Mỹ tái xác nhận cam kết sẽ “bảo vệ Hàn Quốc”
Theo đài KBS, Mỹ đã tái xác nhận sẽ không có thay đổi trong cam kết bảo vệ Hàn Quốc dù tuyên bố áp dụng chiến lược quốc phòng mới.
Lính Mỹ và lính Hàn Quốc canh gác ở khu vực biên giới với Triều Tiền (Nguồn: Getty Images)
Trong cuộc họp giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jung Seung-jo và người đồng cấp Mỹ Martin Dempsey hôm 25/1 tại Washington, Mỹ cho biết, chiến lược quốc phòng mới sẽ không ảnh hưởng tới cam kết bảo vệ Seoul của Washington.
Lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng đã ký “Hướng dẫn kế hoạch chiến lược” nhằm đối phó với những khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên. Kế hoạch tác chiến này được soạn thảo sau khi Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, nằm gần đường ranh giới liên Triều trên Hoàng Hải.
Theo hướng dẫn này, Hàn Quốc sẽ chủ động chỉ huy tác chiến dưới sự trợ giúp của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ nếu Bắc Triều Tiên có hành động khiêu chiến.
Video đang HOT
Trong cuộc họp, Chủ tịch Jung đã đề nghị Washington hợp tác trong việc xúc tiến chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến vào năm 2015 đồng thời thông báo tình hình bán đảo Triều Tiên sau sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il.
Trong một diễn biến liên quan, trong bức thông điệp liên bang đọc trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên đã không đề cập đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên kể từ sau khi lên nắm quyền./.
Theo TTXVN
Trung Quốc quan ngại chiến lược quốc phòng mới của Mỹ
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc bình luận rằng chiến lược mới của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Obama thông báo chiến lược quốc phòng mới hướng tới châu Á hôm 5/1. Ảnh: americanparchment
Thông tấn xã Trung Quốc đăng bài phân tích về chiến lược quốc phòng mới tập trung vào châu Á của Mỹ, gọi đây là hành động "phô diễn sức mạnh". Tân Hoa cho rằng sự hiện diện của Mỹ có thể thúc đẩy ổn định, phát triển nhưng cũng có thể "đe dọa nền hòa bình" của khu vực.
Trung Quốc cho biết sự có mặt của Mỹ sẽ giúp Bắc Kinh duy trì "môi trường hòa bình" trong khu vực trong khi nước này tập trung phát triển kinh tế. Nhưng Trung Quốc cảnh báo Mỹ "nên tránh phô diễn sức mạnh vì điều này không giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực".
Tuy chưa có quan chức Trung Quốc nào có phản ứng chính thức trước chiến lược quân sự mới của Mỹ, nhưng Tân Hoa xã là cơ quan ngôn luận của đảng, nên các bài bình luận của hãng phần nào phản ánh quan điểm của Bắc Kinh.
Bài viết trên Tân Hoa Xã nhận xét: "Trên thế giới, Mỹ có khả năng lớn nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định nhưng cũng có sức mạnh lớn nhất để gây ra sự bất ổn. Với sức mạnh đi kèm với trách nhiệm, Mỹ cần thực hiện cẩn trọng sức mạnh quân sự của mình".
"Nếu Mỹ không sử dụng sức mạnh quân sự một cách khéo léo tại châu Á - Thái Bình Dương, thì chẳng khác nào con bò trong cửa hàng đồ sứ, sẽ làm ảnh hưởng đến ổn định trong khu vực, thay vì duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển".
Thông tấn xã Trung Quốc cũng bình luận thêm, trong thập kỷ qua, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, làm thiệt hại lực lượng lớn binh sĩ và tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD.
"Hai cuộc chiến đã trở thành gánh nặng với Mỹ và Mỹ nên ghi nhớ những kinh nghiệm trong quá khứ, lịch sử dạy chúng ta rằng sự can thiệp quân sự của một nước không thể mở ra hòa bình lâu dài và thịnh vượng cho nước khác. Mỹ nên đóng vai trò một người xây dựng ở châu Á, thay vì sử dụng chủ nghĩa quân phiệt", bài bình luận có đoạn.
Ngoài bài đăng trên Tân Hoa Xã, các quan chức Bắc Kinh chưa có lời bình luận nào. Nhưng tờ báo Hoàn cầu, phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo của đảng cầm quyền, khẳng định: "Washington không thể ngăn chặn được sự trỗi dậy của Trung Quốc" và kêu gọi quân đội phát triển vũ khí tầm xa để chống lại hải quân Mỹ.
Theo BBC, quyết định của Mỹ chuyển sự tập trung vào châu Á không gây bất ngờ với giới chức Trung Quốc nhưng các quan chức tại Bắc Kinh vẫn coi đó là chính sách nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của mình.
Động thái trên của báo chí Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố "sẽ tăng cường hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương" hôm 5/1 và khẳng định "việc cắt giảm ngân sách quốc phòng không ảnh hưởng đến chi phí quân sự ở khu vực trọng điểm này".
Trong chiến lược quốc phòng dài hạn, Mỹ dự định sẽ cắt giảm 450 tỷ USD ngân sách dành cho quân đội và giảm 10-15% số lục quân và thủy thủy quân lục chiến trong thập kỷ tới. Ông Obama nói "đỉnh điểm của chiến tranh đã thoái trào" tại Afghanistan và nước Mỹ cần phải khôi phục sức mạnh kinh tế.
Cũng theo ông Obama, Mỹ sẽ đảm bảo an ninh quốc gia bằng những lực lượng an ninh thông thường, nhỏ gọn nhưng linh hoạt hơn. Tổng thống cam kết xóa bỏ hệ thống quân sự lỗi thời từ Chiến tranh Lạnh, tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết cho tương lai, bao gồm tình báo, giám sát, do thám và chống khủng bố.
Theo VNExpress
Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, châu Á là điểm nhấn Tổng thống Barack Obama ngày 5/1 đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương bất chấp ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nhiều tỷ USD. Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Cùng xuất diện với Bộ trưởng...