Mỹ tính đưa thêm tàu ngầm đến Thái Bình dương
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cân nhắc về việc bổ sung máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công đến Thái Bình dương, để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực này.
Không quân Mỹ có một đơn vị máy bay ném bom B-52 đồn trú luân phiên trên đảo Guam. Ảnh minh họa: free photos
“Chúng tôi sẽ có xem xét gửi thêm nhiều phương tiện vũ khí như thế đến căn cứ chiến lược Guam ở tây Thái Bình dương”, ABS-CBN News dẫn lời ông Robert Scher, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết hôm 1/8, trong phiên điều trần trước tiểu ban quân lực của Hạ viện.
Mỹ quyết định chuyển dịch trọng tâm quân sự, ngoại giao và kinh tế sang khu vực châu Á-Thái Bình dương sau một thập kỷ dồn sức cho các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Đảo Guam, một lãnh thổ Mỹ nằm ở ba phần tư quãng đường từ Hawaii sang Philippines, từng đóng vai trò then chốt đối với quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phục vụ như một căn cứ của các máy bay oanh kích.
Hiện Không quân Mỹ quản lý một đơn vị máy bay ném bom B-52 đồn trú luân phiên trên đảo, trong khi Hải quân Mỹ có một hạm đội gồm 3 tàu ngầm tấn công.
Kế hoạch bổ sung quân lực Mỹ ở Guam xuất phát từ một báo cáo độc lập của Trung tâm chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), một nhóm nghiên cứu chính sách phi đảng phái rất có uy tín. Theo báo cáo được công bố tuần trước này, CSIS đề xuất thêm ít nhất một tàu ngầm tấn công đến Guam. Tổ chức này cũng cho rằng cần đặt một phi đội B-52 gồm 12 máy bay thường trực ở Guam, thay vì hoạt động luân phiên từ các căn cứ ở lục địa Mỹ.
Video đang HOT
“Thách thức lớn mà Mỹ và các đồng minh cũng như các đối tác phải đối mặt là việc sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ tác động đến trật tự và ổn định ở khu vực này trong thời gian tới”, báo cáo viết.
Ông Sher cho hay Lầu Năm góc đồng tình với CSIS rằng “có những cơ hội để chuyển dịch đến Guam và gửi một tín hiệu quan trọng đến khu vực này”. Đảo Guam có thể tiếp nhận thêm các tàu ngầm mà không tốn nhiều chi phí xây dựng hạ tầng như bến tàu hay các cơ sở trên bờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi tháng 6 tuyên bố kế hoạch “tái cân bằng” lực lượng hải quân Mỹ, từ tỷ lệ 50-50 giữa Đại Tây dương và Thái Bình dương, sang tỷ lệ 60-40 với sự ưu tiên cho châu Á-Thái Bình dương. Chi tiết chuyển dịch lực lượng không được công bố.
Lầu Năm góc cũng sẽ tiếp tục khai thác các cơ hội với Philippines, đồng minh lâu năm, để triển khai lực lượng đến những “khu vực ưu tiên” nhằm tăng cường an ninh hàng hải.
Theo VNExpress
Mỹ tính điều thêm oanh tạc cơ, tàu ngầm đến Thái Bình Dương
Lầu Năm Góc sẽ cân nhắc điều thêm oanh tạc cơ và tàu ngầm tấn công đến Thái Bình Dương trong chiến lược chú trọng đến những thách thức an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, theo một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 1.8.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ - Ảnh: Reuters
Ông Robert Scher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách kế hoạch, tiết lộ với các nhà làm luật nước này rằng, Lầu Năm Góc sẽ nghiên cứu bổ sung sức mạnh cho căn cứ chiến lược tại Guam.
Đây là kiến nghị từ một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu các kế hoạch quân sự của Mỹ tại khu vực.
Chiến lược chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm việc chuyển các nguồn lực quân sự, ngoại giao và kinh tế sang khu vực này sau một thập kỷ chiến tranh trên bộ tại Iraq và Afghanistan.
Đảo Guam là lãnh thổ Mỹ nằm cách 3/4 quãng đường từ Hawaii đến Philippines.
Không quân Mỹ có một đội máy bay ném bom B-52 đồn trú luân phiên tại đây trong khi hải quân có một đội ba chiếc tàu ngầm tấn công.
Đánh giá mới về sự bố trí lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) thực hiện theo ủy nhiệm của Quốc hội.
CSIS, một nhóm nghiên cứu chính sách phi đảng phái, đã kiến nghị trong một báo cáo được công bố vào tuần trước rằng, Mỹ nên bổ sung một hay nhiều tàu ngầm tấn công tại Guam.
Một lựa chọn khác được CSIS đưa ra là tái bố trí thường trực một đội 12 chiếc B-52 tại Guam, thay vì việc điều chuyển luân phiên từ các căn cứ tại Mỹ, theo Reuters.
Sự bất định địa chiến lược mà Mỹ và các đồng minh, đối tác phải đối mặt trong khu vực là những tác động từ sự gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với trật tự và sự ổn định trong những năm tới, theo CSIS.
CSIS cho biết lực lượng Mỹ có thể giúp định hình môi trường hòa bình bằng cách hành động theo đúng những cam kết an ninh, một động thái được nghiên cứu nói rằng sẽ giúp "can ngăn sự áp bức của Trung Quốc và sự hung hăng của CHDCND Triều Tiên".
Ông Sher cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đồng ý với đánh giá của CSIS rằng "có cơ hội để tiến tới với Guam và gửi một tín hiệu quan trọng cho khu vực".
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tiếp tục khảo sát những cơ hội với đồng minh Philippines để triển khai lực lượng tại những "khu vực ưu tiên" chưa được đề cập cụ thể, nhằm củng cố an ninh hàng hải.
Theo Thanh Niên