Mỹ sẽ ký ‘hiệp ước tiền tệ’ với Trung Quốc?
Thỏa thuận mới sẽ giúp ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ – công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để đối phó với các mức thuế mới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng ký kết thỏa thuận tiền tệ đã đàm phán trước đây với Trung Quốc. Washington dự tính rằng đây sẽ là “ giai đoạn đầu tiên” trong thỏa thuận thương mại chung cuối cùng với Trung Quốc. Thông tin này được tờ Bloomberg, trích dẫn các nguồn tin, cho biết.
Ấn phẩm của Mỹ nói rõ rằng, vào tháng 2/2019, các bên từng đi đến nhất trí về việc ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ – loại tiền tệ mà Trung Quốc đã cố tình làm suy yếu để đối phó với các mức thuế mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khi đó lại không hề tiết lộ bất kỳ chi tiết nào, cho dù ông đã gọi đây là thỏa thuận “ mạnh nhất” trong lịch sử. Không may là, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc sau đó đổ vỡ – Bloomberg giải thích.
Mỹ sẽ ký ‘hiệp ước tiền tệ’ với Trung Quốc? (Ảnh: Bloomberg)
Các chuyên gia dự báo rằng sau khi ký kết thỏa thuận về tiền tệ, các bên sẽ có thể chuyển sang đàm phán về các vấn đề quan trọng khác, bao gồm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.
Các thông tin tiết lộ về kế hoạch của chính quyền Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã có mặt tại Washington, nơi họ sẽ nối lại đàm phán với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và ông Mnuchin. Đây là cuộc gặp gỡ cá nhân đầu tiên của các quan chức cấp cao hai nước kể từ tháng 7/2019.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Bloomberg cũng chú ý đến tuyên bố của ông Lighthizer hồi tháng 2. Theo đó, “ hiệp ước tiền tệ” sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận chung cuối cùng: “ Không thể có thỏa thuận riêng về bất cứ điều gì cho đến khi đạt được thỏa thuận chung về mọi thứ. Nhưng thực tế là chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho vấn đề tiền tệ, và nó sẽ được thực hiện“.
Ngày 1/10 đáng lẽ là ngày mức thuế mới mà Mỹ áp lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD (nâng từ 25% lên 30%) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận dời ngày tăng thuế đến 15/10 theo yêu cầu của ông Lưu Hạc và cũng vì lý do – ngày 1/10 là ngày Quốc khánh Trung Quốc.
(Nguồn: Bloomberg)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Thương chiến Mỹ-Trung sẽ đi về đâu?
Cuộc đối đầu thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhiều khả năng còn tiếp tục leo thang, ít nhất là đến hết năm 2020.
Hơn 1 năm qua, Washington và Bắc Kinh dắt tay nhau qua hơn chục vòng đàm phán với hy vọng tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng.
Ngày 10-11/10 tới tại Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia cuộc thương thảo với các quan chức Mỹ trong vòng đàm phán thứ 13. Tuy nhiên, những bất đồng trong hàng loạt các vấn đề giữa 2 bên khiến giới quan sát tin rằng cuộc thảo luận vào cuối tuần này sẽ không đem lại đột phá.
Phái đoàn Mỹ - Trung đàm phán tại Washington. (Ảnh: SCMP)
Chưa ai rõ những gì sẽ diễn ra tiếp theo sau mốc đàm phán sắp tới, nhưng các chuyên gia cho rằng thương chiến Mỹ -Trung Quốc sẽ dẫn đến một trong hai giải pháp:
Tạm đình chiến do một trong hai nước nhượng bộ, có thể vì lý do kinh tế hay có thể vì lý do chính trị. Trung Quốc có thể nhượng bộ vì sợ khủng hoảng kinh tế và dân chúng mất việc làm sẽ nổi loạn. Thêm vào đó, Mỹ càng ngày càng đem những yếu tố khác vào như là Hong Kong, vv. để ép Trung Quốc. Măt khác, Mỹ cũng có thể nhượng bộ vì lý do bầu cử sắp đến và vì lo ngại về suy thoái kinh tế tạo ra nhiều áp lực chính trị trong nước. Lẽ dĩ nhiên nước nào nhượng bộ cũng đều nêu một lý do thật là "chính đáng" bên ngoài để che lấp lý do của mình.
Tiếp tục tiến xa hơn trong cuộc chiến. Trừ khi có thỏa hiệp giữa Trump và Tâp, cuộc chiến thương mại rất dễ leo thang. Mỹ có thể tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc cũng có thể làm như vậy đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Trung Quốc có thể thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Trump đã thẳng thắn kêu các công ty Mỹ rời Trung Quốc đi các nước khác, nhất là về lại Mỹ. Tổng thống Trump đang theo đuổi việc thực hiện các cam kết chính trị của mình. Ông Trump cũng nhiều lần nói rằng, Mỹ không muốn một thỏa thuận "hẹp" với Trung Quốc mà đó phải là một thỏa thuận toàn diện, và quan trọng là có lợi cho Mỹ. Do đó, khả năng cao là Mỹ sẽ có thêm nhiều hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đặt ra về giảm thâm hụt cán cân thương mại.
Mỹ từ lâu coi Trung Quốc là "trung tâm mọi rắc rối thương mại của Mỹ", là "nguyên nhân thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ".
Một số người cho rằng Trung Quốc có thể bán số lượng Tín phiếu Kho bạc (Treasury Bills) của Mỹ mà Trung Quốc đang cất giữ như tài sản (khoảng 5 % tổng số nợ của Mỹ) và điều đó sẽ tạo áp lực lên phía Mỹ. Nhưng chuyên đó khó có thể xảy ra vì hai lý do. Thứ nhất, hiện tại trên thế giới không có công cụ tài chánh gì chắc ăn bằng công khố phiếu Tín phiếu Kho bạc của Mỹ. Thứ hai, nếu Trung Quốc bán Tín phiếu Kho bạc, giá của Tín phiếu Kho bạc sẽ giảm mạnh, làm giảm giá trị tài sản trong nước cũng như trữ lượng của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc. Vì vây Trung Quốc sẽ là người bị thiêt thòi đầu tiên.
Mỹ cũng có thể dùng những biên pháp cứng rắn hơn. Mỹ có thể cắt các ngân hàng Trung Quốc khỏi các hệ thống thanh toán và thanh toán bằng đô la Mỹ, giống như họ đã làm với Iran. Họ cũng có thể đóng băng tài sản ở nước ngoài của các công ty nhà nước Trung Quốc và cấm các tổ chức tài chính của Mỹ đầu tư vào thị trường trái phiếu và vốn cổ phần của Trung Quốc. Những biên pháp này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc.
Nhưng dù giải pháp 1 hay 2 xảy ra, mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ quay lùi lại mức độ đã có trong ba thập niên qua. Dù là đảng Công hoà hay Dân chủ lên cầm quyền, Mỹ sẽ làm mọi cách để ngăn ngừa Trung Quốc đe dọa vị trí của Mỹ trên thế giới. Các nước khác trên thế giới cũng nhìn thấy điều này và vô hình chung thế giới sẽ được chia thành hai phe: phe Trung Quốc và phe không Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo. Điều này chưa chắc sẽ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nhưng ít ra sẽ tạo ra nhiều khó khăn trên đường tiến lên của Trung Quốc.
Với những lý do trên có thể nhận định rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhiều khả năng còn tiếp tục leo thang, ít nhất là đến hết năm 2020 vì đây không phải là cuộc chiến tranh thương mại đơn thuần mà sâu sa hơn, đó là cuộc cạnh tranh giành vị thế chính trị và kinh tế.
Điều này đã, đang gây tác động không nhỏ tới nền kinh tế của cả hai nước, cũng như các nền kinh tế mở khác trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, cho nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh này đưa lại, tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, giới phân tích cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội. Chính phủ Việt Nam cần nâng cao vai trò quản lý, hướng dẫn kết hợp. Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần biết tận dụng, cập nhật, nâng cao chất lượng để biến những khó khăn thành cơ hội cho chính mình.
(Tổng hợp)
MỸ TRUNG
Theo VTC
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ sang Mỹ đàm phán Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington (Mỹ) tham dự vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa hai nước. Chiều nay (29/9), Trung Quốc chính thức xác nhận việc Trưởng đoàn đàm phán thương mại cấp cao của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ sang Mỹ đàm phán sau dịp Quốc khánh nước...