Mỹ: Tăng tỷ lệ giới trẻ điều trị sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thanh niên tại nước này từ 20-24 tuổi được điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng lên trong giai đoạn dịch COVID-19.
Ảnh minh họa: Getty Images
Theo CDC, gần 22% thanh niên trong độ tuổi trên đã được điều trị sức khỏe tâm thần trong năm 2021, tăng từ mức 19% ghi nhận trong năm 2019.
Nhà dịch tễ học tâm thần Calliope Holingue nhận định mức tăng này có thể là do sự liên quan giữa nhu cầu điều trị gia tăng và khả năng tiếp cận với việc điều trị tốt hơn. Bà nói thêm rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu chăm sóc sức khỏe bản thân.
Trong khi đó, kênh truyền hình CNN nhấn mạnh báo cáo của CDC cho thấy nhìn chung việc gia tăng số người điều trị sức khỏe tâm thần phần lớn là do những người trưởng thành dưới 45 tuổi. Cụ thể, nhóm từ 18 – 44 tuổi ít có khả năng được điều trị sức khỏe tâm thần nhất trong năm 2019, song trong 2 năm dịch COVID-19, tỷ lệ điều trị ở nhóm này đã tăng gần 5%.
Những xu hướng lớn trên thế giới sẽ định hình 20 năm tới
Trong một báo cáo công bố ngày 26/7, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) - cơ quan khoa học thuộc Chính phủ Australia - đã đưa ra một danh sách các xu hướng lớn trên toàn cầu sẽ định hình 20 năm tới.
Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. Ảnh minh họa: Getty Images
Trong ấn phẩm "Thế giới tương lai của chúng ta", một ấn bản định kỳ 10 năm ghi nhận các xu hướng lớn toàn cầu, CSIRO đã chỉ ra 7 xu hướng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ định hình thế giới 20 năm tới, trong đó có thích ứng với biến đổi khí hậu, thách thức đối với sức khỏe con người gia tăng và xu hướng ngày càng phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Stefan Hajkowicz, đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết một số xu hướng đã được thảo luận rộng rãi, trong khi các xu hướng khác mới hơn và liên quan trực tiếp tới những gì đã trải qua trong đại dịch COVID-19. Các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu hiểu được những tác động lâu dài có thể xảy ra của đại dịch đối với sức khỏe tâm thần và bệnh mãn tính.
Báo cáo cảnh báo đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các thách thức đối với sức khỏe con người, theo đó tại Australia cứ 5 người thì có một người hiện đang bị ảnh hưởng tâm lý mức cao hoặc rất cao trong đại dịch.
Thêm vào đó, sự bùng nổ số hóa do đại dịch, việc tập trung nguồn lực giải quyết những khó khăn về nguồn tài nguyên, bao gồm an ninh lương thực, cũng được xác định là những xu hướng lớn đáng kể.
Theo báo cáo, chỉ số niềm tin cao kỷ lục của người dân Australia vào các tổ chức trong đại dịch đã sụt giảm nghiêm trọng. Trong hai năm 2020 và 2021, chỉ số niềm tin vào khối doanh nghiệp giảm 7,9% và niềm tin vào chính phủ giảm 14,8%.
Tuy nhiên, ông Larry Marshall, Giám đốc điều hành của CSIRO cho rằng những thách thức sẽ giúp con người tạo ra những phát kiến mạnh mẽ nhất theo cách khoa học nhất. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta đang có cơ hội sử dụng khoa học để tạo ra thế giới mà chúng ta muốn, nhưng chúng ta phải hành động và phải làm điều đó cùng nhau".
Nhật Bản: Giám định sức khỏe tâm thần của nghi phạm sát hại ông Abe Shinzo Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 25/7, các công tố viên Nhật Bản đã chuyển nghi phạm sát hại cựu Thủ tướng Abe Shinzo từ một đồn cảnh sát ở thành phố Nara (tỉnh Nara) tới một trại giam ở thành phố Osaka (tỉnh Osaka) để làm kiểm tra về sức khỏe tâm thần. Lực lượng an ninh bắt giữ nghi phạm...