Mỹ tính đưa oanh tạc cơ chiến lược B-1 đến gần Biển Đông
Sự hiện diện của máy bay ném bom tầm xa B-1 tại Australia sẽ giúp Mỹ đưa lực lượng đến gần hơn với Biển Đông.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer của Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Ngày 8/3, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ đang xem xét khả năng triển khai máy bay ném bom tầm xa tới Australia, một động thái giúp quân đội nước này di chuyển lực lượng đến gần hơn với Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có những động thái quân sự hóa bằng cách điều tên lửa, chiến đấu cơ xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Time.
Theo đó, phương án này vẫn đang trong giai đoạn thương thảo giữa Mỹ và Australia. Nếu được thực hiện, nó sẽ tăng cường “khả năng tấn công và răn đe toàn cầu của quân đội Mỹ nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn – Á – Thái Bình Dương”, trung tướng Damien Pickart, phát ngôn viên Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, tuyên bố.
SBS ngày 9/3 dẫn lời tướng Lori Robinson, tư lệnh Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, cho hay Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Australia về việc đưa các máy bay ném bom tầm xa B-1 và máy bay tiếp liệu trên không luân phiên hiện diện tại các căn cứ ở vùng Lãnh thổ phía Bắc của Australia.
Phát biểu trước các phóng viên hôm nay, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận giữa hai nước. “Hiển nhiên là chúng tôi không có mối quan hệ với nước nào gần gũi hơn với Mỹ”, ông Turnbull nói.
“Tôi sẽ không bình luận về các yếu tố cụ thể, nhưng tôi có thể cam đoan rằng mọi thứ chúng tôi làm trong khu vực này đều được xem xét rất cẩn thận để đảm bảo các lực lượng quân sự của chúng tôi phối hợp càng chặt chẽ với nhau càng tốt vì lợi ích quốc gia chung”.
Video đang HOT
Trước những thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động hợp tác quân sự như vậy không nên nhắm vào bên thứ ba trong khu vực.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại về những thông tin đó. Xu hướng chủ đạo và mong muốn của người dân trong khu vực là tìm kiếm hòa bình và hợp tác cùng phát triển”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hôm nay.
Gần đây, Mỹ đã tăng cường công tác huấn luyện ở Australia trong khuôn khổ chương trình hợp tác quốc phòng hai nước. Ngày càng nhiều binh sĩ Mỹ tham gia huấn luyện tại Australia, và các máy bay ném bom chiến lược B-52 cũng đã bay đến các căn cứ không quân tại Darwin và Tindal.
“B-1 tuy không phải là loại máy bay mới, nhưng nó có rất nhiều lợi thế hơn B-52. B-1 có tầm bay tương đương B-52, nhưng với tốc độ cao hơn nhiều và có thể bay thấp hơn, thế nên nó có nhiều lợi thế chiến thuật”, chuyên gia Euan Graham tại Viện Lowy cho biết.
Việt Dũng
Theo VNE
Điểm yếu của phi đội oanh tạc cơ chiến lược Mỹ
Mỹ đang mất dần các ưu thế chiến lược trên không khi số lượng máy bay ném bom B-2 quá ít ỏi, trong khi chương trình sản xuất máy bay mới đang đình trệ.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 không quân Mỹ. Ảnh: US Airforce
Khi kế hoạch chế tạo Máy bay Ném bom Chiến lược Tầm xa (LRS-B) thế hệ mới vấp phải nhiều chỉ trích, không quân Mỹ buộc phải dựa vào phi đội máy bay ném bom tầm xa ngày càng lỗi thời để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Hiện nay, không quân Mỹ chỉ có khoảng 20 oanh tạc cơ B-2 Spirit có khả năng thâm nhập không phận đối phương, theo National Interest.
Trụ cột của lực lượng oanh tạc cơ không quân Mỹ là các pháo đài bay B-52 hoạt động từ năm 1952. Kể từ khi ra đời đến nay, có tất cả 744 máy bay loại này được chế tạo, nhưng chỉ 76 oanh tạc cơ B-52H được nâng cấp đang còn phục vụ trong biên chế.
