Mỹ tính khả năng trì hoãn gửi vũ khí để gây áp lực với Thủ tướng Israel
Kênh NBC dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đang thảo luận về khả năng trì hoãn giao vũ khí cho Israel, nhằm thuyết phục Thủ tướng Benjamin Netanyahu nghe theo lời kêu gọi lâu nay là giảm quy mô cuộc tấn công quân sự ở Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chỉ đạo của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc đang xem xét sử dụng loại vũ khí nào mà Israel yêu cầu để làm đòn bẩy. Các nguồn tin cho biết chưa có quyết định nào về vấn đề này.
Trong khi đó, các quan chức Israel tiếp tục yêu cầu Mỹ cung cấp thêm vũ khí, trong đó có cả bom cỡ lớn, đạn dược và hệ thống phòng không.
Sau nhiều tuần đề nghị riêng mà không mang lại kết quả như mong muốn, Mỹ đang xem xét trì hoãn hoặc tạm dừng giao vũ khí với hy vọng rằng làm như vậy sẽ khiến Israel hành động, ví dụ như mở hành lang nhân đạo để cung cấp thêm hàng hóa viện trợ cho dân thường Palestine.
Trong số các loại vũ khí mà Mỹ đã thảo luận sử dụng để làm đòn bẩy là đạn pháo 155 mm và bom tấn công trực tiếp hỗn hợp (JDAM). JDAM là những bộ dẫn đường để chuyển bom thường thành bom dẫn đường chính xác. Mỹ có thể sẽ tiếp tục cung cấp JDAM để giúp Israel tấn công chính xác hơn.
Mỹ có thể cũng không trì hoãn cung cấp hệ thống phòng không cũng như các hệ thống khác vì các hệ thống này bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng của Israel khỏi bị tấn công. Do đó, chính quyền Mỹ đang tập trung vào các thiết bị quân sự tấn công để xem xét những loại nào họ có thể giữ lại hoặc trì hoãn giao cho Israel.
Các quan chức Mỹ cũng đã thảo luận về cung cấp cho chính phủ Israel nhiều loại vũ khí mà họ yêu cầu để Israel có động lực thực hiện một số bước theo đề nghị của Mỹ.
Video đang HOT
Những nỗ lực này được đưa ra sau nhiều tuần Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia không thuyết phục được ông Netanyahu và các quan chức Israel thay đổi đáng kể chiến thuật ở Gaza, cũng như thực hiện nhiều bước hơn để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Nỗ lực này đánh dấu thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của ông Biden khi không chỉ đề nghị ở hậu trường mà thực hiện những thay đổi chính sách hữu hình nhằm thúc đẩy Israel hành động.
Một số thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đã thúc giục chính quyền Mỹ làm nhiều hơn để gây áp lực với ông Netanyahu và các quan chức Israel khác.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 24/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bảo vệ lập trường của chính quyền Mỹ trong cuộc xung đột Israel – Hamas. Ông cho biết trong một tuyên bố: “Như Tổng thống đã nói rõ, ông tin rằng cách tiếp cận mà ông theo đuổi đã hiệu quả hơn. Israel có quyền và nghĩa vụ tự vệ trước mối đe dọa từ Hamas, đồng thời tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ mạng sống của dân thường. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ Israel trong cuộc chiến chống Hamas”.
Sau khi NBC đăng bài viết, người phát ngôn trên nói thêm: “Chúng tôi đã làm như vậy kể từ ngày 7/10/2023 và sẽ tiếp tục. Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi”.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tiếp tục thất vọng vì Israel thường phớt lờ lời kêu gọi giảm thiểu thiệt hại cho dân thường Palestine. Tình trạng này gần đây cũng gia tăng ở Lầu Năm Góc, còn Tổng thống Biden và các quan chức Nhà Trắng khác từ lâu đã tỏ ra không hài lòng với cách xử lý cuộc chiến của Thủ tướng Netanyahu.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Biden khẳng định ông đang làm tất cả những gì có thể để khiến Israel thay đổi chiến thuật quân sự. Ông nói ngày 8/1: “Tôi đã âm thầm làm việc với chính phủ Israel để yêu cầu họ giảm bớt và rút quân khỏi Gaza một cách đáng kể. Tôi đã sử dụng tất cả những gì có thể để làm điều đó”.
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Biden đã đạt được một số thành công nhất định, dù họ thừa nhận các quan chức Israel vẫn chưa làm được như mức mà Tổng thống mong muốn.
