Mỹ tiếp tục dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson
Mỹ dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson thêm ít nhất một tuần khi các chuyên gia nói rằng họ cần thêm thời gian để đánh giá mối liên quan của nó với rối loạn đông máu.
Thế giới đã ghi nhận 138.803.081 ca nhiễm nCoV và 2.984.288 ca tử vong, tăng lần lượt 786.109 và 12.900, trong khi 111.571.828 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Các lọ vaccine Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.145.814 ca nhiễm và 577.983 ca tử vong do nCoV, tăng 75.030 ca nhiễm và 806 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ngày 14/4 triệu tập cuộc họp với các chuyên gia, một ngày sau khi giới chức ghi nhận 6 trường hợp phụ nữ có cục máu đông và tiểu cầu trong máu thấp trong vòng hai tuần kể từ khi tiêm vaccine, trong đó một trường hợp tử vong.
Những người tham gia cuộc họp đã được thông báo vào hôm 14/4 rằng Mỹ ghi nhận thêm trường hợp thứ bảy là một phụ nữ 28 tuổi. Cuộc họp hôm 14/4 được thiết kế để quyết định liệu có nên chỉ sử dụng vaccine với một số nhóm nhỏ dân số hay không, nhưng hầu hết thành viên cho biết họ chưa sẵn sàng đưa ra kết luận nếu không có thêm dữ liệu để nghiên cứu.
Các chuyên gia có thể họp lần hai trong một tuần hoặc 10 ngày tới, đồng nghĩa vaccine Johnson & Johnson tiếp tục bị đình chỉ trong quãng thời gian đó. Mỹ đã tiêm vaccine Johnson & Johnson cho 7,2 triệu người.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 14.070.890 ca nhiễm và 173.152 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 199.569 và 1.037 ca. Đợt bùng phát dịch thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.
Chính quyền bang Maharashtra, bang giàu có nhất của Ấn Độ và hiện là tâm dịch, đã ra lệnh đóng cửa phần lớn địa điểm công cộng và nơi tập trung đông người, chỉ trừ những nơi được coi là thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, ngân hàng và sàn chứng khoán. Mọi nhà máy và cơ sở công nghiệp cũng phải ngừng hoạt động, chỉ trừ một số đơn vị xuất khẩu hoặc sản xuất thiết bị cho những dịch vụ thiết yếu.
Chính phủ Ấn Độ cho rằng dịch bùng phát trở lại do tình trạng tập trung đông người và không đeo khẩu trang kể từ khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ tháng hai. Nhiều bang đã lên tiếng về tình trạng thiếu vaccine, dù chương trình tiêm chủng hiện nay chỉ áp dụng cho khoảng 400 triệu trong tổng số 1,35 tỷ người dân Ấn Độ.
Ấn Độ ngày 13/4 cấp phép khẩn cấp vaccine Sputnik V của Nga. Đây là loại vaccine thứ ba được phê duyệt ở nước này, sau Oxford-AstraZeneca và Covaxin, do công ty Ấn Độ Bharat Biotech phát triển.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 13.673.507 ca nhiễm và 361.884 ca tử vong, tăng lần lượt 71.941 và 3.166.
Video đang HOT
Brazil đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới, khiến các bệnh viện trên cả nước đều sắp bị quá tải. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đang vật lộn để đảm bảo đủ vaccine cho dân số 212 triệu người.
Bất chấp ca nhiễm gia tăng, Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phản đối phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác, đồng thời chỉ trích thống đốc và thị trưởng vì đã thực hiện chúng. Tòa án Tối cao Brazil hôm 8/4 yêu cầu Thượng viện mở cuộc điều tra cách chính phủ Bolsonaro xử lý đại dịch. Tổng thống Brazil sau đó lên tiếng phê phán cuộc điều tra, cho rằng đây là nỗ lực làm suy yếu chính phủ.
Pháp , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.149.834 ca nhiễm và 99.777 ca tử vong.
Tất cả các nhà hàng và quán cà phê ở Pháp đã bị đóng cửa 5 tháng qua. Pháp tuần này bắt đầu một đợt phong tỏa, hạn chế mới trên toàn quốc để đối phó tình trạng ca Covid-19 gia tăng.
Việc mở rộng triển khai vaccine đã mang lại sự lạc quan cho những người dân đã mệt mỏi vì phong tỏa. Tất cả người trên 55 tuổi hiện đủ điều kiện để tiêm vaccine. Pháp ngày 14/4 nói rằng họ sẽ giữ kế hoạch tiêm vaccine Johnson & Johnson cho người trên 55 tuổi.
Anh , báo cáo 4.378.305 người nhiễm và 127.161 người chết, tăng lần lượt 2.491 và 38 trường hợp.
Anh, một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, có tia hy vọng khi các quán rượu và nhà hàng được phép phục vụ ngoài trời từ ngày 12/4. Các tiệm làm tóc, phòng tập thể hình và bể bơi cũng được mở cửa trở lại.
