Mỹ tiến tới cuộc chiến toàn diện với Nga thông qua phe nổi dậy Syria
Lần đầu tiên kể từ chiến dịch quân sự của Nga, lực lượng nổi dậy tại Syria đã được Mỹ trang bị tận tay TOW – tên lửa chống tăng cực mạnh của Mỹ. Với động thái trên, Mỹ đang tiến gần cuộc chiến toàn diện với Nga thông qua lực lượng nổi dậy này.
Ảnh từ clip của quân nổi dậy Syria về tên lửa TOW đang được lực lượng này sử dụng để chống quân chính phủ Syria
Với động thái trên, Mỹ đang tiến gần đến cuộc chiến toàn diện với Nga, có điều ủy quyền cho lực lượng nổi dậy Syria trực tiếp chiến đấu.
“Chúng tôi có cái mình yêu cầu trong thời gian cực nhanh”, lãnh đạo một lực lượng nổi dậy ở Syria, ông Ahmad al-Saud hồ hởi tuyên bố. Ông này khoe thêm với tên lửa chống tăng TOW sản xuất tại Mỹ, chỉ trong 2 ngày, đơn vị của ông ta, sư đoàn 13 đã tiêu diệt 7 xe tăng và xe bọc thép.
Tên lửa TOW của Mỹ đã được đưa tới khu vực từ năm 2013. Đó là một phần của chương trình mật mà Mỹ phối hợp với Ả Rập Xê Út và các đồng minh khác để hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy được CIA hậu thuẫn chống chính quyền Syria. Lực lượng nổi dậy tại Syria luôn cần sự chuẩn thuận của Mỹ mỗi khi đưa các tên lửa này ra chiến trường.
Tờ The New York Times nhận định việc triển khai TOW lần này hẳn cũng là chiến lược của Mỹ, ít nhất là sự chuẩn thuận ngầm.
Lực lượng nổi dậy từng được Mỹ huấn luyện ở Syria – Ảnh: AFP
TOW “dí” xe tăng Nga
Những ngày qua, trên mạng bắt đầu xuất hiện những clip ghi cảnh tên lửa TOW của Mỹ “dí theo” những chiếc xe bọc thép do Nga sản xuất trên các chiến trường ở tỉnh Hama và Idlib. Quân đội chính phủ Syria đang sử dụng những xe bọc thép này.
Một lãnh đạo của lực lượng nổi dậy đang tham chiến ở Hama hồ hởi khoe với New York Times: “Chúng tôi muốn bao nhiêu (tên lửa TOW) cũng được và muốn lúc nào cũng có. Chỉ việc điền con số là xong”.
Tuy vậy, cũng có thông tin rằng các chỉ huy nổi dậy đã yêu cầu 500 tên lửa TOW do chính quyền Ả Rập Xê Út quản lý nhưng đã bị từ chối vì đòi hỏi quá nhiều.
Video đang HOT
Một nhóm binh lính của chính phủ Syria tại tỉnh Hama – Ảnh: AFP
Tự do tung tẩy
Ở bên kia chiến tuyến, một quan chức nằm trong liên minh Nga, Iran và Hezbollah – lực lượng nổi dậy Shiite ở Lebanon ủng hộ chính quyền Syria – nói rằng cả vũ khí và nhuệ khí của lực lượng này đang “ở một tầm cao mới”. Quan chức này nói rằng liên minh kể trên đang tiến tới rất gần chiến thắng.
Tương tự như chiêu tung clip TOW, các “fan” của Nga và Syria cũng tung các clip ghi cảnh trực thăng tấn công của Nga hạ thấp xuống sát các mục tiêu ở Syria đến độ có cảm giác như bụng trực thăng sắp chạm đất. Rồi bất ngờ, máy bay vút lên, nhả súng máy ầm ầm, bắn tên lửa vun vút.
Những tiếng nổ chát chúa vang lên. Những cột khói đen sì bốc cao từ những mục tiêu được Nga khoanh vùng là khủng bố.
Đến đây, xin nhắc lại rằng với Mỹ, khủng bố là IS; còn với Nga, khủng bố là hàng loạt thành phần nổi dậy, gồm cả những lực lượng được Mỹ huấn luyện và tài trợ vũ khí.