Thủ tướng Israel chịu áp lực ngày càng gia tăng trong cuộc chiến ở Dải Gaza
Theo hãng tin AFP ngày 23/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng sau ngày Israel chịu tổn thất lớn nhất trong cuộc chiến ở Gaza cũng như các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng khi chưa thể giải thoát được toàn bộ con tin bị Hamas giam giữ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì cuộc họp nội các tại Tel Aviv, ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chiến lược của quân đội Israel ở Dải Gaza đang bị giám sát chặt sau khi 24 binh sĩ Israel thiệt mạng hôm 22/1. Đây là tổn thất lớn nhất trong một ngày của Israel kể từ khi cuộc tấn công trên bộ vào Gaza bắt đầu vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Trong số những người thiệt mạng có 21 lính dự bị. Vụ việc diễn ra khi đạn pháo và tên lửa bắn trúng một chiếc xe tăng và hai tòa nhà mà binh sĩ Israel đang tập trung tìm cách phá hủy. Vụ việc được ông Netanyahu mô tả là một thảm họa.
Ông Emmanuel Navon, Giảng viên tại Đại học Tel Aviv, nói với AFP rằng tổn thất về binh sĩ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bởi vì hầu hết mọi người ở Israel đều có người thân và họ hàng đang chiến đấu ở Gaza.
Ông Navon cho rằng người dân Israel giờ đây sẽ ngày càng đặt ra câu hỏi: "Chiến lược của Chính phủ Israel là gì? Chúng ta có thực sự cần tiếp tục cho đến khi tiêu diệt được Hamas không?".
Đồng thời, sự chia rẽ đã xuất hiện trong nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu sau các cuộc biểu tình ở Tel Aviv và bên ngoài ngôi nhà ở Jerusalem của ông. Tại đây, người thân của các con tin đã tổ chức một cuộc biểu tình đầu tuần này nhằm hối thúc việc giải thoát những con tin còn đang bị giam giữ.
Julia Elad-Strenger, Giảng viên tại Đại học Bar-Ilan gần Tel Aviv, nhận xét: "Tâm trạng hiện tại trong nội các chiến tranh rất tồi tệ".
Các chuyên gia nói với AFP rằng tuyên bố của ông Netanyahu về việc loại bỏ nhóm Hamas để đáp trả vụ tấn công ngày 7/10/2023 ngày càng bị nội các coi là không phù hợp với động thái giải thoát các con tin ở Gaza.
Các chuyên gia cho biết, hai thành viên của nội các chiến tranh là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Gadi Eisenkot đã bác bỏ lập trường của Thủ tướng Netanyahu rằng chỉ có gây áp lực quân sự với Hamas mới giúp con tin trở về.
Reuven Hazan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, cho biết: "Theo Thủ tướng Netanyahu, không thể có chiến thắng nếu Hamas vẫn tồn tại, nhưng theo các ông Gantz và Eisenkot, không thể có chiến thắng nếu con tin bị thiệt mạng".
Ông Eisenkot, người có con trai thiệt mạng khi chiến đấu ở Gaza, đã trả lời phỏng vấn vào tuần trước, trong đó ông thể hiện lập trước khác Thủ tướng Netanyahu. Ông Eisenkot nói với đài truyền hình Israel Channel 12: "Không thể đưa các con tin còn sống trở về trong tương lai gần nếu không có thỏa thuận với Hamas".
Theo thống kê của AFP dựa trên dữ liệu của Israel, Hamas đã bắt giữ khoảng 250 con tin và Israel cho biết khoảng 132 con tin vẫn còn bị giam giữ ở Gaza, trong đó có ít nhất 28 con tin đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ đề xuất rằng chính phủ của ông nên tổ chức một vòng đàm phán khác với Hamas để đạt được thỏa thuận tương tự như thỏa thuận vào tháng 11/2023 dẫn đến việc thả 80 con tin Israel.
Theo thỏa thuận do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian, các bên đã nhất trí tạm dừng bắn vì lý do nhân đạo trong 7 ngày để cho phép chuyển hàng viện trợ vào Gaza, trong khi hàng trăm tù nhân Palestine được thả để đổi lấy con tin.
Ông Netanyahu cho biết Hamas đã đặt ra các điều kiện để thả thêm con tin, bao gồm chấm dứt chiến tranh, rút lực lượng Israel khỏi Gaza và đảm bảo rằng nhóm này sẽ tiếp tục nắm quyền.
Các chuyên gia nhận định Thủ tướng Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến ngay cả khi áp lực thay đổi lập trường ngày càng gia tăng. Mairav Zonszein, nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định: "Tôi nghĩ ông Netanyahu đã quyết định tiếp tục cuộc chiến này không chỉ vì lợi ích chính trị".
Thế kẹt của Thủ tướng Israel Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu muốn ngừng bắn để đảm bảo sự trao trả con tin, nhưng đảng Likud của ông lại muốn tiếp tục chiến đấu chống Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN Theo trang Politico.eu ngày 21/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang rơi vào thế...