Mỹ tố Trung Quốc gây căng thẳng khi đưa tên lửa đến Hoàng Sa
Mỹ hôm qua chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông sau khi khẳng định Bắc Kinh điều tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc điều hệ thống tên lửa HQ-9 đến Hoàng Sa. Ảnh: ISI
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho hay hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy việc triển khai các tên lửa “rất gần đây”, trái với cam kết của Trung Quốc rằng không quân sự hóa Biển Đông.
“Trung Quốc nói một đằng nhưng dường như đang làm một nẻo”, Reutersdẫn lời ông Kirby nói. “Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào là nỗ lực quân sự hóa này đã dừng lại. Điều đó không khiến cho tình hình ổn định và an toàn hơn. Thực tế, nó đang gây ra tác động trái ngược”.
Hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cho hay Mỹ sẽ có cuộc trao đổi “rất nghiêm túc” với Trung Quốc về vấn đề quân sự hóa Biển Đông.
Trước đó, Fox News dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar được triển khai trong tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định theo hình ảnh từ vệ tinh thương mại, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không đến Hoàng Sa.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở “những đảo và đá liên quan” trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là “phóng đại”.
Video đang HOT
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin trên nhưng lặp lại rằng Bắc Kinh đã có các hệ thống phòng thủ trên các đảo trong nhiều thập kỷ.
Trong một bài viết cùng ngày, Global Times, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, kích động rằng Bắc Kinh cần tăng cường “tự vệ” ở Biển Đông trước “những khiêu khích thường xuyên từ quân đội Mỹ”.
Mỹ không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng về những hành động áp đặt chủ quyền ngày càng cứng rắn của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến tuyến đường giao thương quan trọng toàn cầu.
Bắc Kinh đã bày tỏ sự tức giận khi Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông, trong đó có chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-52 hồi tháng 11 và một khu trục hạm đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hồi tháng trước.
Anh Ngọc
Theo VNE
Thế giới giận dữ vì tên lửa Trung Quốc
Các quốc gia trong và ngoài khu vực nhất loạt lên án việc Trung Quốc chuyển các khẩu đội tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Các giàn phóng tên lửa HQ-9 của Trung Quốc - Ảnh: IHS Jane's
Theo sau các báo cáo cho thấy Trung Quốc (TQ) triển khai tên lửa, được cho là hệ thống phòng không HQ-9, tại đảo Phú Lâm, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 17.2 nhấn mạnh hành động này càng làm tăng thêm tình trạng căng thẳng trong khu vực, theo Reuters.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban xác nhận rằng các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy TQ đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) trên "một tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông".
Ông Tập quên lời hứa
Cũng từ nước Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry cho hay Washington sẽ có "một cuộc trao đổi hết sức nghiêm túc" với Bắc Kinh về những hành động tăng cường quân sự hóa của TQ ở Biển Đông. Nhà ngoại giao số 1 của nước Mỹ cũng nhắc lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết sẽ không quân sự hóa vùng biển tranh chấp trong chuyến thăm chính thức Washington vào năm ngoái: "Khi Chủ tịch Tập ở đây trong chuyến thăm Washington, ông ấy đã đứng tại Vườn Hồng với Tổng thống Obama và nói rằng TQ sẽ không quân sự hóa Biển Đông". Thế nhưng, "mỗi ngày lại xuất hiện chứng cứ cho thấy có sự gia tăng hành vi quân sự hóa ở dạng này hoặc dạng khác", ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ có động thái tích cực để giải quyết tranh chấp lãnh hải thông qua kênh ngoại giao và bằng việc hợp tác với những nước và các bên tham gia tranh chấp, chứ không thông qua hành động đơn phương, không viện dẫn đến bạo lực, không quân sự hóa.
Liên quan đến cam kết của ông Tập vào năm ngoái, ông Michael Green, cựu Giám đốc phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói một cách mỉa mai với tờ The Financial Times rằng: "Nếu ông Tập thực tâm khi nói TQ sẽ không quân sự hóa các quần đảo, có lẽ ông ta đã quên thông báo với phần còn lại của Quân ủy Trung ương".
Cách hành xử "nói một đằng, làm một nẻo" của Bắc Kinh cũng khiến các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ nổi giận. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi Mỹ phải "cân nhắc các phương án bổ sung nhằm gia tăng cái giá mà Bắc Kinh phải trả cho cách hành xử của mình". Ông McCain nói việc Mỹ thỉnh thoảng tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải là không thích đáng và để thật sự đẩy lùi được Bắc Kinh, Mỹ phải áp dụng "các chính sách với mức độ rủi ro mà cho đến lúc này chúng ta chưa sẵn sàng xem xét".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, đang ở thăm Bắc Kinh, cho biết bà đã nêu vấn đề quân sự hóa Biển Đông trong các cuộc hội đàm với phía TQ. Bà Bishop cảnh báo bất cứ hành vi quân sự hóa nào tại khu vực cũng gây quan ngại cho cộng đồng thế giới, theo Reuters.
