Mỹ thách thức Trung Quốc ở biển Đông thế nào?
Phát biểu với các binh sĩ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ “mài sắc khía cạnh quân sự” để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Tư lệnh không quân Mỹ Deborah James tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra hàng không ở biển Đông…
Tư lệnh không quân Mỹ, bà Deborah James. Ảnh: AP.
Tư lệnh không quân Mỹ Deborah James tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra hàng không ở biển Đông để phản ứng lại việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam).
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện quyền tự do đường không phù hợp luật pháp quốc tế ở biển Đông” , bà James nói với tờ National Interest. Chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở biển Đông là “rất đáng lo ngại”, người đứng đầu không quân Mỹ nhấn mạnh đây là nguyên nhân căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ Washington – Bắc Kinh.
Không quân
Bà James cho rằng, Trung Quốc dường như không muốn dừng các nỗ lực xây đảo nhân tạo ở Trường Sa (của Việt Nam) nhằm thể hiện chủ quyền với vùng biển có trị giá thương mại ít nhất 5.000 tỷ USD lưu thông mỗi năm.
Video đang HOT
James nói ở các nơi bà đến ở châu Á, tình hình biển Đông luôn được nhắc tới. Không nhắc tới thời gian và địa điểm cụ thể của các chuyến bay tuần tra vì lý do an ninh quân sự, song James nhấn mạnh chắc chắn không quân Mỹ sẽ hoạt động để chống lại “sự khiêu khích” từ phía Trung Quốc.
Dẫn chứng cho tuyên bố của mình, bà James nhắc lại việc Mỹ từng cho máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc đơn phương thành lập ở biển Hoa Đông cách đây vài năm.
“Chúng tôi tôn trọng và muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng với điều kiện nước này phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do và luật pháp chắc chắn sẽ là một khả năng chúng tôi lựa chọn”, bà James tuyên bố.
Phản ứng của Mỹ xuất hiện sau khi tờ Diplomat trích dẫn nguồn tin giới chức Trung Quốc nói nước này có ý định thiết lập ADIZ ở biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang rất thận trọng với quyết định này, bởi nó có thể dẫn đến các phản ứng “mạnh mẽ” của Mỹ và đồng minh.
Theo thống kê của quân đội Mỹ, trong những năm qua, Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông với tổng diện tích lên đến hơn 1.600 ha. Tại các đảo nhân tạo, Bắc Kinh xây dựng đường băng, đài chỉ huy, tháp điều khiển được các chuyên gia quân sự cho là nhằm phục vụ cho chiến đấu cơ. Giới quân sự Mỹ cũng tin rằng Trung Quốc đã triển khai các hệ thống vũ khí như tên lửa, pháo binh và trên các đảo nhân tạo.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết các nhà chứa máy bay Trung Quốc trên đá Chữ Thập và Su Bi (thuộc Trường Sa của Việt Nam) sắp được hoàn thành. Công trình trên đá Vành Khăn vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng đầu tiên.
Mỗi khu nhà chứa máy bay được thiết kế tối đa cho 24 chiến đấu cơ, giúp Trung Quốc có thể triển khai một phi đội tiền tiêu gồm 72 tiêm kích ở biển Đông vào bất cứ lúc nào, gần gấp đôi phi đội tiêm kích chiến thuật trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
James nhận xét việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông “nhiều hơn tính biểu tượng” nhằm đòi hỏi chủ quyền. “80% lượng khí đốt trên thế giới lưu thông qua biển Đông. Hành động bành trướng của Trung Quốc có thể gây mất an ninh nghiêm trọng ở khu vực”, James nói.
Tư lệnh không quân Mỹ nói các đồng minh ở châu Á đang yêu cầu Washington cho máy bay ném bom “hiện diện liên tục” ở biển Đông, có thể là các phi cơ chiến lược như B-1, B-2 và B-52.
Hải quân
Trung úy Terry Loren, người phát ngôn Hải quân Mỹ khẳng định lực lượng này sẽ tiếp tục tuần tra bảo đảm tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế ở biển Đông. “Chúng tôi không có bình luận cụ thể về các hoạt động ở biển Đông, song Mỹ duy trì lập trường mạnh mẽ về việc cần thiết đảm bảo luật pháp quốc tế tại khu vực này thông qua các hoạt động tuần tra”, tờ Scout Warrior dẫn lời Loren.
Mỹ là một trong những nước thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài tại The Hague, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” do Bắc Kinh nêu ra, đòi hỏi chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông. Lầu Năm Góc cũng nhiều lần tuyên bố đã đưa chiến hạm vào trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép của Việt Nam tại Trường Sa.
Máy bay ném bom B-1 của Mỹ và số vũ khí có thể mang theo. Ảnh: National Interest.
Cũng giống lực lượng không quân, chi tiết về các hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ không được tiết lộ. Loren nhấn mạnh rằng việc tuần tra chắc chắn sẽ tiếp tục.
Hôm 30/9, phát biểu trên tàu sân bay USS Carl Vinson ở San Diego, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố sẽ “mài sắc khía cạnh quân sự” để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Ông Carter nói Mỹ sẽ tiếp tục chiến lược “xoay trục sang châu Á” và muốn đảm bảo Washington vẫn là “đối tác an ninh chiến lược mạnh nhất được lựa chọn”.
Ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định châu Á – Thái Bình Dương là “vùng quan trọng nhất cho tương lai của Mỹ” và sự hiện diện quân sự của Washington tại đây mang tầm quan trọng cỡ “chiến lược cơ bản”.
Theo Carter, Mỹ sẽ tăng mạnh đầu tư tác chiến hệ thống, tác chiến điện tử và không gian ở châu Á – Thái Bình Dương hứa hẹn tạo ra “một số ngạc nhiên”, song ông không tiết lộ thêm chi tiết.
Trong phản ứng ngược lại, chuyên gia quân sự nổi tiếng hiếu chiến Lý Kiệt của Trung Quốc tuyên bố không quân nước này đủ sức chống lại Mỹ ở biển Đông. Cuối tháng trước, Trung Quốc có cuộc tập trận tầm xa và tuần tra với sự tham gia của hơn 40 phi cơ đến từ các đơn vị không quân khác nhau, điều được Lý Kiệt nói là chứng minh cho khả năng của Trung Quốc “chống lại sự can thiệp của Mỹ” vào các vấn đề ở biển Đông.
Đây là cuộc tập trận thứ hai của Bắc Kinh trong tháng 9, lần thứ 6 cho không quân bay qua “chuỗi đảo thứ nhất”, thuật ngữ được truyền thông Trung Quốc dùng để chỉ các quần đảo gần bờ biển Đông Á – nơi Washington tạo vòng kiềm tỏa Bắc Kinh.
Theo Nông Nghiệp