Mỹ thiệt hại khoảng 20 tỉ USD do siêu bão Sandy
Siêu bão Sandy đã quét qua bờ Đông nước Mỹ, đem theo mưa lớn, gió to và nước biển dâng nghiêm trọng. Đặc biệt, hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố New York nổi tiếng đang đối mặt với “thảm họa tồi tệ nhất từ trước đến nay”.
Một du chiếc thuyền và mọi thứ xung quanh bị đánh tan tác. New Jersey là tiểu bang bị thiệt hại nặng nhất.
Càn quét bờ Đông nước Mỹ
Cơn bão đã đổ bộ vào tiểu bang New Jersey khiến nước biển dâng cao kỷ lục ở thành phố New York, làm ngập xe cộ và đường xe điện ngầm. Phần lớn khu vực hạ Manhattan ở New York đã bị mất điện.
Cho đến giờ, đã có ít nhất 13 người tử vong do bão trên các tiểu bang. Ngoài ra, số người thiệt mạng ở Canada, Caribean lần lượt là 1 và 67 người- đưa tổng số người thiệt mạng do bão Sandy lên 81 người.
Khoảng 50 triệu người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng của bão với gần một triệu người được lệnh di tản.
Hơn 50 ngôi nhà đã bị phá hủy vì hỏa hoạn ở khu vực Queens. 170 lính cứu hỏa đã được điều động để giải thoát cho 70 người bị kẹt tại đây.
Khoảng 3 triệu người đang chịu cảnh không có điện. Tuy nhiên, quy mô thiệt hại đầy đủ của bão Sandy chỉ có thể được biết khi sang ngày mới.
Giao thông công cộng đã ngừng trệ tại một số tiểu bang miền Đông và hàng ngàn chuyến bay không thể cất cánh.
Hãng tin Bloomberg cho biết, số điện thoại 911 nhận khoảng 20 nghìn cuộc gọi khẩn cấp mỗi giờ.
Cả hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng là Barack Obama và Mitt Romney đều đã hủy các chương trình tranh cử, trong khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Manhattan bị nhấn chìm
Cơn bão đổ bộ gần thành phố Atlantic ở New Jersey vào khoảng 8 giờ tối (giờ địa phương- tức 7 giờ sáng giờ Việt Nam) hôm nay (30.10) với sức gió hơn 129km/h.
Video đang HOT
Phần lớn TP. Atlantic đã chìm trong biển nước và 30.000 cư dân được di tản.
Phố Wall tiếp tục bị đóng cửa ngày hôm nay và có thể sẽ phải đóng cửa tiếp vào ngày 31.10. Đây là lần đóng cửa lâu nhất tại đây kể từ vụ 11.9.2001- nguồn tin Financial Times cho biết.
Cũng theo Financial Times, mỗi ngày phố Wall đóng cửa sẽ khiến các sàn New York, Nasdaq và Chicago Board Options mất 1 triệu USD doanh thu mỗi ngày.
Nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất của Mỹ là Oyster Creek ở New Jersey đã được đặt trong tình trạng báo động do nước biển dâng- Ủy ban Điều phối hạt nhân cho biết.
Bão Sandy đe dọa một phạm vi rộng đến 1.290km- kéo dài từ Đại Tây Dương cho đến vùng Ngũ Hồ ở miền Trung Tây.
Nó đã suy yếu vào cuối ngày 29.10 khi tiến đến gần bờ biển và va chạm với nền thời tiết mùa đông. Tuy nhiên, sức gió của bão vẫn còn rất khủng khiếp.
Ở New York, khoảng 375.000 cư dân được lệnh rời khỏi vùng hạ Manhattan cũng như các khu vực khác giữa lúc nước các con sông Hudson và sông Đông bắt đầu tràn bờ.
“Hạ Manhattan đang bị nước biển nhấn chìm”- ông Howard Glaser- một quan chức cao cấp của chính quyền bang New York, nói.
Người phát ngôn của công ty điện lực chính của New York cho biết, khoảng 250.000 khách hàng của họ ở Manhattan đã bị mất điện.