Khi được hỏi liệu TQ có chối bỏ sự hiện diện của các tên lửa mới trên đảo Phú Lâm, bà Bishop cho hay phía Bắc Kinh không thừa nhận lẫn bác bỏ. Tuy nhiên, tờHoàn Cầu thời báo hôm qua 18.2 dẫn một thông báo của Bộ Quốc phòng TQ xác nhận nước này đã triển khai vũ khí đến đảo Phú Lâm từ lâu. Điều này trái ngược với các tuyên bố của giới chức ngoại giao TQ trước đó chỉ một ngày rằng báo chí phương Tây cố ý thổi phồng thông tin để thu hút người đọc.
Không chỉ vậy, tờ Hoàn Cầu thời báo còn đăng bài xã luận với nội dung TQ cần củng cố khả năng "phòng thủ" tại Biển Đông khi phải đối mặt với "với sự khiêu khích ngày càng thường xuyên hơn từ quân đội Mỹ". "Các chiến đấu cơ của Mỹ, một quốc gia bên ngoài, có thể sẽ cảm thấy ngột ngạt khi tiến hành những chuyến bay khiêu khích trong khu vực", tờ báo thường xuyên có giọng điệu hiếu chiến lớn tiếng bình luận về việc triển khai tên lửa đến đảo Phú Lâm.
Năng lực tên lửa HQ-9 của Trung Quốc - Nguồn: Reuters/Đồ họa: Công Chính
Bước chuẩn bị cho ADIZ?
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự Mỹ và quốc tế, động thái triển khai tên lửa đất đối không đến Hoàng Sa có thể là bước chuẩn bị để Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các bước đi nhằm tăng cường sự hiện diện tại Phú Lâm.
Năm ngoái, TQ đã cải tạo đường băng tại Phú Lâm và đến tháng 10 một số chiến đấu cơ J-11 đã được triển khai đến đó trong một thời gian ngắn để tập trận. Tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn dầu mỏ và hóa chất TQ (Sinopec) thông báo xây dựng cơ sở xăng dầu lớn trên hòn đảo. Những bước đi này thể hiện rằng TQ đang nỗ lực biến đảo Phú Lâm thành một tiền đồn chiến lược.
"Triển khai SAM đến Phú Lâm có thể là chỉ dấu TQ đang chuẩn bị tuyên bố ADIZ ở khu vực phía bắc của Biển Đông, vốn sẽ được kiểm soát từ Hoàng Sa", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói với tờThe Japan Times. Theo ông Storey, ADIZ trên có thể được mở rộng hàng trăm km xuống phía nam một khi các cơ sở phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa đi vào hoạt động. Để làm được điều này, TQ sẽ còn cần triển khai thêm radar và tên lửa xuống Trường Sa, theo chuyên gia Tetsuo Kotani thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản.
Theo giáo sư về khoa học chính trị thuộc Đại học Miami (Mỹ) June Teufel Dreyer, lâu nay TQ đã úp mở về việc lập ADIZ ở Biển Đông vào "một thời điểm phù hợp". "Và có thời điểm nào phù hợp hơn khi họ đang phản đối việc tàu và máy bay Mỹ "xâm phạm chủ quyền" của TQ?", ông Dreyer nói.
Với tầm bắn 200 km, HQ-9 không những có thể bắn hạ máy bay mà còn có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo, tương tự các hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Theo tờ The Washington Post, HQ-9 có thể là bộ phận đầu tiên của một hệ thống có thể tạo ra một mạng lưới "chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực" (A2/AD) ở khu vực. Nói cách khác, HQ-9 có thể kết hợp với các hệ thống khác để tạo ra một bong bóng phòng thủ trên các chuỗi đảo, khiến máy bay và tàu chiến Mỹ ở vào tình thế nguy hiểm khi hoạt động tại khu vực.
Bước đi kế tiếp của TQ có thể là triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm trên bộ, một bước đi "cực kỳ khiêu khích", theo đánh giá của chuyên gia Neil Ashdown thuộc Tổ chức nghiên cứu quân sự IHS Jane's. Và quả thực, điều này cũng đã được các chuyên gia quân sự TQ hăm he trên tờ South China Morning Post hôm 18.2. Nhà nghiên cứu Lý Kiệt thuộc Viện Nghiên cứu quân sự của hải quân TQ cảnh báo Bắc Kinh sẽ triển khai tên lửa chống hạm trên bộ nếu bị Mỹ "o ép quá mức". "Không kích là mối đe dọa lớn nhất nên phòng không là ưu tiên chính lúc này. Tùy thuộc vào diễn biến tình hình mà tên lửa chống hạm có được triển khai hay không. Tình hình tùy thuộc các điều kiện như là mức độ khiêu khích của Mỹ và các cường quốc không dính dáng đến tranh chấp, và nhu cầu riêng của chúng tôi", ông Lý tuyên bố.
Nhà nghiên cứu Richard Fisher thuộc Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế (Mỹ) dự đoán TQ có thể đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 có tầm bắn 400 km và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D có tầm bắn 1.400 km xuống Biển Đông. Các bước đi quân sự hóa này sẽ tác động đến lợi ích cốt lõi của nước Mỹ, nước tuyên bố sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở mọi vùng biển quốc tế.
Thụy Miên - Công Chính
Theo Thanhnien
Toan tính của Trung Quốc khi đưa tên lửa đến Hoàng Sa Sự hiện diện của những giàn tên lửa HQ-9 sẽ không làm bùng phát một cuộc khủng hoảng, nhưng đủ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông. Một hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. Ảnh: Wuxinghongqi Ngày 17/2, Fox News công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hai khẩu...