Mỹ “tấn công” vào thị trường vũ khí Ấn Độ
Báo The Hindu của Ấn Độ ngày 21-12 cho biết, trong chuyến thăm Niu Đê-li của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) nhân dịp kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ (26-1), Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ ký thỏa thuận khung mới về hợp tác quốc phòng có thời hạn 10 năm, thay thế thỏa thuận được ký hồi tháng 6-2005. Nếu thỏa thuận trên được ký kết, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn, mở ra cơ hội để Lầu Năm Góc “tấn công” vào thị trường vũ khí của Ấn Độ…
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn được ký năm 2005 cho phép hai bên mở rộng trao đổi quốc phòng, chuyển nhượng công nghệ, đồng sản xuất và phối hợp chống khủng bố, bảo đảm an ninh và ổn định. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã mua một khối lượng vũ khí khổng lồ trị giá khoảng 10 tỷ USD từ Mỹ, chủ yếu là thông qua các chương trình bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của Chính phủ Mỹ. Theo Tạp chí quốc phòng IHS Jane’s của Anh, nếu năm 2009, Ấn Độ mới chỉ nhập khẩu 200 triệu USD thiết bị quân sự từ Mỹ thì đến năm 2013, con số này đã vọt lên mức 2 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc kể từ năm 2011, Mỹ đã thế chỗ Nga trở thành nhà cung cấp trang thiết bị quân sự chính của Niu Đê-li.
Ấn Độ đang nỗ lực hoàn tất thương vụ mua 22 máy bay lên thẳng tấn công Apache của Mỹ. Ảnh: Flick
Tuy nhiên, thỏa thuận về hợp tác quốc phòng ký năm 2005 chưa thể thay đổi và hoàn toàn không làm sâu thêm mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Mỹ và Ấn Độ có thể liên kết với nhau bởi những mối quan tâm chung như: Kiềm chế sức mạnh đang lên của Trung Quốc, hợp tác ở Áp-ga-ni-xtan sau khi Mỹ rút đi, hay an ninh hàng hải ở châu Á. Nhưng cả hai nước vẫn thiếu sự tin tưởng dựa vào lịch sử quan hệ của hai nước. Sự khẳng định của Ấn Độ trong tự chủ chính sách đối ngoại tại các thời điểm làm khó Mỹ trong việc đặt cược chiến lược vào Ấn Độ để duy trì ổn định ở châu Á.
Trong khi đó, về tổng thể, Nga vẫn là bạn hàng vũ khí lớn nhất của Ấn Độ với tổng kim ngạch mua bán vũ khí hơn 40 tỷ USD. Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga V.Pu-tin đầu tháng 12 này, Mát-xcơ-va và Niu Đê-li đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới. Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi (N.Modi) cũng đã mời Nga tham gia dự án sản xuất máy bay lên thẳng hạng nhẹ, trị giá 3 tỷ USD. Đây là “chiếc vé” lớn nhất trong sáng kiến “make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) thuộc lĩnh vực quốc phòng mà ông Mô-đi vừa khởi xướng. Hiện nay, hai bên đang thương lượng để soạn thảo chi tiết nhằm tiến tới sớm ký kết hợp đồng này. Theo Báo The Hindu ra ngày 22-12, loại máy bay lên thẳng ban đầu sẽ được sản xuất để đáp ứng nhu cầu của LLVT Ấn Độ, sau đó mới tính đến khả năng xuất khẩu. Phó thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Rô-gô-din (Dmitry Rogozin) cho hay, theo Bản ghi nhớ, Nga sẽ lắp ráp 400 máy bay lên thẳng Kamov-226T hiện đại tại Ấn Độ theo công nghệ của Nga.
Mối quan hệ mật thiết trong lĩnh vực quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay buộc Mỹ phải tìm cách chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này. Do đó, việc Mỹ và Ấn Độ dự kiến ký thỏa thuận khung mới về quốc phòng cùng với việc một vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ được mời làm khách chính trong Lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ vào ngày 26-1-2015 sẽ là biểu tượng quan trọng về mối quan hệ quốc phòng ngày càng phát triển giữa hai nước.
Theo Báo The Hindu, thỏa thuận khung mới về quốc phòng Mỹ-Ấn đã được hoàn tất và đang chờ thông qua lần cuối. Báo trên tiết lộ, theo thỏa thuận khung mới này, Mỹ và Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc họp thường xuyên giữa các quân chủng, nâng cấp sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng, nâng cấp các cuộc tập trận cũng như các “đối tác tri thức” giữa các trường đào tạo quốc phòng hai nước. Dự kiến, Hải quân Ấn Độ sẽ mua khoảng 6-8 máy bay do thám không người lái tầm xa và tầm cao Global Hawk của Mỹ để tăng cường hoạt động giám sát đại dương. Những máy bay này đã được nâng cấp như máy bay giám sát biển MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ, được sử dụng trong hoạt động tình báo, giám sát, do thám tại các vùng đại dương và khu vực bờ biển rộng lớn. Nếu thương vụ trên thành công thì quân đội Ấn Độ sẽ được tăng cường năng lực giám sát hoạt động của khủng bố xuyên biên giới, hoặc theo dõi những tàu khả nghi ở ngoài khơi.
Ngoài thương vụ trên, Ấn Độ cũng đang nỗ lực hoàn tất tiến trình thương lượng để mua 22 máy bay lên thẳng tấn công Apache và 15 máy bay lên thẳng Chinook của Mỹ, trị giá 2,5 tỷ USD. Thương vụ này hiện vẫn còn phải chờ nội các Ấn Độ thông qua, nhưng nếu hoàn tất, đây sẽ ví dụ mới nhất cho sự thay đổi lớn trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.
Theo Quân Đội Nhân Dân