Mỹ soạn dự luật đối phó Trung Quốc
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện chỉ thị các nghị sĩ soạn gói biện pháp đối phó Trung Quốc, củng cố sự cứng rắn lưỡng đảng với Bắc Kinh.
“Trong cuộc họp kín hôm nay, tôi đã chỉ thị chủ tịch và thành viên các ủy ban liên quan bắt đầu soạn thảo gói dự luật để giành ưu thế trong cạnh tranh với Trung Quốc và tạo việc làm mới cho người Mỹ”, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết tại cuộc họp báo hàng tuần hôm 23/2.
Dự luật được cho là tận dụng quan điểm cứng rắn của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh tại quốc hội để củng cố lĩnh vực công nghệ của Mỹ và chống lại các hành vi kinh tế bất công. Schumer cho biết dự luật dựa trên đạo luật ông đề xuất năm ngoái để tìm kiếm ngân sách 100 tỷ USD nhằm thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử và chất bán dẫn.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tại cuộc họp báo ở quốc hội tháng 12/2020. Ảnh: Reuters .
Gói biện pháp năm nay sẽ nhằm đầu tư vào sản xuất, khoa học và công nghệ, chuỗi cung ứng và chất bán dẫn của Mỹ. Schumer nói ông dự định trình dự luật lên Thượng viện vào “mùa xuân này”.
Video đang HOT
Là một phần của gói biện pháp này, các thượng nghị sĩ cũng đang xem xét việc cung cấp kinh phí khẩn cấp để thực hiện các chương trình bán dẫn lưỡng đảng nằm trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm ngoái.
“Tôi muốn dự luật này đề cập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của Mỹ nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng chất bán dẫn của chúng ta và giữ chúng ta ở vị trí số 1 về AI (trí tuệ nhân tạo), mạng 5G, điện toán lượng tử, nghiên cứu y sinh, lưu trữ, tất cả những thứ này đều là một phần của dự luật”, Schumer cho hay.
Đề xuất soạn thảo dự luật được đưa ra khi đảng Cộng hòa tăng áp lực lên Tổng thống Joe Biden để nối tiếp chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Bắc Kinh. Chính quyền Biden cho biết họ đang xem xét các chương trình ứng phó với Trung Quốc và cam kết sẽ có cách tiếp cận cứng rắn, nhưng đa phương hơn với Bắc Kinh.
Thông báo cũng được đưa ra trong bối cảnh một số nhà sản xuất ô tô Mỹ đã sản xuất chậm lại do thiếu chip bán dẫn. Sự khan hiếm một phần do sự bùng nổ nhu cầu điện thoại di động và máy tính trong thời đại dịch Covid-19.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) hoan nghênh thông báo của Schumer, kêu gọi Biden và quốc hội “mạnh dạn” đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong nước.
“Làm như vậy sẽ giúp Mỹ luôn dẫn đầu trong công nghệ nền tảng này, đồng thời củng cố nền kinh tế, tạo việc làm, an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”, CEO SIA John Neuffer cho biết.
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng có kế hoạch gặp Biden tại Nhà Trắng hôm nay để thảo luận về các vấn đề về chuỗi cung ứng, gồm chip bán dẫn.
Phe Dân chủ, Cộng hòa bất đồng về cách điều hành Thượng viện
Bất đồng giữa lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa về quy tắc cốt lõi khiến hai đảng không đạt được thỏa thuận điều hành Thượng viện.
Mitch McConnell, nghị sĩ Cộng hòa, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, đã yêu cầu giữ quy tắc lâu đời của Thượng viện là để thông qua dự thảo luật, cần đảm bảo đa số 60 phiếu tán thành. Tuy nhiên, Chuck Schumer, nghị sĩ Dân chủ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, đã phản đối.
"Mọi thứ đang tạm dừng. Tôi có rất nhiều điều đang muốn làm", Dick Durbin, lãnh đạo thứ hai của phe Dân chủ tại Thượng viện, nói hôm 21/1.
Lãnh đạo phe Thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer (cà vạt xanh) và lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell trong phiên họp quốc hội hôm 6/1. Ảnh: Reuters
Đảng Dân chủ trở thành phe đa số tại Thượng viện sau khi hai nghị sĩ đắc cử ở bang Georgia tuyên thệ nhậm chức. Với việc hai thành viên mới nhất của Thượng viện tuyên thệ nhậm chức, tỷ lệ ghế giữa hai đảng hiện là 50-50. Điều đó đồng nghĩa đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện vì Phó Tổng thống Kamala Harris đóng vai trò chủ tịch cơ quan này.
Nhưng không thể trông đợi bà có mặt ở Thượng viện mỗi ngày để quyết định mọi tranh chấp. Vì vậy, Schumer và McConnell đã bắt đầu thảo luận từ đầu tuần về một thỏa thuận chia sẻ quyền lực để điều hành các hoạt động thường ngày, tương tự như thỏa thuận cách đây 20 năm khi tỷ lệ ghế giữa hai đảng trong Thượng viện cũng là 50-50.
McConnell muốn Schumer cam kết bảo vệ quy tắc lâu nay, điều mà một số đảng viên cấp tiến của Dân chủ đã đề nghị bỏ qua để đảng Dân chủ có thể thông qua chương trình nghị sự mình đề ra mà không cần đảng Cộng hòa ủng hộ, hay còn gọi là "lựa chọn hạt nhân".
"Tôi không thể tưởng tượng được lãnh đạo phe Dân chủ thà tình nguyện thực hiện thỏa thuận phân chia quyền lực, hơn là đơn giản tái khẳng định phe của ông ấy sẽ không phá vỡ quy định lâu nay của Thượng viện", McConnell nói hôm 21/1.
Đảng Dân chủ có thể đơn phương thay đổi quy tắc để thông qua điều luật, nếu tất cả 50 nghị sĩ và Phó tổng thống Harris đều đồng ý. Trong những năm gần đây, các quy tắc của Thượng viện đã cải cách, cho phép thông qua hầu hết các đề xuất bổ nhiệm của cơ quan tư pháp và nội các theo quy tắc đa số, không bao gồm điều luật.
Schumer từ chối yêu cầu của McConnell, cho biết ông không muốn có bất kỳ điều khoản "không liên quan nào" trong thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Các đảng viên Dân chủ ôn hòa như Thượng nghị sĩ Joe Manchin ủng hộ giữ nguyên quy định trước, nhưng cũng ủng hộ việc Schumer kiên trì quan điểm và không hứa hẹn bất kỳ điều gì với McConnell, giữ nguyên lời đe dọa sẽ sử dụng quyền "lựa chọn hạt nhân" nếu đảng Cộng hòa không hợp tác.
"Chuck có quyền làm việc đó", Manchin nói. "Ông ấy có quyền sử dụng lựa chọn này để thực hiện điều mình muốn làm".
Thượng viện tha bổng Trump Thượng viện Mỹ không hội đủ số phiếu để kết tội Trump kích động bạo loạn, chấm dứt nỗ lực luận tội ông lần thứ hai của phe Dân chủ. Thượng viện chiều 13/2 (sáng 14/2 giờ Hà Nội) bỏ phiếu với tỷ lệ 57 phiếu thuận, 43 phiếu chống trong cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump kích động cuộc bạo loạn...