Mỹ Thanh – dòng sông mang tên công chúa
Trên cung đường Nam Sông Hậu (qua địa phận thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) có một cây cầu lớn bắc qua một dòng sông thuộc địa bàn tỉnh Sóc Trăng mang tên nàng công chúa Mỹ Thanh – con vua Gia Long.
Cánh đồng năn ngày nào giờ là khu nuôi tôm chuyên nghiệp
Tương truyền, công chúa Mỹ Thanh bị bệnh mất sớm, được an táng bên bờ sông, ngay cửa biển nên người dân địa phương lấy tên nàng đặt cho dòng sông và cửa biển ấy: sông Mỹ Thanh và cửa biển Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông.
Sau này, khi bắc cây cầu mới nối liền huyện Trần Đề với thị xã Vĩnh Châu trên cung đường Nam Sông Hậu, chính quyền địa phương đặt tên là cầu Mỹ Thanh 2 (cầu Mỹ Thanh 1 được xây dựng trước đó, nằm phía trong đất liền, cũng bắc qua sông Mỹ Thanh). Không xa cầu Mỹ Thanh 2 và ngôi miếu thờ công chúa Mỹ Thanh là khu du lịch Hồ Bể. Tên gọi này cũng gắn liền với những huyền thoại về nàng công chúa trong những ngày cùng cha tá túc vùng đất này.
***
Ngày nay, nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó, phía huyện Trần Đề hay đứng trên cầu Mỹ Thanh 2 nhìn sang khu vực Xâm Pha, vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh, người dân địa phương quen gọi là miếu Hoàng Cô) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đáy, đi ghe cào…
Ở khu vực giồng cát phía trong, từ lâu tập trung đông đảo người Hoa rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím cùng các loại hoa màu khác cung cấp cho địa phương và các tỉnh thành lân cận, cũng là nơi xuất khẩu hành, tỏi phi cho các nước Đông Nam Á.
Đứng trên cầu Mỹ Thanh 2 trong mùa gió chướng giáp tết thổi về, từng luồng gió biển lồng lộng như xua đi nhiệt độ oi nồng buổi trưa miền Tây nắng cháy. Phóng tầm mắt hướng về cửa biển ánh màu xanh thẳm, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của biển trời bao la. Thỉnh thoảng, một chiếc tàu cao tốc từ cảng Trần Đề ra Côn Đảo lại chạy ngang qua. Con sóng xé toạc mặt biển trắng xóa, lao về nơi từng được ví là “địa ngục giữa trần gian”.
Video đang HOT
Cầu Mỹ Thanh 2 là công trình trọng điểm và bề thế nhất trên cung đường Nam Sông Hậu, cách cửa biển Mỹ Thanh chưa đầy hai cây số, nối đôi bờ địa phận Vĩnh Châu với Trần Đề và là nơi để ngắm nét đẹp hùng vĩ của Biển Đông dưới nắng vàng. Chiếc cầu dài 611 mét, mặt cầu rộng 12 mét. Từ đây, cung đường Nam Sông Hậu đi vào địa phận xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, nối với Đường tỉnh 113 dọc bờ biển Vĩnh Châu về Bạc Liêu và hướng ngược lại đi qua địa phận Hậu Giang, thành phố Cần Thơ nối liền Quốc lộ 91B, thẳng lên Long Xuyên, Châu Đốc qua nước bạn Campuchia. Anh bạn đồng nghiệp vốn rành rẽ về vùng đất này cho tôi biết đâu là hướng của Hồ Bể, đâu là khu vực Xâm Pha, đâu là rừng chà là với món khoái khẩu của người dân nơi đây: đuông chà là.
Ngày trước, khi đám chà là còn được gọi là rừng nguyên sinh, con đuông chà là cũng là “con” xóa đói giảm nghèo của không ít hộ dân nơi đây. Cây chà là đầy gai góc, muốn chặt được một ngọn chà là có con đuông không dễ chút nào. Bây giờ, những đám rừng chà là đã dần biến mất, nhường chỗ cho những vuông tôm hiện đại cùng với nhiều dự án phát triển kinh tế khác. Có lẽ mai này, con đuông chà là sẽ cùng chung số phận với con cá cháy – một sản vật của vùng ven sông Hậu, nay chỉ còn trong ký ức.
