Mỹ tính lập đội hải quân đặc biệt “nắn gân” Trung Quốc
Lầu Năm Góc xem xét kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 4/2/2021 (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Politico dẫn hai nguồn tin ngày 15/6 cho biết kế hoạch cũng bao gồm việc xây dựng một chiến dịch quân sự được đặt tên riêng theo khu vực Thái Bình Dương, nhằm cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phân bổ thêm ngân sách và nguồn lực trong việc đối phó với các vấn đề về Trung Quốc.
Mặc dù các sáng kiến này vẫn chưa được thông qua, nhưng được cho là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lập trường cứng rắn của Tổng thống Joe Biden về Trung Quốc, đồng thời gửi đi tín hiệu rằng chính quyền mới của Mỹ rất nghiêm túc trong việc đối phó với các hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự và hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo NATO ngày càng đồng thuận với lập trường đối đầu của Mỹ trước Trung Quốc. 4 năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump coi việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, NATO tuần này tuyên bố Bắc Kinh là một “thách thức an ninh” và cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách “phá hoại trật tự toàn cầu”.
Sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương do Nhóm Đặc trách Trung Quốc của Lầu Năm Góc đưa ra. Nhóm này được Tổng thống Biden thành lập hồi tháng 3 nhằm kiểm tra các chính sách và quy trình liên quan đến Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Nhóm đặc trách Trung Quốc do Ely Ratner, người được đề cử làm quan chức phụ trách chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hàng đầu của Lầu Năm Góc dẫn đầu, gần đây đã hoàn thành công việc của mình và trình bày các khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Video đang HOT
Elbridge Colby, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết mặc dù các sáng kiến không phải là “viên đạn bạc” để giải quyết vấn đề Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này là dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy Lầu Năm Góc đang thực hiện cam kết chuyển nguồn lực ra khỏi Trung Đông để đáp ứng nhu cầu tại Thái Bình Dương.
“Lực lượng đặc nhiệm và chiến dịch đề xuất đã cho tôi thấy rằng, họ sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương”, ông Colby nói, đồng thời cho biết hiện chưa rõ nếu lực lượng đặc nhiệm mới của Mỹ tập trung vào khu vực Tây Thái Bình Dương, thì sẽ tập trung vào Trung Quốc một cách công khai hay âm thầm.
Theo các nguồn tin, lực lượng đặc nhiệm hải quân mới của Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ được xây dựng dựa trên mô hình mà NATO từng triển khai ở châu Âu trước và trong Chiến tranh Lạnh.
Hải đội này là lực lượng phản ứng tức thì, có thể nhanh chóng ứng phó với một cuộc khủng hoảng, nhưng dành phần lớn thời gian hoạt động xung quanh khu vực, tham gia các cuộc tập trận theo kế hoạch và thực hiện các chuyến thăm cảng.
Jerry Hendrix, chuyên gia của hãng tư vấn Telemus Group, cho rằng lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh và Pháp – các quốc gia đang tăng cường sự hiện diện hải quân ở Thái Bình Dương, cùng Nhật Bản và Australia.
“Sáng kiến được đề xuất sẽ là một biện pháp răn đe vì thể hiện sự thống nhất trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và thương mại thông qua các yêu sách lãnh hải rộng lớn của nước này”, chuyên gia Hendrix nhận định.
Sau G7, NATO kêu gọi chính sách cứng rắn đối phó Trung Quốc
Tổng thư ký NATO cho rằng các nhà lãnh đạo của liên minh nên xây dựng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBC của Canada ngày 13/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang đầu tư ồ ạt vào các loại vũ khí quân sự mới. Ông Stoltenberg cho rằng điều này "ảnh hưởng đến an ninh" của NATO.
"Trung Quốc không có chung các giá trị với chúng ta", ông Stoltenberg nói, đề cập tới các vấn đề tại Hong Kong, Tân Cương...
"Tất cả những điều đó khiến NATO cần phải có một chính sách, củng cố chính sách của chúng ta, khi đối phó với Trung Quốc", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Phát biểu của Tổng thư ký NATO được đưa ra khi hội nghị thượng đỉnh G7 vừa kết thúc ở Anh với một lập trường tập thể mạnh mẽ hơn nhằm vào Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quyền tự do cơ bản và quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Stoltenberg thừa nhận rằng, điều quan trọng là các quốc gia khác phải đối phó với Trung Quốc trong các vấn đề chung như biến đổi khí hậu và kiểm soát vũ khí.
Tổng thư ký NATO cũng chỉ trích việc Bắc Kinh tiếp tục giam giữ 2 công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, với cáo buộc gián điệp là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Canada cáo buộc việc Trung Quốc giam giữ 2 công dân trên là "tùy tiện", coi đó là hành động trả đũa đối với việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
"Khi một quốc gia làm điều mà họ không thích, họ sẽ phản ứng theo những cách hung hăng", ông Stoltenberg nói về Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Hồi tháng 4, ông Stoltenberg cảnh báo NATO "phải tỉnh táo với những thách thức tạo ra do sự trỗi dậy của Trung Quốc". Ông lưu ý rằng, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao năng lực quân sự để tương xứng với sức mạnh kinh tế bằng việc tăng gấp 3 chi tiêu quân sự trong vòng một thập niên qua.
"Chúng ta đã thấy những hành động ngày càng bành trướng của Trung Quốc nhằm thách thức trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc. Họ công khai đe dọa Đài Loan, đe dọa các nước láng giềng trong khu vực và cản trở tự do hàng hải ở Biển Đông", Tổng thư ký NATO nói.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cải thiện quan hệ nhằm ngăn động thái của Trung Quốc mà ông cáo buộc là "bắt nạt các nước khắp thế giới".
Tổng thư ký NATO thừa nhận rằng, các cuộc thảo luận giữa các đồng minh của tổ chức này từng gặp nhiều thách thức dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định liên minh NATO vẫn "cực kỳ vững chắc và mạnh mẽ".
Ông Trump thường phàn nàn rằng các thành viên khác của NATO không đóng góp công bằng cho ngân sách quốc phòng chung. Cựu Tổng thống Mỹ thậm chí còn đề cập tới việc rời khỏi liên minh.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Stoltenberg nói rằng NATO "đã có một tổng thống Mỹ, Tổng thống Biden, người cam kết mạnh mẽ với NATO, với an ninh châu Âu và sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào NATO".
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ giữa Mỹ và NATO, liên minh quân sự giữa 30 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, đang được cải thiện.
Ngày 13/6, Tổng thống Biden đã di chuyển từ Anh đến Brussels (Bỉ) - nơi các nhà lãnh đạo của 29 quốc gia thành viên NATO đang tập trung để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào ngày 14/6.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc "hung hăng, tham vọng kiểm soát khu vực" Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 10/6 (Ảnh: Reuters). Tại phiên điều trần về ngân sách quốc phòng trước Ủy ban Quân vụ...