Dù không trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến và không có khả năng xâm nhập sâu vào vùng phòng không hiện đại của kẻ thù, B-52 vẫn sẽ phục vụ trong không quân Mỹ tới thập niên 2040, nhờ khả năng mang theo các tên lửa hành trình tầm xa cả thông thường và hạt nhân hoặc thả các bom dẫn đường chính xác trong tình huống buộc phải ứng phó với các mối đe dọa.
Trong khi đó, phi đội 62 máy bay siêu thanh B-1B Lancer của không quân Mỹ đều đã bị loại bỏ chức năng tấn công hạt nhân và chỉ có khả năng chiến đấu trong khu vực có mật độ tác chiến vừa phải. Các oanh tạc cơ ra đời từ thập niên 1980 này cũng chỉ phục vụ đến thập niên 2040.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, trước năm 2008, không quân Mỹ có 21 máy bay ném bom tàng hình B-2 có khả năng thâm nhập và tung đòn tấn công các mục tiêu từ xa. Trong một sự cố năm 2008 ở căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, không quân Mỹ mất một chiếc B-2 trị giá hai tỷ USD, khiến phi đội vốn đã eo hẹp về số lượng này mất đi khả năng sẵn sàng chiến đấu tổng thể đáng kể. Với tổng cộng 20 chiếc B-2 hiện nay, Mỹ chỉ có thể triển khai vài máy bay cùng một lúc để phục vụ hoạt động tác chiến.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, chỉ có 16 chiếc B-2 được trang bị đầy đủ vũ khí để có thể tham gia chiến đấu. Trong số này, chỉ có khoảng 9 chiếc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi nhận lệnh. Con số này sẽ còn tiếp tục giảm nếu có một chiếc được huy động phục vụ mục đích huấn luyện.
Số oanh tạc cơ B-2 còn lại đang được bảo dưỡng hoặc niêm cất trong kho. Oanh tạc cơ B-2 có tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu ở mức 47% trong năm 2013 và có thể sẽ tăng trong những năm sắp tới nhưng vẫn dưới mức 60%.
Không quân Mỹ đang đầu tư tiền của để cải tiến máy bay B-2 phục vụ các hoạt động quân sự cho đến khi nó nghỉ hưu vào năm 2058, nhưng công nghệ tàng hình từ cuối thập niên 1970 của nó đang ngày càng trở nên lạc hậu trước các radar thế hệ mới.
Hơn nữa, phần lớn hệ thống điện tử và động cơ của B-2 cũng đã và đang trở nên kém hiệu quả theo thời gian. Năm 2012, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Norton Schwart đã thừa nhận trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng máy bay ném bom B-2 đang dần mất đi khả năng vượt qua hệ thống phòng không của các đối thủ.
"Công nghệ trên oanh tạc cơ B-2 được thiết kế để ứng phó với các mối đe dọa ở thập niên 1980. Thực tế là B-2 đang ngày càng ít có khả năng sống sót trong vùng phòng không dày đặc", tướng Schwartz phát biểu trước Hạ viện Mỹ hôm 28/12.
Trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, các tiêm kích chiến thuật sẽ không phát huy nhiều giá trị trên một chiến trường rộng lớn như Tây Thái Bình Dương. Các máy bay ném bom chiến lược vẫn là ưu tiên hàng đầu để Mỹ có thể thực hiện được đòn tấn công phủ đầu vào lãnh thổ đối phương.
Với việc Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các loại vũ khí, tên lửa tầm xa để phục vụ chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực (A2/AD), việc duy trì và tái sản xuất oanh tạc cơ ngày càng lạc hậu như B-2 là vô nghĩa, bởi vậy Lầu Năm Góc cần tiếp tục nghiên cứu phát triển và sản xuất LRS-B càng sớm càng tốt, chuyên gia Majumdar nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Pháo đài bay B-52, vũ khí Mỹ răn đe Trung Quốc trên Biển Đông Sự hiện diện của B-52 trên Biển Đông được coi là biện pháp răn đe hiệu quả của Mỹ, đồng thời trấn an các đồng minh về cam kết bảo vệ tự do hàng hải. Một Pháo đài bay B-52 của Mỹ bay tuần tra trên biển. Ảnh: USAF Ngày 12/11, các quan chức Mỹ xác nhận rằng hai chiếc máy bay ném...