Mỹ tháo dỡ tàu ngầm tấn công hạt nhân Miami
Hải quân Mỹ đã quyết định tháo dỡ tàu ngầm hạt nhân USS Miami thay vì sửa chữa nó do ngân sách bị cắt giảm và chi phí sửa chữa quá cao, sau khi con tàu bị hư hại nặng trong một vụ hỏa hoạn hồi năm ngoái.
Casey James Fury đã cố tình phóng hỏa tàu ngầm Miami hồi năm ngoái.
“Việc cho tàu ngầm Miami ngừng hoạt động là một quyết định khó khăn. Quyết định được đưa ra sau một cuộc phân tích kỹ lưỡng và đây không phải là một quyết định nóng vội”, Thiếu tướng hải quân Rick Breckenridge, người đứng đầu đơn vị tác chiến dưới biển tại Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố ngày 6/8.
Ông Breckenridge nói thêm rằng việc sửa chữa con tàu có thể làm trì hoãn hoạt động của hàng chục tàu khác do ngân sách bị cắt giảm và ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của hải quân.
Một nhân viên đóng tàu, Casey James Fury, ở Portsmouth, bang New Hampshire, đã bị kết án tù 17 năm sau khi thừa nhận phóng hỏa tàu ngầm Miami, khi nó đang trải qua cuộc đại tu kéo dài 20 tháng tại xưởng đóng tàu của hải quân Mỹ tại Kitterny, bang Maine hồi tháng 5/2012.
Video đang HOT
Hơn 100 nhân viên cứu hỏa đã phải mất 12 giờ mới dập tắt được đám cháy trên tàu ngầm tấn công. 7 người đã bị thương trong vụ hỏa hoạn.
Vụ hỏa hoạn đã làm hư hại các ngăn trên tàu, trong đó có khu vực ở của thủy thủy, một trung tâm kiểm soát và điều khiển, và ngăn ngư lôi. Khi xảy ra hỏa hoạn, các vũ khí đã được di dời khỏi tàu để sửa chữa và ngọn lửa không lan tới khía sau tàu ngầm, nơi có lò phản ứng hạt nhân.
Hồi năm ngoái, hải quân Mỹ thông báo có ý định sửa chữa Miami để đưa nó trở lại phục vụ vào năm 2015. Hải quân cho hay việc sửa chữa sẽ giúp con tàu 22 năm tuổi phục vụ thêm 10 năm nữa.
Hải quân Mỹ năm ngoái ước tính rằng chi phí sửa chữa tàu Miami tiêu tốn ít nhất 450 triệu USD, và ít nhất 94 triệu USD đã được chi để lên kế hoạch công việc sửa chữa. Tuy nhiên, các ước tính về chi phí sửa chữa đã tăng lên đáng kể trong năm qua.
Các thượng nghị sĩ Mỹ, Susan Collins và Angus King của bang Maine và Kelly Ayotte của bang New Hampshire, đã ra một tuyên bố bày tỏ sự thất vọng với quyết định cho “về hưu” tàu ngầm Miami.
“Chúng tôi thất vọng với quyết định của hải quân về việc không tiếp tục sửa chữa USS Miami. Loại bỏ Miami đồng nghĩa với một sự mất mát đối với hạm đội tàu ngầm hạt nhân của chúng ta – một hậu quả không may mữa của việc cắt giảm ngân sách trên diện rộng… Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cùng nhau tìm một giải pháp ngân sách đáng tin cậy để bù vào việc cắt giảm ngân sách”, tuyên bố của các nghị sĩ Mỹ viết.
USS Miami là một tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của hải quân Mỹ. Đây là con tàu thứ 3 được đặt tên theo thành phố Miami. Tàu được biên chế trong hải quân Mỹ từ năm 1990.
Theo Dantri
Lĩnh án 17 năm tù vì đốt tàu ngầm hạt nhân
Một công nhân sơn tàu tại Mỹ vừa bị tòa án bang Maine kết án 17 năm tù kèm theo khoản tiền bồi thường lên tới 400 triệu USD vì tội phóng hỏa một tàu ngầm hạt nhân của quân đội Mỹ, với lý do muốn được nghỉ việc.
Casey James Fury phải trả giá đắt vì đốt tàu ngầm
Thủ phạm của sự việc nghiêm trọng trên là Casey James Fury, 25 tuổi. Tại phiên tòa hôm 15/3, công nhân này đã thừa nhận việc phóng hỏa tàu ngầm hạt nhân USS Miami thuộc lớp Los Angeles đang đậu trong cảng, gây thiệt hại tới 450 triệu USD. Các khu vực bị hư hại gồm có các khu vực sinh hoạt, một buồng chỉ huy và trung tâm điều khiển và phòng ngư lôi.
Cho đến nay việc sửa chữa vẫn chưa được thực hiện do chính phủ Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Vụ hỏa hoạn bên trong tàu đã khiến hơn 100 lính cứu hỏa phải tham gia chữa cháy. Họ chỉ kiểm soát được đám cháy sau 12 giờ.
Dù được trang bị bình dưỡng khí đủ dùng 20 phút nhưng thực tế các lính cứu hỏa chỉ ở bên trong tàu được 2-3 phút do khói và sức nóng. 7 người đã bị thương nhưng rất may là không có trường hợp nào tử vong và vũ khí trên tàu không bị ảnh hưởng.
Nhân chứng Eric Hardy, một nhân viên cứu hỏa của xưởng đóng tàu bị thương ở lưng và vai trong lúc chữa cháy, đã thuật lại tại tòa rằng: "Từ ngữ đúng nhất để miêu tả vụ cháy đó là chúng tôi phải chui từ ống khói xuống để dập lửa trong một lò sưởi đốt bằng củi".
Là một thợ sơn kiêm nhân viên phun cát làm việc trong phòng ngư lôi, Fury khai y đã phóng hỏa đốt con tàu hôm 23/5. Y cho biết vào thời điểm đó mình đang phải dùng thuốc điều trị chứng suy sụp tinh thần và lo âu. Y cũng thừa nhận là thủ phạm gây ra vụ cháy thứ hai bên ngoài tàu ngầm USS Miami hôm 16/6 mặc dù ban đầu chối tội. Nhưng vụ cháy thứ hai không gây thiệt hại đáng kể.
Có một điều bất ngờ là động cơ của tên này rất lạ lùng. Theo đó y chỉ muốn nghỉ việc sau khi "bắt đầu nhắn tin cho bạn gái cũ và cố gắng thuyết phục cô ta rằng y chính là người yêu của cô chứ không chỉ là bạn như cô nghĩ". Nhưng do đã hết tiêu chuẩn nghỉ phép và nghỉ ốm nên Fury đã quyết định đốt tàu ngầm để khiến công việc không thể tiếp tục.
Sau khi hoàn thành án phạt tù, Fury sẽ bị giám sát trong vòng 5 năm và còn phải nộp khoản tiền bồi thường tới 400 triệu USD. Dù vậy, cơ quan công tố cho rằng khó lòng có thể thu được một phần số tiền này.
Theo Dantri
7 người chết trong vụ bắt cóc con tin ở Mỹ Một tay súng bắt giữ các con tin tại một tòa nhà gần Miamai, bang Florida (Mỹ) đã bắn chết 6 người trước khi bị cảnh sát tiêu diệt. Các cảnh sát có mặt gần tòa nhà nơi xảy ra vụ xả súng và bắt cóc con tin. Các cảnh sát đã bao vây một tòa nhà chung cư ở Hialeah, phía bắc...