua, so với tuần đầu tháng một. Dù vậy, Mỹ vẫn còn cách khá xa mục tiêu tiêm trung bình một triệu liều mỗi ngày nhằm đạt mục tiêu do tân Tổng thống đặt ra.
Nỗ lực tiêm chủng đang không được thực hiện đồng đều ở các bang của Mỹ. Ví dụ, tính đến 20/1/2021, Alaska đã tiêm hơn 9.000 liều trên 100.000 dân, trong khi con số của Alabama là 3.000.
Tây Virginia là bang đã tiêm vaccine nhiều thứ hai tính trên đầu người. Đây là bang duy nhất chọn không tham gia chương trình của chính phủ liên bang mà qua đó các chuỗi nhà thuốc lớn sẽ tiêm chủng cho nhân viên và cư dân tại các viện dưỡng lão (nhóm ưu tiên số một). Thay vào đó, họ dựa chủ yếu vào các nhà thuốc địa phương, thường có liên kết với các viện dưỡng lão.
Sau khi mở phân phối vaccine, Trump giao phó cho từng bang thực hiện việc tiêm chủng. Hôm 29/12, cựu tổng thống Mỹ tweet: "Chính quyền liên bang đã chia vaccine tới các bang. Việc triển khai giờ đây phụ thuộc vào các bạn. Hãy hành động đi!".
Đã có những vấn đề nảy sinh liên quan đến việc phối hợp và công tác chuẩn bị ở cấp bang nhưng các chính quyền địa phương lại đổ lỗi cho chính quyền liên bang vì không hỗ trợ sau khi đã phân phối vaccine.
Hệ thống y tế Mỹ rất phức tạp, với các loại dịch vụ được điều hành bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau chỉ tính riêng trong một bang. Những cơ quan này đôi khi báo cáo cho giới chức địa phương hay giới chức bang nhưng họ cũng có thể hoạt động độc lập.
Thực tế trên khiến việc hợp tác trở thành thách thức, đặc biệt trong việc cung cấp vaccine cho các trung tâm tiêm chủng địa phương.
Mỹ hiện phê chuẩn hai loại vaccine Covid-19, một đến từ công ty Moderna, loại còn lại đến từ Pfrizer/BioNTech. Chúng đều phải được bảo quản trong nhiệt độ cực lạnh, điều tạo thêm nhiều khó khăn trong việc phân phối.
New York đang kêu gọi bổ sung nguồn cung vaccine. Thống đốc và thị trưởng ở nhiều bang khác cũng phàn nàn về tình trạng thiếu vaccine.
Theo giới chuyên gia, các vấn đề hậu cần đáng kể cũng nảy sinh trong việc quản lý vaccine sau khi chúng được chuyển đến các bang.
Tính đến 20/1, hơn 35 triệu liều vaccine đã được phân phối trên khắp nước Mỹ nhưng chỉ 1/2 trong số đó được tiêm cho người dân.
"Chính quyền liên bang dường như đã rũ bỏ trách nhiệm ngay sau khi các bang nhận vaccine", Leana Wen, giáo sư về y tế công cộng tại Đại học George Washington, nhận xét. "Cơ quan y tế bang và địa phương đã xin thêm kinh phí bổ sung suốt nhiều tháng song chưa nhận được nguồn kinh phí mà họ cần", bà nói thêm.
Một số người cho rằng Mỹ cần có cách tiếp cận hướng mục tiêu hơn trong nỗ lực tiêm chủng Covid-19 với việc chính phủ cung cấp kinh phí cho địa phương phụ thuộc vào nhu cầu.
Một gói cứu trợ đại dịch bị trì hoãn từ lâu cuối cùng cũng đã được quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Nó cung cấp 8,75 tỷ USD nhằm hỗ trợ công tác tiêm chủng cho các bang.
Giới chức địa phương cho hay sự chậm trễ này đã ảnh hưởng tới tốc độ thiết lập các trung tâm tiêm chủng và việc thuê nhân sự vận hành chúng.
Chính quyền Biden đã đề ra một kế hoạch hành động Covid-19, bao gồm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vaccine. Tổng thống Biden muốn tăng ngân sách, kêu gọi một gói 25 tỷ USD cho sản xuất và phân phối vaccine. Tuy nhiên, kế hoạch này cần được quốc hội thông qua.
Ông lên kế hoạch mở 100 điểm tiêm chủng do chính quyền liên bang tài trợ cùng 100 đơn vị tiêm vaccine lưu động nhằm tiếp cận người dân ở những vùng sâu vùng xa.
Nhiều nhà thuốc cũng sẽ được tận dụng làm điểm tiêm chủng, mở rộng hơn nữa đội ngũ chuyên gia tiêm vaccine.
Và một thay đổi đáng chú ý hơn cả so với chính quyền tiền nhiệm là đội ngũ của Tổng thống Biden đã cam kết lập tức phân phối các liều vaccine ngay sau khi chúng hoàn thành sản xuất. Đây là một cách tiếp cận gây tranh cãi vì có nguy cơ làm chậm tốc độ tiêm vaccine mũi hai song đã được Anh và một số chính phủ khác ủng hộ.
Tổng thống Biden đã chỉ định một nhóm ứng phó Covid-19 mới. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, khẳng định mục tiêu 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày là "hoàn toàn khả thi".
Trump: Đừng mong có vaccine nếu Biden làm tổng thống Trump cảnh báo nếu Biden làm tổng thống, Mỹ sẽ không thể có vaccine Covid-19 và chỉ trích Pfizer không "đủ can đảm" công bố thông tin vaccine trước bầu cử. "Nếu Joe Biden làm tổng thống, sẽ không có vaccine trong 4 năm tới và FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cũng không bao giờ phê duyệt nó...