Xe bọc thép do Nga sản xuất có mặt khắp Syria – Ảnh: AFP
Dường như Nga đang dùng lại chiêu thức cũ từng sử dụng trên chiến trường Afghanistan xưa kia, nơi quân đội Liên Xô chống lại lực lượng nổi dậy ở đất nước bạt ngàn cánh đồng anh túc. Mỹ lập tức ra tay giúp ngay những thành phần chống Liên Xô này, tài trợ cả tên lửa phòng không cho họ. Thế là không ít những “người bạn thân” của Mỹ sau đó “lột xác” thành al-Qaeda, biến thành kẻ thù số 1 của Mỹ suốt nhiều năm dài, tấn công cả vào nước Mỹ trong sự kiện 11.9.
Nỗi ám ảnh đó hẳn vẫn còn đang đeo bám dai dẳng trong đầu người Mỹ, khiến “những người bạn nổi dậy ôn hòa” của Mỹ hiện nay ở Syria vẫn chưa có thứ mà họ khao khát nhất: tên lửa phòng không hòng ngăn máy bay Nga và chính quyền Syria hết dám tung tẩy lượn lên lượn xuống như thời gian qua.
Giữa bối cảnh chiến tranh đang leo thang trên mọi mặt trận như thế, viễn cảnh các bên ngồi lại với nhau để tìm một giải pháp ngoại giao càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Cuộc chiến Syria: Từ nội chiến trở thành cuộc chiến quốc tế hoá
Syria là nước đa sắc tộc, đa tôn giáo, giành độc lập từ Pháp năm 1946, nhưng từ đó phải sống trong những giai đoạn bất ổn chính trị bắt nguồn từ những xung đột lợi ích của nhiều tổ chức.
Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ, dần dần trở thành cuộc chiến quốc tế hoá - Ảnh: Reuters
Ông Hafez al-Assad trở thành tổng thống Syria năm 1971 sau các cuộc đảo chính trước đó. Chính quyền của ông được cho là có chính sách độc đoán trong nước và chống phương Tây mạnh mẽ. Sau khi ông Assad qua đời năm 2000, con trai ông là đương kim Tổng thống Syria hiện nay, Bashar al-Assad tiếp nối quyền lãnh đạo đất nước.
Sau khi nhậm chức, Bashar al-Assad ra lệnh thả hàng trăm tù nhân chính trị, nhưngtự do chính trị thật sự cũng như sự vực dậy nền kinh tế do nhà nước chi phối chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Nội chiến bùng nổ
Năm 2011-2012, những bất ổn trong khu vực, đặc biệt là phong trào Mùa xuân Ả Rập tại Tunisia, Ai Cập và Libya đã truyền cảm hứng cho các phong trào biểu tình chống chính quyền tại Syria. Người Syria bày tỏ thái độ bất mãn với tiến trình chính trị và đòi một cuộc cải cách dân chủ. Sau vụ chính quyền bắt giữ và tra tấn 15 thiếu niên vẽ tranh tường chống chính phủ, các cuộc biểu tình phát triển rầm rộ. Lực lượng an ninh chính phủ đã dùng xe tăng, pháo để chống người biểu tình, nhiều người bị bắt giữ.
Các phong trào phản kháng nhanh chóng lan rộng, các nhóm đối lập bắt đầu tổ chức các phe phái chính trị và quân sự chống chính quyền, dẫn đến việc chính phủ sử dụng sức mạnh quân sự để phản công, dân thường cũng bị ảnh hưởng. Đến năm 2012, căng thẳng giữa 2 phe leo thang thành cuộc nội chiến. Theo BBC, có đến hơn 1.000 nhóm nổi dậy chống đối chính phủ kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Cuộc nội chiến tại Syria khó kết thúc khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy còn đối đầu - Ảnh: Reuters
Nhiều người vẫn đang đặt câu hỏi về nguyên nhân khiến cho cuộc nội chiến xảy ra. Trong đó, một số cho là do cuộc chiến của các nhóm nổi dậy chống lại sự độc tài của chế độ Assad cầm quyền trong suốt hơn 40 năm. Một vài ý kiến khác nhìn nhận đó là cuộc chiến tranh giữa các sắc tộc người Hồi giáo, trong đó phe cầm quyền Hồi giáo dòng Shiite thân Iran xung đột với người Hồi giáo dòng Sunni trong nước cũng như tại các nước lân cận là Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, theo The Economist.
Vũ khí hóa học và phản ứng của phương Tây
Tháng 8.2013, một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra bên ngoài thủ đô Damascus (Syria), gây làn sóng phản ứng từ nhiều nước. Những cuộc thảo luận diễn ra sau đó nhằm tìm ra giải pháp chấm dứt hành động này và đưa người chịu trách nhiệm ra ánh sáng. Đến tháng 9.2013, Liên Hiệp Quốc xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria nhưng không nêu rõ người chịu trách nhiệm. Cả chính phủ và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau.
Vấn đề trở nên căng thẳng khi Mỹ và Anh hăm he muốn can thiệp quân sự vào Syria. Nga, một đồng minh thân cận của chính quyền Assad, ngay lập tức phản đối và cho rằng Mỹ cần tính toán hậu quả nếu muốn giải quyết chuyện nội bộ của Syria.
Tổng thống Putin khi đó nói: "Tôi muốn nhấn mạnh với ông Obama, một người nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, rằng trước khi sử dụng vũ lực tại Syria, cần phải suy nghĩ kỹ về con số thương vong trong tương lai", theo ABC News.
Tuy vậy, Nga sau đó đã đề xuất việc chính phủ Syria cho phép phá hủy các nhà máy vũ khí hóa học để tránh xung đột gia tăng. Việc phá hủy được tiến hành vào cuối năm 2013, và nhóm người thực hiện dự án này sau đó được trao giải Nobel Hòa bình.
Người dân Syria bị mắc kẹt giữa cuộc chiến - Ảnh: Reuters
IS trỗi dậy và sự can thiệp của quốc tế
Đầu năm 2014, một nhóm cực đoan nổi lên tại Iraq tự xưng là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhanh chóng gây ra nhiều hành động khủng bố ghê rợn đối với những ai phản đối quan điểm cực đoan của chúng. IS nhanh chóng chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và tràn sang Syria. Lợi dụng tình hình bất ổn, IS tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều vùng rộng lớn trên khắp Syria. Cuộc chiến lúc này không còn là chuyện tay đôi giữa chính quyền Assad và phe nổi dậy nữa. Đến tháng 9.2014, Mỹ, Anh và một số nước khác thành lập liên quân thực hiện các cuộc không kích nhằm ngăn chặn và tiêu diệt IS tại Syria và Iraq.
Người dân Syria bị mắc kẹt giữa cuộc chiến tàn khốc. Họ buộc phải rời nhà tìm đến những nơi an toàn hơn. Mỗi ngày, dòng người tị nạn cứ tiếp tục kéo về các nước lân cận như Lebanon, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ gặp nhiều nguy hiểm, thiếu thốn mọi thứ trên đường đi. Người tị nạn bất chấp tính mạng vượt biển để đến được các nước châu Âu nhằm tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Hơn 4 triệu người đã rời Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, hầu hết là trẻ em và phụ nữ. Liên tiếp những cái chết bi thảm của người tị nạn trên biển Địa Trung Hải, mà gần đây nhất là hình ảnh thi thể bé trai 3 tuổi người Syria dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ hôm 2.9 đã khiến cả thế giới phải bàng hoàng.
Cuộc chiến tại Syria khó có thể được giải quyết sớm khi 2 bên lực lượng chính phủ và phe nổi dậy không thể đánh bại lẫn nhau. Cả 2 phe này còn phải chống chọi với IS. Hơn nữa là sự mâu thuẫn về quan điểm của Mỹ và Nga trong việc giữ vững chế độ Assad. Mỹ thì muốn phe nổi dậy chống IS và chừng nào ông Assad còn cầm quyền thì IS còn tiếp tục lớn mạnh. Vì lý do đó, Mỹ sẽ phải tìm cách lật đổ chế độ Assad, nhưng điều này sẽ không dễ thực hiện khi mục tiêu quan trọng của Nga và cả Iran là tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad, theo tạp chí Newsweek.
Số người thiệt mạng vì cuộc nội chiến Syria được nhiều tổ chức ước tính. Theo Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (SOHR), đã có hơn 330.000 người chết và khoảng 13 triệu người bị thương và rời bỏ nhà cửa từ khi nội chiến bắt đầu năm 2011. Trong khi đó, con số do Liên Hiệp Quốc ước tính là hơn 220.000 người thiệt mạng.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Lợi bất cập hại Việc Mỹ thay đổi cơ bản cách thức huấn luyện phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria là sự thú nhận gián tiếp rằng cách thức được áp dụng lâu nay đã thất bại. Trong thực chất, Mỹ buộc phải thay đổi vì cách thức cũ đã bộc lộ lợi bất cập hại đối với Mỹ. Nga đã tham chiến ở Syria....