Từng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu, Anh đã khởi động chiến dịch tiêm chủng thành công cùng với các biện pháp ngăn chặn, giúp giảm 95% ca tử vong và 90% ca bệnh từ tháng một.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.583.182 ca nhiễm, tăng 5.656, trong đó 42.906 người chết, tăng 124.
Jakarta hôm 10/4 cảnh báo 100 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể không được chuyển giao cho Indonesia đúng hạn, do những hạn chế xuất khẩu ở Ấn Độ. Jakarta có kế hoạch đầy tham vọng là tiêm chủng 181 triệu trong tổng số gần 270 triệu dân trong vòng một năm, chủ yếu dựa vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine AstraZeneca. Quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng ít nhất 15,6 triệu liều.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 892.880 ca nhiễm và 15.447 ca tử vong, tăng lần lượt 8.122 và 162 ca.
Philippines đã đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi sau khi EU xác định đông máu là tác dụng phụ của vaccine, khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine chống Covid-19 của nước này bị đình trệ.
Philippines đã nhận được khoảng 2,5 triệu liều vaccine Covid-19, phần lớn từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Họ cũng nhận được 525.600 liều AstraZeneca thông qua chương trình Covax, hầu hết đã được tiêm. Nước này dự kiến nhận thêm ba triệu liều AstraZeneca trong những tháng tới.
Campuchia ghi nhận thêm 178 ca nhiễm nCoV và hai ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.874, trong đó 35 người đã tử vong. Phần lớn ca nhiễm gần đây ở Campuchia là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.
Campuchia ra lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thị trấn Takmao từ 15/4 – 28/4, người dân không được rời khỏi nhà trừ vì mục đích thiết yếu, mọi cuộc tụ tập đều bị cấm, chỉ cửa hàng bán đồ thiết yếu được mở cửa. Người dân được phép đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm ba ngày một tuần.
Ca nhiễm tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng hai khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp quá tải và giới chức đang chuyển đổi trường học, hội trường tiệc cưới thành trung tâm điều trị cho những bệnh nhân gặp triệu chứng nhẹ.
Hai đòn giáng vào chiến dịch tiêm chủng châu Âu
Tuần trước, EU ra kết luận không tốt đẹp về AstraZeneca, tuần này, họ lại nhận tin xấu về vaccine Johnson & Johnson.
Cơ quan quản lý Anh và cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) giữa tuần trước xác định đông máu là tác dụng phụ rất hiếm của vaccine AstraZeneca. Hôm 13/4, Johnson & Johnson thông báo dừng triển khai vaccine ở châu Âu và Mỹ vì những lo ngại tương tự, tiếp tục đặt ra chướng ngại vật cho chiến dịch tiêm chủng của châu Âu.
Y tá tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho một người ngồi trên xe ở Pháp ngày 13/4. Ảnh: AFP .
Các quan chức châu Âu vốn tự tin rằng họ đã đảm bảo đủ liều vaccine thay thế cho AstraZeneca và sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trưởng thành của EU, tức khoảng 255 triệu người, vào cuối mùa hè. Ngày 13/4, họ chưa cho biết liệu mục tiêu này có lung lay sau khi dừng tiêm vaccine Johnson & Johnson hay không.
EU đặt hy vọng vào ít nhất 300 triệu liều dự kiến được chuyển đến trong ba tháng tới, 2/3 trong số đó từ Pfizer, công ty thường giao hàng đúng hạn.
Rắc rối với hai loại vaccine đang phủ bóng lên chiến dịch tiêm chủng của EU, vào thời điểm họ đang tăng tốc sau nhiều tháng nguồn cung thiếu hụt và gặp các vấn đề hậu cần. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại đang làm xói mòn niềm tin của người dân với vaccine.
Toàn EU vẫn tiêm vaccine AstraZeneca cho người cao tuổi, nhưng một số quốc gia lại có những quy định khác nhau khi sử dụng nó cho người trẻ hơn. Anh khuyến nghị không tiêm vaccine AstraZeneca cho người từ 30 tuổi trở xuống, ở Pháp và Bỉ là 55, trong khi ở Đức, Italy và Tây Ban Nha là 60. Các quốc gia khác như Na Uy và Đan Mạch không sử dụng vaccine AstraZeneca.
Điều này trái ngược với những khuyến nghị ban đầu khi vaccine AstraZeneca mới được triển khai. Một số quốc gia châu Âu khi đó không cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho người lớn tuổi vì thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả với nhóm này.
Theo một cuộc thăm dò của YouGov được công bố vào tháng trước, 61% người Pháp, 55% người Đức và 52% người Tây Ban Nha coi vaccine AstraZeneca là "không an toàn". Điều đó hoàn toàn trái ngược với kết quả của cuộc thăm dò tương tự hồi tháng hai, khi nhiều người ở các quốc gia đó, ngoại trừ Pháp, tin rằng vaccine an toàn.