***
Gần cửa biển Mỹ Thanh và ngôi cổ miếu Hoàng Cô là khu du lịch Hồ Bể. Hồ Bể nằm ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, cách chân cầu Mỹ Thanh 2 khoảng hai cây số. Bãi biển Hồ Bể là sản phẩm độc đáo thiên nhiên hào phóng ban tặng cho bờ biển Vĩnh Châu.
Đó là một vũng (hồ) nhỏ lùi vào phía trong đất liền nằm gần cửa biển Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu do cát vàng bồi. Những đụn cát cứ thay đổi thường xuyên theo mùa gió và sóng biển. Mùa gió chướng, sóng lớn đập mạnh vào bờ cộng với triều cường dâng nhanh làm vỡ những vành hồ đã hình thành trước đó trong mùa nồm Nam; thế là cái hồ vừa tạo thành không lâu lại bể đi. Có lẽ đây chính là điều đã làm nên địa danh “Hồ Bể”.
Tuần tra rừng phòng hộ ven biển
Theo người dân bên đôi bờ Mỹ Thanh, vào những ngày cuối tuần, không ít du khách từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ… kéo nhau về đây, mướn tàu đi câu cá ở cửa biển hay tắm biển Hồ Bể. Khi chúng tôi đề cập chuyện tổ chức loại hình “du lịch câu cá”, anh Lâm Sơn – chủ một quán nước ở khu du lịch Hồ Bể – cho biết: “Bà con nơi đây đã nghĩ tới chuyện này lâu rồi nhưng một phần do vốn không nhiều, một phần chưa có kinh nghiệm, sợ bị lỗ nên đến giờ vẫn chưa thực hiện”.
Anh Thạch Tôn – chủ một quán nhậu bình dân trên con đường dẫn ra Hồ Bể – cho hay: “Từ khi con đường Nam Sông Hậu hoàn thành, dịp cuối tuần, người dân các nơi kéo về khá đông để tắm biển, ăn uống, ca hát, câu cá ngát… Cá ngát ở bìa rừng giáp biển khá nhiều, chỉ chừng bắp tay nhưng chắc thịt, nấu với trái bần rất ngon”. Rồi anh hỏi chúng tôi: “Mấy anh có ăn cá thòi lòi nấu canh chua chưa? Ngon lắm!”. Cá thòi lòi kho tiêu hay nướng muối ớt chúng tôi ăn đã nhiều nhưng canh chua cá thòi lòi thì chưa.
Buổi trưa, dưới mái nhà lợp bằng lá dừa nước để làm dịu đi không khí oi nồng, chúng tôi quây quần bên nồi canh chua cá ngát, cá thòi lòi thơm lựng. Canh chua cá thòi lòi quả thực hấp dẫn không kém bất kỳ món canh chua nào.
***
Cách Hồ Bể không xa, phía ngoài biển còn có một cồn cát nhỏ, khi thủy triều rút xuống, lộ ra bãi cát vàng trong veo, thường được gọi là cồn Tiên. Tương truyền vào những đêm trăng thanh, gió mát, các tiên nữ hay xuống tắm, ca hát, vui đùa trên cồn này. Khi thủy triều dâng, cồn Tiên biến mất cùng sóng biển. Khi nước biển nổi bọt, theo kinh nghiệm của người dân miền biển, phải nhanh chân chạy vào bờ, nếu không sẽ có thể bị sóng cuốn ra xa, nhấn chìm.
Xa xa về cuối cung đường Nam Sông Hậu là vùng làm nghề muối truyền thống nổi tiếng từ xưa; gần đó là khu vực điện gió của Vĩnh Châu đang được xây dựng cùng với điện gió Bạc Liêu làm nên khu vực năng lượng sạch, hòa cùng lưới điện quốc gia thắp sáng cho tương lai.
Nghề làm muối truyền thống ở Mỹ Thanh
Gió chướng thổi thốc lành lạnh trên bãi biển Hồ Bể hoang sơ nhưng trong lòng tôi, một luồng không khí ấm áp của làn gió xuân đang nhè nhẹ thổi về. Hy vọng sắp tới, Mỹ Thanh – vùng đất mang tên nàng công chúa yểu mệnh – như một con rồng ngủ quên lâu ngày sẽ trở mình, vươn ra biển lớn, làm nên một cuộc đổi đời ngoạn mục mà bao thế hệ người dân nơi đây luôn mơ ước.
Lãng mạn mùa thu ở hồ Trúc Bài Sơn (Quảng Ninh)
Hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn thôn Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cách trung tâm huyện khoảng 20km.
Hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn thôn Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cách trung tâm huyện khoảng 20km. Hồ Trúc Bài Sơn còn gọi là "hồ trên núi", bốn mùa đều đẹp nhưng lãng mạn nhất là mùa thu.
Hồ Trúc Bài Sơn có diện tích 110ha, lượng nước trong hồ thường xuyên đạt khoảng 15 triệu m3, nước được hợp từ các con suối ở các thôn, bản Quảng Mới, Tài Chi, Lồ Má Coọc (xã Quảng Sơn) chảy về. Mùa thu có nhiều ngày mưa với sương mù, những ngày trời đẹp nắng vàng màu mật ong khiến lòng hồ càng thêm lãng mạn.
Chiều thu, mặt trời vàng màu mật ong in bóng xuống lòng hồ Trúc Bài Sơn.
Công trình thủy lợi được xây dựng tại hồ Trúc Bài Sơn năm 1988, đến năm 1991, hồ chính thức được vận hành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình điều hòa lũ, phục vụ tưới tiêu cho 3.100ha đất nông nghiệp các xã Quảng Sơn, Quảng Phong, Quảng Long, Quảng Chính, Quảng Thịnh, Quảng Điền và Quảng Trung của huyện Hải Hà.
Tuy chưa phải là điểm du lịch, nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ đến đây vào ngày cuối tuần. Lòng hồ có nhiều cá, nhiều người dân sống bằng nghề đánh cá dưới hồ. Mỗi mùa đến, Trúc Bài Sơn đều có vẻ đẹp riêng, nhưng có lẽ mùa thu là mùa đẹp nhất dù trong thời tiết nào. Kể cả những ngày không nắng nhiều sương mù, khi ấy ta cùng chiếc thuyền độc mộc bơi giữa lòng hồ, nước hồ trong veo, xa xa là ngọn núi Đục cao 1.000m, mây vờn đỉnh núi giống như cảnh thần tiên.
Hồ Trúc Bài Sơn là nơi trú ngụ của những đàn cò.
Những ngày nắng đẹp, hồ Trúc Bài Sơn là bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Nhiều đảo nhỏ mồ côi với những cây sang thu lá chuyển vàng, xen kẽ với những cây lá xanh bốn mùa. Bầu trời trong veo, nắng thu vàng rực trải đều trên mặt hồ khiến nước hồ như trong hơn, in bóng những làn mây trắng. Xa xa những đàn cò trắng ước tính hàng trăm con chợt tung cánh cùng một lúc bay lên, phá vỡ không gian yên lặng bởi tiếng kêu gọi nhau trên bầu trời.
Về buổi chiều, mặt trời mùa thu giống như chiếc bánh mật ong khổng lồ in bóng xuống lòng hồ gợi ta nhớ đến bài hát "Hồ trên núi" của nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Nhìn bóng chiều in ngấn nước, ta nhìn đất trời một dòng nghiêng soi, nghe tiếng rừng nghe tiếng suối, xôn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi...". Nhiều khi nhớ tới bài hát này, tôi thấy sao mà giống Trúc Bài Sơn đến thế, như nhạc sĩ đã đến đây và sáng tác bài hát về nơi này.
Đến với hồ Trúc Bài Sơn, bạn có thể ghé thăm bản Tài Chi, xã Quảng Sơn, nơi đây có thác Đôi, biểu tượng tình yêu giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thác Đôi được tạo ra từ bàn tay khéo léo của tạo hóa giữa trùng trùng những cánh rừng nguyên sinh. Còn một điều thú vị nữa của xã Quảng Sơn là xã có đến 90% người dân là dân tộc Dao. Bà con còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa của dân tộc mình, đa phần phụ nữ đều biết thêu thùa những bộ quần áo truyền thống.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đến Trúc Bài Sơn vào mùa thu, bạn sẽ còn nhiều điều để khám phá.
Arctic Bath - Khách sạn kiệt tác giữa dòng sông băng giá Khách sạn mang đến cho du khách trải nghiệm chăm sóc sức khỏe độc đáo quanh năm ở Bắc Cực với bồn tắm nước đá siêu lớn. Có vô số cách để trải nghiệm vùng đất Lapland ban sơ ở Thụy Điển, nhưng qua đêm tại khách sạn nổi trên sông băng có lẽ sẽ là trải nghiệm độc đáo nhất. Arctic Bath...