Tình trạng khẩn cấp
Thị trưởng New York Michael Bloomberg cho biết, nước biển dâng do bão cao hơn so với mức dự đoán cao nhất. Tuy nhiên, ông cho hay nước có thể bắt đầu rút đi từ nửa đêm 30.10.
Hệ thống điện dự phòng tại Bệnh viện Đại học New York đã không hoạt động và giới chức đang tìm cách đưa bệnh nhân đến nơi khác- Bloomberg cho biết.
Hãng truyền thông Mỹ CNN đưa ra con số thương vong là 13 người ở các tiểu bang New Jersey, New York, Maryland, Pennsylvania và Connecticut. Một số nạn nhân tử vong là do cây cối đổ đè phải.
Các nhà dự báo khí tượng đã cảnh báo rằng, bão Sandy sẽ quanh quẩn trên phạm vi 12 tiểu bang trong vòng từ 24 đến 36 tiếng đồng hồ.
Tổng thống Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở các bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, New York, New Jersey và Pennsylvania.
Còn tại thủ đô Washington, các cơ quan chính quyền liên bang tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 31.10.
Người phát ngôn của Cơ quan Quản lý tàu điện ngầm (MTA) của New York- ông Kevin Ortiz- nói với Hãng thông tấn Mỹ CNN, sẽ cần 14 giờ đến 4 ngày để rút hết lượng nước ngập trong các hệ thống tàu điện ngầm tại đây.
Các tuyến đường sắt ở vùng đông bắc cũng được tạm dừng, trong khi gần 14.000 chuyến bay đã bị hủy.
Hãng đánh giá thảm họa Eqecat đã ước tính rằng, cơn bão Sandy có thể gây thiệt hại kinh tế cho Mỹ vào khoảng từ 10-20 tỉ USD.
Trước đó, cơn bão này đã giết chết hàng chục người khi nó quét qua vùng biển Caribean- nhất là tại quốc đảo Haiti.
Theo laodong
Obama, Romney dừng chạy đua để đối phó siêu bão
Tổng thống Barack Obama đã rời chiến dịch tranh cử để trở về vai trò lãnh đạo, đối thủ Mitt Romney cũng hoãn chạy đua để chia sẻ khó khăn với các cử tri, khi siêu bão Sandy đang hoành hành làm ít nhất 13 người thiệt mạng.
Ông Obama phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang về bão Sandy hôm 28/10. Ảnh: AFP
Hai ứng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều tuyên bố hủy bỏ các cuộc vận động tranh cử khi những cơn gió to, sóng lớn và mưa ào ạt trút xuống làm tê liệt đông bắc nước Mỹ. Giới chức các địa phương cho biết đến nay bão đã làm ít nhất 13 người thiệt mạng và khiến 6,5 triệu người tại 13 bang phải sống trong cảnh không có điện.
Nước biển đã len lỏi vào giữa những khu nhà chọc trời của New York, gây ngập các hầm đường bộ, khiến 200 bệnh nhân ở bệnh viện thành phố phải sơ tán. Hệ thống tàu điện ngầm 108 tuổi của thành phố này chưa bao giờ hứng chịu một trận thiên tai khủng khiếp như đêm qua, giới chức cho hay. Nhà máy điện hạt nhân ở New Jersey bị ngập, trong khi một vụ nổ xảy ra ở nhà máy điện Con Edison ở New York khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện.
Khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ chính thức 6/11 đang đến gần, cơn bão lịch sử đã khiến các chiến dịch tranh cử rơi vào tình trạng lộn xộn, cản trở việc bỏ phiếu sớm và có thể nhấn chìm nỗ lực cạnh tranh với đối phương của hai ứng viên.
"Đây là một cơn bão lớn và mạnh", ông Obama cảnh báo sau cuộc họp với các quan chức về thiên tai và đối phó khẩn cấp tại Nhà Trắng hôm qua, khi ông hủy bỏ các sự kiện tại những bang trọng yếu Florida, Ohio, Virginia để quay về Washington.
"Có một điều tuyệt vời về nước Mỹ đó là khi cùng trải qua những thời điểm khó khăn như thế này, tất cả chúng ta xích lại gần bên nhau", ông nói. "Cuộc tranh cử sẽ tiếp tục vào tuần tới. Còn bây giờ, ưu tiên số một của chúng ta là đảm bảo tính mạng cho người dân".
Trong khi tổng thống Mỹ đang chỉ đạo chính phủ ứng phó với cơn bão từ phòng Tình huống ở Nhà Trắng, đối thủ của ông lại lăn lộn cùng với các cử tri của nhiều bang.
Ông Romney đã hủy các sự kiện tranh cử cuối ngày hôm qua ở Winconsin và tất cả các sự kiện hôm nay như một cách hướng về hàng triệu người dân nằm trên đường đi của bão. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục lịch trình dự kiến tại Iowa và Ohio. Ứng viên đảng Cộng hòa nói với những người ủng hộ tại Ohio rằng người Mỹ ở Bờ Đông đang đối mặt với "thời điểm vô cùng khó khăn" trong cơn bão.
"Có những gia đình nằm trên đường đi của bão sẽ phải hứng chịu những tổn thất, có thể là về tài sản hoặc nghiêm trọng hơn", ông nói và kêu gọi những sự quyên góp về Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
Ông Romney tại Davenport, Iowa hôm qua. Ảnh: AFP
Romney đang ở tình thế khó khăn, bởi ông buộc phải cân bằng giữa tham vọng tận dụng những ngày cuối cùng để thu hút cử tri, và nguy cơ bị đánh giá là thờ ơ trước những người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi bão Sandy. Ông từng bị cáo buộc lợi dụng thảm kịch để đạt được mục đích chính trị quanh vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi tháng trước.
Tương tự, bất kỳ sai lầm nào của ông Obama trong thời gian đối phó với siêu bão cũng có thể là mục tiêu chỉ trích để đối thủ Romney giành ưu thế. Các nhân viên thuộc nhóm tranh cử phàn nàn rằng họ không thể lường trước được sự cố bất ngờ này và có khả năng cơn bão sẽ làm thay đổi giai đoạn cuối của cuộc bầu cử. Dù ông Obama có thể tận dụng vị trí cầm quyền để thể hiện tài năng lãnh đạo, nhưng ông cũng có thể mất điểm nặng nề nếu xử lý thiên tai chậm chạp và yếu kém.
Những quan chức hàng đầu của Mỹ đã thực sự thấm thía về mối liên hệ giữa thiên tai và chính trị, sau vụ việc cựu tổng thống George W. Bush ứng phó vụng về trước cơn bão Katrina cách đây 7 năm. Thông tin hỗn loạn và lãnh đạo không nhất quán đã khiến hàng nghìn người mắc kẹt ở New Orleans lúc đó. Chính quyền Obama sau này đã phải tiến hành các cải cách về dịch vụ cứu hộ và ứng phó khẩn cấp.
Tình trạng mất điện lan rộng ở các bang quan trọng như Virginia cũng sẽ gây ảnh hưởng cho cả hai chiến dịch tranh cử, khi hai bên đã lên kế hoạch thu hút cử tri bằng những quảng cáo không ngừng nghỉ trên tivi trong suốt những ngày cuối cùng.
Ông Romney hiện dẫn trước một vài điểm tại một số cuộc thăm dò toàn quốc nhưng ông Obama lại có lợi thế trong cuộc chạy đua giành 270 phiếu đại cử tri cần có để đảm bảo vị trí ông chủ Nhà Trắng.
Cuộc thăm dò hôm qua của GWU/Politico/Battleground cho thấy tổng thống đang dẫn trước một điểm. Cuộc thăm dò của CNN/ORC ở Florida, bang tranh cử lớn nhất, lại cho thấy cuộc đua diễn ra sít sao khi ông Romney chỉ dẫn trước đối thủ một điểm.
Theo VNE
Thuyền cướp biển' gặp nạn trong siêu bão Mỹ Chiếc thuyền buồm từng xuất hiện trong bộ phim "Cướp biển Caribbean" hôm qua gặp nạn trong siêu bão Sandy, khiến hai người mất tích ngoài khơi bang Bắc Carolina của Mỹ. Thuyền HMS Bounty. Ảnh minh họa: AFP Các trực thăng của tuần duyên Mỹ đã đưa được 14 người trên thuyền HMS Bounty tới nơi an toàn, AFP đưa tin. Tuy...