Các nhà quản lý đã yêu cầu những người tiêm vaccine và bác sĩ phải đề phòng các triệu chứng nhất định, bao gồm đau đầu dữ dội, dai dẳng và các nốt xuất huyết nhỏ dưới da. Các nhóm bác sĩ đã chia sẻ hướng dẫn về cách điều trị những rối loạn này.
Ở Ba Lan, nơi chiến dịch tiêm chủng chủ yếu dựa vào AstraZeneca và chưa đưa ra hạn chế sử dụng vaccine này, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy nếu được lựa chọn, chưa đến 5% người Ba Lan chọn tiêm AstraZeneca.
Trên khắp EU, nhiều người muốn tìm đến các vaccine thay thế như Moderna và Pfizer. Dữ liệu từ 27 quốc gia EU cho thấy khối đã tiêm được 80% số liều vaccine họ có. Tuy nhiên, tỷ lệ này đối với vaccine AstraZeneca là 65%, cho thấy rằng nhiều liều loại này chưa được sử dụng.
Tuy nhiên, thật khó để dự đoán tác động của những rắc rối xoay quanh vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson với nỗ lực tiêm chủng của EU sẽ lớn đến mức nào, khi các quan chức ở Brussels đã nỗ lực tăng cường nguồn cung trong quý II.
EU dự kiến nhận được ít nhất 300 triệu liều vaccine, gấp ba lần mức họ nhận được trong quý một, gồm 200 triệu liều Pfizer- BioNTech, 35 triệu liều Moderna, 55 triệu liều Johnson & Johnson và 70 triệu liều AstraZeneca. Trong kịch bản lạc quan nhất, EU có thể nhận được lên tới 360 triệu liều vào tháng 6.
Giữa tuần trước, sau khi chính phủ Tây Ban Nha thay đổi giới hạn tuổi tiêm AstraZeneca, 2/3 số người có lịch tiêm phòng ở Madrid đã không tới tiêm theo lịch hẹn, quan chức y tế địa phương Antonio Zapatero cho biết.
Tại Alpes-Maritimes ở miền nam nước Pháp, nơi thường được coi là một trong những quốc gia do dự về vaccine nhất ở châu Âu, các dược sĩ cho biết nhiều người đến tiêm vaccine Covid-19 đã từ chối sau khi biết loại được tiêm là AstraZeneca.
Tại Bỉ, nơi việc sử dụng vaccine AstraZeneca cũng bị hạn chế, giới chức cho rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ không chững lại nhiều, nhưng họ vẫn lo ngại về tác dụng phụ đông máu.
Yves Van Laethem, một nhà dịch tễ học hàng đầu là người phát ngôn của tổ chuyên trách chống Covid-19 của Bỉ, dự đoán rắc rối về vaccine khiến chiến dịch tiêm phòng bị đình trệ hai tuần, sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các nhóm không phải người cao tuổi vào cuối mùa hè.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã không đưa ra ý kiến rõ ràng và đó cũng là một phần vấn đề, Van Laethem nói. "Khi bạn nói 'chúng tôi không đưa ra các hạn chế, nhưng chúng tôi xác định rằng vaccine có những tác dụng phụ nghiêm trọng' thì làm vậy vừa có yếu tố khoa học vừa có yếu tố ngoại giao".
Mặc dù EU phân phối cho các nước thành viên nhiều loại vaccine mà khối đã phê duyệt gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer, nhiều quốc gia ban đầu đã từ bỏ phần Pfizer và Moderna được chia vì thích vaccine AstraZeneca hơn, do loại này giá rẻ và không đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt.
"Ở Anh hoặc Đông Âu, phần lớn chiến dịch tiêm chủng là dựa vào AstraZeneca", Van Laethem nói.
Các thành viên giàu hơn trong khối như Đan Mạch, Pháp, Đức và Hà Lan có thể bù đắp việc công chúng mất niềm tin vào AstraZeneca, vì họ đã mua thêm vaccine từ nguồn khác, đặc biệt là Pfizer, từ các quốc gia đã từ bỏ nó. Những quốc gia từng "ruồng rẫy" Pfizer, như Bulgaria, Croatia, Latvia và Slovakia, giờ đây ít khả năng nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế.
Van Laethem cho rằng giới chức EU và các nước cần đánh giá tốt hơn lợi và hại của việc dùng AstraZeneca so với các loại khác.
"Điều quan trọng là làm cho mọi người hiểu rằng vấn đề là virus", ông nói. "Chúng ta phải tiêm phòng cho mọi người, nguy cơ liên quan đến Covid-19 cao hơn những tác dụng phụ hiếm gặp từ vaccine".
Nhà Trắng trấn an về ngừng tiêm vaccine Johnson & Johnson Nhà Trắng cho biết quyết định ngừng tiêm vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tiêm chủng tại Mỹ. "Vaccine Johnson & Johnson chiếm chưa đến 5% số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại Mỹ cho tới nay", Jeff Zients, điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho...